Bộ Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 môn Văn năm 2022

Bộ Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 môn Văn năm 2022 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi giữa học kì 2 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Bộ Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 môn Văn năm 2022 bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì môn Ngữ văn lớp 12 và luyện thi đại học.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 môn Văn - Đề 1

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn. Nhưng hãy đừng mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm. Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý. Điều đó luôn đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời. Và cách để tạo ra những công việc tuyệt vời là bạn hãy yêu việc mình làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc bởi vì bằng trái tim bạn, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy nó. Và cũng sẽ giống như bất kì một mối quan hệ nào, nó sẽ trở nên tốt dần lên khi năm tháng qua đi. Vì vậy hấy cố gắng tìm kiểm cho đến khi nào bạn tìm ra được tình yêu của mình, đừng từ bỏ.

(Trích Steve Jobs với những phát ngôn đáng nhớ, theo http://www.vnexpress.net, ngày 26/8/2011)

Câu 1 (0,5đ): Chỉ ra ít nhất 05 cụm từ trong đoạn trích thể hiện tính chất kêu gọi, động , viên, khích lệ.

Câu 2 (0,75đ): Anh/ Chị hiểu thế nào về câu: “Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn.”?

Câu 3 (0,75đ): Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý.”?

Câu 4 (1,0đ): Thông điệp nào từ đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/ chị?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nêu suy nghĩ của anh/chị về câu nói: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác.

Câu 2 (5đ): Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ Tô Hoài.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 môn Văn - Đề 2

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Một ước mơ phù hợp là yếu tố quan trọng góp phần làm nên một việc có ý nghĩa. Ước mơ là hình ảnh của những điều nằm trong tâm trí ta, và nếu bạn là người có quyết tâm thì bạn sẽ tìm cách đạt được nó. Những người làm nên nghiệp lớn trên thế giới đều là những người biết mơ ước.

Ước mơ không bao giờ hình thành ở những người thờ ơ, lười biếng hay thiếu tham vọng. Bạn hãy đặt ra những ước mơ nằm trong khả năng của mình và lên kế hoạch cụ thể để từng bước hiện thực hóa chúng. Trong khi vạch ra kế hoạch cụ thể để đạt được thành công, cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống thường ngày, bạn đừng bị lung lay hay nhụt chí bởi những người xem bạn như là kẻ mơ mộng. Để đạt được thành công như mong muốn trong một thế giới đang có nhiều thay đổi này, bạn phải học hỏi tinh thần của các bậc tiền bối – những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của văn minh nhân loại. Tinh thần ấy là dòng huyết mạch của sự phát triển và là cơ hội để bạn giải phóng hết năng lực tiềm ẩn của mình. Hãy biết quên những ước mơ không thành của ngày hôm qua. Thay vào đó, cần biến ước mơ của ngày mai thành những công việc cụ thể, để một ngày không xa trong tương lai, chúng sẽ trở thành hiện thực.

Ước mơ không phải là cái sẵn có, cũng chẳng phải là cái không thể có. Ước mơ chính là con đường chưa được định hình, là hình ảnh của những điều nằm trong tâm trí bạn mà nếu có đủ quyết tâm, bạn hoàn toàn có thể hiện thực hóa chúng.

Nếu bạn tin tưởng vào những ước mơ của mình thì hãy cố gắng thực hiện bằng tất cả.

(Không gì là không thể, George Matthew Adams)

Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2 (0,75đ): Theo anh/chị, như thế nào là một ước mơ phù hợp và một kẻ mơ mộng?

Câu 3 (0,75đ): Để hiện thực hóa ước mơ trong tâm trí của mình, tác giả văn bản trên khuyên chúng ta cần phải làm như thế nào?

Câu 4 (1,0đ): Thông điệp nào trong văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Lí giải vì sao?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương.

Câu 2 (5đ): Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 môn Văn - Đề 3

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Dậy mà đi! Dậy mà đi!
Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi?
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?
Huống đường đi còn lắm bước gian truân
Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu!
Thì đứng dậy, xoa tay và tự bảo:
Chỉ còn đây sức lực hãy còn đây!
Lòng không nghèo tin tưởng ở tương lai
Chân có ngã thì đứng lên, lại bước.
Thua ván này, ta đem bầy ván khác,
Có can chi, miễn được cuộc sau cùng
Dậy mà đi, hi vọng sẽ thành công
Rút kinh nghiệm ở bao lần thất bại:
Một lần ngã là một lần bớt dại
Để thêm khôn một chút nữa trong người...

(Dậy mà đi - Tố Hữu)

Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2 (0,5đ): Ý nghĩa từ dại, khôn trong câu: Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?

Câu 3 (1,0đ): Anh/chị có đồng tình với ý kiến của tác giả đoạn trích: Một lần ngã là một lần bớt dại/ Để thêm khôn một chút nữa trong người? Vì sao?

Câu 4 (1,0đ): Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh chị?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội về Chân lí thuộc về mọi người. Không chịu sống đời nhỏ nhoi.

Câu 2 (5đ): Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 môn Văn - Đề 4

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên
Hơn một điều bất chợt

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

(Trích: Trường ca Những người đi tới biển – Thanh Thảo)

Câu 1 (0,5 điểm): Tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ được tác giả miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 2 (0,75 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp so sánh được sử dụng trong các câu thơ "Mười tám hai mươi sắc như cỏ/Dày như cỏ/Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ".

Câu 3 (0,75 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung câu thơ: "Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất/Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên"?

Câu 4 (1,0 điểm): Điều anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích trên là gì?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội về đời người là cuộc hành trình vượt qua những thử thách.

Câu 2 (5đ): Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

Đề thi giữa học kì 2 môn Văn 12 - Đề 5

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Thế giới của chúng ta có muôn vàn điều thú vị để khám phá. Cho dù bạn đang ở độ tuổi nào, bạn cũng nên phá vỡ các giới hạn của nhận thức và luyện cho mình kĩ năng quan sát bằng cách ra khỏi nhà, ra ngoài thiên nhiên và chú ý tới mọi điều xung quanh. Hãy đặt cho bản thân những câu hỏi như: "Tại sao...? Tại sao không...?" và thử tự tìm các câu trả lời hay sự trợ giúp của những người quen biết. Đừng bao giờ tự cao tự đại nói rằng: "Tôi đã biết hết rồi, anh/chị sẽ không chỉ cho tôi được điều gì mới đâu!". Vì chỉ khi chúng ta nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học, chúng ta mới có thể bổ sung được nhiều kiến thức mới.

Hãy nghe nhạc cổ điển, đến thăm các viện bảo tàng và các phòng trưng bày nghệ thuật, hãy đọc sách về nhiều chủ đề khác nhau, hãy có những sở thích như khiêu vũ, chơi đàn, hội họa hay tập luyện một bộ môn thể thao. Dù bạn chọn cho mình bộ môn nào đi nữa, bạn cũng nên theo học đến cùng và tìm hiểu không ngừng nghỉ cho đến khi đạt được kiến thức sâu sắc về lĩnh vực đó mới thôi. Đừng chỉ "chạm đến một lần rồi bỏ xó". Hãy quyết tâm rèn luyện và củng cố trí tò mò để nó trở thành một phần trong cá tính của bạn. Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân. Có khát vọng khám phá và tìm tòi là một trong những động lực giúp bạn tiếp cận với thế giới và vươn ra biển lớn.

(Trích Tìm kiếm niềm đam mê, theo Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, Nhà xuất bản Thế giới, 2017, tr17-18)

Câu 1 (0.5 điểm): Ở mỗi đoạn văn trên đây, tác giả đã sử dụng cách trình bày nào trong các cách sau: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành?

Câu 2 (0.5 điểm): Theo tác giả, chúng ta sẽ có được lợi ích gì khi "nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học"?

Câu 3 (1.0 điểm): Tại sao tác giả cho rằng "Biết đâu, trong một lần tò mò hay thắc mắc như vậy, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê cho bản thân"?

Câu 4 (1.0 điểm): Theo anh/chị, cần làm thế nào để niềm đam mê khám phá những điều kì diệu "trở thành một phần trong cá tính"?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội 200 chữ về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Câu 2 (5đ): Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân.

Đề thi giữa học kì 2 môn Văn 12 - Đề 6

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

(1) Có thể lâu nay chúng ta vẫn nghĩ về từ "hạnh phúc" như một từ sáo rỗng, bởi không thể xác định được một cách cụ thể nó bao hàm điều gì. Là thành đạt, giàu có? Là được tôn vinh? Là được hưởng thụ bất kỳ điều gì ta muốn? Là chia sẻ và được chia sẻ? Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?

(2) Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề "riêng tư" và "cá nhân". Nhưng không phải vậy. Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Còn nếu bạn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.

(3) Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương. Mỗi người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trong một mối liên kết chặt chẽ. Một nguyên tử bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy.

(Trích Đơn giản chỉ là hạnh phúc, Sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn..., Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, năm 2016, trang 40-41)

Câu 1 (0,5đ): Vấn đề chính được trình bày trong đoạn trích trên là gì?

Câu 2 (1,0đ): Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (1)?

Câu 3 (0,5đ): Xác định các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn thứ (3).

Câu 4 (1,0đ): Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội về Lý tưởng sống của thanh niên ngày nay.

Câu 2 (5đ): Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.

Đề thi giữa học kì 2 môn Văn 12 - Đề 7

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

… Khi nhìn cuộc đời với ánh mắt tiêu cực, người ta sẽ luôn thấy hoài nghi, lo âu, sợ hãi. Lúc đó, người ta sẽ không làm việc tốt hơn, ít yêu thương hơn, ít cống hiến hơn; sẽ đánh mất tiềm năng và sự tốt đẹp trong bản thân họ. Sự quá tải thông tin tiêu cực sẽ làm mất niềm tin, không mang lại cho xã hội sự an toàn hơn và không giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

...Khi gửi niềm tin yêu vào con người, nếu ta là một người sống hết mình vì mọi người, luôn tin tưởng, sẵn sàng bao dung và tha thứ thì ta sẽ có niềm tin và sẽ sống có ý nghĩa hơn.

Chúng ta không nên chỉ nhìn vào những mặt trái của cuộc sống rồi vội đánh mất niềm tin vào bản thân, vào thế giới xung quanh. Trách nhiệm tìm lại niềm tin vào cuộc sống phải là tự thân mỗi người. Hãy tự vấn ta đã và sẽ làm gì cho cuộc đời này, cho xã hội này ngày càng đáng sống hơn. Đừng nghĩ là xã hội vô cảm và dần thiếu vắng người tốt. Lòng tốt vẫn quanh đây. Chúng ta không sợ người xấu mà chỉ sợ người tốt không làm gì.

(Đừng đánh mất niềm tin của Diệp Văn Sơn, báo Người lao động số ra ngày 30/8/2015)

Câu 1 (0,5 điểm): Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2 (0,5 điểm): Theo tác giả, những nguyên nhân nào khiến con người mất niềm tin?

Câu 3 (1,0 điểm): Vì sao tác giả cho rằng: "Trách nhiệm tìm lại niềm tin vào cuộc sống phải là tự thân mỗi người"?

Câu 4 (1,0 điểm): Văn bản trên đã mang đến cho anh/chị thông điệp gì? Ý nghĩa của thông điệp ấy đối với cuộc sống cá nhân?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người.

Câu 2 (5đ): Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.

Đề thi giữa học kì 2 môn Văn 12 - Đề 8

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

(1) Một khi đã phân biệt chuyện nào đúng, chuyện nào sai, người nào đúng, người nào sai, khi đó bạn đã tự mặc định việc lựa chọn phe cho mình. Khi phân định rạch ròi đúng – sai, chúng ta có xu hướng tốn công thuyết phục những người xung quanh để họ có cùng niềm tin như mình, thậm chí còn ghét bỏ, không thể đứng cùng một chỗ với người có tư tưởng đối lập. Bạn đã bao giờ tự hỏi, điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu, ghét bỏ đối phương vào lúc đó chưa? Vì họ có quan điểm trái ngược? Hay vì họ không chịu lắng nghe bạn, không tin bạn, không tuân theo bạn, không thừa nhận rằng bạn đúng? (...)

(2) Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận? Đến cuối cùng, chiến thắng đó liệu sẽ đem lại cho bạn điều gì? Bạn có thực sự chiến thắng không hay đó đơn thuần là chiến thắng của "cái Tôi" bên trong bạn?

(3) Một "cái Tôi" luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy. Một "cái Tôi" khắc khoải mong được thừa nhận. Một "cái Tôi" thích chiến đấu hơn là nhún nhường. Một "cái Tôi" nói lý lẽ rất giỏi, nhưng lại chỉ thích bịt tai, vì không chịu lắng nghe nên chưa thể hiểu, chưa thể thương một người có lựa chọn khác biệt. Một "cái Tôi" vẫn còn cầm tù mình trong những vai trò, ranh giới, ẩn giấu bên trong là những lo toan, sợ hãi nên khi đứng trước sự đối lập, mới vội vàng nóng giận, vội vàng tức tối, cảm thấy bị đe doạ và lo lắng về tương lai. Khi "cái Tôi" tù túng thì sẽ rất khó để nó thực sự tôn trọng sự tự do của kẻ khác.

(Trích Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình – Dương Thùy, Nxb. Hà Nội, 2016, tr.118 – 119)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định những phép liên kết được sử dụng trong đoạn (1) và (3) của văn bản.

Câu 2 (0,5 điểm): Theo tác giả, một "cái Tôi" tù túng thường có những biểu hiện như thế nào?

Câu 3 (1,0 điểm): Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản.

Câu 4 (1,0 điểm): Theo anh/chị, việc đề cao "cái Tôi" cá nhân sẽ tác động như thế nào đến lối sống của thế hệ trẻ hiện nay?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội 200 chữ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.

Câu 2 (5đ): Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm "Những đứa con trong gia đình".

---------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Bộ Đề thi giữa học kì 2 lớp 12 môn Văn năm 2022. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Lý thuyết môn Địa lí lớp 12, Trắc nghiệm Tiếng Anh 12 mới, Chuyên đề Hóa học 12, Giải bài tập Sinh học 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập tốt.

Đánh giá bài viết
1 6.031
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 12

    Xem thêm