Bài tuyên truyền tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2020
TUYÊN TRUYỀN PHÁT ĐỘNG "TUẦN LỄ HƯỞNG ỨNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI"
Tuần lễ học tập suốt đời năm 2020 với chủ đề Chuyển đổi số thúc đẩy Học tập suốt đời đã chính thức được Bộ giáo dục phát động. Sau đây là bài tuyên truyền phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2020, mời các bạn cùng tham khảo.
1. Bài tuyên truyền hưởng ứng Tuần lễ Học tập suốt đời
Học tập là công việc gắn bó với con người từ bao đời nay. Có thể nói, không một bước phát triển nào của văn minh nhân loại mà không gắn với việc học. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, ý nghĩa, cách thức của việc học tập ở mỗi thời đại, mỗi xã hội cũng có những chỗ khác nhau. Đã xa rồi lối suy nghĩ học tập chỉ dành cho người trẻ tuổi, chỉ cần học lấy bằng cấp, học một cách thụ động… Ngày hôm nay chúng ta tổ chức buổi lễ này là để cùng nhắc nhở nhau tiếp tục gây dựng một phong trào học tập rộng khắp, thường trực và lâu dài, học có phương pháp, học tập cho mọi đối tượng.
Hiếu học, ngày xưa được xem như một truyền thống tốt đẹp của người Việt. Việc học ngày nay không chỉ thể hiện truyền thống hiếu học tốt đẹp đó mà còn được xem như một trong những nhu cầu cơ bản tất yếu của đời sống, là cơ sở quan trọng để mỗi cá nhân phát huy tốt nhất năng lực bản thân, sống hạnh phúc hơn và thăng tiến hơn.
Học tập không phải là việc ngày một, ngày hai mà là việc suốt đời, không chỉ là việc của một hay hai người mà là của tất cả mọi người, không chỉ học ở trường học mà là học ở tất cả mọi nơi. Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất, đất nước ta đang hướng đến việc hội nhập với các nước trong khu vực ASEAN, người lao động trong nước đang phải cạnh tranh với lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao của khu vực. Xét ở khía cạnh mưu sinh, nếu không liên tục học tập, nâng cao chất lượng lao động về mọi mặt, trong tương lai chúng ta cũng có thể gặp nhiều khó khăn khi muốn khẳng định bản thân và cũng như cạnh tranh với bạn bè trong khu vực được ngay tại quê hương Việt Nam. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các em học sinh cần tích cực chuẩn bị để trở thành những công dân toàn cầu, nhất là học sinh ở một thành phố năng động như........
Thứ hai, gia đình là cái nôi đầu tiên của sự học. Cha mẹ luôn cần đồng hành và hỗ trợ con em mình trong hành trình khám phá tri thức. Muốn thế, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng phải học tập suốt đời để có thể bước đi cùng nhau.
Đối với người thầy, nếu có ý thức học tập suốt đời, biết tự bù đắp và bổ sung tri thức, hơn hết là kỹ năng, thì lợi ích nhận được không phải chỉ cho bản thân mà còn cho học sinh, những điều các em xứng đáng được hưởng, như một quyền lợi.
Cho nên ý thức học tập suốt đời phải được thấm sâu, lan tỏa, trở thành nhu cầu tự thân của từng cá nhân, từng tập thể. Mỗi người luôn cần có những hành động mạnh mẽ để phá vỡ những giới hạn hiện tại của tri thức, tự tạo ra những chân trời tri thức mới và không ngừng trau dồi kỹ năng sống cho bản thân.
Hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập suốt đời, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai những đề án có tính lâu dài, rộng khắp và đầy ý nghĩa. Các trường Trung học phổ thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng có những thay đổi lớn trong công tác bồi dưỡng thường xuyên, xây dựng xã hội học tập, hưởng ứng phong trào "học tập suốt đời".
Sự thay đổi đầu tiên là xây dựng người thầy trở thành hình mẫu trong việc chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện nhân cách. Người thầy thời đại mới là "người thầy đi tới" với những bước đi khám phá chứ không phải "người thầy đứng lại để chiêm nghiệm". Chỉ cần một chút tự thỏa mãn người thầy sẽ tụt hậu so với bối cảnh giáo dục mới, thua kém bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là thua kém học sinh. Trước kia, nhà giáo thường rất ý thức trau dồi chuyên môn nhưng ít chú ý đến những giá trị nền tảng, kỹ năng sống. Học tập suốt đời buộc nhà giáo phải bổ sung những mặt thiếu sót này. Khi đó, người thầy sẽ trở thành một bài học sống động về học tập suốt đời và nhận được ở trò sự tôn trọng, ngưỡng mộ. Như trên đã nói, hành trình của thầy và trò luôn song hành. Những bước đi đầu tiên trên hành trình của trò luôn cần bàn tay của người thầy. Song, người thầy thời đại mới phải hiểu rằng chỉ có một cách giữ các em ở lại lâu nhất trên hành trình học tập chính là việc thầy phải khơi dậy đam mê và nỗ lực hoàn thiện bản thân của trò, xây dựng tinh thần, thái độ học tập tích cực.
Ý thức được điều đó, tập thể giáo viên Gia Định chúng tôi đang nỗ lực xây dựng hình ảnh "người thầy đi tới" trong mắt học sinh. Đó là người thầy sau những giờ lên lớp vẫn xuất hiện đều đặn trong các lớp học sau Đại học, các lớp Nghiên cứu sinh, tham gia các hội thảo chuyên đề cùng các chuyên viên, giảng viên Đại học; cùng làm các đề tài nghiên cứu khoa học với các em học sinh, lặng lẽ truyền cho các em niềm đam mê tri thức của chính mình. Các lớp học Giá trị sống, các buổi tập huấn kỹ năng, các buổi đối thoại để trao đổi kinh nghiệm giữa các thế hệ giáo viên là cách chúng tôi khám phá bản thân mình, đẩy mạnh những giá trị nền tảng, trau dồi những kỹ năng…
Nhiệm vụ của người thầy là giúp các em chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng và phương pháp để các em đủ tự tin và vững vàng tiếp tục học tập khi rời nhà trường. Trong hành trình học tập suốt đời đó, chúng tôi hiểu rằng phương pháp tiếp cận thông minh là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để tiếp thu kiến thức trọn vẹn, nhanh chóng và sâu sắc hơn. Nói về phương pháp tiếp cận, chúng tôi muốn nhấn mạnh ở cả 3 dạng thức trong môi trường giáo dục, đó là phương pháp tiếp cận người học, phương pháp tiếp cận tri thức lẫn phương pháp quản lý giáo dục như đẩy mạnh tư duy phản biện, tôn trọng những giá trị tự thân của tất cả các thành viên trong nhà trường, sáng tạo những phương pháp dạy học thú vị, hướng đến thực chất, tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong và ngoài nhà trường... Đó chính là cách chúng tôi nhắc nhau không được bằng lòng với phương pháp tiếp cận đã có để rèn giũa kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của tiến bộ xã hội.
Không chỉ ở phương pháp tiếp cận, quan niệm về môi trường học tập cũng phải thay đổi theo hướng mở rộng ra. Trường học là nơi học tập tốt nhất nhưng không phải là duy nhất bởi ta còn có thể học trong sách vở, học ngoài xã hội, học hỏi lẫn nhau… Là những người làm công tác quản lý, chúng tôi thấy rất ấm lòng khi nhìn các em miệt mài đọc trong thư viện, nhạy bén trong việc tìm kiếm kiến thức trên mạng internet, chủ động đóng góp sách để xây dựng thư viện mini cho lớp mình. Chúng tôi mong chính các em sẽ gầy dựng lại văn hóa đọc đang ngày bị mai một.
Trong môi trường giáo dục, nhà quản lý - giáo viên - học sinh đều cần ý thức về việc học hỏi lẫn nhau. Triết lý giáo dục mới khẳng định rằng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là mối quan hệ hai chiều của tác động và phản hồi và giáo viên vẫn có thể học ở học sinh nhiều điều thú vị. Với học sinh, các em không chỉ nhận được sự dạy bảo tận tình của thầy cô mà còn được dìu dắt bởi các anh chị cựu học sinh thành đạt trong cuộc sống. Đó là cơ hội để kinh nghiệm thực tế và những lời khuyên bổ ích được trao truyền. Cựu học sinh Gia Định chính là động lực vô hình nhưng mạnh mẽ để các thế hệ đàn em phấn đấu không ngừng.
Dưới góc độ quản lý, vấn đề then chốt là phải vạch ra lộ trình phù hợp, khơi dậy và duy trì môi trường học tập bền vững. Cho nên, cần học hỏi những sáng kiến kinh nghiệm của đơn vị bạn, xây dựng các mô hình liên kết học tập thiết thực và có sức hút đối với người học. Tại trường Gia Định, chúng tôi đã tổ chức chuyên đề học tập cho cụm chuyên môn ở bộ môn Toán, Sinh học, Địa lý; giao lưu, học hỏi với một số trường trong thành phố và các tỉnh lân cận.
Tất cả những điều nói trên là minh chứng khẳng định môi trường học tập hiện nay đang rất rộng mở. Chúng ta đề ra những việc cần làm là để không ngừng phấn đấu vì mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội và tiếp tục củng cố niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục.
Thiết nghĩ, cuộc vận động "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2019" là một lời nhắc nhở cần thiết cho những người làm công tác giáo dục chúng ta, đồng thời là lời kêu gọi đầy ý nghĩa cho mọi tầng lớp Nhân dân, gây dựng một phong trào học tập rộng khắp, thường trực và lâu dài, học tập suốt đời, học tập cho mọi đối tượng. Bởi nhờ học tập suốt đời mà chúng ta sẽ càng có khả năng thích ứng, phát triển và cộng tác trong một thế giới rộng mở như tổ chức UNESCO đã nêu "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".
Mong ước rằng tinh thần học tập suốt đời luôn là điều mà mọi người dân Bình Thạnh đều ý thức và nỗ lực, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mãi giữ vị trí tiên phong trên con đường hiện thực hóa ước mơ và nhờ đó quận Bình Thạnh sẽ ngày càng phát triển, có thêm nhiều sự đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thành phố, của đất nước.
2. Mẫu bài tuyên truyền tuần lễ Học tập suốt đời 2020
Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh!
Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng, là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại và bồi dưỡng tâm hồn cho mỗi con người, đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người.
Nói về đọc sách sinh thời Chủ tịch Hồ Chí minh đã từng căn dặn: "Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…" Đọc sách không chỉ lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi, nó còn giúp chúng ta có thêm rất nhiều kiến thức mới, phục vụ cho cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thực hiện rất nhuần nhuyễn quan điểm này, với thời gian đọc sách của Người khiến mọi người phải nể phục.
Kế thừa truyền thống ham đọc sách của dân tộc và gia đình, Hồ Chủ tịch đã luôn coi trọng sách báo. Nhưng với Người, đọc sách không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao các hiểu biết thông thường. Người đọc chủ yếu là để phục vụ cách mạng với niềm khao khát tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Niềm ham muốn khao khát ấy đã đi theo Bác suốt cuộc đời.
Người nhấn mạnh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi: “vì sao” đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn.”
“Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách”. Đọc, nghiền ngẫm và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta chỉ đọc sách mà không áp dụng gì được cho chính bản thân chúng ta hoặc với người khác thì không khác nào chúng ta ăn mà không tiêu, không hấp thụ được dưỡng chất vào cơ thể. Khi đó, sách cũng chỉ là đống giấy chứa chữ vô nghĩa mà thôi.
Khi tìm hiểu về phương pháp đọc của Bác Hồ, bài học đầu tiên mà chúng ta cần phải chú ý đến là: Muốn trở thành người hiểu biết phải đọc cho rộng và khi đọc phải có ghi chép và phân loại ngay các thông tin trong sách báo. Bác có thói quen khi đọc, ngón tay đưa theo dòng, mắt dõi theo, chỗ nào có vấn đề chú ý thì dừng tay ghi chép hoặc đánh dấu để dễ nhận biết những chỗ cần chú ý, những số liệu và thông tin cần xử lý. Đọc báo, thấy gương người tốt muốn thưởng Huy hiệu, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ khoanh vào.
Với Hồ Chủ tịch, đọc sách không chỉ cho riêng bản thân mình mà Người luôn quan tâm đến đối tượng thích hợp liên quan đến các bài viết hoặc thông tin được đăng trong sách báo. Theo Người, bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc. Người khuyên chúng ta: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng... Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”
Ngày nay, giới trẻ chúng ta có rất nhiều phương tiện để có thể tiếp cận thông tin thuận tiện như: Xem tivi, nghe radio, lướt web bằng điện thoại di động thông minh, máy tính bảng, máy tính,… vì thế văn hóa đọc sách gần như bị mai một, sự phát triển của công nghệ thông tin làm cho một bộ phận không nhỏ đoàn viên thanh niên chúng ta chịu ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội, các trò giải trí của internet, bên cạnh đó việc bị cuốn vào vòng quay của cuộc sống mà quên đi những lợi ích thiết thực của việc đọc sách đem lại, nhiều khi thông tin tràn ngập nhưng mà vẫn thấy thiếu, đó là khoảng trống không thể lấp đầy nếu không chịu đọc sách, nghiên cứu và tìm tòi. Học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách đọc sách chưa bao giờ là điều lạc hậu, cũ kĩ trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện công văn Công văn 3589/BGDĐT-GDTX 2020 về Hưởng ứng Tuần lễ học suốt đời năm học 2020 – 2021 với chủ đề: “Chuyển đổi số thúc đẩy Học tập suốt đời’ và Thực hiện học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc đọc và tự học, hãy luôn nhớ và làm theo lời Người căn dặn:” Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc…”.
3. Bài phát biểu hưởng ứng tuần lễ Học tập suốt đời
Hòa cùng không khí tưng bừng của cả nước trong ngày Hội: “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời.”, hôm nay, ngày … tháng … năm 20…, trường …………………………… tưng bừng tổ chức phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”.
Đến dự với buổi lễ có các đồng chí ……………….………đại diện cho BGH nhà trường, cùng toàn thể các thầy, cô giáo, các em học sinh nhà trường có mặt đông đủ. Xin nhiệt liệt hoan nghênh!
Dân tộc Việt Nam ta vốn thông minh và hiếu học. Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người từng nói: “Sự học là vô cùng”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “ Học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Và Bác Hồ của chúng ta là tấm gương sáng ngời về sự học như vậy. Người đã từng tự học, vừa lao động để kiếm sống, biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ mà không qua một con đường đào tạo chính quy nào. Chính từ sự học như thế mà Bác đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang.
Nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương hàng năm sẽ tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Năm 20…, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được tổ chức thống nhất trong cả nước từ ngày …/… đến hết ngày …/… với chủ đề: “………………….”Triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hôm nay ngày …/….20… trường ……………… tổ chức Lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời.
Để học tập suốt đời, mỗi người trong chúng ta phải có quan niệm “mở” về “học tập”, trên cơ sở đó, nhận thức sâu sắc và đúng đắn về một “xã hội học tập”. “Xã hội học tập” là nơi mà mọi người đều có nhu cầu và xây dựng cho mình một kế hoạch học tập trong suốt cuộc đời của mình, là nơi có thể đáp ứng một cách tốt nhất, phù hợp nhất nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ, nhằm nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Như vậy, khái niệm “học tập” phải được hiểu theo hướng “mở”, không chỉ diễn ra trong một nhà trường mà còn có thể đựơc tổ chức ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất kỳ đối tượng nào.
Toàn trường chúng ta tích cực hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” của năm 20… với chủ đề: “…………………………………….”
Mỗi học sinh chúng ta sẽ phải làm gì với chủ đề của tuần lễ?
Bạn nào có thể cho cô biết một vài câu châm ngôn hay ca dao tục ngữ nói về việc học tập suốt đời?
- Xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của mọi người dân.
- “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời ” (Hồ Chí Minh)
- Biết nhiều, nghe rộng mới làm nên sự nghiệp (Lê Quý Đôn)
- Học, học nữa, học mãi (Lê nin)
- Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để làm người (UNESCO)
Tinh thần này sẽ mãi là hành trang để mỗi thầy trò chúng ta chinh phục và khám phá đỉnh cao tri thức của nhân loại với thông điệp:
“Học tập suốt đời – Chìa khóa của mọi thành công”
ĐỂ THỂ HIỆN QUYẾT TÂM ĐÓ CÔ XIN TOÀN THỂ HỌC SINH CHÚNG TA MỘT TRÀNG PHÁO TAY THẬT LỚN.
Buổi lễ phát động đến đây là kết thúc cô kính chúc các em học tốt hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Qua bài viết hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời, nội dung tuyên truyền tuần lễ học tập suốt đời này, VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn chủ đề tuần lễ học tập suốt đời năm 2020. Chúc quý thầy cô có bài phát biểu hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời, khai mạc tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời thành công.