Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

04 tiêu chí đánh giá, xếp loại giáo viên 2024

Nghị định 90 không chỉ đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức mà còn áp dụng với viên chức, trong đó có giáo viên. Vậy việc đánh giá, xếp loại giáo viên theo quy định mới nhất hiện nay được quy định thế nào?

1. Tiêu chí chung đánh giá, xếp loại giáo viên

Việc đánh giá chất lượng giáo viên căn cứ vào cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết cùng các quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của viên chức nói chung và giáo viên nói riêng.

Theo đó, các tiêu chí chung dùng để đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên được nêu cụ thể tại Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP như sau:

- Chính trị tư tưởng: Chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng; Đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân…

- Đạo đức, lối sống: Không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, hách dịch, cửa quyền; Có lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị; Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…

- Tác phong, lề lối làm việc: Có tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; Có thái độ đúng mực và phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu của văn hóa công vụ…

- Ý thức tổ chức kỷ luật: Thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; Thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định; Chấp hành sự phân công của tổ chức…

Có thể thấy, so với quy định trước đây tại Nghị định 56/2015, Chính phủ đã khái quát và nêu cụ thể nhiều tiêu chí chung để áp dụng với tất cả các đối tượng viên chức trong đó có giáo viên. Qua đó, giúp việc đánh giá, xếp loại được dễ dàng, thuận tiện hơn.

2. Tiêu chí xếp loại giáo viên mới nhất

Hằng năm, căn cứ vào nội dung đánh giá, giáo viên được xếp loại chất lượng theo 04 mức độ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ (theo Điều 42 Luật Viên chức năm 2010).

Trong đó, so với các tiêu chí trước đây tại Nghị định 56, việc đánh giá giáo viên tại Nghị định 90 có nhiều điểm mới, có thể kể đến:

- Xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Bỏ các tiêu chí “Hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất”, “có ít nhất 01 đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng, mang lại hiệu quả trong công việc”…

- Xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ: Bổ sung tiêu chí “có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa”, “có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá”…

3. Các bước đánh giá, xếp loại giáo viên

Mặc dù thay đổi các tiêu chí đánh giá giáo viên nhưng Nghị định 90 vẫn giữ nguyên cách phân loại 02 đối tượng để tiến hành đánh giá: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và viên chức không giữ chức vụ quản lý.

Trong đó, thủ tục đánh giá, xếp loại 02 đối tượng này về cơ bản là giống nhau, được quy định cụ thể tại Điều 19 Nghị định 90 như sau:

- Bước 1: Giáo viên tự đánh giá, xếp loại chất lượng thông qua báo cáo được ban hành kèm Nghị định 90 này.

- Bước 2: Tại nơi công tác sẽ tổ chức cuộc họp để nhận xét, đánh giá giáo viên. Thành phần tham gia sẽ gồm toàn thể giáo viên (hoặc toàn thể giáo viên của đơn vị cấu thành nơi người này công tác trong trường hợp có đơn vị cấu thành - với giáo viên không giữ chức vụ quản lý).

Trong cuộc họp, giáo viên trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác của mình và các thành viên tham dự đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

- Bước 3: Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy Đảng đơn vị nơi giáo viên này công tác (viên chức không phải quản lý không cần thực hiện bước này).

- Bước 4: Xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên.

- Bước 5: Thông báo bằng văn bản cho giáo viên biết về kết quả đánh giá, xếp loại đồng thời quyết định hình thức công khai trong cơ quan, đơn vị người này công tác.

4. Hiệu trưởng quyết định thời điểm đánh giá giáo viên?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Viên chức sửa đổi, giáo viên được đánh giá hằng năm, trước khi kết thúc thời gian tập sự, ký tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm, trước khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch.

Ngoài ra, căn cứ đặc thù công việc, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng giáo viên còn có thể đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần.

Đặc biệt, tại thời điểm đánh giá, xếp loại, giáo viên đang nghỉ thai sản, nghỉ ốm hoặc nghỉ có lý do chính đáng thì phải làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại gửi cơ quan đang công tác để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng.

Về thời điểm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, Điều 20 Nghị định 90 nêu rõ:

Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trước ngày 15/12 hàng năm, trước khi thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

So với quy định trước đây tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 88/2017/NĐ-CP chỉ đánh giá trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm, thời điểm đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã được quy định cụ thể hơn:

- Trước ngày 15/12 hàng năm;

- Trước khi thực hiện đánh giá xếp loại Đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Riêng với giáo viên, những đối tượng có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm thì thời điểm đánh giá, phân loại giáo viên do người đứng đầu quyết định.

Trên đây là 04 tiêu chí đánh giá, xếp loại giáo viên. Hướng dẫn chi tiết nhất về việc đánh giá, xếp loại giáo viên theo quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP mỗi giáo viên cần phải nắm rõ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm