Soạn văn 8 bài Đi bộ ngao du VNEN

Soạn văn 8 VNEN bài 26: Đi bộ ngao du trích Ê-min hay về giáo dục do Ru-xô sáng tác được VnDoc sưu tầm và giới thiệu. Soạn văn 8 bài đi bộ ngao du này sẽ là tài liệu tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình. Mời các bạn cùng tham khảo

Soạn văn 8 bài Đi bộ ngao du VNEN

A. Hoạt động khởi động

1. Trao đổi về những lợi ích khi chúng ta đi bộ.

2. Em hiểu thế nào là “đi bộ ngao du”?

Bài làm:

1. Những lợi ích khi đi bộ:

- Đi bộ thường xuyên giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, giúp cơ thể chúng ta dẻo dai, bền bỉ, linh hoạt hơn.

- Đi bộ giúp giảm mỡ thừa, tránh được bệnh béo phì và giữ cho cơ thể săn chắc, thon gọn.

- Đi bộ tại những nơi có không khi trong lành, yên tĩnh như công viên, bờ hồ,... sẽ giúp chúng ta thư giãn, giảm stress và cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn.

- ....

2. "Đi bộ ngao du" tức là phải vừa đi vừa quan sát và nghiền ngẫm.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản Đi bộ ngao du

2. Tìm hiểu văn bản:

a) Chỉ ra 3 luận điểm chính mà tác giả đã trình bày trong ba đoạn của văn bản

Đoạn

Luận điểm

(1) Từ đầu đến “bàn chân nghỉ ngơi”

(2) Từ “Đi bộ ngao du” đến “không thể làm tốt hơn”

(3) Đoạn còn lại

Bài làm:

Đoạn

Luận điểm

(1) Từ đầu đến “bàn chân nghỉ ngơi”

Đi bộ ngao du thì ta hoàn toàn được tự do, tùy theo ý thích, không lệ thuộc ai, không lệ thuộc vào bất cứ cái gì

(2) Từ “Đi bộ ngao du” đến “không thể làm tốt hơn”

Đi bộ ngao du thì ta sẽ có dịp trau dồi kiến thức cho mình

(3) Đoạn còn lại

Đi bộ có tác dụng tốt cho sức khỏe, tinh thần

b) Câu nào sau đây thể hiện đúng trình tự sắp xếp ba luận điểm chính của văn bản:

A. Khi tự do ngao du, con người có thể tìm hiểu những gì mình quan tâm, không bị phụ thuộc vào bất cứ điều gì.

B. Đi bộ ngao du giúp ta tùy thích quan sát, học hỏi do vậy mà mở rộng tầm hiểu biết, khỏe khắn về thể chất và khoan khoái về tinh thần.

C. Chỉ khi tự do ngao du, con người mới ý thức được giá trị của tự do, thoát khỏi những ràng buộc con người mới hạnh phúc.

D. Đi bộ ngao du sẽ thỏa mãn khát vọng tự do tự tại để tìm hiểu, khám phá những điều mình quan tâm, hứng thú.

Bài làm:

Chọn B: Đi bộ ngao du giúp ta tùy thích quan sát, học hỏi do vậy mà mở rộng tầm hiểu biết, khỏe khắn về thể chất và khoan khoái về tinh thần.

c) Cách sắp xếp các luận điểm của văn bản đã thể hiện trình tự lo-gic như thế nào?

Bài làm:

Cách sắp xếp các luận điểm của văn bản rất thống nhất, logic và hợp lý. Hệ thống luận điểm được sắp xếp theo trình tự từ yếu tố chính đến yếu tố phụ, yếu tố quan trọng nhất được đưa lên đầu.

Trình tự sắp xếp này cũng được sắp xếp theo lí do của cá nhân tác giả. Thuở nhỏ ông phải đi làm thuê cho chủ xưởng để kiếm sống, bị hành hạ, không có tự do, vậy nên ông luôn khát khao mãnh liệt có được sự tự do hàng đầu. Tiếp đến, cuộc đời ông chỉ được đi học vài năm, vì thế ông mong được học hỏi, trau dồi kiến thức.

d) Tìm những dẫn chứng cụ thể trong văn bản cho thấy Ru – xô là một người giản dị, quý trọng tự do và yêu thiên nhiên.

Bài làm:

- Giản dị, tự do: “Bất cứ đâu tôi thích, tôi lưu lại đấy. Hễ lúc nào tôi chán, tôi bỏ đi luôn. Tôi chẳng phụ thuộc vào những con ngựa hay gã phu trạm”; “tôi đi qua bất cứ nơi nào con người có thể đi qua”; “tôi hưởng thụ tất cả sự tự do mà con người có thể hưởng thụ”,…

- Yêu thiên nhiên: “tôi nhìn thấy một dòng sông ư, tôi đi men theo dòng sông; một khu rừng rậm ư, tôi đi vào dưới bóng cây; một hang động ư, tôi đến tham quan; một mỏ đá ư, tôi xem xét các khoáng sản”...

e) Trong văn bản Đi bộ ngao du, có khi tác giả sử dụng đại từ nhân xưng “ta” nhưng cũng có khi lại là “tôi”. Theo em, sự thay đổi này có tác dụng gì?

Bài làm:

Trong văn bản Đi bộ ngao du, tác giả đã sử dụng các đại từ nhân xưng: ta, tôi

- Khi tác giả sử dụng đại từ nhân xưng ta thể hiện quan điểm chung của tất cả mọi người đó là “ta ưa đi lúc nào thì đi, ta thích dừng lúc nào thì dừng, ta muốn hoạt động nhiều ít thế nào là tùy”. Qua cách xưng này, Ru-xô muốn khẳng định đi bộ ngao du phù hợp với tất cả mọi người.

- Với cách xưng đại từ “tôi”, tác giả muốn đưa ra những chiêm nghiệm của bản thân mình trong cuộc sống để đưa ra những ý kiến thuyết phục mọi người. Điều này làm cho văn bản trở nên sinh động, giàu sức thuyết phục.

Sự thay đổi cách xử dụng đại từ nhân xưng làm tác phẩm giàu sức thuyết phục và có tính linh hoạt, biểu cảm cao.

c) Cách sắp xếp các luận điểm của văn bản đã thể hiện trình tự lo-gic như thế nào?

Bài làm:

Cách sắp xếp các luận điểm của văn bản rất thống nhất, logic và hợp lý. Hệ thống luận điểm được sắp xếp theo trình tự từ yếu tố chính đến yếu tố phụ, yếu tố quan trọng nhất được đưa lên đầu.

Trình tự sắp xếp này cũng được sắp xếp theo lí do của cá nhân tác giả. Thuở nhỏ ông phải đi làm thuê cho chủ xưởng để kiếm sống, bị hành hạ, không có tự do, vậy nên ông luôn khát khao mãnh liệt có được sự tự do hàng đầu. Tiếp đến, cuộc đời ông chỉ được đi học vài năm, vì thế ông mong được học hỏi, trau dồi kiến thức.

g) Em hãy nhận xét về cách lập luận thể hiện trong văn bản.

Bài làm:

Cách lập luận trong văn bản được thể hiện một cách thống nhất, hợp lí, theo một trình tự nhất định, gắn liền với quan điểm cá nhân tác giả.

3. Tìm hiểu về lượt lời trong hội thoại

a) Đọc đoạn trích sau trong tác phẩm Tắt đèn (Ngô Tất Tố) và trả lời các câu hỏi:

Những sự hiếu thảo, ngoan ngoãn của hai đứa trẻ ngây thơ vô tình lộ ra từ nãy đến giờ, hình như đều là những lưỡi dao găm cắt từng khúc ruột chị Dậu. Càng nhìn chúng nó, chị càng nước mắt ngắn dài.

Ngạc nhiên, cái Tí thỏ thẻ giục mẹ:

- U ăn khoai đi, để lấy sữa cho em nó bú. Từ sáng đến giờ, u chưa ăn gì, đói quá chịu làm sao được

Chị Dậu vẫn cứ rầu rĩ nét mặt, những giọt nước mắt rơi xuống càng mau.

Với vẻ mặt băn khoăn, cái Tí lại bưng bát khoai chìa tận mặt mẹ:

- Này u ăn đi! Để mãi! U có ăn thì con mới ăn. U không ăn con cũng không muốn ăn nữa.

Nể con, chị Dậu cầm lấy một củ, rồi chị lại đặt xuống chõng.

Vẻ nghi ngại hiện ra sắc mặt, con bé hóm hỉnh hỏi mẹ một cách thiết tha:

- Sáng ngày người ta đấm u có đau lắm không?

Chị Dậu khẽ gạt nước mắt:

- Không đau con ạ!

- Thế làm sao u cứ khóc mãi mà không ăn khoai? Hay là u thương chúng con đói quá? Không, chúng con không đói nữa đâu. Hai đứa ăn hết ngần kia củ khoai thì no mòng bụng ra rồi còn đói gì nữa. U cứ ăn đi, cứ ăn hết bát khoai ấy đi! Nếu u không ăn, lấy đâu ra sữa cho em nó bú?

Chị Dậu vừa nói vừa mếu:

- Thôi u không ăn, để phần cho con. Con chỉ được ăn ở nhà bữa này nữa thôi. U không muốn ăn tranh của con. Con cứ ăn thật no, không phải nhường nhịn cho u.

Cái Tí chưa hiểu hết ý câu nói của mẹ, nó xám mặt lại và hỏi bằng giọng luống cuống:

- Vậy thì bữa sau con ăn ở đâu?

Điểm thêm một “giây” nức nở, chị Dậu ngó con bằng cách xót xa:

- Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị Thôn Đoài.

Cái Tí nghe nói giãy nảy, giống như sét đánh bên tai, nó liệng củ khoai vào rổ và oà lên khóc:

- U bán con thật đấy ư? Con van u, con lạy u, con còn bé bỏng, u đừng đem bán con đi, tội nghiệp. U để cho con ở nhà chơi với em con.

Thằng Dần cũng khóc tru tréo, bỏ luôn rổ khoai đứng dậy, ngoay ngoảy lắc cái mông đít, nó nhắc lại câu nói sáng ngày:

- Em không! Nào! Em không cho bán chị Tí! Nào! Có bán thì bán cái Tỉu này này!

Chị Dậu thổn thổn, thức thức, không nói thêm được câu gì. Bộ mặt sầu thảm dần ngả xuống, đối thẳng với mặt con bé đang bú.

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

(1) Trong cuộc trò chuyện trên, mỗi nhân vật nói mấy lượt lời?

(2) Những lần nào lẽ ra chị Dậu phải nói nhưng chị đã không nói? Sự im lặng của chị thể hiện điều gì?

(3) Nhận xét về số lượng lượt lời giữa các nhân vật (ai nói nhiều, ai nói ít, điều đó cho thấy đặc điểm gì về tính cách, tâm trạng của các nhân vật)?

Bài làm:

(1) Trong cuộc trò chuyện trên, nhân vật cái Tí nói 6 lượt lời, chị Dậu nói 3 lượt vời và thằng Dần nói 1 lượt.

(2) Ở hai lượt lời đầu tiên của cái Tí, lẽ ra chị Dậu phải nói nhưng chị đã im lặng.

Sự im lặng của chị thể hiện tâm trạng đau đớn, nghẹn ngào vì nghĩ đến chuyện sẽ phải bán con đi.

(3) Ban đầu cái Tí chưa biết chuyện, nó hồn nhiên hỏi han, quan tâm mẹ (nói nhiều), khi biết mình phải sang ở đợ nhà Nghị Quế nó kêu khóc, van xin.

Còn chị Dậu ban đầu im lặng vì nỗi đau phải bán đứa con dứt ruột đẻ ra, nhưng sau đó để cái Tí nghe lời chị phải nén nỗi đau, dỗ dành, thuyết phục con.

b) Trong hội thoại cần giữ thái độ lịch sự, tôn trọng lượt lời của người khác khi giao tiếp bằng những cách nào? Chọn những phương án đúng.

(1) Không nói tranh lượt lời

(2) Không tự nhiên ngắt lời người khác.

(3) Không chêm xen vào lời người khác.

(4) Luôn trả lời mọi câu hỏi với thái độ vui vẻ.

Bài làm:

Chọn câu trả lời (1), (2), (3)

c) Đôi khi đến lượt lời của mình nhưng người tham gia hội thoại lại im lặng. Em có nhận xét gì về điều này? (Những lí do nào khiến họ im lặng, có thể chấp nhận được sự im lặng đó không? Vì sao?)

Bài làm:

Đôi khi đến lượt lời của mình nhưng người tham gia hội thoại lại im lặng vì nhiều lí do. Nếu trong cuộc hội thoại việc nói chỉ đem lại những điều không hay, tiêu cực, dễ gây bất hòa thì lúc đó cần im lặng để giữ được tình bạn, tình đoàn kết, cần tránh to tiếng, tránh điều qua tiếng lại không cần thiết… Hoặc đôi khi sự im lặng khi đến lượt lời của mình cũng là một cách để biểu thị thái độ: tức giận, không bằng lòng, hổ thẹn, ngại ngùng, bàng hoàng,...

Với những trường hợp này sự im lặng là có thể chấp nhận được.

C. Hoạt động luyện tập

1. Những chi tiết nào trong văn bản Đi bộ ngao du giúp em hiểu rõ hơn về nhân vật Ê – min? Nêu một vài nhận xét của em về nhân vật này

Bài làm:

- Ê - min là một câu bé kiên cường, bản lĩnh: Nếu mệt em sẽ tìm một thứ gì đó để giải trí, hoặc tìm lấy công việc để tay làm việc còn đôi chân được nghỉ ngơi. Sau khi nghỉ ngơi, đôi chân bớt mỏi mệt thì em lại có thể tiếp tục chuyến hành trình của mình: "Ở chốn nào em cũng có thứ để giải trí. Em vào nhà một người thợ làm việc; em vận động hai cánh tay để đôi bàn chân nghỉ ngơi”.

- Ê - min còn là một cậu bé ưa khám phá, mở mang tri thức và có vốn hiểu biết thực tế phong phú, sâu rộng: “Nhưng phòng sưu tập của Ê- min thì phong phú hơn phòng làm việc của các vua chúa, phòng sưu tập ấy là cả trái đất. Nơi đây, mỗi vật đều đúng chỗ của nó; nhà tự nhiên học làm công việc chăm sóc đã sắp xếp mọi thứ đâu ra đấy…”

2. Qua văn bản Đi bộ ngao du, tác giả đã thể hiện quan điểm về cách mở rộng vốn hiểu biết của mỗi người như thế nào?

Bài làm:

Qua văn bản Đi bộ ngao du, tác giả Ru – xô đưa ra nhận định ngao du sẽ giúp con người mở rộng vốn hiểu biết về tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, địa lí, tự nhiên. Theo ông, đi bộ ngao du là để quan sát, tìm tòi, khám phá như những nhà khoa học, triết học, toán học vĩ đại của thời Hy Lạp cổ. Nếu ta là một người yêu nông nghiệp thì chắc hẳn sẽ phải tìm hiểu cách trồng trọt những sản vật nơi ta đi qua. Còn nếu ta đam mê môn địa lí thì ta sẽ tìm hiểu khí hậu của những nơi ta đến. Những người có vốn tri thức được trau dồi qua những chuyến ngao du chắc chắn sẽ có cái nhìn gần gũi, am hiểu sâu sắc hơn về vạn vật xung quanh ta.

3. Xác định lượt lời của các nhân vật trong đoạn trích sau. Sự im lặng của nhân vật “tôi” thể hiện tâm trạng, thái độ gì?

Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. [...] Mẹ hồi hộp thì thầm vào tai tôi:

– Con có nhận ra con không?

Tôi giật sững người. Chăng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Thọat tiên là sự ngỡ ngàng, rối đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Tôi nhìn như thôi miện vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì…

– Con đã nhận ra con chưa? – Mẹ vẫn hồi hộp.

Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói được với mẹ, tôi sẽ nói rằng: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và long nhân hậu của em con đấy”.

(Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi)

Bài làm:

Lượt lời thứ nhất - người mẹ

-> Nhân vật "tôi" im lặng

Lượt lời thứ hai - người mẹ

-> Nhân vật "tôi" im lặng

Sự "im lặng" của nhân vật "tôi" thể hiện tâm trạng:

- Lần 1: Sự ngỡ ngàng, bất ngờ, hãnh diện.

- Lần 2: Sự xấu hổ và xúc động trước tình yêu thương của em gái.

4. Tạo lập một đoạn hội thoại khoảng 5 – 6 lượt lời nói về “sự bổ ích của những chuyến tham quan, du lịch đối với học sinh” (chú ý thể hiện đặc điểm tính cách, thái độ, tâm trạng của nhân vật qua những lượt lời đó).

Bài làm:

Buổi chiều ngày mai lớp tôi có một chuyến tham quan làng nghề truyền thống của địa phương. Lớp trưởng đứng trước lớp hào hứng thông báo:

- Cả lớp chú ý, đúng 2 giờ chiều ngày mai tất cả có mặt tại trường để cô giáo dẫn đi tham quan làng nghề nhé!

Tuấn – cậu học sinh lười biếng, cá biệt của lớp uể oải:

- Ôi trời nắng lắm. Mình không muốn đi đâu. Ở nhà ngủ còn hơn.

- Những chuyến tham quan như này rất bổ ích và thú vị, cậu không nên bỏ qua đâu. – Lớp trưởng nhẹ nhàng đáp lại.

- Có gì mà vui mà bổ ích? Cậu thử nói xem nào? – Tuấn lại vặn vẹo.

- Đi tham quan làng nghề sẽ giúp chúng mình có thêm hiểu biết về một lĩnh vực mới mẻ, cho ta được tận mắt chứng kiến quá trình người nghệ nhân làm ra những vật dụng mà chúng ta thường dùng. Đã vâỵ, đây còn là một hoạt động ngoại khóa tạo điều kiện cho chúng mình được thư giãn đầu óc và giải tỏa căng thẳng nữa. Không phải rất tốt sao? – Lớp trưởng vui vẻ đáp.

- Ừ nghe cũng hấp dẫn đấy nhỉ. Vậy mai mình cũng thử đi xem sao. – Tuấn nói.

5. Chỉ ra tác dụng của các yếu tố biểu cảm trong đoạn trích sau:

(Đoạn trích SGK - trang 72)

Bài làm:

Những yếu tố biểu cảm trong đoạn trích có tác dụng biểu lộ tấm lòng yêu mến, kính trọng của người viết đối với nhân vật Lão Hạc - một con người nghèo khó, khốn khổ nhưng lương thiện và có lối sống đẹp đẽ, đáng trân trọng.

6. Hãy lựa chọn và đưa những yếu tố biểu cảm vào đoạn văn sau để tăng sức thuyết phục đối với người đọc.

Gợi ý: Sử dụng thêm những hình ảnh, từ ngữ có tính gợi tả, gợi cảm (các từ láy, các thán từ); thay đổi cấu trúc câu để tạo sự đa dạng (câu hỏi tu từ, câu cảm); ngắt vế câu để tạo nhịp điệu ...

Ở lứa tuổi chúng ta, việc giúp đỡ bố mẹ là hoàn toàn có thể và rất cần thiết. Nếu bạn ở thành phố, những việc có thể làm là dọn dẹp nhà cửa: giặt, phơi, thu, gấp quần áo, nấu cơm hoặc phụ giúp mẹ nấu cơm;…Nếu bạn ở nông thôn, ngoài những việc nêu trên, bạn có thể bắt đầu tham gia những việc như trồng, chăm sóc vườn rau, chăm sóc những vật nuôi trong nhà như gà, lợn, ngan, vịt,… Khi làm việc, chúng ta sẽ thấy mệt nhưng cũng vui. Có thể lần đầu chưa tốt nhưng lần sau sẽ tốt hơn. Chúng ta sẽ trở nên chủ động với cuộc sống của mình. Chúng ta sẽ thấy mình khôn lớn, trưởng thành, có ích hơn trong gia đình khi giúp bố mẹ được nhiều việc.

Bài làm:

Ở lứa tuổi chúng ta, việc giúp đỡ bố mẹ là hoàn toàn có thể và rất cần thiết. Dù bạn đang sống ở nông thôn hay thành thị thì chúng ta đều sẽ có cách để trở thành người con ngoan của gia đình. Nếu bạn ở thành phố, hãy “xông pha” ngay vào những công việc nho nhỏ và đơn giản như dọn dẹp nhà cửa: giặt, phơi, thu, gấp quần áo, nấu cơm hoặc phụ giúp mẹ nấu cơm;…Nếu bạn ở nông thôn, ngoài những việc nêu trên, bạn có thể bắt đầu tham gia những việc như trồng và chăm sóc vườn rau, chăm sóc những vật nuôi trong nhà như gà, lợn, ngan, vịt,… Đôi khi làm việc cũng khiến mình mệt thật đấy nhưng mà cũng thật vui làm sao. Đừng lo nếu lần đầu làm mà chưa tốt. Những lần sau bạn sẽ quen và sớm thành thạo hơn thôi. Thật vui làm sao khi có thể tham gia vào những công việc của gia đình dù chỉ là những công việc đơn giản như vậy. Chúng ta sẽ thấy mình trở nên chủ động hơn với cuộc sống của mình. Chúng ta sẽ thấy mình khôn lớn, trưởng thành, có ích hơn biết nhường nào trong gia đình khi giúp bố mẹ được nhiều việc.

D. Hoạt động vận dụng

1. Viết một đoạn văn nghị luận nói về lợi ích của việc đi bộ. Trong đoạn văn có sử dụng yếu tố biểu cảm.

Bài làm:

Đi bộ là một hoạt động thể chất rất có lợi cho sức khỏe. Chạy bộ đều đặn, thường xuyên sẽ giúp cơ thể bạn trở nên thon gọn, cơ bắp săn chắc, khỏe mạnh. Không chỉ dáng người mà cả làn da cũng sẽ mịn màng, bóng khỏe và tràn đầy sức sống. Bên cạnh đó, chạy bộ còn giúp bạn tăng cường sức đề kháng và giảm bệnh tật hiệu quả. Thật vui sướng làm sao khi cảm nhận cơ thể ta khỏa khoắn, linh hoạt hơn mỗi ngày nhờ đi bộ.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

Sưu tầm một văn bản nghị luận (dài khoảng 1 – 2 trang) giàu yếu tố biểu cảm. Nhận xét về tác dụng của những yếu tố biểu cảm được sử dụng trong văn bản đó.

Bài làm:

Thư gửi các chiến sĩ Cảm tử quân Thủ đô (27-1-1947)

Cùng các chiến sĩ yêu quý Trung đoàn Thủ đô,

Các em ǎn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ǎn Tết. Còn 90 phần trǎm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trǎm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến.

Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh 1 . Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn nǎm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau.

Chí kiên quyết dũng cảm, các em đã sẵn có, đây tôi chỉ nhắc lại một vài điều mà các em phải nhớ luôn luôn.

1. Phải hết sức khôn khéo, nhanh chóng, bí mật, phải biết cách hoá chỉnh vi linh 2.

2. Phải rút kinh nghiệm hàng ngày hàng giờ. Phải đề phòng Việt gian trinh thám.

3. Phải hết sức cẩn thận. Phải luôn luôn có sáng kiến để lợi dụng thời cơ.

4. Tuyệt đối đoàn kết.

Các em hǎng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em.

Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi cho các em lời chào thân ái và quyết thắng.

Ngày 27 tháng 1 nǎm 1947

HỒ CHÍ MINH

Yếu tố biểu cảm trong văn bản có tác dụng tác dộng mạnh mẽ tới tình cảm của người đọc (người nghe)

Soạn văn bài: Đi bộ ngao du - Sách hướng dẫn học Ngữ Văn 8 tập 2 trang 66. Sách này nằm trong bộ VNEN của chương trình mới. Ở trên VnDoc đã hướng dẫn cho các bạn trả lời các câu hỏi nằm trong SGK môn Văn lớp 8. Hy vọng với bài soạn văn này sẽ giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức, học tốt môn Văn lớp 8. Chúc các bạn học tốt

............................................

Ngoài Soạn văn 8 bài Đi bộ ngao du VNEN. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 8, soạn bài 8 hoặc đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Đánh giá bài viết
1 536
Sắp xếp theo

    Soạn Ngữ văn 8 VNEN

    Xem thêm