Trong tiết sinh hoạt lớp sáng nay, lớp em đã có một cuộc trao đổi sôi nổi về vấn đề Học sinh có nên mang điện thoại đến lớp hay không?. Nhiều ý kiến đã được chúng em đưa ra để cùng trao đổi. Trong đó, có một bạn đã dõng dạc khẳng định trước lớp rằng: “Học sinh thì không nên mang điện thoại đi học. Vì nếu mang đến lớp thì các bạn sẽ chỉ dùng điện thoại để chơi trò chơi, lướt mạng xã hội và làm ảnh hưởng đến việc học tập của bản thân cùng bạn bè”. Cá nhân em cho rằng đây là một quan điểm chưa hợp lí và rất phiến diện.
Điện thoại di động là một thiết bị điện tử hiện đại, đem lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng. Ngoài dùng để liên lạc với người thân (gọi điện, nhắn tin…), thì nó còn sử dụng để giải trí hoặc tra cứu các tài liệu học tập. Tùy vào nhu cầu và mục đích sử dụng của con người mà điện thoại di động sẽ trở thành một công cụ hữu ích. Chứ không phải chỉ để chơi trò chơi hay lướt mạng xã hội như bạn học sinh kia nêu lên.
Hơn nữa, việc mang điện thoại đến lớp, không hề có nghĩa là bạn học sinh đó sẽ sử dụng điện thoại trong giờ học. Bạn ấy có thể sử dụng vào giờ ra chơi để giải trí cùng bạn bè. Hoặc gọi điện cho bố mẹ để nhắn những lịch học được thay đổi bất ngờ. Đó đều là các hành động bình thường, đem lại lợi ích cho bạn học sinh đó, và không hề ảnh hưởng đến những bạn học khác.
Việc sử dụng điện thoại chỉ làm ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn học sinh, chỉ xảy ra khi các bạn ấy lén sử dụng trong giờ học, tức là đã làm việc riêng. Đó là một hoạt động vi phạm nội quy lớp học và sẽ bị nhắc nhở, phê bình như các hành vi trái nội quy khác. Còn nếu các bạn sử dụng vào giờ ra chơi, đầu hoặc cuối buổi học thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến mọi người. Tất cả là do ý thức của chính bạn học sinh đó, chứ không liên quan đến việc có được mang điện thoại đến lớp hay không. Nếu chỉ vì một số ít các bạn học sinh chưa ngoan, còn thiếu ý thức mà đánh giá tất cả các bạn khác cần mang điện thoại theo thì còn chưa đúng đắn. Vì nhiều bạn cần điện thoại để liên lạc với người thân vì bố mẹ đi làm xa hoặc cần báo khung giờ cho bố mẹ đến đón. Những bạn ấy không nên bị đánh đồng với những trường hợp xấu.
Do đó, em cho rằng quan điểm “Học sinh thì không nên mang điện thoại đi học. Vì nếu mang đến lớp thì các bạn sẽ chỉ dùng điện thoại để chơi trò chơi, lướt mạng xã hội và làm ảnh hưởng đến việc học tập của bản thân cùng bạn bè” còn khá thiếu sót. Nó dẫn đến những đánh giá còn khá phiến diện về những người xung quanh mình. Em cho rằng, điện thoại là một thiết bị điện tử giúp ích cho con người. Thầy cô có thể đưa ra nội quy yêu cầu khóa điện thoại di động trong giờ học, thay vì cấm các bạn mang điện thoại theo bên mình. Như vậy sẽ hợp lí và thuận tiện hơn với tất cả mọi người.
Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển và được giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh yêu thích. Nhiều phụ huynh cho rằng mạng xã hội chỉ đem đến những tác động tiêu cực nên muốn ngăn cản con cái sử dụng. Nhưng các bạn học sinh thì lại cho rằng mạng xã hội không chỉ giúp giải trí mà còn đem lại nhiều tác dụng tích cực cho bản thân.
Bản thân em cho rằng, mạng xã hội vừa đem lại tác động tích cực, vừa đem lại tác động tiêu cực với người dùng. Vì vậy, chúng ta không nên tẩy chay nó, mà cần sử dụng một cách hợp lý.
Mạng xã hội bao gồm các trang mạng online và các nền tảng như facebook, tiktok, instagram… Ở đó, mọi người có thể xem rất nhiều những hình ảnh, video, thông tin thú vị,.. Đồng thời được kết giao với nhiều người bạn mới ở những nơi khác nhau. Sự muôn màu và đa sắc ở mạng xã hội giúp người dùng có những phút giây giải trí thoải mái. Không chỉ vậy, người dùng còn được học hỏi, biết thêm nhiều điều hay được chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Cùng với đó, là có những người bạn tốt để chia sẻ, để cùng nhau cố gắng học tập. Dù ở cuộc sống thực, mọi người cách xa đến đâu, thì trên mạng xã hội cũng sẽ gần gũi với nhau hơn.
Bên cạnh những ưu điểm ấy, mạng xã hội cũng đem lại những tác động tiêu cực cho người dùng. Với số lượng thông tin khổng lồ, người dùng - đặc biệt là các bạn học sinh dễ tiếp cận đến các thông tin độc hại, tư tưởng sai lệch. Từ đó dễ dẫn đến những hiểu nhầm và phát ngôn, hành động sai lệch. Không chỉ vậy, mạng xã hội còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm từ những kẻ lừa đảo. Chúng có nhiều hình thức tinh ranh để dụ dỗ, lôi kéo các bạn học sinh vào những đường dây tệ nạn. Hoặc thực hiện các hành vi sai trái khác. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của mạng xã hội cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi, khi khiến các bạn học sinh say sưa đến quên cả việc học. Thậm chí bỏ bê những mối quan hệ khác ở cuộc sống thực tại.
Vì vậy, chúng ta phải tự kiểm soát và cân đối thời gian, cách sử dụng mạng xã hội sao cho hợp lí. Để phát huy tối đa những ưu điểm của nó, và hạn chế hết mức những nhược điểm tai hại mà nó đem lại. Bởi nếu chỉ vì những nhược điểm kia mà bỏ qua rất nhiều những ưu điểm khác của mạng xã hội thì thật là sai lầm. Để làm được điều đó, ngoài việc chính bản thân các bạn phải tự phân phối thời gian, cách sử dụng. Thì bố mẹ hoặc thầy cô cũng cần có sự giúp đỡ, điều hướng, để bảo vệ các bạn học sinh khỏi những thông tin, ảnh hưởng xấu của mạng xã hội.