Soạn Văn 8 bài Quê hương – Khi con tu hú VNEN

Soạn Văn 8 VNEN bài 18: Quê hương – Khi con tu hú được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Hy vọng vơi bài Soạn văn 8 này sẽ giúp ích cho các bạn học sinh rút ngắn thời gian làm bài, củng cố lại kiến thức đồng thời học tốt môn Ngữ văn lớp 8. Mời các bạn cùng tham khảo

A. Hoạt động khởi động

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:

Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt trốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không âm thanh như mảnh hồn làng trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ tế hanh đã đưa ta vào một thế giới rất gần gũi…

(Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam)

a) Gạch dưới những chi tiết chứng minh cho nhận định: “Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương”.

b) Hãy tưởng tượng về bức tranh quê hương được gợi lên từ những chi tiết trên.

Bài làm:

Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt trốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không âm thanh như mảnh hồn làng trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ tế hanh đã đưa ta vào một thế giới rất gần gũi…

b)

Những câu văn trên gợi lên một bức tranh làng quê rất thơ mộng, thanh bình và yên ả. Những cánh buồm no gió đưa những con thuyền của người dân chài băng băng ra khơi. Trên những cánh buồm giương to ấy như hiện hữu cả bóng hình, mảnh hồn của quê hương. Trên những con đường quê nho nhỏ uốn lượn như vang âm thanh xào xạc của đồng ruộng du dương như tiếng hát. Bức tranh quê hương ấy thật đẹp và thật có hồn làm sao.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản Quê hương

2. Tìm hiểu văn bản

a) Tái hiện bằng lời văn của em nội dung các đoạn của bài thơ Quê hương theo gợi ý sau:

- Đoạn 1: Giới thiệu chung về “làng tôi” (2 câu đầu).

- Đoạn 2: Cảnh thuyền chài ra khơi đánh cá (6 câu tiếp).

- Đoạn 3: Cảnh thuyền chài trở về bến (8 câu tiếp)

- Đoạn 4: Nỗi nhớ làng quê của tác giả (4 câu cuối).

Bài làm:

- Đoạn 1: Giới thiệu chung về “làng tôi”:

Bằng một lời kể rất bình dị, tác giả Tế Hanh tâm tình, giới thiệu về quê hương của mình – một vùng quê ven biển, làm nghề chài lưới, đánh cá. Khung cảnh quê hương hiện lên với đặc trưng ‘nước bao vây” và ‘cách biển nửa ngày sông”.

- Đoạn 2: Cảnh thuyền chài ra khơi đánh cá:

Trong khung cảnh khoáng đạt, thơ mộng và trong treo của một buổi bình minh đẹp với ‘trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng”, đoàn thuyền khởi hành cho một chuyến ra khơi “đi đánh cá”.

Hình ảnh đoàn thuyền ra khơi hiện lên đầy mạnh mẽ, khỏe khoắn, dũng mãnh như một “con tuấn mã”.

Hình ảnh cánh buồm căng gió được so sánh với “mảnh hồn làng” mang một nét đẹp đầy lãng mạn, đậm chất thơ. Một sự so sánh hữu hình và vô hình đã làm nên sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Con thuyền đã mang theo cả tin yêu, hạnh phúc và hi vọng của những người dân nơi đây.

- Đoạn 3: Cảnh thuyền chài trở về bến:

Khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về bến được miêu tả đầy sống động với vẻ náo nhiệt, ồn ảo và tràn trề sức sống. Người dân làng chài hân hoan, vui sướng khi người thân của mình trở về với những con thuyền “cá đầy ghe”.

Hình ảnh người ngư dân làng chài hiện lên nổi bật với vẻ rắn rỏi và khỏe khoắn: “làn da ngăm rám nắng”, “cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. Họ mang trên mình một màu da riêng, một mùi vị riêng biệt đặc trưng của dân chài lưới. Đó là một vẻ đẹp vừa chân thực lại vừa rất lãng mạn.

Hình ảnh chiếc thuyền nằm nghỉ ngơi trên bến đỗ là một sáng tạo đầy ấn tượng và thú vị. Nó như cũng mang hơi thở của con người, đang nằm ngẫm nghĩ và lắng nghe chất muối của biển cả thấm dần trong thớ vỏ tựa như con người suy tư về hành trình đã qua của mình.

- Đoạn 4: Nỗi nhớ làng quê của tác giả (4 câu cuối).

Trong xa cách, tâm hồn nhà thơ luôn thương nhớ và hướng về quê hương yêu dấu của mình. Ông nhớ về màu nước xanh, con cá bạc, chiếc buồm vôi và hình ảnh con thuyền rẽ sóng ra khơi. Rồi cuối cùng tất cả như tụ lại trong cái “mùi nồng mặn” của quê nhà. Cái mùi nồng mặn, trong tâm tưởng nhà thơ, chính là hồn thơm, hồn thiêng của quê hương. Cách thể hiện nỗi nhớ này thật giản dị và cũng thật sâu sắc.

b) Chỉ ra những điểm nổi bật của hình ảnh người dân chài được thể hiện trong đoạn 2 và đoạn 3 (qua những chi tiết về ngoại hình, tâm hồn, cuộc sống,…).

Bài làm:

Qua đoạn thơ 2 và 3, hình ảnh người dân chài được hiện lên đầy nổi bật với vẻ đẹp về ngoại hình, tâm hồn và cả trong cuộc sống lao động.

Hình ảnh người dân chài gắn với những sinh hoạt vô cùng thân thuộc:

“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”.

Sức lực tràn trề, sức sống mạnh mẽ của những người dân chài như hòa nhập và con thuyền, tạo nên một hình ảnh đầy khỏe khoắn, hoành tráng. Người ngư dân cùng con thuyền băng băng ra khơi với khí thế dũng mãnh như “con tuấn mã”. Động từ “phăng” phần nào gợi tả nên sự khéo léo kết hợp với tinh tế trong lao động của con người ngư dân đánh cá.

Vẻ đẹp ngoại hình của người dân chài được tạc nên trên bức tranh với vẻ rắn rỏi, khỏe khoắn:

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

Cả thân mình nồng thở vị xa xăm.”

Họ là những con người được sinh ra từ biển. Thân hình họ vạm vỡ, khỏe khoắn, nhuốm màu nắng, màu gió của biển khơi. Đây là hình ảnh tả thực vẻ đẹp mộc mạc mà đằm thắm của con người lao động. Hình ảnh thơ “Cả thân mình nồng thở vị xa xăm” là một hình ảnh rất lãng mạn và gợi cảm. Cái mơ hồ, vô hình “nồng thở vị xa xăm” được thể hiện trong cái “thân hình” hữu hình, cụ thể. Câu thơ gợi mở vẻ đẹp của một tâm hồn mộc mạc, đằm thắm, mặn mà - vẻ đẹp của biển cả. Hình ảnh người dân chài được miêu tả vừa chân thực vừa lăng mạn và trở nên có tám vóc phi thường.

c) Tìm những câu thơ có sử dụng biện pháp so sánh trong đoạn 2 và chỉ ra hiệu quả của việc sử dụng biện pháp tu từ đó.

Bài làm:

Câu thơ có sử dụng biện pháp so sánh:

“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã”

Hình ảnh so sánh “chiếc thuyền nhẹ” với “con tuấn mã” thể hiện một cách sinh động sức sống mạnh mẽ, vẻ đẹp dũng mãnh và hoành tráng của con thuyền cũng như khí thế của con người khi ra khơi đánh cá.

“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”

Hình ảnh so sánh “cánh buồm giương to”, no gió với “mảnh hồn làng” là một sáng tạo đầy độc đáo, mới lạ và thi vị của Tế Hanh. Nhà thơ lấy một hình ảnh cụ thể “cánh buồm” để so sánh với một hình ảnh trừu tượng “mảnh hồn làng”, khiến cho cánh buồm từ rất gần gũi, quen thuộc bỗng trở nên thật bay bổng, thiêng liêng và thơ mộng. Sự so sánh này không làm cho cánh buồm được miêu tả cụ thể hơn nhưng nó đã gợi nên một vẻ đẹp mới, lớn lao, thiêng liêng, vừa thơ mộng, vừa hùng tráng. Cánh buồm trắng no gió ra khơi trở thành biểu tượng của linh hồn, sức sống nơi làng quê.

d) Qua bài thơ, em có nhận xét gì về tình cảm của Tế Hanh đối với cuộc sống và con người quê hương ông?

Bài làm:

Qua bài thơ, ta có thể cảm nhận được tình cảm yêu quê hương trong sáng, thắm thiết và sâu nặng của nhà thơ Tế Hanh. Ông gắn bó khăng khít với quê hương, với cuộc sống của con người nơi đây như máu thịt của mình. Trong xa cách, lúc nào nhà thơ cũng đau đáu nhớ thương quê hương của mình. Nỗi nhớ được nói lên một cách giản dị, tự nhiên, chân thành mà sâu sắc. Tế Hanh nhớ tất cả, từ màu nước xanh, cá bạc, cánh buồm vôi... rồi cuối cùng hội tụ lại ở cái mùi nồng mặn. Nỗi nhớ và tình yêu quê hương của ông luôn đầy ắp và được thổi hồn vào trong mỗi câu thơ.

3. Tìm hiểu về câu nghi vấn (tiếp theo)

a) Đọc các ví dụ sau và thực hiện yêu cầu:

Ví dụ 1:

Hoa: - Mẹ ơi, hôm nay con được điểm 10 đấy ạ.

Mẹ Hoa: - Con được điểm 10 ư?

Hoa: - Vâng ạ.

Mẹ Hoa: - Con gái, con giỏi lắm!

(1) Gạch dưới câu nghi vấn và chỉ ra từ để hỏi.

(2) Cho biết mục đích của câu nghi vấn đó.

(3) Chuyển câu nghi vấn trên thành câu có ý nghĩa tương đương mà không dùng hình thức của câu nghi vấn.

Bài làm:

(1) Câu nghi vấn: Con được điểm 10 ư?

Từ để hỏi: ư

(2) Mục đích của câu nghi vấn là để bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ.

(3) Chuyển thành: Ôi, con gái tôi được điểm 10 này.

Ví dụ 2:

Đến lượt bố tôi ngây người ra như không tin vào mắt mình.

- Con gái tôi vẽ đây ư? Chả lẽ lại đúng là nó, cái con Mèo hay lục lọi ấy!

(Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi)

(1) Nêu mục đích của câu nghi vấn trong đoạn trích trên.

(2) Nhận xét về dấu kết thúc các câu nghi vấn trong đoạn trích trên.

(3) Hãy diễn đạt lại ý của câu nghi vấn trong đoạn trích trên bằng hình thức câu không phải câu nghi vấn mà vẫn đảm bảo nội dung, ý nghĩa của câu.

Bài làm:

(1) Mục đích của câu nghi vấn “Con gái tôi vẽ đây ư? Chả lẽ lại đúng là nó, cái con Mèo hay lục lọi ấy!” là để bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên.

(2) Câu nghi vấn thứ hai Chả lẽ lại đúng là nó, cái con Mèo hay lục lọi ấy! được kết thúc bằng dấu chấm than (!).

(3) Thật không thể tin được đây lại là tranh của con gái tôi vẽ. Ôi, hóa ra con cái con mèo hay lục lọi ấy lại vẽ đẹp thế này.

Ví dụ 3:

Cai lệ không để cho chị Dậu được nói hết câu, trợn ngược hai mắt, hắn quát:

- Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà dám mở mồm xin khất!

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

(1) Chỉ ra câu nghi vấn và dấu hiệu nhận biết câu nghi vấn trong đoạn trích.

(2) Cho biết mục đích của câu nghi vấn đó.

Bài làm:

(1) Câu nghi vấn - Mày định nói cho cha mày nghe đấy à?

Dấu hiệu nhận biết: có từ để hỏi “à” và kết thúc câu bằng dấu chấm hỏi.

(2) Mục đích dùng để đe dọa.

b) Hãy viết một đoạn văn khoảng 3 – 5 câu trong đó có sử dụng câu nghi vấn với mục đích bộc lộ tình cảm, cảm xúc và kết thúc bằng dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng.

Bài làm:

Buổi sáng nay tôi vừa nhận được bức thư của một người bạn thuở ấu thơ đã 7 năm không gặp. Cầm bức thư trên tay mà tôi rưng rưng xúc động và không khỏi bất ngờ. Ôi chao! Mới đó đã 7 năm rồi sao? Thời gian trôi qua thật nhanh, chúng tôi bây giờ đều đã lớn hơn khi ấy rất nhiều.

c) Ngoài mục đích để hỏi, câu nghi vấn có thể được dùng với mục đích nào khác? Ở những trường hợp này, câu nghi vấn thường kết thúc bằng những dấu câu nào và người đối thoại có cần phải trả lời không?

Bài làm:

Ngoài mục đích để hỏi, câu nghi vấn có thể được dùng để:

- Diễn đạt hành động khẳng định.

- Diễn đạt hành động cầu khiến.

- Diễn đạt hành động phủ định.

- Diễn đạt hành động đe dọa.

- Bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

Ở những trường hợp này, câu nghi vấn thường kết thúc bằng dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm lửng (…) và người đối thoại không cần phải trả lời.

4. Tìm hiểu và thuyết minh về một phương pháp (cách làm)

a) Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Cách xào rau cần với thịt bò

1/ Nguyên liệu (dành cho 4 người ăn)

- Rau cần: 400g;

- Thịt bò: 200g;

- Hành tươi, tỏi, tiêu, ớt;

- Nước mắm, hạt nêm, bột canh, dầu ăn.

2/ Cách làm

- Sơ chế nguyên liệu:

+ Rau cần nhặt bỏ phần lá sâu, lá úa, rửa sạch, thái khúc khoảng 3cm.

+ Thịt bò rửa sạch, thái miếng mỏng, ướp với tỏi, nửa thìa nước mắm, một ít tiêu, nửa thìa dầu ăn trong khoảng 15 phút.

+ Ớt thái miếng, tỏi đập nhỏ, hành tươi thái nhỏ.

- Tiến hành:

+ Bắc chảo lên bếp, đun sôi dầu, đổ thịt bò vào chảo, đun to lửa, đảo nhanh tay trong khoảng 2 phút rồi đổ ra bát.

+ Tiếp tục bắc chảo lên bếp, đun sôi dầu, cho tỏi vào phi thơm, cho rau cần vào đảo đều và nhanh tay trong khoảng 1 phút, cho hạt nêm hoặc bột canh vào. Khi rau cần chín tới, đổ thịt bò đã xào, hành tươi vào, đảo nhanh tay, nêm gia vị vừa ăn, cho thêm ớt thái miếng (nếu ăn cay), bắc chảo xuống, múc ra đĩa.

3/ Yêu cầu thành phẩm

- Rau cần chín tới, có màu xanh bắt mắt.

- Thịt bò mềm, ngấm gia vị.

- Món ăn có mùi thơm đặc trưng của thịt bò, rau cần.

(1) Lập dàn ý ngắn gọn cho văn bản “Cách xào rau cần với thịt bò”.

(2) Dựa vào dàn ý vừa lập, em hãy chỉ ra:

- Các nội dung chính trong văn bản.

- Trình tự trình bày của văn bản.

b) Đọc thông tin trong bảng sau:

- Khi giới thiệu một phương pháp (cách làm), trước tiên người viết phải tìm hiểu, nắm chắc phương pháp (cách làm) đó.

- Khi thuyết minh, cần trình bày rõ điều kiện, cách thức, trình tự,… làm ra sản phầm và yêu cầu chất lượng đối với sản phẩm.

- Lời văn cần ngắn gọn và rõ ràng.

Dưới đây là một vài gợi ý về cách đọc hiểu văn bản Quê hương:

- Trả lời các câu hỏi trong sách Hướng dẫn học Ngữ văn 8, tập hai;

- Tham khảo sách Hướng dẫn học Ngữ văn 8, tập hai;

- Trao đổi với bạn bè;

- Đọc văn bản và chú thích.

Em hãy:

(1) Bổ sung thêm những ý còn thiếu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu đọc hiểu văn bản Quê hương.

(2) Sắp xếp lại trình tự các ý cho hợp lí.

Bài làm:

(1) - Lắng nghe kĩ bài giảng hướng dẫn của thầy/cô giáo.

- Phân tích, tổng kết lại nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa của văn bản.

(2)

- Đọc văn bản và chú thích.

- Tham khảo sách Hướng dẫn học Ngữ văn 8, tập hai;

- Tham khảo sách Hướng dẫn học Ngữ văn 8, tập hai;

- Trao đổi với bạn bè;

- Trả lời các câu hỏi trong sách Hướng dẫn học Ngữ văn 8, tập hai;

- Phân tích, tổng kết lại nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa của văn bản.

C. Hoạt động luyện tập

1. Đọc bài thơ sau và thực hiện yêu cầu

a) Hãy chỉ ra những chi tiết miêu tả bức tranh mùa hè (âm thanh, màu sắc, hương vị, không gian,…) trong bài thơ. Nêu nhận xét về cảnh mùa hè được miêu tả trong bài thơ.

Bài làm:

Những chi tiết miêu tả bức tranh mùa hè trong bài thơ:

- Âm thanh:

+ Tiếng chim tu hú “gọi bầy”

+ Tiếng ve ngân

+ Tiếng sáo diều vi vu

-> Âm thanh tươi vui, rộn rã.

- Màu sắc:

+ Màu vàng của cánh đồng lúa chín và những bắp ngô.

+ Màu hồng đào của nắng

+ Màu xanh của bầu trời

-> Màu sắc sống động, tươi tắn và rực rỡ.

- Hương vị:

+ Mùi của lúa chín

+ Mùi thơm ngọt của trái cây chín trong vườn.

-> Mùi hương thân thuộc, ngọt ngào, gần gũi.

- Không gian: Khoáng đạt, rộng lớn với “trời xanh càng rộng càng cao”; đầy tự do với “đôi con diều sáo lộn nhào từng không…”

-> Không gian khoáng đạt và đầy tự do.

=> Nhận xét: Qua sáu câu thơ đầu, tác giả Tố Hữu đã vẽ nên một bức tranh ngày hạ bằng thơ tuyệt đẹp, một mùa hạ rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, thật tươi vui và tràn đầy sức sống.

b) Tâm trạng của nhà thơ thể hiện như thế nào trong 4 câu thơ cuối? Theo em, tiếng chim tu hú trong bài thơ có ý nghĩa gì?

Bài làm:

Trong 4 câu thơ cuối bài, nhà thơ – nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc bức bối, ngột ngạt, khao khát cháy bỏng muốn thoát khỏi cảnh ngục tù tăm tối để trở về cuộc sống tự do. Trái ngược với khung cảnh khoáng đạt, tươi vui, tự do bên ngoài song sắt nhà tù là không gian chật hẹp, tù túng, ngột ngạt với 4 bức tường. Tác giả sử dụng các từ ngữ mạnh như: đạp tan, ngột, chết, uất cùng những từ cảm thán như: ôi, thôi, làm sao,… để thể hiện khát vọng muốn đập tan mọi thứ để thoát khỏi cảnh tù đày.

Tiếng chim tu hú mở đầu và kết thúc bài thơ là biểu tượng cho tiếng gọi tha thiết của tự do. Tuy nhiên, tâm trạng của nhà thơ mỗi lần nghe âm thanh tiếng chim tu hú có nét khác biệt. Nếu như ở phần đầu bài thơ, tiếng chim tu hú cất lên gợi nhớ một bức tranh thiên nhiên mùa hạ rộng lớn, rực rỡ, rộn rã sức sống khiến cho tâm trạng người tù phấn chấn, náo nức thì ở cuối bài thơ, tiếng tu hú kêu ở câu kết làm cho người tù cam thây bức bối, đau khổ vì phái bị giam cầm.

c) Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

Bài làm:

- Thể thơ lục bát uyển chuyển, tự nhiên.

- Hình ảnh thơ gần gũi, giản dị mà giàu sức gợi, chuyển đổi tinh tế, khi thì trong sáng, tươi vui, khi thì dằn vặt, u uất.

- Giọng điệu thơ tự nhiên, dạt dào cảm xúc.

- Chi tiết nghệ thuật “tiếng chim tu hú” là một sáng tạo độc đáo, giàu ý nghĩa và sức gợi, tạo điểm nhấn cho bài thơ.

2. Luyện tập về câu nghi vấn.

a) Trong giao tiếp, nhiều khi những câu nghi vấn như: “Anh ăn cơm chưa?”. “Cậu đọc sách đấy à?”. “Em đi đâu đấy?” không nhằm mục đích để hỏi. Vậy trong những trường hợp đó, câu nghi vấn được dùng để làm gì? Mối quan hệ giữa người nói và người nghe ở đây như thế nào?

Bài làm:

Trong những trường hợp trên thì các câu nghi vấn như “Anh ăn cơm chưa?”. “Cậu đọc sách đấy à?”. “Em đi đâu đấy?” được dùng với mục đích chào hỏi.

Mối quan hệ giữa người nói và người nghe ở đây là mối quan hệ quen biết, gần gũi, thân mật.

b) Cho tình huống:

A là một học sinh lười biếng. Kết thúc học kì I, giáo viên chủ nhiệm của bạn ấy hẹn riêng phụ huynh để thông báo tình hình và bàn biện pháp động viên, giúp đỡ A. Nhận biết được khuyết điểm của mình, A đã cố gắng và kết quả học tập học lì II của bạn ấy làm cho cô giáo rất vui.

Em hãy tạo lập một cuộc hội thoại khoảng 3 – 5 câu trong đó có sử dụng câu nghi vấn với mục đích không phải để hỏi giữa một trong những cặp nhân vật sau (khi biết kết quả học tập kì II của A đã tiến bố hơn học kì I rất nhiều):

- A và mẹ của A;

- A và cô giáo chủ nhiệm;

- Mẹ của A và cô giáo chủ nhiệm.

Bài làm:

- A và cô giáo chủ nhiệm:

Cô giáo: - A ơi, cô có một tin vui này muốn báo với em này.

A: - Em chào cô! Là tin gì vậy cô?

Cô giáo: - Kết quả học kì II của em đã tăng 5 bậc so với học kì I rồi đấy.

A: Ôi! Thật không thưa cô? Em mừng quá! Em phải báo ngay cho mẹ em mới được. Em cám ơn cô ạ. (Câu nghi vấn ở đây được sử dụng với mục đích bộc lộ cảm xúc bất ngờ, vui mừng).

3. Luyện tập thuyết minh về một phương pháp (cách làm)

Lập dàn ý cho bài văn thuyết minh về phương pháp làm một đồ dùng mà em yêu thích.

Bài làm:

A, Mở bài:

Đồ dùng học tập là những vật dụng vô cùng cần thiết để hỗ trợ công việc học tập của mỗi học sinh. Dưới đây là phương pháp làm chiếc hộp đựng bút.

B, Thân bài:

- Vật liệu bao gồm: Một mảnh bìa cứng dài khoảng có kích thước dài khoảng 20 cm, rộng khoảng 15 cm, giấy màu, kéo, keo dán, dập ghim, hoa khô.

- Cách làm:

+Cuộn tấm bìa cứng thành hình trụ có đường kính khoảng 6cm, dùng dập ghim để cố định.

+ Dùng giấy màu cắt hình bông hoa, sau đó dán lên hình trụ trên.

+ Cắt một miếng bìa hình tròn, dùng keo dán gắn thành đế hộp bút.

- Yêu cầu của sản phẩm: Sản phẩm phải đẹp mắt, gọn gàng, trang trí hài hòa.

C, Kết bài:

Qua việc tự tay làm nên chiếc hộp đựng bút, mỗi bạn học sinh vừa có thể tận dụng được những vật liệu bỏ đi để làm nên chiếc hộp bút hữu dụng, vừa cảm thấy thích thú hơn với sản phẩm được làm theo ý thích của riêng mình.

D. Hoạt động vận dụng

1. Tham khảo các thể hiện tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh để viết đoạn văn nói về tình yêu quê hương của em.

Bài làm:

Không khí ngày tết đang rộn ràng khắp phố phường, những cánh hoa mai hoa đào đang gọi xuân về. Tôi háo hức chờ đợi ngày được về quê thăm ông bà và ăn Tết. Chuyển lên thành phố từ khi học cấp 2, tôi nhớ quê mình da diết, chỉ mong đến dịp nghỉ hè và tết để được trở về quê nhà. Quê hương tôi là miền quê yên bình với đồng lúa thẳng cánh cò bay, con sông dài trong vắt mà tuổi thơ tôi tắm với lũ bạn sau mỗi buổi chiều. Tôi thích nhất là những mùa khoai, lũ trẻ chúng tôi cùng ông bà đi thu hoạch. Cả nhóm thi xem ai đào được nhiều hơn, ai đào được củ to nhất. Phần thưởng của ông bà là một bữa khoai nướng no say. Cảm giác ngồi chờ khoai nướng và hít hà mùi thơm của rơm mới, xuýt xoa củ khoai nóng hổi, ngọt bùi đã trở thành kí ức đẹp đẽ và quý giá, ghi dấu trong tôi mãi mãi về sau. Quê hương là bến đỗ bình yên nhất, là nơi luôn sẵn sàng dang tay chào đón ta dù bạn ở đâu, làm gì. Quê hương chính là nơi để nhớ, để thương, và để trở về...

Soạn văn bài: Quê hương – Khi con tu hú - Sách hướng dẫn học Ngữ Văn 8 tập 2 trang 11. Sách này nằm trong bộ VNEN của chương trình mới. Trên đây VnDoc đã hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi trong bài học, với lời giải chi tiết dễ hiểu hy vọng các bạn học sinh sẽ nắm chắc kiến thức rút ngắn thời gian soạn bài và làm bài. Chúc các bạn học tốt

............................................

Ngoài Soạn Văn 8 bài Quê hương – Khi con tu hú VNEN. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 8, soạn bài 8 hoặc đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Đánh giá bài viết
1 4.655
Sắp xếp theo

    Soạn Ngữ văn 8 VNEN

    Xem thêm