Ai đã từng được đến vùng đất Diễn vào dịp cuối năm chắc hẳn sẽ được ngắm nhìn những vườn bưởi Diễn với những với những chùm bưởi sai trĩu. Nhà nội em không có nhiều đất nhưng đây là nét đặc trưng của quê hương, ông vẫn giữ lại một cây ở góc sân vừa để lấy bưởi ăn, vừa để làm cảnh.
Cây bưởi nhà nội đã trồng từ lâu rồi nhưng cũng chỉ cao khoảng hơn một mét, chia thành nhiều cành nhỏ tỏa ra xung quanh. Thân cây to bằng cổ chân, màu rêu xám. Vỏ cây đã có những vết mốc. Rễ cây đâm sâu xuống lòng đất, hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Cành cây như những cánh tay to khỏe, rắn chắc, nâng đỡ tán lá và quả. Lá bưởi to như bàn tay người lớn, dài, thắt lại ở giữa như cái nậm rượu.
Để tận hưởng hương thơm ngát, quyến rũ của hoa bưởi thì bạn phải đến vườn bưởi vào mùa xuân. Từng chùm hoa trắng muốt, hương thơm thoang thoảng theo gió, lấp ló trong những tán lá xanh mơn mởn. Khi có cơn gió thoảng qua, những cánh hoa trắng rơi lả tả quanh gốc cây. Nhiều người còn sử dụng hoa bưởi để pha chế vào các món ăn như nấu chè, ướp bột sắn.
Mùa xuân sắp hết cũng là lúc quả bưởi con được hình thành. Quả bưởi lớn rất nhanh. Lúc mới hình thành chúng bé bằng hòn bi, chỉ vài hôm sau chúng đã to bằng quả chanh, rồi bằng cái bát lúc nào không hay.
Vào cuối thu là lúc bưởi có thể ăn được, quả bưởi lúc này có màu vàng ươm, nặng trĩu cành, có mùi thơm ngọt. Bưởi Diễn có một đặc điểm là múi bưởi tròn căng, mọng nước, nhưng bóc rất dóc vỏ, tép bưởi không bị nát và chảy nước.
Cây bưởi có thể làm cây cảnh ngày Tết, quả bưởi để bày mâm ngũ quả, làm quà cho họ hàng, bạn bè. Lá và vỏ bưởi dùng để gội đầu, làm lá xông giải cảm, hoặc luộc ốc rất thơm. Hoa bưởi để ướp bột sắn, cho ta mùi thơm thoang thoảng, dịu mát.
Phải đến dịp tết giống bưởi Diễn mới có thể ăn được. Khi bưởi đã già người ta thường trẩy bưởi xuống, bôi vôi vào cuống quả bưởi, để dưới gầm giường, hoặc dưới đất cho bưởi xuống đường. Bưởi Diễn càng để héo ăn càng ngọt.
Em rất thích cây Bưởi Diễn bởi nó không chỉ là đặc sản quê hương em mà nó còn làm đẹp cho quang cảnh ngôi nhà nội thêm đẹp, thêm tràn trề sức sống. Em hi vọng giống Bưởi Diễn sẽ thích hợp trồng ở nhiều nơi để ngày càng nhiều người được thưởng thức món ăn dân dã nhưng vô cùng hấp dẫn ấy.
Trên khuôn viên tầng thượng nhỏ nhà em, mẹ em trồng rất nhiều các loài hoa: hoa thiết mộc lan, hoa quỳnh, hoa đồng tiền, thược dược,… Nhưng em thích nhất là cây hoa hồng nhung mà em đã trồng cùng mẹ vào mùa xuân năm em học lớp 1.
Cây hoa hồng nhung được mẹ khéo léo trồng trong một chiếc chậu xinh xinh. Nhìn từ xa, cây như một cô công chúa đội vương miện đỏ kiêu sa.
Cây cao khoảng 70 – 80 cm, thân cây to hơn chiếc đũa, được bao bọc bởi lớp áo màu xanh thẫm nhưng vẫn tràn đầy sức sống. Cũng ở thân mọc ra những chiếc gai sắc nhọn như những chàng hiệp sĩ dũng cảm bảo vệ nàng công chúa kiêu sa. Cành lá cây hoa hồng mảnh mai, cũng có gai nhọn như thân hồng. Lá hoa hồng nhỏ nhắn, hình bầu dục, có răng cưa viền xung quanh. Gân lá hồng nổi lên trên nền lá màu xanh thẫm, giống như bộ xương cá.
Hoa hồng nở quanh năm nếu được chăm sóc tốt. Nhưng đặc biệt hơn là vào mùa xuân, cây hồng nhung nở rộ hoa. Hoa hồng nở ở đầu cành. Màu hoa đỏ thẫm, cánh mềm mịn như những tấm khăn nhung của các bà, các mẹ. Các cánh hoa chúm chím dần xòe ra xếp thành từng tầng bao quanh nhụy hoa. Nhụy hoa hồng rất nhỏ, có màu vàng nhạt. Mỗi sáng sớm khi thức dậy em bước ra vườn, những giọt sương như những hạt ngọc đọng trên những cánh hoa, lá. Mùi hương thơm nhè nhẹ, dễ chịu của nữ hoàng hoa hồng được chị gió mang tỏa khắp nơi, như mời gọi những nàng ong, chị bướm đến hút mật. Không hổ danh là “nữ hoàng của các loài hoa”! Hoa hồng thường được dùng để trang trí, làm đẹp, làm quà tặng và còn để điều chế nước hoa nữa.
Em rất yêu thích cây hoa hồng nhung nhà em! Mỗi khi rảnh, em đều cùng mẹ tưới nước, nhổ cỏ dại, cắt cành, tỉa lá, chăm sóc cây hồng nhung cho cây luôn tươi tốt và nở thật nhiều hoa. Mỗi dịp lễ, mẹ em thường cắt mấy bông hồng xuống để thắp hương trên ban thờ.