Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Văn năm 2022 - Đề 9

Đề kiểm tra học kì 2 môn Văn lớp 12 - Đề 9 do VnDoc ra đề, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi đại học luyện thêm đề thi thử môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Ngữ Văn do Đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản gồm 4 câu hỏi được chọn lọc bám sát chương trình học, theo đúng 4 cấp độ Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng thấp - Vận dụng cao.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội 200 chữ và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn đại học năm nay.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 12.

Bản quyền đề thi thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 12 năm 2022

I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):

Để theo đuổi ước mơ của mình, bạn phải hành động. Nếu không, bạn sẽ mất cơ hội. Hãy chủ động hành động thay vì để cuộc đời đưa đẩy bạn. Nếu không có được những gì bạn muốn, thì hãy chủ động tạo ra những gì bạn muốn. Đấng Sáng Tạo sẽ thắp sáng con đường bạn đi. Vận may của cả đời bạn, cánh cửa của những ước mơ đang mở ra. Con đường dẫn tới mục đích sống có thể xuất hiện trước bạn bất cứ lúc nào.

Ngay cả khi đã xác lập được mục đích sống mạnh mẽ và đã phát triển được nguồn hy vọng lớn lao, niềm tin sâu sắc, lòng tự tôn, thái độ sống tích cực, lòng dũng cảm, tính kiên cường, khả năng thích nghi và những mối quan hệ tốt, bạn không thể chỉ ngồi đó và chờ đợi vận may đến với mình. Trên con đường vươn tới thành công, bạn phải nắm bắt từng cơ hội. Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn. Nhưng bạn phải có lòng dũng cảm và sự quyết tâm để vươn lên.

Một trong những khẩu hiệu của tôi tại Tổ chức Life Without Limbs là "một ngày mới, một cơ hội mới". Không có những khẩu hiệu được đóng khung trên tường - chúng tôi cố gắng tạo ra những khẩu hiệu từ chính các hành động của mình.

(Trích Sống cho điều ý nghĩa hơn - Nick Vujicic, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 89 - 90)

Câu 1 ‌‌(0.75‌ ‌điểm): Nêu nội dung và đặt nhan đề cho văn bản trên.

Câu 2 ‌‌(0.5‌ ‌điểm): Xác định phương thức biểu đạt, thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 3 ‌‌(0.75‌ ‌điểm): Anh/chị hiểu thế nào về câu nói: "Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn"?

Câu 4 ‌‌(1,0‌ ‌điểm): Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để khẳng định mình

Câu 2 (5,0 điểm): Chiếc thuyền ngoài xa khép lại với bức ảnh thu vào bộ lịch năm ấy cũng như nỗi ám ảnh về hình tượng người đàn bà làng chài. Phân tích đoạn cuối tác phẩm để làm rõ nhận định này.

Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2022

Đọc hiểu văn bản

Câu 1 ‌‌(0.75‌ ‌điểm):

Nội dung chính của văn bản: Để theo đuổi và đạt được ước mơ, chúng ta phải hành động. Trên con đường vươn tới thành công, phải nắm bắt từng cơ hội, hãy tạo ra khẩu hiệu bằng các hành động thực tiễn.

Đặt nhan đề cho văn bản: Một ngày mới, một cơ hội mới/Sức mạnh của hành động.

(Thí sinh có thể lựa chọn các phương án trên hoặc đặt một số nhan đề khác phù hợp với nội dung của văn bản).

Câu 2 ‌‌(0.5‌ ‌điểm):

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

- Thao tác lập luận chính: Bình luận

Câu 3 ‌‌(0.75‌ ‌điểm):

Giải thích câu nói: "Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn":

Câu nói khẳng định vai trò, ý nghĩa của trở ngại, thử thách trên con đường đi đến thành công của mỗi người. Thông thường, theo thói quen suy nghĩ của nhiều người thì khó khăn, thử thách là rào cản khiến con người khó đạt được mục đích. Tuy nhiên, câu nói đã cho thấy: trở ngại, khó khăn cũng là cơ hội giúp con người phát huy năng lực bản thân, đạt được thành công và khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

Câu nói đã thể hiện cách suy nghĩ, và thái độ sống tích cực: lạc quan, có niềm tin, bản lĩnh, ý chí và lòng quyết tâm... để biến trở ngại thành cơ hội.

Câu 4 ‌‌(1,0‌ ‌điểm):

Học sinh có thể rút ra thông điệp ý nghĩa nhất khác nhau nhưng phải kiến giải lựa chọn của mình một cách hợp lý và thuyết phục.

II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm):

Dàn ý Nghị luận xã hội: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Con người không học sẽ không mở mang được kiến thức, không nâng cao trình độ làm việc, không khẳng định được giá trị của bản thân cũng như không hiểu được cách cư xử, chung sống hòa hợp với người khác.

Câu nói khuyên nhủ con người hãy tích cực, cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, rèn luyện kĩ năng mềm cho bản thân để trở thành một công dân tốt có ích cho xã hội.

b. Phân tích

Mỗi chúng ta khi sinh ra được sống trong nền hòa bình đã là một sự may mắn, chính vì vậy chúng ta cần phải cống hiến nhiều hơn để phát triển nước nhà vững mạnh, có thể chống lại mọi kẻ thù.

Mỗi người khi học tập, lao động, tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp cũng chính là cống hiến cho tổ quốc.

Không học không thành tài, không học không tiến bộ, con người phải học mới có thể phát triển bản thân, phát triển quê hương đất nước và phát triển xã hội. Học từ những điều nhỏ nhất học đi là cách học giúp con người hoàn thiện hơn.

c. Liên hệ bản thân

Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh,…

d. Phản đề

Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc học, còn lơ là trong việc rèn dũa bản thân. Lại có những người chỉ học qua loa, học đối phó mà không cô đọng được bài học thành kiến thức cho riêng mình,... Những người này cần xem xét lại thái độ học của mình.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.

Câu 2 (5,0 điểm):

Dàn ý Phân tích đoạn cuối tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và đoạn cuối của tác phẩm.

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp của bức ảnh năm ấy

Bức ảnh năm ấy là cảnh con thuyền kéo lưới đang tiến vào bờ, vài bóng người im phăng phắc, từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích → cái thiện, mĩ, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hòa, lãng mạn của cuộc đời.

Nhưng đằng sau vẻ đẹp đó là câu chuyện của gia đình làng chài: gã thuyền chài lôi vợ mình lên bò đánh đập dã man, vừa đánh vừa hết lời mắng nhiếc, chửi rủa.

→ Phùng cay đắng nhận ra rằng, đằng sau cái vẻ đẹp toàn bích, toàn thiện kia là những điều hết sức ngang trái, xấu xa và những nghịch cảnh trớ trêu của cuộc đời.

b. Câu chuyện của người đàn bà làng chài từ sau bức ảnh ấy

Khi đứng trước quan tòa, vị chánh án khuyên bà bỏ chồng, bà van xin “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó”. Bà cam chịu, nhẫn nhịn vì con, muốn con có một gia đình và nuôi chúng nó khôn lớn.

Sự cam chịu, nhẫn nhịn của bà bắt nguồn từ tình yêu thương con vô bờ bến. Thương con, chị không muốn con chứng kiến cảnh bạo hành nên xin chồng đánh trên bờ, gửi thằng Phác lên rừng, chị cảm thấy có tội với nó khi vì thương chị mà nó hận bố nó.

Bà ý thức được thiên chức của người phụ nữ và quy luật ngàn đời của tạo hóa: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con và nuôi con cho đến khi khôn lớn”.

→ Người đàn bà là biểu tượng nghệ thuật gây ám ảnh cho Phùng và cũng là thông điệp mà Nguyễn Minh Châu muốn truyền tải tư tưởng nhân đạo qua tác phẩm.

c. Nêu cảm nghĩ về kết truyện

Câu chuyện đã để lại cho người đọc nhiều suy tư, trăn trở cũng như sự ám ảnh về vẻ đẹp lẫn nỗi thống khổ của người đàn bà làng chài nói riêng, những người có cùng cảnh ngộ như vậy nói chung.

Câu chuyện cũng đưa ra bài học sâu sắc cho người đọc: hãy trân trọng những người xung quanh mình, đẩy ra tình trạng bạo lực, đối xử với nhau tử tế nhất có thể.

3. Kết bài

Khái quát lại vẻ đẹp của bức ảnh, hình ảnh người đàn bà làng chài và nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.

----------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 12 năm 2022 - Đề 9. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Trắc nghiệm Toán 12, Giải bài tập Tiếng Anh lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Đánh giá bài viết
1 728
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 12

    Xem thêm