Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn Văn 8 bài Bàn luận về phép học VNEN

Soạn văn 8 VNEN bài 24: Bàn luận về phép học được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình. Mời các bạn tải và tham khảo

A. Hoạt động khởi động

Các nhóm cùng trao đổi để bổ sung, hoàn thiện sơ đồ sau:

Bài làm:

Bàn luận về việc học

Mục đích của việc học

Phương pháp học tập hiệu quả

- Học để có kiến thức

- Học phải đi đôi với hành

- Học để có được công việc tốt

- Khi nghe giảng cần tập trung, không sao nhãng

- Học để làm người

- Không học vẹt, không học để chống đối

- Học để xây dựng quê hương, đất nước

-….

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản Bàn luận về phép học

2. Tìm hiểu văn bản

a) Theo quan điểm của Nguyễn Thiếp, điều quan trọng nhất trong việc học là gì?

Bài làm:

Theo quan điểm của Nguyễn Thiếp, điều quan trọng nhất trong việc học đó là học vì mục đích cao quý: “Biết rõ đạo”. Học để “biết rõ đạo”, nghĩa là học để làm người, học để sống tốt, cư xử đúng chuẩn mực. Qua việc học, con người được tu dưỡng về đạo đức, có tri thức vừa giúp tự hoàn thiện mình, vừa góp phần phụng sự đất nước.

b) Tác giả đã phê phán những lối học lệch lạc, sai trái nào? Tác hại của lối học đó là gì?

Bài làm:

Tác giả đã phê phán những lối học lệch lạc, sai trái:

  • Lối học chuộng hình thức (lối học thuộc lòng từng chữ mà không hiểu nội dung)
  • Học vì mục đích thực dụng, cầu danh lợi (học để có danh tiếng, để được trọng vọng, được nhàn nhã, nhiều lợi lộc) chứ không vì mục đích chân chính của việc học.

Tác hại của lối học ấy là: chỉ có danh mà không có thực chất, biến con người thành những kẻ hèn kém “chúa tầm thường, thần nịnh hót”. Nguy hại hơn, cách học ấy làm cho triều chính rối loạn, “nước mất, nhà tan”.

c) Bài tấu đề cập đến những “phép học” nào? Em hiểu bản chất của những “phép học” đó là gì?

Bài làm:

Bài tấu đề cập đến những “phép học”:

  • Học phải theo trình tự trước - sau, thấp – cao, dễ - khó: "Lúc đầu học Tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên...". Nghĩa là người học phải bắt đầu từ những kiến thức có sở, nền tảng.
  • Học rộng nhưng phải biết tóm lược những điều cơ bản, cốt yêu (“học rộng rồi tóm lược cho gọn”).
  • Đặc biệt, học phải đi đôi với hành, kiến thức trong sách vở phải được thể nghiệm vận dụng vào thực tiễn đời sống: "Theo điều học mà làm".

d) Hoàn thiện sơ đồ sau để thấy được trình tự lập luận của văn bản “Bàn luận về phép học”.

Bài làm:

Mục đích chân chính của việc học

  • Ngọc không mài, không thành
  • đồ vật; người không học, không biết rõ đạo
  • Nghĩa là học để làm người,
  • học để sống tốt, cư xử đúng chuẩn mực.

Lối học đáng phê phán

  • Lối học chuộng hình thức
  • Học vì mục đích thực dụng, cầu danh lợi

Lối học cần noi theo

  • Học phải theo trình tự trước - sau, thấp – cao, dễ - khó
  • Học rộng nhưng phải biết tóm lược
  • Học phải đi đôi với hành

Tác dụng của việc học

Đạo học thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị

3. Viết đoạn văn trình bày luận điểm

a) Đọc những đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:

- Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

(Lí Công Uẩn, Chiếu dời đô)

- Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến, miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

(1) Xác định câu chủ đề (câu nêu luận điểm) trong mỗi đoạn.

(2) Câu chủ đề của mỗi đoạn được đặt ở vị trí nào? Căn cứ vào vị trí của câu chủ đề, hãy chỉ ra các trình bày của mỗi đoạn trích.

(3) Để triển khai luận điểm trong mỗi đoạn, người viết đã sử dụng những luận cứ nào?

Bài làm:

(1) Câu chủ đề:

Đoạn 1: (Thành Đại La) Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Đoạn 2: Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước.

(2)

Câu chủ đề đoạn 1 được đặt ở cuối đoạn => Trình bày theo lối quy nạp.

Câu chủ đề đoạn 2 được đặt ở đầu đoạn => Trình bày theo lối diễn dịch.

(3)

Để triển khai luận điểm: (Thành Đại La) Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời, tác giả đã sử dụng những luận cứ: “Ở vào nơi trung tâm trời đất …Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa.”

Để triển khai luận điểm: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước”, tác giả đã sử dụng những luận cứ: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ,… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.”

b) Đọc đoạn trích sau và hoàn thành yêu cầu của phiếu học tập:

Nằm ở cửa ngõ đường vô xứ Huế, gối đầu lên đỉnh đèo ngang thơ mộng, dải đất Quảng Bình như một bức tranh non xanh nước biếc [1]. Phong cảnh ở đây thật kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình [2]. Bờ biển Quảng Bình có những bãi cát vàng óng ánh dưới rừng dương xanh với nhiều bãi tắm đẹp nước biển lung Linh màu Ngọc Bích [3]. Tỉnh có các danh thắng nổi tiếng như Động Phong Nha, động Tiên Sơn, rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi biển Nhật Lệ, Đá Nhảy, suối nước nóng Bang,… trong đó động Phong Nha là một trong những hang động lớn và đẹp nhất ở Việt Nam, quần thể Phong Nha Kẻ Bàng còn là di sản thiên nhiên thế giới [4]. Ngoài ra, Quảng Bình ngày nay vẫn bảo tồn được nhiều di tích lịch sử, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở những thời đại khác nhau [5]. Và còn biết bao điểm du lịch hấp dẫn khác của Quảng Bình đang chờ đón du khách [6].

Phiếu học tập

(1) Đoạn văn được trình bày theo cách nào?

A – Diễn dịch

B – Quy nạp

C – Tổng phân hợp

(2) Câu chủ đề của đoạn văn là:

  1. Câu 1
  2. Câu 2
  3. Câu 6

(3) Để triển khai ý của câu chủ đề, người viết đã sử dụng những luận cứ nào?

- Luận cứ 1: ………………..

- Luận cứ 2: ……………….

- ……………

Bài làm:

(1) A

(2) A

(3)

- Luận cứ 1: Phong cảnh ở đây thật kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình

- Luận cứ 2: Bờ biển Quảng Bình có những bãi cát vàng óng ánh dưới rừng dương xanh với nhiều bãi tắm đẹp nước biển lung Linh màu Ngọc Bích

- Luận cứ 3: Tỉnh có các danh thắng nổi tiếng như … di sản thiên nhiên thế giới.

– Luận cứ 4: Quảng Bình ngày nay vẫn bảo tồn được nhiều di tích lịch sử, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở những thời đại khác nhau.

- Luận cứ 5: còn biết bao điểm du lịch hấp dẫn khác của Quảng Bình đang chờ đón du khách.

c) Những yêu cầu sau nói về cách trình bày luận điểm trong đoạn văn nghị luận. Khoanh tròn vào ô Đ (đúng), hoặc S (sai) với mỗi nhận xét:

Yêu cầu

Đúng

Đ

Sai

S

(1) Thể hiện rõ ràng, chính xác nội dung của luận điểm trong câu chủ đề

Đ

S

(2) Trong đoạn văn trình bày luận điểm, câu chủ đề thường được đặt ở vị trí đầu tiên (đối với đoạn quy nạp) hoặc cuối cùng (đối với đoạn diễn dịch).

Đ

S

(3) Tìm đủ các luận cứ cần thiết, tổ chức lập luận theo một trình tự hợp lí để làm nổi bật luận điểm.

Đ

S

(4) Diễn đạt trong sáng, hấp dẫn để việc trình bày luận điểm có sức thuyết phục.

Đ

S

Bài làm:

Yêu cầu

Đúng

Đ

Sai

S

(1) Thể hiện rõ ràng, chính xác nội dung của luận điểm trong câu chủ đề

Đ

S

(2) Trong đoạn văn trình bày luận điểm, câu chủ đề thường được đặt ở vị trí đầu tiên (đối với đoạn quy nạp) hoặc cuối cùng (đối với đoạn diễn dịch).

Đ

S

(3) Tìm đủ các luận cứ cần thiết, tổ chức lập luận theo một trình tự hợp lí để làm nổi bật luận điểm.

Đ

S

(4) Diễn đạt trong sáng, hấp dẫn để việc trình bày luận điểm có sức thuyết phục.

Đ

S

C. Hoạt động luyện tập

1. Ngày nay, những quan điểm của tác giả Nguyễn Thiếp thể hiện trong văn bản Bàn luận về phép học còn phù hợp không? Vì sao?

Bài làm:

Bàn về phép học là tác phẩm ra đời năm 1791 những cho đến nay những quan điểm của tác giả Nguyễn Thiếp đưa ra vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, chúng ta cũng cần nhận thức được rõ mục đích, vai trò của việc học đó là để làm người có đạo đức, vận dụng tri thức vào cuộc sống để góp phần xây dựng, phát triển đất nước chứ không phải để cầu danh lợi. Bằng chứng là những người học chỉ để mưu cầu danh lợi sẽ không có chỗ đứng vững vàng trong xã hội, sớm bị loại bỏ. Bên cạnh đó, phương pháp học đi đôi với hành và muốn học tốt phải học sâu, nắm được cốt lõi của vấn đề. Thực tế, nếu như học chỉ nắm được lý thuyết suông và không biết vận dụng thì việc học trở nên vô nghĩa và ngược lại, thực hành mà không có kiến thức nền tảng thì khó có thể thành công. Học càng sâu, nghiên cứu càng kỹ sẽ giúp chúng ta đạt được thành tựu trong học tập và cuộc sống.

2. Diễn đạt ý của mỗi câu văn sau thành một luận điểm ngắn gọn và rõ ràng.

Câu văn

Luận điểm

a) Trước hết là cần phải tránh xa cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải” làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”

(Hồ Chí Minh, Cách viết)

………………………………..

………………………………..

………………………………….

b) Ngoài việc đam mê viết, các thích thứ hai của Nguyên Hồng là được truyền nghề cho các trẻ.

(Nguyễn Tuân)

………………………………..

………………………………..

………………………………….

c) Mỗi con người đều hiểu rằng môi trường sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bảo vệ môi trường sống chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

………………………………..

………………………………..

………………………………….

Bài làm:

Câu văn

Luận điểm

a) Trước hết là cần phải tránh xa cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải” làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”

(Hồ Chí Minh, Cách viết)

Cần phải viết ngắn gọn, rõ ràng.

b) Ngoài việc đam mê viết, các thích thứ hai của Nguyên Hồng là được truyền nghề cho các trẻ.

(Nguyễn Tuân)

Nguyên Hồng không chỉ đam mê viết mà còn muốn truyền nghề cho các bạn trẻ.

c) Mỗi con người đều hiểu rằng môi trường sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bảo vệ môi trường sống chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Bảo vệ môi trường sống là điều rất quan trọng.

3. Đoạn văn sau đây trình bày luận điểm gì và sử dụng các luận cứ nào? Hãy nhận xét về cách sắp xếp luận cứ và cách diễn đạt của đoạn văn?

Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt trốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không âm thanh như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ tế hanh đã đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật: sự mỏi mệt say sưa của con thuyền lúc trở về bến, nỗi khổ đau chất chứa trên toa tàu nặng trĩu, những vui buồn sầu tủi của một con đường.

(Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam)

Bài làm:

Đoạn văn trình bày luận điểm: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm.”

Các luận cứ được sử dụng: “Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cành sinh hoạt chốn quê hương."

“Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật".

Cách trình bày luận cứ theo cách luận cứ sau phát triển cao hơn luận cứ trước. Luận cứ sau biểu hiện mức độ tinh tế cao hơn luận cứ trước.

4. Mỗi nhóm trao đổi để tìm ra 3 – 4 luận cứ nhằm triển khai những luận điểm sau:

a) Học phải kết hợp với làm bài tập thì mới hiểu bài.

b) Học vẹt không phát triển được năng lực tư duy.

c) Học phải đi đôi với hành thì việc học mới có ý nghĩa.

Bài làm:

a) Học phải kết hợp với làm bài tập thì mới hiểu bài.

- Học là để nắm bắt kiến thức. Nắm bắt kiến thức rất quan trọng nhưng củng cố những kiến thức đã nắm bắt được còn quan trọng hơn.

- Việc làm bài tập vừa giúp ta hiểu sâu, hiểu rõ lý thuyết, vừa củng cố vũng chắc cho những kiến thức ấy.

- Chỉ có việc làm bài tập mới giúp biến những lý thuyết đã học thực sự thành của mình.

b) Học vẹt không phát triển được năng lực tư duy.

- “Học vẹt” là kiểu học thuộc làu, nhại lại đúng những kiến thức đã học nhưng lại không hiểu bản chất của chúng.

- “Học vẹt” là lối học chống đối, học để cho xong.

- Thói quen học vẹt khiến não trở nên lười suy nghĩ, hạn chế năng lực tư duy của con người.

c) Học phải đi đôi với hành thì việc học mới có ý nghĩa.

- Hành vừa là mục đích của việc học lại vừa là một phương pháp để học tập hiệu quả.

- Nếu việc kiến thức đã học không được không được đem ra để thực hành, để ứng dụng thực tiễn thì sẽ trở nên vô ích.

- Việc thực hành sẽ giúp những kiến thức đã học càng được khắc sâu hơn.

5. Lựa chọn và sắp xếp lại các luận điểm sau sao cho phù hợp với đề bài: “Hãy viết bài văn khuyên một số bạn trong lớp học tập chăm chỉ hơn”. Giải thích về sự lựa chọn và sắp xếp đó.

a) Lớp ta có nhiều bạn học giỏi, lao động tốt, làm vui lòng thầy cô, cha mẹ, xứng đáng là tấm gương để chúng ta noi theo.

b) Các thầy, cô giáo và nhiều bậc phụ huynh lớp ta đang rất lo buồn.

c) Thế nhưng vẫn còn một số bạn trong lớp chểnh mảng trong học tập.

d) Vậy thì ngay từ lúc này, các bạn hãy chuyên cần học tập hơn.

e) Nếu bây giờ các bạn ham vui chơi, không chịu học hành để tích lũy tri thức thì sau này khó có được thành công trong cuộc sống.

Bài làm:

Sắp xếp các luận điểm:

a) Lớp ta có nhiều bạn học giỏi, lao động tốt, làm vui lòng thầy cô, cha mẹ, xứng đáng là tấm gương để chúng ta noi theo.

c) Thế nhưng vẫn còn một số bạn trong lớp chểnh mảng trong học tập.

b) Các thầy, cô giáo và nhiều bậc phụ huynh lớp ta đang rất lo buồn.

e) Nếu bây giờ các bạn ham vui chơi, không chịu học hành để tích lũy tri thức thì sau này khó có được thành công trong cuộc sống.

d) Vậy thì ngay từ lúc này, các bạn hãy chuyên cần học tập hơn.

6. Nhận xét về sự phù hợp của những luận cứ sau nếu được sử dụng để triển khai cho luận điểm (e) của bài tập 5 trên đây:

a) Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học, kĩ thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ

b) Trong xã hội ấy, tri thức trở thành một điều vô cùng cần thiết để chúng ta có thể làm việc một cách hiệu quả.

c) Nhưng tri thức không phải tự nhiên mà có được.

d) Muốn có tri thức, chúng ta phải tích cực, chăm chỉ học tập ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bài làm:

Những luận cứ trên là phù hợp để giúp làm rõ và cụ thể cho luận điểm (e) của bài tập trước.

7. Lựa chọn một trong những luận điểm ở bài tập 5 để triển khai thành một đoạn văn theo kiểu diễn dịch hoặc quy nạp.

Bài làm:

1) Nếu bây giờ các bạn ham vui chơi, không chịu học hành để tích lũy tri thức thì sau này khó có được thành công trong cuộc sống.

Học tập là quá trình tích lũy, tìm tòi và khám phá tri thức giúp con người tiếp cận với kho tàng kiến thức nhân loại để từ đó có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống, tạo hiệu quả trong công việc. Chính vì vậy, nếu các bạn học sinh ham chơi, không chịu học hành thì sẽ dẫn đến nhận thức lệch lạc về cuộc sống, dễ làm những hành động sai lầm, sa ngã vào con đường tệ nạn. Lâu dần, những bạn học sinh ấy sẽ đánh mất nhân cách, khả năng làm việc kém, thiếu hiểu biết, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngay lúc này, các bạn học sinh cần chăm chỉ rèn luyện bản thân thì sau này mới có thể đạt được thành công cho bản thân và mang lại lợi ích cho cuộc sống. Vì vậy, nếu bây giờ các bạn ham vui chơi, không chịu học hành để tích lũy tri thức thì sau này khó có được thành công trong cuộc sống.

D. Hoạt động vận dụng

Viết bài tập làm văn số 6 – Văn nghị luận (làm tại lớp)

Một số đề bài tham khảo

a) Dựa vào các văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước.

b) Từ văn bản "Bàn luận về phép học" của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa "học" và "hành".

c) Câu nói của M. Go – rơ – ki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống" gợi cho em suy nghĩ gì?

d) “Hãy yêu thương và chia sẻ, bạn sẽ nhận về niềm vui và hạnh phúc.”

Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

Bài làm:

Đề d: “Hãy yêu thương và chia sẻ, bạn sẽ nhận về niềm vui và hạnh phúc.” Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

Bài mẫu 1

Có bao giờ bạn tự hỏi “Hạnh phúc là gì” hay chưa? Con người nỗ lực cả cuộc đời , mải mê kiếm tìm hạnh phúc cả cuộc đời. Nhưng mấy ai định nghĩa được hạnh phúc đích thực là gì? Có người gọi hạnh phúc là cuộc sống sung sướng đầy đủ vật chất, có người gọi hạnh phúc là sự xinh đẹp. Cũng có người cho rằng: “Hãy yêu thương và chia sẻ, bạn sẽ nhận về niềm vui và hạnh phúc.”

Yêu thương và sẻ chia là những tình cảm tốt đẹp, khởi nguồn từ trái tim mỗi con người, gửi trao đến mọi người trong cuộc sống. Còn hạnh phúc trạng thái cảm xúc khi được thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng nào đó của con người. Tình yêu thương, sự sẻ chia, niềm vui và hạnh phúc đều là những giá trị đáng quý nhất trong cuộc đời.

Ý kiến trên đã nêu lên giá trị của yêu thương và sẻ chia. Trao đi yêu thương và sẻ chia, chúng ta sẽ nhận lại niềm vui và hạnh phúc. Điều đó là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ cuộc sống bao gồm nhiều mối quan hệ giữa người với người, từ những người thân yêu nhất trong gia đình đến những người khác trong xã hội. Chúng ta không thể sống trong cộng đồng rộng lớn đó mà vô cảm, đơn độc. Nếu bạn vô cảm với mọi người, tự thu mình trong chiếc vỏ kín, không sẻ chia, không yêu thương, cuộc sống của bạn sẽ trở nên vô nghĩa, bạn sẽ tự tách mình ra khỏi vòng tròn của cộng đồng. Những lúc khó khăn, bạn sẽ phải đơn độc đối diện một mình, cuối cùng dẫn đến những kết quả không tốt đẹp.

Thực tế đã chứng minh, rất nhiều người sống bàng quan, không giao lưu, không tiếp xúc với mọi người xung quanh dẫn đến trầm cảm và thất bại. Ai cũng có niềm hạnh phúc riêng, nỗi lo và buồn phiền riêng, không phải lúc nào giữ trong lòng cũng là biện pháp. Sẻ chia nỗi buồn, gánh nặng trong lòng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, sẻ chia niềm vui, hạnh phúc sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

Yêu thương và sự sẻ chia mang trong mình sức mạnh gắn kết và nâng đỡ vô cùng lớn lao. Nó giống như những phép màu nhiệm, có thể chữa lành những vết thương, bao bọc những vết khuyết kém may mắn trong cuộc sống. Không một ai sinh ra hoàn hảo, ai cũng cần sự sẻ chia và yêu thương. Yêu thương, sẻ chia không phải điều gì đó quá lớn lao kì vĩ. Đôi khi, nó chỉ là những thứ hết sức bình dị ở đời. Đơn giản nhất chính là sự quan tâm và tình cảm dành cho những người thân yêu trong gia đình. Một cái ôm, một câu nói “con yêu mẹ” hay một hành động giúp đỡ mẹ cha của bạn cũng có thể đem đến niềm vui cho cha mẹ.

Hay lớn lao hơn thế là tình yêu thương những số phận bất hạnh, những mảnh đời còn nhiều khó khăn hơn mình. Nếu sống lạnh lùng vô cảm, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được thế giới rộng lớn bao la, có hàng ngàn hàng vạn người sống khổ cực hơn mình, sẽ không bao giờ biết được sự may mắn của bản thân mà trân trọng, nâng niu. Hơn nữa, trao đi yêu thương và sự sẻ chia, chúng ta sẽ nhận lại được sự biết ơn và tin tưởng, hạnh phúc và niềm vui chính là những điều quý giá như thế.

“Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình yêu thương” Lạnh lùng và vô cảm là nguồn cơn dẫn đến nhiều bi kịch trong cuộc sống. Những cuộc chiến tranh phi nghĩa trong quá khứ, những cuộc xả sung ném bom tấn công khủng bố đã cướp đi sinh mệnh của bao người vô tội. Nguyên nhân phải chăng cũng xuất phát từ trái tim thiếu tình yêu thương của con người? Cuộc sống ở ngôi làng mà hàng xóm láng giềng yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau chắc chắn sẽ ấm áp, vui vẻ hơn cuộc sống nơi đô thị, nhà ai khép kín cửa nhà ấy, chẳng bao giờ tiếp xúc với nhau.

Thế nhưng, không phải lúc nào yêu thương và sẻ chia cũng đem lại hạnh phúc. Yêu thương, sẻ chia cần đúng người, đúng thời điểm. Giống như việc bạn có thể một vài lần giúp đỡ cho người ăn xin nhưng không thể cả đời đưa tay giúp đỡ họ để họ ỷ lại vào lòng nhân ái của xã hội để tồn tại mà không cố gắng vươn lên.

Hãy sống chậm lại, mở lòng mình để yêu thương và sẻ chia nhiều hơn với mọi người. Bởi lẽ “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, và yêu thương trao đi chính là yêu thương giữ được mãi mãi…

Bài mẫu 2

Yêu thương và chia sẻ chính là tình cảm xuất phát từ trái tim mỗi con người. Đó chính là tình yêu thương, san sẻ giữa con người với con người giúp những trái tim xích lại gần nhau. Tình yêu thương là món quà vô giá nhất mà con người dành cho nhau.

Yêu thương và chia sẻ không phải là những điều gì quá cầu kì mà đơn thuần có thể xuất phát từ những việc làm giản dị nhất, nhỏ nhất. Chẳng hạn như việc chúng ta giúp đỡ những người thân trong gia đình công việc nhà hay dắt bà cụ qua đường, rộng hơn nữa là chia sẻ những giá trị vật chất cũng như tinh thần với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tình yêu mà bạn trao gửi tới mọi người xung quanh cũng chính là tình yêu mà bạn được nhận lại cho chính bản thân mình. Cảm thấy việc mình làm có ích sẽ giúp bạn hạnh phúc và an yên trong tâm hồn. Khi bạn “cho” đi cũng có nghĩa là “nhận” lại.

Người Việt Nam ta xưa nay luôn luôn sống với truyền thống yêu thương, đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Ngoài kia còn biết bao nhiêu hoàn cảnh nghèo khó, những em bé mồ côi không nơi nương tựa đã được các nhà hảo tâm, những tấm lòng yêu thương chia sẻ những món quà vật chất và tinh thần. Nhiều những mái ấm tình thương cưu mang trẻ em, các chương trình khuyến học động viên các em học tập hay những món quà được gửi đến những người khuyết tật. Đó đều là những tình cảm từ sâu thẳm trái tim mỗi người, mong họ có thể giúp phần nào san sẻ nỗi đau với những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn để họ tiếp tục có động lực cô gắng.

Một nhà văn Nga đã nhận định rằng: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình yêu thương”. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng, khi không có tình thương và sự sẻ chia tồn tại thì cuộc sống trở nên lạnh lẽo, vô nghĩa biết nhường nào. Thời gian qua đi và bốn mùa luân chuyển, giá trị còn ở lại mãi với chúng ta chính là tình yêu thương. Bởi mỗi chúng ta đều “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Cuộc sống của chúng ta luôn cần sự yêu thương. Chỉ có nó mới là sợi dây gắn kết bền chặt nhất giữa con người với nhau, không giá trị vật chất nào có thể đánh đổi được.

e. Dường như hiện nay chúng ta đang vô tư nhận sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ dành cho bản thân mình. Còn bản thân chúng ta chưa dành cho bố mẹ sự quan tâm, chăm sóc mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Em có suy nghĩ gì về ý kiến trên?

Bài làm:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha…”

Cha mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời mỗi con người. Cha mẹ là người duy nhất lặng lẽ hi sinh, yêu thương chúng ta bằng mọi giá mà không cần nhận lại. Thế nhưng, dường như hiện nay chúng ta đang vô tư nhận sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ dành cho bản thân mình. Còn bản thân chúng ta chưa dành cho bố mẹ sự quan tâm, chăm sóc mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Ý kiến nêu trên thực sự gợi lên trong chúng ta nhiều suy nghĩ về cách yêu thương cha mẹ của mình. Cha mẹ là người thân ruột thịt của chúng ta. Mẹ và cha vai gồng vai gánh, cùng nhau xây nên một tòa thành vững chãi mang tên “nhà” – nơi che mưa chắn gió cho chúng ta. Ta cất tiếng khóc đầu tiên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, bước những bước đầu tiên trên đường đời cũng với đôi bàn tay ấy. Bao nhiêu sóng gió và bão táp, mẹ cha luôn là người thay ta ngăn chắn. Cha mẹ dành cả cuộc đời, hi sinh cả tuổi thanh xuân để yêu thương và chở che ta, lặng lẽ gánh chịu bao cay đắng để nuôi chúng ta trưởng thành, không mong được đền đáp, chỉ hi vọng chúng ta khôn lớn thành người.

Hiếu thảo là đạo nghĩa tất yếu mà người con nào cũng cần thực hiện. Thế nhưng, thực tế hiện nay lại không như thế. Có những người con luôn tự nhắc nhở bản thân về những vất vả và hi sinh của cha mẹ, không ngừng cố gắng để đền đáp công ơn trời bể đó. Dù bộn bề công việc, họ vẫn không quên dành thời gian để ở bên bầu bạn và chăm sóc cha mẹ của mình. Những con người như thế thật đáng quý biết bao!

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một thực trạng rất đáng buồn hiện nay, đó là sự vô tâm của con cái đối với cha mẹ. Dường như nhiều người đang vô tư nhận sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho bản thân mình. Còn bản thân lại chưa dành cho họ sự quan tâm, chăm sóc mà mình hoàn toàn có thể làm được. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhịp sống trở nên vội vã hơn, vô tình nhiều người cũng bị cuốn vào guồng quay đó mà đánh mất đi những điều quý giá trong cuộc sống của mình.

Ngày bé biếng ăn, mẹ lo lắng dỗ dành, kiên nhẫn cả nhiều giờ đồng hồ đôi khi chỉ để bón hết cho con một bát cháo. Nhưng ngày nay, có biết bao người viện cớ gia đình công việc mà đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc người mẹ già đã không còn minh mẫn. Có những câu chuyện được chia sẽ trên mạng xã hội về người con nổi nóng với mẹ của mình chỉ vì bà ăn cơm quá chậm khiến bao người rơi nước mắt. Mẹ cha vì bạn kiên nhẫn cả cuộc đời, tại sao bạn lại vì chuyện nhỏ như thế mà nỡ lòng tổn thương người đã sinh thành dưỡng dục mình?

Ngày xưa tập đi, ngã biết bao lần mới có thể vững bước, mẹ cha luôn lặng lẽ dõi theo, không hề cảm thấy phiền phức. Bây giờ, mẹ với cha già rồi, có những thiết bị công nghệ hiện đại không biết sử dụng, muốn học để liên lạc với con, muốn hỏi cách dùng, hai ba câu thôi con đã kêu phiền phức. Hay đơn giản hơn chỉ là những cuộc gọi về nhà, hỏi han và nói lời yêu thương với cha me khi xa nhà, một lời chúc vào ngày của mẹ, ngày của cha. Đó là điều chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhưng nhiều người thì không như vậy.

Có những người cãi lời mẹ cha để sa đọa vào những thú vui đua đòi, để lạc vào những con đường đen tối, thậm chí bỏ nhà ra đi để lại nỗi đớn đau khôn cùng cho cha mẹ. Có những bạn trẻ ghi nhớ và quan tâm mọi thứ về thần tượng, về người yêu nhưng ngày sinh nhật của bố mẹ cũng lãng quên, không một lời chúc, không một hành động quan tâm. Mẹ của bạn, cha của bạn có lẽ sẽ không bao giờ nói ra những điều đó, nhưng sâu bên trong có lẽ vẫn là nỗi buồn sâu sắc.

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…” Công cha, nghĩa mẹ bao la như trời như biển. Cả đời hi sinh đâu phải một hai năm có thể báo đáp hết. Thời gian hơn nữa không bao giờ đứng lại đợi ai, chúng ta càng trưởng thành, cha mẹ càng già đi. Hãy trân trọng thời gian còn được ở bên cha mẹ và quan tâm, chăm sóc họ. Đừng để đến khi không còn cơ hội mới nuối tiếc thời gian đã qua.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

Liên hệ với thực tế học tập của bản thân, hãy chỉ ra một số phương pháp học tập mà em cho là hiệu quả nhất và giải thích lí do.

Bài làm:

Qua quá trình học tập trên ghế nhà trường, em đã rút ra cho mình những phương pháp học tập hiệu quả. Theo em, điều quan trọng nhất đó chính là lên kế hoạch học tập, đề ra mục tiêu cụ thể, phù hợp. Em sẽ dành thời gian ưu tiên hơn cho những môn học mình còn nhiều thiếu sót, sắp xếp học chúng vào những khung giờ học dễ tiếp thu đối với bản thân. Khi có mục tiêu học tập sẽ giúp em có động lực để hoàn thành mục tiêu đó và chủ động học tập hơn. Ngoài ra, trong kế hoạch học tập, nên phân bổ học đầy đủ tất cả các môn học để đảm bảo kiến thức.

Tiếp đến, yếu tố về không gian học tập cũng cần được chú trọng. Khi được học tại một không gian yên tĩnh, tiếp xúc với nhiều ánh sáng như cửa sổ phòng học hay thư viện sẽ giúp em tiếp thu bài tốt hơn và nhanh hơn.

Cuối cùng là học đúng giờ, ngủ đúng giấc. Thời gian học tập, nghỉ ngơi hay đi chơi cần được phân bổ hợp lý. Thời gian thích hợp nhất để ôn bài đó là sáng sớm, khi chúng ta đã được nghỉ ngơi sau một đêm, đầu óc tỉnh táo để ôn lại kiến thức. Không nên thức quá khuya để học bài vì khi đó não bộ đã hoạt động kém hiệu quả và điều này dễ ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta.

Soạn văn bài: Bàn luận về phép học - Sách hướng dẫn học Ngữ Văn 8 tập 2 trang 48. Sách này nằm trong bộ VNEN của chương trình mới. Trên đây VnDoc đã hướng dẫn các bạn trả lời các câu hỏi, cùng với lời giải chi tiết hy vọng các bạn sẽ học tốt môn Ngữ văn lớp 8. Chúc các bạn học tốt

............................................

Ngoài Bàn luận về phép học. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 8, soạn bài 8 hoặc đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Ngữ văn 8 VNEN

    Xem thêm