Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích nhân vật Liên hay chọn lọc

Phân tích nhân vật Liên hay chọn lọc vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu làm bài văn mẫu lớp 12 nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

I. Dàn ý phân tích nhân vật Liên

I. Mở bài:

Thạch Lam là một trong những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam trước cách mạng tháng Tám với tác phẩm “ Hai đứa trẻ”. Qua việc xây dựng nhân vật Liên, nhà văn đã tái hiện thành công cuộc sống nghèo khổ, quẩn quanh trong bế tắc cùng vẻ đẹp tâm hồn con người luôn hướng đến tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn.

II. Thân bài:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

– Đi sâu vào những kiếp sống mòn mỏi, quẩn quanh trong bế tắc không lối thoát của những con người sống vô danh, vô nghĩa với những khám phá tinh vi về suy nghĩ, tâm hồn con người.

– Xây dựng nhân vật Liên trong một cuộc sống đang dần “ mốc lên, mòn ra, rỉ đi” với một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, một trái tim nhân hậu của một con người biết yêu thương, luôn ước mơ, khao khát hướng tới ánh sáng.

2. Nhân vật Liên:

*Lý do chọn điểm nhìn trần thuật là Liên:

– Đã từng sống ở Hà Nội trái ngược hoàn toàn với phố huyện yên tĩnh, đen tối, nghèo khó. Do đó, cô dễ có nhận thức sâu sắc về nỗi buồn, sự tù túng và hoài niệm về quá khứ.

– Liên là một cô gái mới lớn có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm nên dễ xúc động với nỗi khổ đau của con người.

*Vẻ đẹp tâm hồn:

– Nhạy cảm, tinh tế:

+ Lắng nghe được cả những âm thanh rất nhỏ của buổi chiều làng quê và có cái nhìn bao quát cả khung trời phía Tây rực rỡ trong ánh hoàng hôn.

=> Ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen và trong lòng gợi lên một nỗi buồn man mác.

Gắn bó với mảnh đất này đến mức “ thuộc cả mùi cát bụi”.
Nhận ra vẻ đẹp bình dị của quê hương “ một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”.

-Trái tim nhân hậu biết yêu thương:

Thương mẹ con chị Tí ngày mò cua bắt tép, tối động hàng nước nhưng bán được chẳng bao nhiêu.
Liên ái ngại trước gia đình bác Xẩm lê lết trên mảnh chiếu rách với cái thau sắt trống không, đứa con đã chạm đến nghịch đất.
Dành tình thương cho bà cụ Thi điên qua một cút rượu ti đầy,…
– Luôn khao khát tương lai và hướng tới ánh sáng.

+ Kiếm tìm từng ánh sáng nhỏ nhoi nơi phố huyện mịt mùng và hướng tới chúng. Hướng tới ánh sáng như một hành động hướng tới một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

+ Khao khát tương lai qua cảnh đợi tàu:

Cố thức đợi tàu vì chuyến tàu là hoạt động cuối cùng của đêm khuya và mang theo nỗi niềm ưu tư của một cô gái mới lớn.
Chuyến tàu qua mang đến ánh sáng, âm thanh và những con người trái ngược hoàn toàn với ánh sáng, âm thanh, con người của phố huyện tịch mịch bóng tối và tàu đi qua trả lại sự yên tĩnh cho phố huyện và đêm đen mịt mùng lại bủa vây.
=> Chuyến tàu qua là một giải pháp tình thế thể hiện ước mơ thay đổi cuộc sống. “ Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho cuộc sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

- Liên được xây dựng thành công qua nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lý tinh tế, chất thơ toả ra từ trong truyện ngắn trong lối viết nhẹ nhàng, giàu tình cảm đã giúp tác giả tái hiện thế giới nội tâm tinh vi của Liên và mang đến cho độc giả những day dứt, xót xa đồng thời trân trọng một tâm hồn người dù sống trong mù tối vẫn không thôi mơ ước.

III. Kết bài:

Hành động sống đẹp, sống có ý nghĩa, có khát vọng hướng tới tương lai tốt đẹp của Liên đã gieo vào lòng người niềm tin ở tương lai: dù trong hoàn cảnh nào, con người cũng phải nuôi dưỡng ước mơ. Những trang văn của Thạch Lam bởi vậy xứng đáng là trang văn “ thanh lọc tâm hồn con người”.

II. Phân tích nhân vật Liên

1. Phân tích nhân vật Liên mẫu 1

Nhà văn Thạch Lam đã quan niệm rất rõ rằng: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, lòng người trong sạch và phong phú hơn.” Chúng ta đem quan niệm này đến tác phẩm nổi bật nhất của Thạch Lam – “Hai đứa trẻ” thì quả thật đúng đắn. Tác giả cũng đã khiến người đọc không thể quên hay thoát li về hiện thức nơi phố huyện nghèo của những ngày tàn, của cả những kiếp người tàn. Đặc biệt hơn thì nhân vật Liên được xây dựng lên là nhân vật chính của truyện cũng đã để lại cho người đọc bao nhiêu suy nghĩ, cho dù sống trong khó khăn thì vẫn luôn tin tưởng vào cuộc sống.

Đọc giả yêu thích truyện ngắn Thạch Lam cũng sẽ nhận thấy được ở nhân vật Liên cũng không ngoại lệ trong những số phận mà Thạch Lam khắc họa trong truyện. Liên cũng phải chịu đựng cuộc sống tù túng, mòn mỏi và nhàm chán nơi phố huyện. Do hoàn cảnh gia đình sa sút nên gia đình Liên phải chuyển về quê sinh sống, đang ở chốn thành thị sầm uất hay được dẫn đi bờ hồ và được uống những cốc nước xanh đỏ thì giờ đây cuộc sống đổi khác. Gia đình Liên còn không dủ ăn và sống một cuộc sống mưu sinh vất vả.

Thế nhưng đối lập với hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống mưu sinh, nhân vật cô bé Liên vẫn giữ cho tâm hồn mình vẻ đẹp trong trẻo, hồn nhiên, tinh tế, nhạy cảm nhất. Ngay khi đứng trước cảnh tượng của buổi chiều tối, một chiều êm ả như ru thì người đọc cũng có thể nhận thấy được tâm hồn Liên cảm thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. Cũng với đôi mắt chị bón tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê lúc này đây dường như cứ thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Và rồi cũng trong phiên chợ tàn, chỉ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của Liên thì mới cảm nhận mùi đất thân thuộc của quê hương mà thôi, đó là “một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”. Khi phố huyện về đêm, một lần nữa tâm hồn mơ mộng trong sáng của trẻ thơ của Liên cũng lại bắt đầu bộc lộ. Có lẽ là chính vẻ trong sáng, mơ mộng, sự hồn nhiên của trẻ thơ trong Liên đã làm dịu đi, vơi cạn đi biết bao nhiêu vẻ gay gắt của mảnh đất nghèo khó, tù túng, mòn mỏi nơi đây. Khi Liên ngồi cùng An cùng ngước len ngắm nhìn con vịt theo sau ông Thần Nông và ngắm tất cả các vì sao lấp lánh trên bầu trời. Với chi tiết này người đọc mới nhận ra được chỉ có thể là một tâm hồn mơ mộng của trẻ thơ mới cảm nhận và ngắm nhìn một cách thú vị như thế được. Nếu như ở mặt đất đầy rẫy những bất hạnh và khó khăn thì chính tâm hồn Liên đã khúc xạ mà nhìn cuộc sống như tốt đẹp hơn, khác xa với nơi tù túng này.

Nhân vật Liên hiện lên không chỉ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm mà Liên còn có tám lòng yêu thương, ở Liên lại luôn biết đồng cảm chia sẻ với những số phận nghèo khổ, tủi cục. Mặc dù mới chuyển về từ thành phố nhưng Liên đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi. Ở nhân vật Liên luôn khát khao mãnh liệt của cô bé muốn hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn chứ nó không nhàm chán, nhạt nhẽo như những cô hồn vật vờ bóng ảnh ở nơi phố huyện như thế này nữa. Tất cả điều ấy đặc biệt được khắc họa qua cảnh chờ tàu. Có thể thấy được với Liên và An thì hình ảnh chuyến tàu như mang một thế giới khác, đó chính là một thế giới của ánh sáng, của những sôi động náo nhiệt. Với Liên thì hình ảnh chuyến tàu trở đi những khát khao, mơ mộng của Liên. Cô cũng đã ngồi đợi quan sát đoàn tàu từ xa khi mới chỉ là ngọn lửa xanh biếc như ma chơi cho đến khi một làn khói trắng bừng ra. Và chắc chắn rằng chỉ khi quan sát kĩ cô bé mới nhận ra đoàn tài hôm nay thưa vắng người và kém sáng hơn mà thôi.

Hình ảnh đoàn tàu nó như khiến Liên nhớ về Hà Nội về một nơi có những kí ức tươi đẹp và trong sáng của ấu thơ với những li nước xanh đỏ. Đó cũng chính là một cuộc sống đẹp, đầy đủ và ý nghĩa chứ không chìm nghỉm trong cái ao đời bằng phẳng, tù túng như nơi phố huyện nữa. Nhưng đồng thời hình ảnh đoàn tàu cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ước mơ và khát khao dường như thật mãnh liệt của cô bé Liên, gửi gắm biết bao nhiêu khát khao của những mầm dương khác.

Có thể thấy được chính cách miêu tả tâm lí nhân vật Liên một cách tâm lí, tinh tế, thì nhà văn Thạch Lam thật sự là một cây bút xuất sắc khi viết về trẻ thơ. Ông xứng đáng là một cây bút lớn khi viết về những số phận nhỏ bé vô danh đã không ngừng khát khao một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không dừng lại ở đó thì nhà văn Thạch Lam cũng đồng thời gửi gắm thông điệp của chính mình đó là: hãy cứu lấy những mầm dương mới nhú đừng để chúng tàn lụi trong bóng tối, một cuộc sống quẩn quanh, bế tắc như vậy.

2. Phân tích nhân vật Liên mẫu 2

Thạch Lam được mệnh danh là một trong những cây bút lãng mạn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Với lối viết giản dị, giàu cảm xúc những tác phẩm của ông đã để lại nhiều suy tư trong lòng người đọc. “Hai đứa trẻ” là một trong những tác phẩm như vậy. Với lối viết bình dị, tâm tình cùng nhiều cung bậc cảm xúc, Thạch Lam đã tạo ra một cô bé Liên với nhiều suy tư, ẩn chứa nhiều ý nghĩa.

“Hai đứa trẻ” được đánh giá là một tác phẩm lạ bởi chất trữ tình đã khiến một tác phẩm truyện lại như không phải là truyện. Câu chuyện là mảnh ghép của những lát cắt của một buổi chiều tà nơi phố huyện nghèo nàn. Bước ra từ tác phẩm là hình ảnh của kiếp người khác nhau trong cái nơi tù túng, đói khổ đó. Ngần ấy con người, mỗi người một công việc, một số phận, một câu chuyện nhưng họ cùng có một điểm chung là cuộc sống hằng ngày quanh quẩn bên cái đói, cái nghèo. Và tất cả đều chỉ quan tâm đến miếng cơm manh áo nhưng nổi bật lên trong bức tranh ấy là hình ảnh Liên với những khát vọng và mơ ước đẹp đẽ.

Qua ngòi bút của Thạch Lam, Liên hiện lên với dáng vẻ của một cô bé như đang già đi trước tuổi bởi khả năng quan sát cùng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm khó thấy được ở cái tuổi mười tám, đôi mươi. Ngay từ khi đứng trước khung cảnh của một buổi chiều tà, Liên đã cảm thấy long mình man mác buồn: “Cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của Liên, chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Nỗi buồn ấy là cái buồn mơ hồ, cái buồn của cái tuổi mới lớn, của một cô gái nhạy cảm với mọi cảnh vật xung quanh. Thạch Lam đã mở đầu tâm trạng buồn đấy của Liên bằng không gian của một chiều tối với tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài bờ ruộng. Cái khung cảnh ấy chính là khởi nguồn cho tâm trạng buồn bã của Liên. Và chính từ đây, trong cô dội lên một sự thương xót, đồng cảm đối với “những đứa trẻ con nhà nghèo” đang kiếm tìm, nhặt lại những mẩu vụn còn vương vãi trên nền đất của cái chợ quê nghèo.

Không chỉ quan sát, lắng nghe mà tâm hồn nhạy cảm của Liên còn cảm nhận được “Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”. Phải thân thuộc, gắn bó với mảnh đất này, phải thấm thía bao nhiêu cái nghèo khổ, vất vả của nơi đây thì cô bé mới cảm nhận được cái hương vị quen thuộc nhưng lại chẳng mấy ai để ý đó? Đến những câu chữ này, Liên hiện lên trong suy nghĩ của người đọc không chỉ là một cô bé nhạy cảm nữa mà còn có một tâm hồn trong sáng, một trái tim giàu trắc ẩn.

Và trong cái thời khắc ngày tàn đó, hình ảnh duy nhất mà hai chị Liên đang mong chờ, hy vọng là chuyến tàu đêm đi qua phố huyện nhỏ. Đối với hai chị em chuyến tàu mang theo đó ánh sáng về một tương lai được quay trở lại với cuộc sống của những ánh đèn xanh đỏ, của đồ ăn ngon, của sự giàu có. Đó là thế giới khác hẳn với cuộc sống ở cái phố huyện nghèo này.

Liên là một cô gái còn rất nhỏ nhưng với trái tim biết cảm thông, biết yêu thương, với những mong ước được hướng về tương lai tươi sáng, Liên có những sự quan sát tỉ mỉ những con người nơi đây. Liên thấy một bà cụ Thi điên say rượu rồi bỗng bật cười khanh khách rồi những bước chân, dáng hình đó cũng dần chìm vào bóng đêm còn tiếng cười thì cũng xa dần, xa mãi. Đó là hình ảnh hai mẹ con chị Tí ngày ngày dọn gánh nước chè mưu sinh nhưng lại chẳng kiếm được bao nhiêu. Ta còn thấy trong bức tranh là hình ảnh của bác phở Siêu cả đêm chẳng kiếm được đồng nào, hình ảnh cả gia đình bác Xẩm “run rẩy” bên chiếc đàn bầu cùng tiếng nhạc cứ khắc khoải mãi không thôi. Phố huyện nghèo, con người hiện lên trong phố huyện cũng nghèo nàn như thế. Ngần ấy con người trong phố huyện ngày ngày chỉ biết sống lầm lũi trong bóng đêm, sống qua ngày. Cái nghèo đói, khổ sở dường như cứ bám theo họ hết ngày này qua ngày khác. Cô bé nhỏ tuổi ấy đã nhìn thấy được sự bế tắc trong cuộc sống của chính miền quê cô đang sống. Đồng cảm với họ, thấu hiểu họ chính vì thế Liên càng mong ngóng chuyến tàu đêm đi qua – thứ ánh sáng duy nhất mang theo cuộc sống phồn hoa, giàu có cho cả phố huyện này.

Kết thúc câu chuyện là hình ảnh hai chị em Liên cùng nhau ngắm nhìn đoàn tàu đi qua rồi khuất dần, biến mất để lại trong Liên bao tiếc nuối, suy tư: ““Liên lặng theo mơ tưởng, Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng” khiến người đọc không khỏi xót xa.

Có thể thấy, xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh về một cô bé với tâm hồn nhạy, nhiều suy tư nhưng chính những mạch suy nghĩ đó của Liên đã phản ánh sự đối lập của hai thế giới: một bên là cuộc sống tươi đẹp, tràn ngập ánh sáng với bên còn lại là phố huyện nghèo nàn, vất vả. Từ đây Thạch Lam muốn cho người đọc thấy được cái cuộc sống đáng thương của những đứa trẻ nghèo, của những kiếp người nhỏ bé, vô danh trong cái xã hội khi mà đất nước vẫn đang chìm đắm trong nô lệ, nghèo đói.

Một tác phẩm theo khuynh hướng lãng mạn, một câu chuyện tưởng như không có cốt truyện nhưng lại lôi cuốn người đọc lạ kỳ bởi hình ảnh thiên nhiên, con người được miêu tả dù buồn, dù khổ cực nhưng vẫn toát lên những vẻ rất thơ của nó. Và chính cái bức tranh hiện thực chìm lấp sau cái thơ mộng trữ tình đó khiến người đọc càng thấm thía hơn cái giá trị nhân văn cốt lõi của tác phẩm để mà biết trân trọng hơn những giá trị đó.

Có thể nói Thạch Lam đã rất thành công trong việc xây dựng hình ảnh của Liên để từ đó gián tiếp truyền tải những triết lý sâu sắc của mình. Và có lẽ đây cũng chính là điều làm nên sự trường tồn cho tác phẩm.

3. Phân tích nhân vật Liên mẫu 3

Nói về văn chương, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng đưa ra nhận định: "Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người". Cho dù tác phẩm văn học có được sáng tác dưới bất kể hình thức nào, thời điểm nào thì các tác giả cũng hướng tới cuộc sống bằng mọi niềm vui hay nỗi buồn của con người. Cũng dựa trên quan điểm ấy, nhà văn Thạch Lam đã tạo nên những tác phẩm với dấu ấn của riêng mình với bút pháp hiện thực trữ tình với tác phẩm nổi bật chính là truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của ông. Bằng việc miêu tả bức tranh không gian nơi phố huyện nghèo, nhà văn đã khắc hoạ lên nhân vật Liên với những nét đẹp trong tâm hồn và tính cách - một cô bé hồn nhiên nhưng cũng giàu tình người và những khao khát về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bằng ngòi bút tài hoa của mình, nhà văn Thạch Lam đã khắc hoạ nên nhân vật Liên với những nét đẹp trong tâm hồn - một cô bé nhân hậu và có tấm lòng trắc ẩn đối với những mảnh đời khốn khó. Từ sâu thẳm trong trái tim non nớt ấy là những sự rung cảm mãnh liệt trước những kiếp người nghèo khó. Trước mắt của Liên là hình ảnh của những đứa trẻ con nhà nghèo đi nhặt nhạnh những thứ còn sót lại sau phiên chợ, là hình ảnh của mẹ con chị Tí, gia đình bác Xẩm với những gánh nặng về cơm áo gạo tiền đè lên vai khiến cuộc đời họ và một vòng đói nghèo luẩn quẩn khó có thể thoát ra. Trong lòng cô bé đã trào nên một nỗi niềm xót xa khó tả. Dường như cô bé không chỉ xót xa với những mảnh đời ấy mà cô còn đang xót xa cho cả gia đình của mình bởi gia đình cô bé cũng đang bị đè nén bởi những gánh nặng vật chất. Từ nỗi buồn trước cảnh ngày tàn, cô bé Liên đã đồng cảm với những người dân nghè nơi phố huyện, những mảnh đời lam lũ cơ cực. Có lẽ trái tim Liên đã cùng chung một nhịp đập với những con người ở nơi đây và rồi những tình cảm của cô bé ngày càng chất đầy trong tâm hồn. Mặc dù thương cảm với những con người nơi đây thế nhưng cô bé chẳng thể làm gì được, chỉ có thể lặng im chôn chặt những sự thương xót ấy ở tận đáy lòng. Những sự yêu thương, đồng cảm ấy trong Liên như một sự bế tắc không thể giải toả bởi chính cô bé cũng chẳng biết làm như thế nào để có thể cho họ chút niềm an ủi dù chỉ nhỏ nhoi. Thế nhưng cũng chính sự tuyệt vọng ấy càng khiến người đọc cảm nhận được những phẩm chất tốt đẹp của cô bé. Không chỉ là một người có trái tim tinh tế, biết đồng cảm với những kiếp người mà Liên còn là một người hiếu thảo, luôn yêu thương gia đình mình. Cô bé chẳng nề hà sự mệt nhọc, buồn ngủ lúc đêm mà chăm chỉ cùng em An trông hàng giúp mẹ. Cho dù cô bé cũng rất mệt sau một ngày dài nhưng đôi mắt cô bé vẫn theo thức bởi trong đó là tình yêu thương với cha mẹ, với em và cả những mảnh đời lay lắt nơi phố huyện. Thứ tình cảm nhẹ nhàng của Liên dường như đã khiến cái không gian phố huyện tối tăm ấy trở nên tươi đẹp hơn.

Cũng bởi tính cách của Liên đã vun trồng, tạo nên một tâm hồn đầy phong phú, khiến cô bé trở nên thật tinh tế và sâu sắc. Chính tình yêu cuộc sống ấy đã khiến cho tâm hồn của Liên bộc lộ ra hết những nét đẹp vốn có. Trước sự tàn lụi đơn thuần, lặp lại của thời gian mà Liên cũng cảm thấy "buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn". Có lẽ trong trái tim đầy nhạy cảm, cái thời khắc ngày tàn ấy làm lòng cô bé nhớ đến những kỉ niệm gia đình quây quần, vui vẻ bên nhau. Nhưng giờ đây bởi những gánh nặng của cuộc sống mà gia đình cô đâu được cảm nhận niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy nữa. Những nỗi buồn ấy đã hoà cùng sự đìu hiu nơi phố huyện. Có lẽ để tìm được sự giải toả, cô bé Liên "lặng ngước nhìn lên các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông". Dường như những ánh sáng của thiên nhiên, thứ ánh sáng hiếm hoi trong màn đêm nơi phố huyện này mới xua tan đi chút tiếc nuối và thắp lên những hy vong trong Liên. Cô bé nhớ về những ngày hạnh phúc trong quá khứ, nhưng quá khứ tươi đẹp ấy cũng đã lụi tàn và để lại trong cô bé những đau đớn khôn nguôi. Thế nhưng càng đau đớn, cô bé lại càng có những khao khát cháy bỏng về một tương lai tốt đẹp hơn. Tất cả những ước mơ, những khát khao của cô bé vẫn luôn cháy âm ỉ và nó được bùng lên bởi đoàn tàu từ Hà Nội đến - một đoàn tàu đến từ miền kí ức đẹp dù ngắn ngủ. Thế nhưng khi đoàn tàu ấy đi qua, những "đốm lửa" vừa vụt lên lại chợt tắt, khiến cô bé rơi vào vô vọng. Nhưng sự thất vọng ấy khiến hy vọng lại được nảy mầm, khiến người ta phát hiện được một tâm hồn tươi đẹp luôn vượt lên nghịch cảnh, chống lại bóng tối và luôn đi tìm nguồn sáng để thắp lên những hy vọng cho tương lai.

Nhà văn Thạch Lam với việc tài tình trong cách miêu tả nội tâm của nhân vật đã khiến người đọc cảm nhận rõ ràng về vẻ đẹp trong tâm hồn và tính cách của nhân vật Liên. Cho dù là một cô bé nhưng tâm hồn Liên đã thật sự nhạy cảm, tinh tế. Cho dù trước mắt cô bé là bóng đêm tăm tối nơi phố huyện nhưng Liên vẫn đi tìm kiếm ánh sáng - ánh sáng của hy vọng, của tương lai. Qua nhân vật Liên, người đọc cũng có được một niềm tin rằng cho dù trong chiều tàn hay đêm tối, những phẩm chất tốt đẹp của Liên sẽ vẫn luôn là ánh sáng để soi rọi trong màn đêm tĩnh mịch.

4. Phân tích nhân vật Liên mẫu 4

Trong truyện ngắn nhà văn luôn chọn một nhân vật để làm điểm nhìn cho tác phẩm của mình. Tất cả những sự kiện, tình tiết hay biến cố đều được nhìn nhận và đánh giá qua góc nhìn của nhân vật ấy. Nếu như Nguyễn Thi chọn điểm nhìn qua nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình thì Thạch Lam chọn nhân vật Liên để nhìn nhận sự kiện tình tiết trong tác phẩm Hai đứa trẻ. Qua đó ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Liên – một cô gái vẫn còn rất nhỏ nhưng sớm thấm nhuần được sự cực khổ của miền quê mình.

Chọn Liên là điểm nhìn tác phẩm nhà văn cho thấy dụng ý của mình. Tại sao lại không chọn An một trong hai nhân vật chính của truyện. Điều này cũng rất dễ lý giải bởi vì An còn quá nhỏ thì không thể nào cảm nhận được hết những hiện thực diễn ra. Hay cũng không thể chọn chị Tý hay Bác Siêu vì họ mải mê kiếm tiền và không hiểu hết được những cảm nhận của hai đứa trẻ. Vậy cho nên chỉ có thể là Liên.

Chính cuộc sống và hoàn cảnh gia đÌnh đã khiến cho Liên có một vẻ đẹp tâm hồn nhất định. Liên trước kia sống ở Hà Nội và có một cuộc sống khá đầy đủ nhưng do cha thất nghiệp nên cả nhà phải dọn về quê ngoại sinh sống tại đây Liên được trải qua cuộc sống mưu sinh cho nên sớm hiểu chuyện và cảm nhận được những vất vả của cuộc đời con người. Có lẽ chính vì thế mà Liên hình thành những vẻ đẹp tâm hồn mình một cách hoàn thiện nhất.

Trước hết Liên là một cô gái nhạy cảm. Là một cô gái còn nhỏ và sớm phải bước vào cuộc sống mưu sinh, sống nơi phố huyện nghèo ảm đạm Liên cảm nhận được rất nhiều thứ. Có thể nói chỉ những người có tâm hồn nhạy cảm mới cảm nhận được cái buồn phảng phất của cảnh tượng phố huyện. Cảnh tượng phố huyện cứ hiện lên qua con mắt của Liên, nói cách khác Liên đang dẫn người đọc bước đi cùng dòng thời gian từ cảnh chiều tàn, chợ tàn cho đến đêm tối và đoàn tàu từ Hà Nội về.

Cảnh phố huyện khi chiều về với tiếng trống thu không trên cái chòi của phố huyện văng ra để gọi buổi chiều và những hình ảnh của dãy tre làng, mặt trời đỏ rực. Không chỉ có màu sắc mà bức tranh phố huyện nghèo còn hiện lên với những âm thanh như tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng hay nhịp điệu chiều về qua câu văn “chiều, chiều rồi”. Tất cả những điều ấy được nhìn qua ánh mắt của Liên, cảm nhận bằng giác quan của Liên. Phải nói Liên quả thật là một cô gái nhạy cảm lắm mới có thể cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên quê hương đẹp êm ả như ru đến như thế. Không những thế bức tranh ấy giống như một bức họa đồng quê giản dị đơn sơ mộc mạc nhưng lại đậm chất thơ và nhạc. Tuy nhiên bức họa đồng quê ấy cũng mang một nét buồn phảng phất “Liên không hiểu sao lòng mình buồn man mác”. Trước hình ảnh thiên nhiên của phố huyện Liên cảm thấy lòng mình buồn. Tại sao ư? Có lẽ là tại cảnh tượng đó đẹp nhưng nó ấn định cái nghèo, xơ xác, cái tiêu điều trên từng cảnh vật khiến cho tâm trạng của Liên thấy buồn man mác.

Không những thế đến cảnh chợ tàn điểm nhìn Liên lại cho ta thấy được những cảnh tượng của rác rưởi vỏ bưởi vỏ thị. Đặc biệt chi tiết thể hiện rõ sự nhạy cảm của tâm hồn Liên chính là chi tiết Liên cảm nhận được cái mùi âm ẩm bốc lên. Đó có lẽ là mùi của đất cát và đó cũng chính là mùi quê hương.

Đến đêm tối về Liên cảm nhận được những hột sáng, khe sáng leo lắt phát ra từ đèn của bác phở Siêu hay ngọn đèn chị Tí. Nhưng những ánh sáng ấy cũng không thể nào xua tan đi được bóng tối. “Tối hết cả đường từ nhà ra sông”. Thế nhưng tâm hồn Liên vẫn cứ ngập tràn trong ánh sáng của “những ngôi sao ganh nhau lấp lánh”. Và cứ thế “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát” đã thể hiện sự nhạy cảm trong tâm hồn Liên.

Hay khi ánh đèn của xe lửa về, Liên cảm nhận được sự sang trọng trong những toa có điện sáng trưng và những người lố nhố trên đó. Nó khiến cho Liên được an ủi và nhớ về những kỉ niệm khi còn được sung túc. Phải nói Liên nhạy cảm lắm thì mới có thể lấy niềm vui từ ánh sáng của chiếc xe lửa để nhớ lại những kí ức đẹp của tuổi thơ.

Không chỉ là một cô gái nhạy cảm Liên còn là một cô gái giàu lòng yêu thương con người. Cụ thể là chị thấy hình ảnh những đứa trẻ nghèo lang thang lom khom nhặt nhạnh những mảnh nứa mảnh tre còn sử dụng được. Nhìn thấy chúng Liên thương lắm nhưng hoàn cảnh của Liên cũng chẳng hơn gì chúng nó. Liên thương bà cụ Thi điên nên đã rót đầy cốc rượu cho bà. Đó chỉ là một cử chỉ nhỏ để Liên xót thương cho số phận một người đàn bà đã già mà không nơi nương tựa. Không chỉ vậy Liên còn thương cho mẹ con chị Tí sáng vất vả mò cua bắt tép chiều tối về lại dựng quán nước bán tới tận đêm. Liên thương gia đình bác Xẩm hát rong nhưng chưa hát vì không có khách hay bác Siêu dọn gánh hàng nhưng cũng chưa ai ăn vì theo Liên thì phở của bác là một món quà xa xỉ tại nơi phố huyện nghèo này. Có lẽ chính hoàn cảnh đã khiến cho Liên đồng cảm với những số phận con người ấy.

Vẻ đẹp tâm hồn còn được thể hiện qua khoảnh khắc cố thức đợi đoàn tàu từ Hà Nội về. Cụ thể là nét đẹp của một cô bé sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn luôn nhớ về quá khứ và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Nếu như những người dân trong phố huyện đợi đoàn tàu về để kiếm thêm vài đồng mưu sinh thì chị em Liên đợi đoàn tàu về để hưởng lấy thứ ánh sáng mà phố huyện này không có. Đoàn tàu như thắp sáng cho niềm tin về một tương lai đầy ắp ánh sáng hi vọng ấy. Đoàn tàu cũng gợi nhắc cho Liên về một quá khứ với ban đêm đi chơi bờ hồ được ăn những cốc kem xanh đỏ mát lạnh.

Có người nói đó ước mơ của Liên, có phần rõ ràng hơn so với những người dân phố huyện. Nhưng đó phải là ước vọng, vì ước mơ sẽ hướng đến tương lai, còn ước vọng sẽ chỉ là quá khứ. Xét đến cùng Liên cũng vẫn giống họ, dù có mong chờ thật nhưng cũng chẳng dám nhìn xa đến tương lai. Vậy nên, Liên thương người dân phố huyện, Thạch Lam lại thương Liên. Ông nhìn thấy chiều sâu khao khát của nhân vật, để nó le lói lên, trỗi dậy theo bản năng nhưng vẫn không thể để Liên có sự bứt phá được. Đó không phải là hạn chế của Thạch Lam mà là hạn chế chung của cả thời đại, cả một giai đoạn văn học như thế.

Cuối cùng bao khao khát về cuộc đời, về thứ ánh sáng mà con tàu lao qua phố huyện, thứ ánh sáng khác hẳn với ngọn đèn của chị Tí… lại trở về trong tĩnh lặng. Liên để mọi thứ lắng lại trong bóng đêm tĩnh mịch và những khoảng lặng mơ hồ rồi chìm trong giấc ngủ. Phố huyện lại trở về với những gì vốn có của nó: yến ắng, buồn tẻ, ngưng đọng. Có chăng nỗi ước vọng của Liên hằng đêm phần nào sẽ “khuấy động” cái “ao đời bằng phẳng” ấy trong tác phẩm.

5. Phân tích nhân vật Liên mẫu 5

Thạch Lam là một trong những nhà văn trụ cột của Tự lực văn đoàn, ông viết nhiều truyện ngắn, chủ yếu không có cốt truyện và khai thác thế giới nội tâm nhân vật. Hai đứa trẻ chính là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của nhà văn mà nhân vật chính của truyện-cô bé Liên là một điển hình rõ rệt cho các sáng tác của Thạch Lam, để lại trong lòng độc giả nhiều cảm xúc khó phai.

Chưa bao giờ Thạch Lam miêu tả về ngoại hình nhân vật hay thậm chí ông cũng không viết về các nhân vật có hành động như một hình thức biểu hiện bên ngoài, ông để nhân vật của mình hiện lên qua vẻ đẹp tâm hồn và thế giới nội tâm phong phú liên tục thay đổi. Truyện ngắn Hai đứa trẻ hầu như được tạo nên qua thế giới nội tâm, các diễn biến cảm xúc của cô bé Liên.

Liên là cô bé mới lớn, tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, cuộc sống mưu sinh nơi phố huyện nghèo đã sớm biến em trở thành người lớn, Liên phụ mẹ trông coi cửa hàng tạp hóa ,em tỏ ra như một cô chủ nhỏ thực thụ “Liên khóa vội tráp tiền với chiếc chìa khóa chị đeo ở cái dây xà tích bạc ở thắt lưng, chiếc xà tích chị quý mến và hãnh diện, vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang”.

Em bán hàng và bảo ban em chu đáo, như một người phụ nữ , em biết quán xuyến hết các việc trong gia đình. Hình ảnh Liên vuốt tóc và ngồi quạt cho An khi đợi chuyến tàu đến làm ta liên tưởng đến dáng dấp người mẹ Việt Nam thân thương.

Từ chiếc chõng trong quán hàng bé nhỏ đó, Liên đã quan sát và cảm nhận thấm thía khung cảnh và cuộc sống nơi phố huyện. Chiều tàn, khi “phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”, một buổi chiều vắng lặng, êm ả, chỉ có tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi bắt đầu vo ve, trước cảnh chiều tàn, Liên bâng khuâng không hiểu sao, chỉ thấy lòng buồn man mác, “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị”.

Nỗi buồn man mác khó hiểu có lẽ do cảnh sắc , âm thanh chiều quê làm cô cảm nhận rõ nét sự chảy trôi của thời gian cùng với cái nghèo khổ tàn tạ của những kiếp người xung quanh mình, và cả chính gia đình em. Nỗi nghèo khổ ấy hiện hữu khắp mọi nơi, trong “cái mùi ẩm mốc, hơi nóng ban ngày trộn với mùi cát bụi”, trong “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi, nhặt nhạnh thanh nứa thanh tre..”,

Liên động lòng thương, cô thương biết mấy những mảnh đời vất vả, lam lũ như mẹ con chị Tí ban ngày mò cua bắt ốc, tối lại mở hàng nước mà cũng chẳng kiếm được mấy tí, bác phở Siêu tuy khá giả hơn nhưng ở phố huyện nghèo này thứ quà xa xỉ ấy cũng chẳng giúp bác kiếm về được bao nhiêu, vợ chồng bác Xẩm nghèo nàn ngồi trên manh chiếu rách với tiếng đàn bầu “bật lên trong yên lặng”, thằng con bò ra đất nghịch nhặt những thứ rác bẩn vùi trong cát, rồi cả bà Thi hơi điên hay ghé quán Liên mua rượu,…

Ấy là những tình cảm chân thành của cô gái có tâm hồn nhạy cảm, lòng trắc ẩn dạt dào và tình yêu thương con người bao la, cô thu vào tầm mắt cả bức tranh lẫn những kiếp người nghèo khổ nơi mảnh đất hai chị em đang gắn bó để dành cho họ sự cảm thông sâu sắc bởi chính hoàn cảnh của cô cũng chẳng hơn họ là mấy.

Khi bóng chiều xuống, đêm về và phố huyện vào khuya, hai chị em Liên cùng những người dân xóm chợ lại chung một nỗi mong chờ khắc khoải, chờ đợi từng bước đi của thời gian, từng bước xích lại gần của chuyến tàu. Không phải vì muốn kiếm thêm chút tiền, mà vì chuyến tàu là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya, nó khơi dậy những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ khi còn ở Hà Nội xa xăm,Hà Nội hào hoa, sáng rực, vui vẻ và huyên náo.

Chuyến tàu mang đến một thế giới khác, một thế giới của ước mơ khát vọng và tương lai tương sáng, ý nghĩa hơn, đối lập hoàn toàn với cuộc sống thực tại nghèo khổ tù túng. Hình ảnh hai chị em bà những người dân phố huyện đợi tàu vừa có gì đó tội nghiệp lại vừa khiến chúng ta phải đồng cảm và suy nghĩ. Đoàn tàu đến, hai chị em đứng dậy quan sát các toa đèn sáng chưng, chiếu ánh sáng xuống đường, rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, Liên vẫn đứng nhìn mãi theo cái chấm nhỏ của cái đèn xanh treo trên toa tàu sau cùng.

Chuyến tàu đi qua để lại trong Liên những dư vị ngọt ngào và ám ảnh, những nỗi buồn vui mơ hồ giờ đây như hiện lên rõ hơn, Liên cảm nhận cuộc sống của mình và những người xung quanh như ngọn đèn con của chị Tí, chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ, tù mù, leo lét.

Với giọng văn giản dị, sâu lắng và giàu chất thơ, bút pháp khắc họa thế giới nội tâm nhân vật tài tình, tinh tế, Thạch Lam đã thành công trong việc thể hiện thấm thía niềm xót thương với những kiếp người sống cơ cực quẩn quanh ở phố huyện nghèo thông qua điểm nhìn trần thuật từ nhân vật chính – Liên.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm