Vai trò của pháp luật trong kinh doanh
Vai trò của pháp luật trong kinh doanh được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Vai trò của pháp luật trong kinh doanh
Trong một xã hội văn minh, mọi người phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp và pháp luật thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực kinh doanh. Quan hệ thương mại là quan hệ lẫn nhau về kinh tế, tổ chức và luật pháp phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh trong quá trình mua bán hàng hoá. Cùng với sự phát triển của sản xuất, quan hệ thương mại ngày càng phát triển cả về bề rộng và bề sâu. Đằng sau quan hệ thương mại là quan hệ mua bán hàng hoá, quan hệ giữa người với người trong quá trình mua bán hàng hoá. Tiền và hàng không thể tự đổi chỗ cho nhau, tự đến với nhau mà phải thông qua hoạt động của người mua và người bán. Trên thị trường với vô số những chủ thể mua bán khác nhau đòi hỏi phải có những quy phạm, quy định có tính chất bắt buộc chung và thực hiện lâu dài nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận.
Lĩnh vực kinh doanh đa dạng và phức tạp đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý, đó là hệ thống pháp luật có liên quan. Sự cần thiết của cơ sở pháp lý trong giao dịch đàm phán kinh doanh có thể giải thích qua những chức năng vốn có của pháp luật trong kinh doanh.
Một là, chức năng điều chỉnh các quan hệ kinh doanh trong nền kinh tế quốc dân. Pháp luật tạo ra khung pháp lý, môi trường và hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh. Sự điều chỉnh của pháp luật được thực hiện qua các quy định: Được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, được làm những gì mà pháp luật cho phép và những quy định có tính chất khuyến khích.
Hai là, chức năng bảo vệ các quan hệ kinh doanh được pháp luật điều chỉnh. Chức năng này nhằm hạn chế những xâm phạm vào quan hệ kinh doanh đã được điều chỉnh. Để bảo vệ các quan hệ đó, Nhà nước ban hành các quy phạm về các hành vi vi phạm pháp luật, các loại hình phạt và những quyết định, những biện pháp xử lý thi hành. Chức năng trên còn quy định thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước bảo vệ pháp luật.
Ba là, chức năng giáo dục. Pháp luật có khả năng thông tin, tác động đến tình cảm, ý thức của con người làm cho họ hành động phù hợp với các quy định của pháp luật. Việc đưa các kiến thức pháp luật đến các chủ thể kinh doanh để nâng cao ý thức pháp luật, hiểu biết các quy tắc xử sự ghi trong văn bản pháp luật và thấy rõ hậu quả nếu không tuân theo quy định của pháp luật. Trong hoạt động kinh doanh vấn đề không chỉ là xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật đồng bộ mà còn là việc thi hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật.
Cơ sở pháp lý bao giờ cũng được thể hiện dưới những hình thức nhất định như: Luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các Bộ,… Hợp đồng kinh tế là một trong những hình thức pháp lý chủ yếu của các mối quan hệ giữa các đơn vị kinh doanh. Hợp đồng kinh tế có quan hệ rất chặt chẽ với những văn bản trên đây. Hợp đồng kinh tế lấy những văn bản dưới luật làm cơ sở cho nội dung của mình. Chính vì vậy những văn bản pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Điều đó thể hiện ở những điểm sau đây:
- Nó xác định rõ quyền và trách nhiệm của các bên tham gia kinh doanh.
- Thông qua ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế, lợi ích của các chủ thể kinh tế độc lập được kết hợp với nhau theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
- Bản thân những văn bản pháp lý lại là cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp giữa các bên tham gia quan hệ kinh tế.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Vai trò của pháp luật trong kinh doanh về quan hệ thương mại là quan hệ mua bán hàng hoá, quan hệ giữa người với người trong quá trình mua bán hàng hoá. Tiền và hàng không thể tự đổi chỗ cho nhau, tự đến với nhau mà phải thông qua hoạt động của người mua và người bán...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Vai trò của pháp luật trong kinh doanh. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.