Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 14

VnDoc giới thiệu Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 14. Đây là tài liệu ôn thi hay dành cho các em học sinh ôn thi THPT Quốc gia. Tài liệu bao gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm đề trong thời gian 120 phút. Mời các bạn cùng tham khảo tại đây.

Nhằm giúp các em học sinh ôn thi THPT Quốc gia 2021, VnDoc giới thiệu bộ đề ôn thi THPT Quốc gia. Đây là bộ tài liệu hay cho các em tham khảo, chuẩn bị cho kì thi sắp tới đạt kết quả cao.

Tham khảo thêm: Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

“Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng một trong hai nỗi đau: nỗi đau do kỷ luật hoặc nỗi đau do hối tiếc. Sự khác biệt là kỷ luật nhẹ tựa lông hồng còn hối tiếc nặng tựa núi cao. Kỷ luật là cây cầu kết nối giữa mục tiêu và thành quả.

Một kỷ luật này luôn dẫn đến một kỷ luật khác. Khẳng định mà thiếu kỷ luật là sự khởi đầu của ảo tưởng. Bạn không cần phải thay đổi quá nhiều để tạo ra sự khác biệt lớn lao. Một vài kỷ luật đơn giản có thể tác động lớn đến cuộc sống của bạn chỉ trong 90 ngày thôi, chưa nói đến 12 tháng hay 3 năm.

Một chút thiếu kỷ luật là đủ để bắt đầu bào mòn lòng tự trọng của bạn. Mọi kỷ luật đều tác động lẫn nhau. Người ta hay nhầm lẫn thế này: “Tôi chỉ buông thả ở mỗi chỗ này thôi.” Không đúng. Mọi sự buông thả đều gây ảnh hưởng đến những điều khác. Đừng suy nghĩ ngây thơ như vậy.

Kỷ luật là nền móng của mọi thành công. Thất bại là điều không thể tránh khỏi nếu thiếu kỷ luật. Kỷ luật mang trong mình tiềm năng tạo ra những phép màu trong tương lai”.

(Trích “Triết lý cuộc đời” – Jim Rohn – Thủy Hương dịch)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Theo tác giả, một trong hai nỗi đau mà con người phải chịu đựng là gì?

Câu 2. Theo anh / chị, vì sao “kỷ luật nhẹ tựa lông hồng còn hối tiếc nặng tựa núi cao”?

Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về quan niệm: “Khẳng định mà thiếu kỷ luật là sự khởi đầu của ảo tưởng”?

Câu 4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm: “Kỷ luật là nền móng của mọi thành công” không? Lí giải vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Theo anh / chị, kỷ luật bản thân có làm cho con người đánh mất tự do không? Trả lời bằng một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ).

Câu 2 (5,0 điểm)

Miếng ăn và cái đói trong mối quan hệ với nhân cách con người qua hai hình tượng nhân vật người vợ nhặt (“Vợ nhặt” – Kim Lân) và người đàn ông hàng chài (“Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu).

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn

Câu 1. Theo tác giả, một trong hai nỗi đau mà con người phải chịu đựng là: nỗi đau do kỷ luật hoặc nỗi đau do hối tiếc.

Câu 2.

“kỷ luật nhẹ tựa lông hồng còn hối tiếc nặng tựa núi cao” vì:

- Kỉ luật nhẹ tựa lông hồng vì: Khi rèn luyện kỉ luật bản thân, con người có thể tiến hành từng bước, từ những cái nhỏ nhất; và mỗi lần bạn hình thành được một kỉ luật, nó sẽ đem đến cho bạn niềm vui sướng bởi bạn đang chiến thắng chính mình.

- Hối tiếc nặng tựa núi cao vì: hối tiếc có nghĩa là bạn đã bỏ lỡ một điều gì đó có ý nghĩa tốt đẹp đối với bản thân; và hối tiếc cũng có nghĩa là bạn không thể quay trở lại để mà thay đổi mọi chuyện; bạn sẽ phải gánh lấy hậu quả và cần phải có sự nỗ lực to lớn đề khắc phục hậu quả đó.

Câu 3.

- Khẳng định có nghĩa là khi bạn đang quyết tâm thực hiện một điều gì đó

- Thiếu kỉ luật có nghĩa là bạn không khép mình vào khuôn khổ, không tuân thủ kế hoạch để thực hiện ý định bạn đã vạch ra

=> Do vậy, bạn sẽ không bao giờ có thể hoàn thành được mục tiêu đã định.

Câu 4.

Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn lí giải phù hợp. Tham khảo:

- Đồng tình

- Lí giải:

+ Chỉ có kỉ luật mới đưa bạn vào khuôn khổ, giúp bạn bắt tay vào thực hiện những điều quan trọng, cần thiết và nói không với những hoạt động vô bổ

+ Và khi bạn bản thân hành động, khi đó bạn mới có thể tiến tới để đạt được mục tiêu, do vậy, có được thành công.

II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

- Kỷ luật bản thân là đưa mình vào khuôn khổ, làm những việc cần làm vào những lúc cần thiết; không lười biếng, sa vào những hành động vô bổ.

- Nếu nhìn bề ngoài, ta dễ nghĩ rằng đưa bản thân vào kỉ luật thì sẽ mất tự do; tuy nhiên đấy là cách hiểu sai, người ta đang đánh đồng tự do với tùy tiện, dễ dãi.

- Nhìn từ bản chất, chính kỉ luật mới đem đến tự do cho con người: khi ép mình vào kỉ luật, người ta sẽ hình thành được cho mình những thói quen tốt, chiến thắng được bản thân từng ngày, hoàn thành được những mục tiêu mà mình đã đặt ra; chính điều này đem đến sự tự tin, niềm vui sướng để con người cảm thấy tự hào về bản thân, cảm thấy mình sống có ý nghĩa và được người khác tôn trọng.

- Tất nhiên kỉ luật ở đây không phải là khắc kỉ, là hành xác. Kỉ luật phải thực hiện từng bước, phù hợp với thể trạng, tâm lí và hoàn cảnh của từng người.

- Thực hành kỉ luật là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, nỗ lực; nhưng phần thưởng sẽ thật xứng đáng. Khổng Tử nói: “Thất thập tòng tâm sở dục, bất dụ củ”, có nghĩa là nếu bạn thực hành kỉ luật hằng ngày, đến tuổi 70, bạn có thể hành động theo ý muốn của lòng mình mà không vi phạm vào quy củ.

v.v...

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Mở bài: Miếng ăn và cái đói trong mối quan hệ với nhân cách con người qua hai hình tượng nhân vật: người vợ nhặt (“Vợ nhặt” – Kim Lân) và người đàn ông hàng chài (“Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu).

Thân bài:

*Nêu những nét khái quát về hai tác giả và hai tác phẩm

*Miếng ăn và cái đói trong mối quan hệ với nhân cách con người qua hình tượng người vợ nhặt:

Tính cách người vợ nhặt thay đổi rất rõ ràng dưới sự tác động của miếng ăn và cái đói

- Lần đầu gặp Tràng, khi chưa bị cái đói dày vò, thị là một cô gái tuy có táo bạo nhưng vẫn hồn nhiên, vui vẻ.

- Lần thứ hai gặp Tràng, Thị đã bị cái đói làm cho biến dạng về cả nhân hình lẫn nhân tính. Về mặt nhân tính:

+ Thị có thái độ rất sỗ sàng: từ đâu sầm sập chạy tới, đứng trước mặt Tràng, sưng sỉa, cong cớn

+ Nói năng đanh đá, chua ngoa: vừa gặp Tràng thị đã ngay lập tức mắng Tràng: “Điêu, người thế mà điêu! Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống thế mà mất mặt”.

+ Thị trơ trẽn đòi ăn: ăn gì thì ăn chứ không ăn giầu; không biết xấu hổ khi ăn: ngồi sà xuống, ăn một chặp hết bốn bát bánh đúc, chẳng truyện trò gì.

+ Thị liều lĩnh khi chấp nhận theo không Tràng về nhà, dù chỉ qua một câu nói đùa

=> Miếng ăn và cái đói đã tàn phá nhân tính của thị. Quả thực, trong lúc đói, con người ta chỉ nghĩ đến một thứ duy nhất: đó là miếng ăn, dù cho nó có nhục nhã đến thế nào.

*Miếng ăn và cái đói trong mối quan hệ với nhân cách con người qua hình tượng người đàn ông hàng chài:

Người đàn ông hàng chài cũng là nạn nhân của cái đói.

- Trước kia, khi mới lấy vợ, anh là một người đàn ông cục tính nhưng hiền lành, không bao giờ đánh đập vợ.

- Thế nhưng sự đói khổ đã làm người đàn ông này thay tính đổi nết:

+ Những lúc khổ quá, người đàn ông này lại lôi vợ ra đánh: hắn đánh vợ cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu; và đánh thường xuyên, đánh tàn nhẫn.

+ Người đàn ông cũng trút cả nỗi căm giận vào chính những đứa con ruột thịt của mình. Thậm chí hắn còn nguyền rủa đàn con: Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ.

=> Nguyễn Minh Châu không trực tiếp miêu tả cảnh đói khát, nhưng qua câu chuyện, chúng ta cũng hiểu được chính miếng ăn, chính cái đói đã tác động tiêu cực đến tính cách người đàn ông. Có những lúc đói khổ, cả gia đình phải ăn xương rồng luộc chấm muối, chính điều đó khiến người đàn ông trở thành một kẻ vũ phu.

*Sự gặp gỡ trong quan niệm nghệ thuật của hai nhà văn:

- Cả hai nhà văn đều quan niệm con người chính là sản phẩm của hoàn cảnh.

- Cả hai nhà văn cũng nhận thấy rằng: muốn thay đổi con người, trước hết phải thay đổi hoàn cảnh.

- Cả hai nhà văn đều thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc: dù chứng kiến sự tha hóa về nhân tính, nhưng họ đều có một niềm tin mãnh liệt, rằng dù bị hoàn cảnh dập vùi, trong mỗi con người vẫn luôn có những phẩm chất tốt đẹp không bao giờ mất đi: đó là “hạt ngọc ẩn giấu”, là “vẻ đẹp khuất lấp” mà chỉ cần hoàn cảnh trở nên tốt đẹp, nó sẽ tỏa sáng.

*Khái quát vấn đề, hai tác giả và hai tác phẩm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

........................

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 14. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm