Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn Văn 8 bài Nhớ rừng – Ông đồ VNEN

Soạn văn 8 VNEN bài 17: Nhớ rừng – Ông đồ được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8 chuẩn bị cho bài giảng của học kỳ 2 sắp tới đây của mình. Mời các bạn tải và tham khảo

Hoạt động khởi động

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

- Đọc diễn cảm đoạn thơ trên

- Hình dung về hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật “ta” trong đoạn thơ.

Bài làm:

Qua đoạn thơ ta có thể hình dung tâm trạng của nhân vật “ta” đang mang một tâm trạng đầy hoài niệm, tiếc nuối, ngậm ngùi và bất lực khi hồi tưởng về quá khứ huy hoàng của mình.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản Nhớ rừng

2. Tìm hiểu văn bản

a) Nối số thứ tự ở cột A với nội dung phù hợp ở cột B để có được ý chính của từng đoạn trong bài thơ Nhớ rừng:

A – Đoạn

B – Nội dung

1

Giấc mộng về một thuở hào hùng, dũng mãnh, tự do ở chốn rừng thiêng.

2

Tâm trạng căm ghét, khinh thường của con hổ với cảnh vườn bách thú.

3

Tâm trạng uất hận, ngao ngán, chán ghét cuộc sống phẳng lặng, tù túng của con hổ.

4

Nỗi thất vọng, uất hận, tiếc nuối quá khứ oanh liệt.

5

Nỗi hoài niệm về cảnh núi rừng hùng vĩ gắn với vẻ đẹp và sức mạnh oai hùng của chúa sơn lâm.

Bài làm:

A. ĐOẠN

B. NỘI DUNG

(1) Tâm trạng uất hận, ngao ngán, chán ghét cuộc sống phẳng lặng, tù túng của con hổ.

(2) Nỗi hoài niệm về cảnh núi rừng hùng vĩ gắn với vẻ đẹp và sức mạnh oai hùng của chúa sơn lâm.

(3) Nỗi thất vọng, uất hận, tiếc nuối quá khứ oanh liệt.

(4) Tâm trạng căm ghét, khinh thường của con hổ với cảnh vườn bách thú.

(5) Giấc mộng về một thuở hào hùng, dũng mãnh, tự do ở chốn rừng thiêng.

b) Dưới đây là cuộc trò chuyện của ba bạn học sinh về bài thơ Nhớ rừng:

Lan: Đoạn 1 và đoạn 4 đã miêu tả rất ấn tượng cảnh vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt.

Hoa: Ở đoạn 2 và đoạn 3, cảnh núi rừng hùng vĩ được tác giả miêu tả ấn tượng hơn.

Mai: Cả hai cảnh tượng này đều được tác giả miêu tả rất ấn tượng, đặc biệt là biện pháp đối lập đã làm nên nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của bài thơ.

Em đồng ý với ý kiến nào? Hãy phân tích cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu trong các câu thơ để chứng minh cho lựa chọn của mình.

Bài làm:

Đồng ý với ý kiến của bạn Mai.

Một nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của bài thơ đó là việc sử dụng rất thành công biện pháp đối lập. Tác giả đã dùng thử pháp đối lập để tạo nên hai cảnh tượng tương phản giữa cảnh vườn bách thú, nơi con hổ bị giam cầm (đoạn 1 và đoạn 4) và cảnh núi non hùng vĩ xưa nơi con hổ từng ngự trị (đoạn 2 và đoạn 3).

Đó là sự tương phản giữa cảnh thực tại và cảnh trong dĩ vãng, mộng tưởng. Và thông qua đó thể hiện thành công tâm sự của con hổ: chán ghét thực tại, khao khát tự do.

Đoạn 1 và đoạn 4: Cảnh vườn bách thú nơi con hổ bị giam cầm đầy tù túng với “cũi sắt”; bị nhốt cùng “bọn gấu dở hơi”, “cặp báo vô tư lự”. Khinh loài người nhỏ bé ngạo mạn. Cảnh vật thì nhàm chán “không đời nào thay đổi”, sửa sang “tầm thường”, “giả dối”. Quanh đi quẩn lại chỉ là những "dải nước đen giả suối chẳng thông dòng" len dưới những "mô gò thấp kém", là những "hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng". Toàn những cảnh “học đòi bắt chước” không có gì là "bí hiểm" "hoang vu". Giọng điệu ở đây đầy sự giễu nhại, ngao ngán, chán nản và căm tức.

Đoạn 2 và 3: Cảnh núi non hùng vĩ xưa nơi con hổ từng ngự trị:

Đối lập với cảnh vườn bách thú tầm thường là cảnh núi rừng oai linh, hùng vĩ với vẻ thâm nghiêm của bóng cả cây già chứa đựng nhiều bí ẩn: “hang tối”, “thảo hoa không tên tuổi”, “rừng sâu bí mật”, với những thanh âm dữ dội, man dại, “gió gào ngàn”, “nguồn hét núi”. Đoạn 3 là hình ảnh núi rừng hùng vĩ, tráng lệ với con hổ uy nghi làm chúa tể. Đó là những khung cảnh thơ mộng, lãng mạn “những đêm vàng bên bờ suối”, con hổ “say mồi đứng uống ánh trăng tan” mà cũng rất oai linh, dữ dội với cảnh "những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn", được nghe thấy tiếng chim ca, được đắm mình trong cảnh "bình minh cây xanh nắng gội", được đợi chờ "chết mảnh mặt trời" của những chiều "lênh láng máu sau rừng". Ở đây, con hổ hiện lên với một tư thế lẫm liệt, kiêu hùng.

Ở đây, tác giả đã sử dụng những hình ảnh rất đặc sắc, phong phú, gợi cảm, đặc biệt giàu chất tạo hình để đế dựng nên sự kỳ vĩ của núi rừng cũng như tư thế uy nghi của con mãnh thú:

Hình ảnh núi rừng oai linh, hùng vĩ hiện ra qua các hình ảnh rất gợi cảm và đặc sắc: bóng cả, cây già, gió gào ngàn, nguồn hét núi, bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc, đêm vàng bờ suối, cây xanh nắng gội, ngày mưa chuyên bốn phương ngàn...

+ Những động từ mạnh thể hiện sự oai hùng của chúa tể: thét, quắc, hét, ghét.

+ Sức mạnh của con hổ được diễn tả bằng hình ảnh: mắt thần đã quắc, lượn tấm thân như sóng cuốn nhịp nhàng, uống ánh trăng tan, ngắm giang sơn, giấc ngủ tưng bừng.

Cộng thêm là cách dùng đại từ xưng hô “Ta” đầy quyền uy và kiêu hãnh, góp phần tôn xưng tư thế của vị chúa sơn lâm. Giọng điệu thơ khi u uất, dằn vặt khi lại đanh thép, hào sảng và tha thiết, hùng tráng.

c) Qua cảnh tượng vườn bách thú (hiện tại) và cảnh núi rừng đại ngàn (quá khứ), chỉ ra những tâm sự của con hổ ở vườn bách thú. Tâm sự ấy phản ánh điều gì ở xã hội Việt Nam đương thời?

Bài làm:

Tâm sự của con hổ qua cảnh tượng vườn bách thú từ đọng, chật hẹp:

- Sự chán nản, ngao ngán, khinh ghét khi phải sống ngang bầy cùng với "bọn gấu dở hơi", với "cặp báo chuồng bên vô tư lự".

- Phẫn uất, căm giận trước những con người "ngạo mạn ngẩn ngơ", u uất, uất hận, bất lực trước cảnh giam hãm tù túng, những cảnh "tầm thường giả dối" ở vườn bách thú.

Tâm sự của con hổ qua cảnh núi rừng đại ngàn:

- Tâm trạng hoài niệm, nuối tiếc ngậm ngùi về một thời oanh liệt, hào hùng. Khi thì dằn vặt, khi lại thiết tha, khao khát trở lại những năm tháng tươi đẹp xưa.

Tâm sự ấy của con hổ cũng chính là tâm trạng của nhà thơ cùng những người dân Việt Nam mất nước lúc bấy giờ. Họ bất lực và chán chường cuộc sống trong cảnh nô lệ đầy tù túng, ngột ngạt, không có tự do. Họ bất hòa sâu sắc với xã hội và họ khao khát tự do, nhớ tiếc một “thời oanh liệt” với những chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách của dân tộc.

d) Việc mượn “lời con hổ trong vườn bách thú” có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện niềm khao khát tự do mãnh liệt và lòng yêu nước kín đáo của nhà thơ?

Bài làm:

Việc mượn “lời con hổ trong vườn bách thú” là một lựa chọn rất khéo léo và phù hợp để giúp tác giả thể hiện niềm khao khát tự do mãnh liệt và lòng yêu nước kín đáo của mình.

- Qua hình ảnh con hổ - vị chúa sơn lâm bị giam cầm trong vườn bách thú, nhà thơ đã thể hiện một cách rất gợi cảm cảnh ngộ bị tước mất tự do, sự sa cơ và u uất của nhân dân ta khi bị mất nước, rơi vào cảnh nô lệ. Con hổ nuối tiếc một thời oanh liệt nơi rừng xanh cũng như chính nhân dân ta nhớ tiếc lịch sử chống giặc hào hùng của dân tộc và khơi gợi lòng yêu nước thầm kín của nhân dân.

- Trong thời điểm khi tác giả sáng tác bài thơ, các tác phẩm văn nghệ gặp phải sự kiểm soát rất ngặt nghèo của thực dân. Vì vậy, việc mượn “lời con hổ trong vườn bách thú” sẽ giúp tác giả có thể hiện một cách kín đáo, bóng bẩy những tâm sự của mình.

3. Tìm hiểu về câu nghi vấn

a) Đọc lại bài thơ Nhớ rừng và chỉ ra những câu nghi vấn trong bài thơ. Dấu hiệu nào về mặt hình thức cho biết đó là câu nghi vấn?

Bài làm:

Những câu nghi vấn trong bài thơ:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Dấu hiệu về mặt hình thức cho biết đó là câu nghi vấn:

- Kết thúc câu bằng dấu chấm hỏi (?)

- Có chứa những từ để hỏi như: nào đâu, đâu

b) Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:

Vẻ nghi ngại hiện ra sắc mặt, con bé hóm hỉnh hỏi mẹ một cách thiết tha:

- Sáng ngày người ta đấm u có đau lắm không?

Chị Dậu khẽ gạt nước mắt:

- Không đau con ạ !

- Thế làm sao u cứ khóc mãi mà không ăn khoai? Hay là u thương chúng con đói quá?

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

(1) Gạch chân những câu nghi vấn trong đoạn trích trên.

(2) Chỉ ra các từ nghi vấn trong những câu đó.

(3) Các câu nghi vấn trong đoạn trích trên được dùng với mục đích gì?

Bài làm:

(1) Những câu nghi vấn trong đoạn trích:

- Sáng ngày người ta đấm u có đau lắm không?

- Thế làm sao u cứ khóc mãi mà không ăn khoai?

- Hay là u thương chúng con đói quá?

(2) Các từ nghi vấn trong câu:

- không

- sao

- Hay

(3) Các câu nghi vấn trên được dùng để hỏi.

c) Theo em, câu nghi vấn được dùng để làm gì? Những từ ngữ nào thường được dùng trong câu nghi vấn.

Bài làm:

Câu nghi vấn được dùng với chức năng chính là để hỏi.

Những từ ngữ thường được dùng trong câu nghi vấn: (ai, gì, nào, sao, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có)....không, (đã)...chưa,...) hoặc có từ hay (nối các vế có quan hệ lựa chọn).

4. Tìm hiểu về viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

a) Đọc văn bản thuyết minh sau và thực hiện yêu cầu:

Thế giới đang đúng trước nguy cơ thiếu nước sạch nghiêm trọng. Nước ngọt chỉ chiếm 3% tổng lượng nước trên trái đất. Lượng nước ít ỏi ấy đang ngày càng bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp. Ở các nước thứ ba, hơn một tỉ người phải uống nước bị ô nhiễm. Đến năm 2025, 2/3 dân số thế giới sẽ thiếu nước.

(Theo Hoa học trò)

(1) Đoạn văn trên được triển khai theo cách nào? Khoanh tròn chữ cái trước phương án đúng:

A. Diễn dịch

B. Quy nạp

C. Song hành

D. Móc xích

(2) Tìm câu chủ đề, từ ngữ chủ đề và các câu giải thích, bổ dung trong đoạn văn trên.

Bài làm:

(1) A. Diễn dịch

(2) Câu chủ đề: Thế giới đang đúng trước nguy cơ thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Từ ngữ chủ đề: thiếu nước sạch

Các câu sau câu chủ đề có chức năng giải thích, bổ sung.

b) Hãy viết một đoạn văn thuyết minh (khoảng 10 câu, chủ đề tự chọn) theo cách diễn dịch hoặc quy nạp.

Bài làm:

Vịnh Hạ Long là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng được công nhận là di sản văn hóa thế giới của nước ta. Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Vinh Hạ Long gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ. Đảo ở đây có hai loại là đảo đá vôi và đảo phiếm thạch tập trung ở Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Thắng cảnh này thu hút du khách bởi những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung… Vịnh Hạ Long còn sở hữu hàng ngàn đảo đá với những hình thù sống động, đẹp như những tác phẩm điêu khắc. Hòn Đầu Người thì mang dáng vẻ của con người đang hướng về đất liền. Hòn Trống Mái thì trông tựa như hai con gà đang vờn nhau trên nước,… Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hoá Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng… Vùng vịnh nơi đây rất thích hợp cho việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản do có nhiều điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, sự nồng nhiệt và thân thiện của con người nơi đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho Vịnh Hạ Long trở thành một địa điểm du lịch không thể bỏ qua.

(Đoạn văn viết theo cách diễn dịch)

c) Theo em, khi viết một đoạn văn thuyết minh, cần xác định và sắp xếp ý như thế nào?

Bài làm:

Khi viết một đoạn văn thuyết minh, cần xác định và trình bày rõ ý chủ đề của đoạn, tránh lẫn ý của đoạn văn khác. Các ý trong đoạn văn nên sắp xếp theo trình tự cấu tạo của sự vật, trình tự nhận thức (từ tổng thể đến bộ phận, từ ngoài vào trong, từ xa đến gần), trình tự diễn biến sự việc trong thời gian trước sau hay theo trình tự chính phụ (cái chính nói trước, cái phụ nói sau).

C. Hoạt động luyện tập

1. Đọc bài thơ Ông đồ

Yêu cầu

a) Hoàn thiện bảng dưới đây để thấy được những điểm đối lập của hình ảnh ông đồ trong bài thơ.

Nội dung miêu tả

Quá khứ

Hiện tại

Không gian

Thời gian

Tình cảnh của ông đồ

Tâm trạng của ông đồ

Bài làm:

Nội dung miêu tả

Quá khứ

Hiện tại

Không gian

Phố đông người qua

-> Khung cảnh đông vui, náo nức khi xuân về

Không gian vắng lặng

Thời gian

Mùa xuân với hoa đào nở

Mùa xuân

Tình cảnh của ông đồ

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

-> ông đồ được mọi người trọng vọng, ngưỡng mộ tài năng

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

-> Ông đồ đã bị mọi người lãng quên

Tâm trạng của ông đồ

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay

-> tâm trạng đầy đắc ý vì được trọng vọng, ông mang hết tài năng của mình ra hiến cho cuộc đời

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

-> tâm trạng bẽ bàng, sầu tủi.

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

-> Tâm trạng cô đơn, tàn tạ, buồn bã, tủi phận.

b) Sự đối lập trên gợi cho người đọc cảm xúc gì về nhân vật ông đồ và tâm sự của nhà thơ?

Bài làm:

Sự đối lập ấy gợi ra trong người đọc nhiều suy ngẫm cùng cảm xúc xót thương, thương cảm cho tình cảnh của ông đồ. Từ người là trung tâm của sự chú ý, được xã hội trọng vọng, nay ông đã bị gạt ra rìa của cuộc sống và bị mọi người quên lãng.

Tâm sự của nhà thơ được bộc lộ một cách kín đáo và gián tiếp thông qua hai câu cuối bài:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Câu hỏi được đặt ra nhưng không phải để hỏi, nó như một lời tiếng than nhằm bộc lộ niềm tiếc thương, day dứt hết sức chân thành của tác giả trước sự suy vi của Nho học đương thời.

c) Chỉ ra những điểm đặc sắc trong nghệ thuật của bài thơ (các biện pháp tu từ, thể thơ, tả cảnh, tả tình,…)

Bài làm:

Những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ:

- Nghệ thuật dựng cảnh tương phản: Một bên tấp nập đông vui, một bên buồn bã, hiu hắt. một bên nét chữ cũng như bay múa: phượng múa, rồng bay; bên kia cả giấy cũng buồn, cả mực cũng sầu, thêm nữa lại kèm lá vàng, mưa bụi.

- Bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, vừa tả cảnh, vừa gợi lên được tâm trạng của con người.

- Thể thơ ngũ ngôn quen thuộc kết hợp với những hình ảnh thơ đẹp và gợi cảm. Ngôn ngữ thơ bình dị, trong sáng nhưng ẩn chứa đầy cảm xúc.

- Kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng. Cũng là thời gian ngày áp tết, cũng là không gian mùa xuân, cũng vẫn có hoa đào nở. Nhưng hình ảnh ông đồ thì cứ nhạt nhoà dần và cuối cùng là không thấy nữa. Ông đã thành "ông đồ xưa".

2. Luyện tập về câu nghi vấn

3. Luyện tập về viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

a) Viết đoạn Mở bài và Kết bài cho đề văn: “Giới thiệu trường em”.

Bài làm:

MB:

Em yêu trường em

Với bao bạn thân

Và cô giáo hiền…

Những lời ca khúc hát về mái trường luôn khiến em bồi hồi nhớ lại trường Tiểu học…(tên trường) mà em từng theo học. Ngôi trường này nằm trên con đường … và đến nay đã được … năm thành lập.

KB: Tại ngôi trường Tiểu học … thân yêu, em đã được học những bài học đầu đời. Tại ngôi trường này em đã biết thêm bao điều hay lẽ phải. Những kỉ niệm đẹp đẽ với mái trường em sẽ nhớ mãi không quên.

b) Chọn và thực hiện một trong hai nhiệm vụ sau:

- Viết một đoạn văn thuyết minh khoảng 5 – 6 câu giới thiệu những thành công của Thế Lữ trong bài thơ Nhớ rừng về một trong hai phương diện: nội dung, nghệ thuật.

- Viết đoạn văn thuyết minh khoảng 7 – 10 câu theo cách diễn dịch giới thiệu về bố cục của bài thơ ông đồ.

Bài làm:

Nhớ rừng là một bài thơ có nhiều thành công về mặt nghệ thuật của tác giả Thế Lữ. Bao trùm bài thơ là cảm hứng lãng mạn với một nguồn cảm xúc sôi nổi, dạt dào. Tác giả đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng con hổ bị giam cầm – một hình tượng nghệ thuật có nhiều tầng ý nghĩa để qua đó bày tỏ tâm sự, tiếng lòng của mình. Nghệ thuật đối lập, tương phản giữa cảnh vườn bách thú, nơi con hổ bị giam cầm (đoạn 1 và đoạn 4) và cảnh núi non hùng vĩ xưa nơi con hổ từng ngự trị (đoạn 2 và đoạn 3) cũng là một nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của tác phẩm. Hình ảnh thơ chọn lọc, gợi cảm, giàu chất tạo hình cùng ngôn ngữ và nhạc điệu phong phú cũng là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho bài thơ Nhớ rừng.

D. Hoạt động vận dụng

1. Đóng vai con hổ trong bài thơ Nhớ rừng và thuật lại tâm trạng tiếc nuối quá khứ.

Bài làm:

Ta là một con hổ đang bị giam cầm trong vườn bách thú để làm món “đồ chơi” cho bọn người nhỏ bé, ngạo mạn, ngẩn ngơ ngắm nhìn. Trong quá khứ ta đã từng là chúa tể của sơn lâm, là vị vua của nơi rùng già oai linh, hùng vĩ. Ôi chao! Ta thật nhớ nhung những năm tháng hào hùng, anh liệt ấy làm sao. Ta khao khát được trở về nơi chốn xưa, nơi núi rừng đại ngàn thâm nghiêm, bí ẩn với bóng cả, cây già, âm thanh của gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi. Ở giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi ấy, ta chính là chúa tể của cả muôn loài. Thật nuối tiếc làm sao những kỉ niệm của một thời vàng son oanh liệt. Những đêm vàng bên bờ suối, ta say mồi đứng uống ánh trăng tan. Những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn, ta lặng ngắm giang sơn của ta đổi mới. Những khi bình minh cây xanh nắng gội chan hòa, ta thức dậy giữa rộn rã tiếng chim ca. Và khi mặt trời khuất bóng, màn đêm buông xuống, ta sẽ chiếm lấy riêng phần bí mật của rừng đêm. Nhưng dẫu quá khứ ấy có huy hoàng đến mấy thì giờ cũng chỉ còn là dĩ vãng.

2. Từ tình cảnh và tâm trạng của con hổ trong bài thơ cũng như của người dân Việt Nam đầu thế kỉ XX, em có suy nghĩ gì về cuộc sống hòa bình tự do ngày nay (trình bày bằng một đoạn văn khoảng ½ trang).

Bài làm:

Từ tình cảnh và tâm trạng của con hổ trong bài thơ cũng như của người dân Việt Nam đầu thế kỉ XX, ta có thể thấy được rằng cuộc sống hòa bình và tự do chúng ta đang được hưởng thụ ngày nay thật vô giá biết nhường nào. Đất nước được hòa bình, chúng ta không phải sống trong cảnh khói lửa đạn bom, không phải chịu nỗi đau mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Đất nước được hòa bình, độc lập, chúng ta được sống trong những điều kiện tốt nhất. Trẻ em được bình yên khôn lớn và vui vẻ cắp sách tới trường. Người dân khắp mọi miền hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Hòa bình tự do là một món quà vô giá mà thế hệ cha ông đã phải hi sinh máu xương để đánh đổi. Vì vậy, thế hệ học sinh chúng ta cần phải có ý thức hơn trong việc gìn giữ hòa bình để xây dựng một xã hội tốt đẹp, tươi sáng hơn.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

1. Hiện nay, tình trạng săn bắt thú rừng quý hiếm (trong đó có loài hổ) đang ở mức báo động. Đặt 2 – 3 câu nghi vấn và tìm các phương án trả lời ngằn ngăn chặn tình trạng đó.

Bài làm:

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng săn bắt thú rừng quý hiếm đang ở mức báo động?

Do một bộ phận lớn người Á Đông tin rằng những chế phẩm từ các loại động vật quý hiếm có thể chữa được bách bệnh.

Những giải pháp nào giúp ngăn chặn tình trạng săn bắt thú quý hiếm hiện nay?

Để ngăn chặn tình trạng săn bắt thú quý hiếm hiện nay, chúng ta có thể thực hiện một số giải pháp như: xử lí nghiêm và răn đe hiệu quả những đối tượng vi phạm, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng về việc bảo vệ động vật hoang dã,…

Soạn Văn 8 bài Nhớ rừng – Ông đồ VNEN ngữ văn lớp 8 trang 102. Trên đây VnDoc đã hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi, cách giải chi tiết giúp các bạn học sinh nắm chắc kiến thức môn Văn 8. Mời các bạn cùng tham khảo

............................................

Ngoài Soạn Văn 8 bài Nhớ rừng – Ông đồ VNEN. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 8, soạn bài 8 hoặc đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
11
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Ngữ văn 8 VNEN

    Xem thêm