Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

10 Phương pháp tạo bài giảng thu hút và hứng thú cho học sinh

Cách vào bài giảng như thế nào để thu hút học sinh, giúp các em tham gia vào bài một cách nhanh nhất luôn là điều được các giáo viên quan tâm. Mời các bạn tham khảo 10 Phương pháp tạo bài giảng thu hút và hứng thú cho học sinh.

1. Bắt đầu bài giảng với một trò chơi

Để tạo hứng thú cho học sinh xuyên suốt trong một buổi học thì cách vào bài có lôi cuốn, hấp dẫn là điều vô cùng cần thiết. Thay vì vào bài trực tiếp thì các thầy cô hãy bắt đầu với một vấn đề mà có thể thu hút học sinh tham gia và đó cũng là cách hiệu quả nhất để học sinh nhanh chóng vào bài. Ví dụ, chuẩn bị một trò chơi liên quan đến bài giảng, một trò chơi khởi động hay đó là trò chơi giúp học sinh ôn lại bài cũ để làm học sinh thấy hứng thú ngay từ đầu.

Một số trò chơi khởi động đầu tiết học có thể kể đến như:

Trò chơi 1: Gió thổi (trái, phải, trước, sau)

  • Cách chơi: Quản trò giao việc: Em/bạn hãy tưởng tượng mình là một cái cây. Tất cả đứng giang tay ra để tạo hàng cây.
  • Gió thổi bên nào các em/bạn nghiêng về bên đó.
  • Cả lớp đứng rồi dang tay sang hai bên.
  • Quản trò: (Hô) Gió thổi, gió thổi.
  • Cả lớp: Về đâu, về đâu?
  • Quản trò: Bên trái, bên trái.
  • Cả lớp: Nghiêng người sang bên trái.
  • Quản trò: Gió thổi, gió thổi.
  • Cả lớp: Về đâu, về đâu?
  • Quản trò: Bên phải, bên phải.
  • Cả lớp: Nghiêng người sang bên phải.
  • Quản trò hô rồi làm tiếp với các vị trí: trước, sau.

Lưu ý: Quản trò lặp lại các vị trí cần luyện tập nhiều lần và tăng tố độ nói để học sinh luyện phản xạ nhanh

Trò chơi 2: Ai làm đúng?

  • Mục đích: Rèn luyện khả năng tập trung tư tưởng, tinh thần tập thể, phản xạ nhanh nhạy cho các em.
  • Cách chơi: Quản trò quy định một nhóm đóng giả gà con. Nhóm khác đóng giả gà mái, nhóm khác nữa đóng giả gà trống. Khi được đọc đến tên mình cùng động tác chỉ huy tay của quản trò, lập tức nhóm phải phát ra tiếng kêu của gà. Ví dụ: Gà con kêu chíp chíp…Gà mái kêu cục ..tác…Gà trống kêu ò…ó…o…
  • Quản trò chỉ tay vào nhóm nào mà nhóm đó không đọc được hoặc đọc chậm, đọc sai quy định thì phạm luật.
  • Chú ý: Để xem nhóm nào phản xạ tốt nhất, quản trò vừa làm động tác chỉ vào nhóm đó nhưng lại gọi trên nhóm khác, các em sẽ dễ bị nhầm. Ai làm sai sẽ bị phạt.
Trò chơi 3: “Trời mưa, trời mưa”

Cách chơi:

  • Quản trò: (hô): Trời mưa, trời mưa
  • Cả lớp: Che ô, đội mũ (hai tay vòng lên phía trên đầu)
  • Quản trò: Mưa nhỏ
  • Cả lớp: Tí tách, tí tách (Vỗ nhẹ hai tay vào nhau)
  • Quản trò: Trời chuyển mưa rào
  • Cả lớp: Lộp độp, lộp độp (Vỗ tay to hơn)
  • Quản trò: Sấm nổ
  • Cả lớp: Đì đoàng, đì đoàng (nắm bàn tay phải, giờ lên cao hai lần)
  • Quản trò: Đã 9 giờ tối
  • Cả lớp: Đi ngủ, đi ngủ (Hai tay úp vào nhau, đưa lên sát má, nghiêng đầu)
  • Quản trò: Trời đã sáng tỏ
  • Cả lớp: Gà gáy ò ó o (làm động tác gà gáy)
  • Quản trò: Rủ nhau tới trường
  • Cả lớp: Ngồi vào ngay ngắn (Ngồi xuống, vòng tay lên bàn)

Một số trờ chơi ôn bài cũ có thể kể đến như:

  • Trò chơi Ong đi tìm nhụy (trò chơi ôn bài cũ môn toán)
  • Mục đích: Rèn tính tập thể cho học sinh. Giúp cho học sinh thuộc các bảng nhân, chia một cách dễ dàng.
    Chuẩn bị:
  • 2 bông hoa 5 cánh, mỗi bông một màu, trên mỗi cánh hoa ghi các số (kết quả của phép chia hoặc phép nhân mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn), mặt sau gắn nam châm.
  • 10 chú Ong trên mình ghi các phép tính, mặt sau có gắn nam châm.

Cách chơi:

  • Giáo viên chọn 2 đội, mỗi đội gồm 4 em.
  • Giáo viên chia bảng làm 2 phần, gắn mỗi bên bảng một bông hoa và 5 chú Ong, ở bên dưới không theo trật tự.
  • Sau đó, giáo viên hãy giải thích luật chơi cho các em hiểu rằng: cô có 2 bông hoa trên những cánh hoa là các kết quả của phép tính, còn những chú Ong thì chở các phép tính đi tìm kết quả của mình. Và nhiệm vụ của các học sinh là giúp các chú ong tìm đúng kết quả của phép tính.
  • 2 đội xếp thành hàng và sau khi nghe hiệu lệnh "bắt đầu" thì lần lượt từng bạn lên nối các phép tính với các số thích hợp. Bạn thứ nhất nối xong phép tính đầu tiên, trao phấn cho bạn thứ 2 lên nối, cứ làm tiếp tục như vậy cho đến khi nối hết các phép tính. Trong vòng 1 phút, đội nào nối đúng và nhanh hơn thì sẽ là đội chiến thắng.
Lưu ý: Sau khi chơi xong, giáo viên chấm và hỏi thêm một số câu hỏi sau để khắc sâu bài học.
  • Trò chơi: Nghe đọc đoạn đoán tên bài (trò chơi ôn bài cũ trong môn tiếng Việt)

Mục đích:

  • Rèn kĩ năng đọc đúng, rõ ràng một đoạn văn trong bài đã học
  • Luyện kĩ năng nghe hiểu và nhớ tên các bài tập đọc đã học.

Chuẩn bị: Giáo viên yêu cầu học sinh ôn lại các bài tập đọc đã học ở môn Tiếng Việt nhằm phục vụ cho các tiết ôn tập. Cách tiến hành:

  • Giáo viên sắp xếp học sinh và chia thành 2 nhóm tham gia chơi, ngồi đối diện nhau, cử nhóm trưởng điều hành chung cả nhóm, bốc thăm để chọn nhóm đọc trước.
  • Nhóm bốc được chọn đọc trước được mở sách giáo khoa để chọn đoạn đọc (trong một số bài tập đọc đã nêu ra), nhóm còn lại nghe để đoán tên bài tập đọc đã học. Sau khi đã đoán xong thì nhóm 2 lại thực hiện đọc đoạn văn đã chọn và nhóm 1 lại đoán tên bài tập đọc đã học, mỗi nhóm được thực hiện 3 lần đoán tên bài và đọc.
  • 2 nhóm tham gia chơi đều được tính điểm để so sánh khi trò chơi kết thúc, giáo viên sẽ chọn nhóm nào được nhiều điểm hơn nhóm đó sẽ thắng cuộc.

Lưu ý: khi đoán tên bài cả hai nhóm đều không được mở SGK, nhóm 2 có thể lấy nội dung của bài tập đọc mà nhóm 1 đọc nhưng cần chọn đoạn văn khác trong bài, đoạn văn nên ngắn gọn không quá dài.

2. Lồng ghép câu chuyện minh họa cho bài giảng

Đây cũng là một cách tuyệt vời để thay đổi “khẩu vị” bài giảng. Vì sao học sinh thường rất thích nghe kể chuyện? Đơn giản vì điều đó làm giải tỏa những căng thẳng trong quá trình học tập. Chúng được phép tưởng tượng theo những gì thầy cô kể thay vì nhìn chằm chằm vào sách, vào vở hay chiếc bảng đen, những thứ đôi khi khiến chúng nhàm chán. Nhưng phải kể gì và phải kể như thế nào? Điều này phụ thuộc vào cách linh hoạt của mỗi thầy cô khi lồng ghép chuyện kể vào bài giảng của mình.

Chẳng hạn đối với môn Lịch Sử, môn học khiến không ít học sinh ngáp ngắn ngáp dài vì đối với đó là môn phụ, không quan trọng lại có quá nhiều mốc thời gian và sự kiện khô khan, khó nhớ. Vì vậy chuyện không hứng thú trong học tập môn này là lẽ đương nhiên. Vậy phải làm sao để thu hút được học sinh có hứng thú và chuyên tâm hơn trong học môn lịch sử? Lồng ghép các câu chuyện minh họa chính là một trong những cách mà các thầy cô nên lưu tâm. Có nhiều giai thoại, nhiều câu chuyện lịch sử nhưng điều quan trọng là giáo viên phải xác định đúng những câu chuyện có liên quan đến các sự kiện mà bài học cần đáp ứng.

3. Trưng bày các sản phẩm của học sinh

Hãy trưng bày các sản phẩm của học sinh trên tường lớp học hoặc một vị trí trang trọng nào đó (như hành lang của trường). Việc trưng bày khiến học sinh cảm thấy tự hào về những gì chúng làm và cảm thấy được ghi nhận. Tôi biết rằng, khi là một học sinh tôi muốn những bạn khác trong lớp và trong trường chú ý đến tôi và tôi muốn lần sau mình sẽ làm tốt hơn nữa.

4. Sử dụng truyện kể để rèn tính trật tự

Ngoài việc lồng ghép kể chuyện vào các môn học, thì truyện kể có thể được cô giáo sử dụng ở những hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt lớp. Thầy cô có thể tổ chức cho các em được đóng vai theo câu chuyện để tạo thêm sự phấn khích. Chắc chắn rằng quá trình này sẽ giúp được cho các em có thói quen tập trung chú ý trong khoảng thời gian lâu hơn. Thông qua đó, học sinh giữ được trật tự trong suốt tiết học mà không bị gò bó hay gượng ép. Và một khi đã khắc phục được tình trạng mất trật tự hay nói chuyện riêng trong giờ học, học sinh sẽ trở nên ngoan hơn, học tập tốt hơn. Bài học được các em tham gia sôi nổi trong nề nếp nghiêm túc. Chính vì thế, chất lượng ngày càng được nâng cao, hiệu quả giáo dục sẽ ngày càng được cải thiện.

Như chúng ta cũng đã biết, đối với trẻ thơ, thế giới cổ tích luôn là điều hấp dẫn nhất. Những câu chuyện thần bí, những chi tiết ly kỳ cùng những nhân vật hài hước, những cô bé, cậu bé ngoan được tiên giúp đỡ,... trong các câu chuyện cổ tích bao giờ cũng có sức hút mạnh mẽ đối với tất cả các em trong độ tuổi này. Các giáo viên nên tận dụng điểm này để rèn cho các em thói quen trật tự chú ý trong khoảng thời gian dài. Và những giờ rảnh rỗi hay các tiết sinh hoạt lớp chính là thời điểm thích hợp nhất để giáo viên kể chuyện cho học sinh.

5. Tăng độ tương tác giữa thầy cô và học sinh

Đôi khi thu hút bài giảng bằng cách rất nhỏ đó chính là sự tương tác giữa học sinh và giáo viên. Trong mỗi giờ học giáo viên có thể giao lưu với học sinh bằng nhiều cách khác nhau. Có thể giáo viên hỏi học sinh trả lời hoặc giúp các em thư giản bằng việc nói chuyện cùng các em về vấn đề cuộc sống đôi khi liên quan đến bài học nhất là các môn tự nhiên liên quan đến đời sống.

Nói đến đây thì cũng không thể không nhắc đến thực trạng lười giơ tay phát biểu của đại bộ phận học sinh hiện nay. Nguyên nhân thì có rất nhiều chẳng hạn như các kiến thức đó học sinh đã biết rồi, một số em học sinh trầm tính, ít giao tiếp nên ngại phát biểu, một số em khác thì ngại giáo viên, sợ phát biểu sai nên không dám đưa ra ý kiến của mình… vì thế, phần lớn giờ học của học sinh hiện nay vẫn chỉ là giáo viên giảng học sinh nghe và chép, độ tương tác hầu như không có và cũng chính vì không có sự tương tác thế nên tiết học trầm xuống, không thu hút và chuyện học sinh làm việc riêng trong giờ học cũng nhiều hơn. Và để giải quyết thực trang này, giáo viên phải là người khơi gợi vấn đề:

  • Để giúp các em tự tin đưa ra ý kiến của mình thì trước hết người giáo viên phải cho phép học sinh của mình được tự do phát biểu ý kiến.
  • Giáo viên nên tạo ra không khí trong lớp học thoải mái, gần gũi để các em có thể cởi mở, nói ra những ý kiến của riêng mình.
  • Việc động viên các em mạnh dạn phát biểu ý kiến cũng sẽ giúp các em có động lực hơn để đóng góp những ý kiến của mình cho bài học.
  • Đặt học sinh là trung tâm trong giờ học. Mọi hoạt động diễn ra trong giờ học đều phải xoay quanh học sinh, lấy học sinh làm trung tâm còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ các em đạt được mục tiêu của bài học. Thấy được vị trí quan trọng của mình trong buổi học thì chắc chắn mỗi học sinh sẽ phải tự mình cố gắng để đạt kết quả cao hơn.

6. Sử dụng hình ảnh vào nội dung bài giảng

Không chỉ là những trò chơi, những câu chuyện, mà hình ảnh cũng là thứ thu hút, lôi cuốn khiến học sinh tập trung không làm việc riêng trong suốt tiết học. Tại sao vậy? Đơn giản vì hình ảnh có nhiều màu sắc và trong trường hợp này cũng đúng như câu "Xanh xanh đỏ đỏ trẻ nhỏ nó ham". Chắc chắn rồi, những bài giảng nếu chỉ đơn thuần nghe cô đọc thì làm sao hứng thú được, minh họa bằng hình ảnh sẽ giúp con trẻ không cảm thấy nhàm chán mà tập trung hơn, lại dễ hiểu bài hơn nữa.

Ngoài ra, sử dụng máy chiếu cũng là một phướng pháp giảng dạy phổ biến khi công nghệ điện tử phát triển ngày càng mạnh. Giáo viên chuẩn bị những bài giảng điện tử không chỉ tiện ích cho chính mình mà còn thu hút được học sinh.

7. Giảng bài theo cách hài hước

Khiếu hài hước chính là “phương tiện” giúp giáo viên hoà đồng, gần gũi với học sinh hơn, vừa giúp cho giờ dạy bớt căng thẳng, tạo được không khí lớp học thoải mái hơn. Những giáo viên có khiếu hài hước bao giờ cũng tạo được thiện cảm và để lại ấn tượng đối với học sinh, được học sinh yêu mến.

Bạn biết đấy, đôi khi quá nghiêm túc khi giảng bài cũng chưa hẳn mang lại hiệu quả. Và một thực tế đã cho thấy rằng, những buổi học thú vị không nhàm chán có thể khắc phục được bằng những sự hài hước thú vị đến từ giáo viên. Việc này giúp những bài giảng hiệu quả và thu hút được sự chú ý từ học sinh.

8. Tạo hoạt động nhóm

Tạo hoạt động nhóm là một cách hay giúp giáo viên thu hút được bài giảng hiệu quả. Đúng như thế đôi khi vừa học vừa thư giản sẽ là cách hay giúp cho học sinh tiếp thu bài khá là nhanh.

Học sinh tiểu học vẫn đang ở độ tuổi chơi nên thầy cô không nên chỉ có dạy và dạy suốt cả một tiết học mà hãy cho bé thư giãn đầu óc. Đôi khi hoạt động nhóm không phải là chơi mà bạn vẫn cho trẻ học nhưng bằng cách phân chia nhóm cho các bé thảo luận. Việc tạo nhóm sẽ giúp học sinh tự suy nghĩ, bên cạnh đó còn gắn kết các em lại với nhau thành một tập thể đoàn kết.

Đặc biệt là các lớp đầu cấp ở tiểu học, các em vẫn chưa ý thức nhiều về việc học, nhiều em vẫn thích chơi hơn thích học. Một số em vẫn tranh nói chuyện riêng, làm việc riêng, rủ rê các bạn khác cùng nói chuyện do đó nhóm trưởng phải luôn để các bạn trong tình trạng đang bận “làm việc”. Giáo viên chủ nhiệm luôn tạo cho các em tính tự giác cao, đặc biệt tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công việc đòi hỏi rất lớn. Bởi nhiệm vụ của nhóm có hoàn thành hay không và hoàn thành ở mức nào phụ thuộc rất lớn vào sự tự giác hoạt động của các thành viên trong nhóm.

Trong quá trình các nhóm làm việc giáo viên đến các nhóm nhắc nhở, chia sẻ động viên kịp thời đối với các nhóm. Khi có giáo viên đến từng nhóm thì các em thấy hứng thú, tự tin hơn trong học tập để rồi các em không ngại chia sẽ những khó khăn vướng mắc với giáo viên. Giáo viên có thể gợi ý những vướng mắc mà các em cần được tháo gỡ, giáo viên không nên đưa trực tiếp kết quả mà cần đặt những câu hỏi gợi ý có vấn đề để các em tháo gỡ những vướng mắc đó. Một điều quan trọng là giáo viên luôn bám sát các nhóm, gần gũi, chia sẻ, hỗ trợ, nhắc nhở, động viên kịp thời đối với các nhóm. Các em không thể nào gây rối, mất trật tự khi có cô giáo luôn bám sát nhắc nhở thường xuyên.

Là giáo viên đương nhiên sẽ nắm rất rõ những học sinh “đặc biệt”. Với mỗi học sinh “đặc biệt”, giáo viên phải có cách thức phù hợp để các em không bị cô lập với nhóm, các em càng phải được giáo viên, nhóm trưởng và các bạn trong nhóm “quan tâm” nhiều hơn. Ngoài ra, giáo viên tạo cơ hội cho các nhóm trưởng cùng chia sẻ kinh nghiệm điều hành nhóm,…Để mỗi nhóm, mỗi thành viên của nhóm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình.

9. Chuẩn bị kĩ bài soạn

Bài soạn hay chất lượng ảnh hưởng lớn đến thành công cho buổi học hôm đó. Đúng thế, những bài giảng tóm gọn được những kiến thức chung nhất, gồm những ý chính sẽ giúp trẻ nắm bắt nhanh hơn là những bài giảng dài, không có trọng tâm.

10. Trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo

Với học sinh, không một tấm gương nào tốt hơn là giáo viên chủ nhiệm - người trực tiếp giảng dạy, chăm sóc, giáo dục, theo sát quá trình học tập cũng như rèn luyện của các em trong suốt một năm học. Bao giờ cũng thế, người thầy tốt sẽ sản sinh ra những học trò tốt. Giáo viên hãy là tấm gương trong mọi lĩnh vực: học tập (không thể dạy các em chăm học trong khi cô thì không chăm chỉ nghiên cứu, tìm tòi), sinh hoạt (giao tiếp, ăn mặc lịch sự, biết giữ vệ sinh môi trường,…), đạo đức (có lòng nhân ái mà trước hết là đối với học sinh lớp mình, trung thực trong dạy học, trong cuộc sống,…). “Lớp học thân thiện” chỉ có được khi giáo viên có tấm lòng nhân hậu, bao dung, hết lòng vì học sinh thân yêu của mình. Có một giáo viên chủ nhiệm như vậy thì chắc chắn học sinh sẽ chăm ngoan, tích cực, ham học, thích đi học và đương nhiên tình trạng nói chuyện riêng hay mất trật tự trong lớp cũng được giảm thiểu phần nào.

Trên đây là 10 Phương pháp tạo bài giảng thu hút và hứng thú cho học sinh. Những phương pháp này luôn thôi thúc các thầy cô trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và tìm kiếm các phương pháp giảng bài hay nhất, hấp dẫn nhất tạo cho học sinh luôn hứng thú trong giờ học. Nhất định các phương pháp giảng bài tốt nhất này sẽ giúp khơi gợi sự hứng thú của học sinh và mang lại hiệu quả dạy học cao.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm