Phân loại hao phí thời gian làm việc trong ngày (ca) của người lao động
Chúng tôi xin giới thiệu bài Phân loại hao phí thời gian làm việc trong ngày (ca) của người lao động được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nội dung thuộc về môn Tổ chức lao động khoa học nhằm giúp các bạn sinh viên có cái nhìn tổng quát hơn về môn học hơn.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Phân loại hao phí thời gian làm việc trong ngày (ca) của người lao động
Thời gian làm việc trong ngày (ca) của người lao động là độ dài ngày (ca) làm việc theo quy định của chế độ hiện hành. Ở nước ta, với những công việc có điều kiện làm việc bình thường thì thời gian ngày (ca) làm việc là 8 giờ.
Trong sản xuất, thời gian làm việc trong ngày (ca) của người lao động được ký hiệu là Tca được chia ra: Nhóm thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, công tác (còn gọi là nhóm thời gian được định mức - ký hiệu là TĐM) và nhóm thời gian lãng phí (còn là nhóm thời gian không được định mức - ký hiệu là TKĐM)
Cơ cấu thời gian làm việc trong ngày được thể hiện qua công thức sau:
Tca = TĐM + TKĐM
Trong đó:
TĐM: Thời gian định mức là thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, công tác.
TKĐM : Thời gian không định mức là thời gian lãng phí trong ngày làm việc.
1. Nhóm thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, công tác (còn gọi là nhóm thời gian được định mức - Kí hiệu TĐM)
Nhóm thời gian được định mức bao gồm 5 loại thời gian: Thời gian chuẩn kết, thời gian tác nghiệp, thời gian phục vụ, thời gian nghỉ ngơi và nhu cầu tự nhiên, thời gian ngừng công nghệ.
* Thời gian chuẩn kết (ký hiệu: TCK)
Thời gian chuẩn kết là thời gian người lao động dùng vào việc chuẩn bị phương tiện sản xuất, công tác để thực hiện khối lượng công việc được giao và tiến hành mọi hoạt động có liên quan đến việc hoàn thành khối lượng công việc đó.
Ví dụ:
Đối với công nhân may:
- Thời gian nhận nguyên vật liệu, phụ liệu.
- Thời gian chuẩn bị suốt chỉ, dụng cụ.
- Thời gian vệ sinh và điều chỉnh máy, tra dầu lúc đầu và cuối ca...
- Thời gian thu dọn dụng cụ, trả phụ liệu thừa lúc cuối ca.
- Thời gian giao nộp thành phẩm vào lúc cuối ca.
Đối với công nhân cơ khí cắt gọt:
- Thời gian nhận nhiệm vụ, bản vẽ, quy trình công nghệ.
- Thời gian nhận phôi liệu, bán thành phẩm, nguyên vật liệu…
- Thời gian thay đồ bảo hộ lao động lúc đầu và cuối ca làm việc.
- Thời gian vệ sinh và điều chỉnh máy, tra dầu lúc đầu và cuối ca...
- Thời gian thu dọn dụng cụ, đồ gá lắp lúc cuối ca.
- Thời gian giao nộp sản phẩm vào lúc cuối ca…
Đặc điểm của thời gian chuẩn kết thường chỉ hao phí vào lúc đầu ca hoặc cuối ca, chỉ hao phí một lần cho cả loạt sản phẩm sản xuất, không phụ thuộc vào số lượng sản phẩm của loạt và thời gian của ca làm việc.
* Thời gian tác nghiệp (ký hiệu TTN):
Thời gian tác nghiệp là thời gian trực tiếp hoàn thành bước công việc và được lặp đi lặp lại qua từng sản phẩm hoặc một số sản phẩm nhất định.
Nếu bước công việc được hoàn thành bằng máy thì thời gian tác nghiệp được chia ra thời gian tác nghiệp chính và thời gian tác nghiệp phụ.
Thời gian tác nghiệp chính (ký hiệu TTNC) là thời gian biến đổi đối tượng lao động về mặt chất lượng: hình dáng, kích thước, tính chất cơ, lý, hóa…..
Thời gian tác nghiệp chính có thể là thời gian làm bằng tay, bằng máy, hoặc vừa tay vừa máy. Trong các bước công việc được cơ giới hóa, thời gian chính phần lớn là thời gian máy chạy.
Ví dụ:
- Thời gian trộn bột mì để làm mì gói.
- Thời gian cắt gọt kim loại trên các máy cắt gọt (tiện, khoan, phay, mài, bào, cưa cắt.
- Thời gian cắt, may áo…
- Thời gian dùng nhiệt xử lí (ủ, ram, tôi, đúc...) để thay đổi tổ chức, hình dáng và tính chất kim loại của vật mộc hoặc chi tiết máy.
- Thời gian sơn, đánh bóng, ngâm, tẩm, mạ… để tăng chất lượng bề mặt của sản phẩm…
Thời gian tác nghiệp phụ (ký hiệu TTNP) là thời gian người lao động thực hiện những thao tác phụ, tạo điều kiện hoàn thành thao tác chính. Nó được lặp lại khi gia công từng sản phẩm hoặc một số sản phẩm nhất định.
Thời gian phụ phần nhiều làm việc bằng tay. Trong một số công việc, thời gian phụ làm bằng tay và máy hoặc hoàn toàn bằng máy, được tiến hành cùng lúc máy chạy. Khi thời gian phụ trùng với thời gian chính, khi đó thời gian trùng lặp không được tính vào định mức.
Ví dụ:
- Thời gian đính kim, kẹp trên vải để cắt.
- Thời gian công nhân cân, đo lượng bột, nước và vị hương để chuẩn bị trộn (trước từng mẻ trộn bột) trong công nghệ sản xuất mì ăn liền.
- Thời gian lấy phôi liệu đưa vào mâm cặp và siết chặt mâm cặp.
Thời gian tác nghiệp chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố: đối tượng lao động, mức độ phức tạp của công việc, đặc điểm thiết bị, dụng cụ, đồ gá và trình độ lành nghề của công nhân.
* Thời gian phục vụ nơi làm việc (ký hiệu TPV):
Thời gian phục vụ nơi làm việc là thời gian hao phí để trông coi và đảm bảo cho nơi làm việc hoạt động liên tục trong suốt ca làm việc.
Trong quá trình sản xuất bằng máy, thời gian phục vụ có thể được chia ra thời gian phục vụ kỹ thuật và thời gian phục vụ tổ chức.
Thời gian phục vụ kỹ thuật nơi làm việc (ký hiệu TPVKT) là thời gian hao phí để làm các công việc phục vụ có tính chất kỹ thuật, nhằm duy trì khả năng làm việc bình thường của máy móc, thiết bị…
Ví dụ:
- Thời gian thay kim.
- Thời gian mài kéo.
- Thời gian tra dầu mỡ, tiếp nhiên liệu vào máy lúc giữa ca.
Thời gian phục vụ tổ chức (ký hiệu TPVTC) là thời gian hao phí để làm các công việc phục vụ có tính chất tổ chức nhằm duy trì trật tự, vệ sinh và hợp lý hóa nơi làm việc.
Ví dụ:
- Thời gian vệ sinh tạm nơi làm việc trong quá trình làm việc.
- Thời gian nhận chỉ thị của quản đốc, chuyền trưởng… trong khi gia công loạt chi tiết và trong ca.
- Thời gian nghe sự hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật trong khi đang làm việc…
Thời gian phục vụ chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố: Trình độ tổ chức, phục vụ nơi làm việc và chất lượng của máy móc, thiết bị, dụng cụ, đồ gá lắp…
* Thời gian nghỉ ngơi và nhu cầu tự nhiên của người lao động (ký hiệu TNN).
Thời gian nghỉ ngơi và nhu cầu tự nhiên của người lao động là thời gian cần thiết để duy trì khả năng làm việc bình thường của người lao động trong ca làm việc.
Thời gian nghỉ ngơi và nhu cầu tự nhiên bao gồm: thời gian nghỉ giải lao và thời gian nghỉ vì nhu cầu tự nhiên.
Thời gian nghỉ giải lao (Ký hiệu TNGL) là thời gian người lao động được ngừng hoạt động sản xuất để phục hồi khả năng lao động đã bị hao phí tạm thời trong quá trình làm việc. Có 2 hình thức nghỉ giải lao:
- Thời gian nghỉ giải lao thụ động (ngồi nghỉ, nằm nghỉ)
- Thời gian nghỉ giải lao tích cực (tập thể thao, thể dục chống phòng bệnh, nghe ca nhạc).
Thời gian nghỉ giải lao chỉ được qui định cho những công việc mà điều kiện làm việc không bình thường có hại đến sức khỏe và khả năng lao động của công nhân (ví dụ như: nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, độ bụi trong không khí, tiếng ồn, độ rung, nồng độ các chất độc hại, áp suất không khí, tư thế làm việc…), cường độ lao động quá cao (ví dụ như: sự gắng sức, sự căng thẳng thần kinh, nhịp độ công tác, tính đơn điệu của công việc…) khiến công nhân dễ mệt mỏi.
Nghỉ giải lao không nên tập trung vào một lần với thời gian dài trong ca và tốt nhất nghỉ làm nhiều lần với thời gian ngắn.
Thời gian nghỉ vì nhu cầu tự nhiên (ký hiệu TNCTN): Là thời gian người lao động nghỉ làm việc để giải quyết những nhu cầu tự nhiên như: uống nước, đại tiểu tiện… ngoài những thời gian này ra còn bao gồm các loại thời gian sau:
- Thời gian làm vệ sinh kinh nguyệt cho lao động nữ làm thông ca trong những ngày hành kinh (điều kiện bình thường: 20 phút /ca; điều kiện khó khăn: 30 phút /ca).
- Thời gian cho con bú đối với công nhân nữ (con nhỏ dưới 12 tháng): 30 phút trong mỗi buổi làm việc (tức là 60 phút trong mỗi ca)
- Thời gian nghỉ ăn cơm giữa ca (đối với những doanh nghiệp làm việc liên tục 3 ca): 30phút/ ca.
- Thời gian nghỉ dưỡng thai (đối với công nhân nữ có thai trên 7 tháng) 30 phút mỗi buổi làm việc (tức là 60 phút/ca)
Thời gian nghỉ ngơi và nhu cầu tự nhiên phụ thuộc vào các nhân tố: độ dài của thời gian làm việc, môi trường sản xuất, tính chất công việc và điều kiện tổ chức giải quyết các nhu cầu tự nhiên.
* Thời gian ngừng công nghệ (ký hiệu TNCN)
Thời gian ngừng công nghệ là thời gian gián đoạn do yêu cầu kỹ thuật sản xuất mà người lao động bắt buộc phải ngừng việc.
Ví dụ:
- Thời gian chờ nóng máy ép keo.
- Thời gian chờ máy nguội của lái xe.
- Thời gian chờ thép đỏ của thợ rèn.
Thời gian ngừng công nghệ phụ thuộc vào yêu cầu kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên nếu thời gian này nhiều phải bố trí công nhân làm thêm việc khác hoặc xét trừ thích đáng vào thời gian nghỉ ngơi và nhu cầu tự nhiên.
Như vậy, năm loại thời gian nêu trên là những thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất nên phải được tính vào mức kỹ thuật thời gian, nhưng không có nghĩa là mức thời gian của bất kỳ chi tiết nào cũng bao gồm đầy đủ năm loại thời gian trên.
2. Nhóm thời gian lãng phí
Nhóm thời gian lãng phí hay còn gọi là nhóm thời gian không được định mức – Kí hiệu TKĐM): là thời gian hao phí vào những công việc không cần thiết và làm những việc không thuộc nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh. Do vậy, nhóm thời gian này không được tính vào mức kỹ thuật thời gian.
Căn cứ vào nguyên nhân gây tổn thất thời gian, thời gian lãng phí được chia ra: thời gian không theo nhiệm vụ, thời gian lãng phí khách quan, thời gian lãng phí chủ quan.
* Thời gian không theo nhiệm vụ (ký hiệu TKNV)
Thời gian không theo nhiệm vụ là thời gian người lao động làm những công việc không thuộc nhiệm vụ được giao, không làm tăng số lượng sản phẩm được giao.
Ví dụ: Thời gian vận chuyển bán thành phẩm, nguyên vật liệu (nếu có lao động phụ trợ làm).
Thời gian đi giúp người khác…
* Thời gian lãng phí khách quan (ký hiệu TLPKQ)
Thời gian lãng phí khách quan là thời gian người lao động phải ngừng việc do công tác tổ chức - kỹ thuật sản xuất không tốt gây ra.
Để giúp cho việc đề xuất biện pháp khắc phục được chính xác, thời gian lãng phí khách quan được phân ra làm 3 loại:
Thời gian lãng phí khách quan do nguyên nhân tổ chức (ký hiệu TLPTC) là thời gian công nhân phải ngừng việc do công tác tổ chức lao động chưa hiệu quả gây ra.
Ví dụ:
- Thời gian chờ việc, chờ nguyên vật liệu, bán thành phẩm …
- Thời gian đi tìm dụng cụ, đồ gá lắp …
Muốn khắc phục thời gian này, doanh nghiệp phải cải tiến tổ chức sản xuất - hợp lý hóa nơi làm việc, chuẩn bị sản xuất thật chu đáo.
Thời gian lãng phí do nguyên nhân kỹ thuật (ký hiệu TLPKT) là thời gian công nhân phải ngừng việc do công tác chuẩn bị kỹ thuật sản xuất không tốt gây ra.
Ví dụ:
-Thời gian máy hỏng, dụng cụ hỏng.
- Thời gian mất điện trong nội bộ doanh nghiệp…
Muốn khắc phục thời gian này, doanh nghiệp phải cải tiến công tác quản lý kỹ thuật, tiến hành sửa chữa dự phòng và bảo dưỡng máy móc, thiết bị, dụng cụ kỹ thuật theo đúng kế hoạch.
Thời gian lãng phí khách quan không phải do doanh nghiệp gây ra, gọi tắt là thời gian lãng phí ngoài doanh nghiệp (ký hiệu TLPNDN) là thời gian công nhân phải ngừng việc do phối hợp sản xuất hoặc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp có liên quan chưa chặt chẽ, không nhịp nhàng, không đồng bộ với nhau và do một số nguyên nhân khác.
Ví dụ:
- Thời gian chờ bán thành phẩm của đơn vị hợp đồng cung cấp.
- Thời gian mất điện, nước (do cơ quan quản lý điện, nước cắt).
- Thời gian bão, lụt……
Muốn khắc phục thời gian lãng phí này, phải có sự phối hợp hoạt động giữa doanh nghiệp với các cơ quan, các tổ chức và nhiều doanh nghiệp khác một cách cụ thể, chặt chẽ.
* Thời gian lãng phí chủ quan (hay còn gọi là thời gian lãng phí do người lao động, ký hiệu TLPLĐ): là thời gian ngừng việc do người lao động vi phạm kỷ luật lao động gây ra.
Ví dụ:
- Thời gian đi muộn, về sớm.
- Thời gian ngừng việc nói chuyện, làm việc riêng trong giờ làm việc.
- Thời gian nghỉ ăn cơm, ăn bồi dưỡng trước giờ và sau giờ qui định.
Để khắc phục thời gian lãng phí này, doanh nghiệp phải không ngừng củng cố và tăng cường kỷ luật lao động, thường xuyên kiểm tra sự có mặt của công nhân tại nơi làm việc, áp dụng trong sản xuất những mức lao động trung bình tiên tiến và các chế độ khuyến khích lợi ích vật chất, động viên khen thưởng kịp thời những công nhân chấp hành tốt kỷ luật lao động, tổ chức tốt đời sống cho công nhân.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Phân loại hao phí thời gian làm việc trong ngày (ca) của người lao động về đặc điểm của thời gian chuẩn kết thường chỉ hao phí vào lúc đầu ca hoặc cuối ca, chỉ hao phí một lần cho cả loạt sản phẩm sản xuất, không phụ thuộc vào số lượng sản phẩm của loạt và thời gian của ca làm việc..
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Phân loại hao phí thời gian làm việc trong ngày (ca) của người lao động. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.