Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Văn - Đề 5
Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Văn - Đề 5 do VnDoc ra đề, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi đại học luyện thêm đề thi thử môn Ngữ văn có đáp án.
Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Văn - Đề 5
Đề thi thử THPT Quốc Gia năm 2022 môn Ngữ Văn do Đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:
- Phần Đọc hiểu văn bản gồm 4 câu hỏi được chọn lọc bám sát chương trình học, theo đúng 4 cấp độ Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng thấp - Vận dụng cao.
- Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội 200 chữ và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn đại học năm nay.
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 12.
Bản quyền đề thi thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.
Đề thi thử THPT môn Ngữ Văn
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa
Gần gũi nhất vẫn là cây lúa
Trưa nắng khát ước về vườn quả
Lúc xa nhà nhớ một dáng mây
Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây
Một làn khói, một mùi hương trong gió...
Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ
Mọc vô tình trên lối ta đi
Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi
Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.
(trích Cỏ dại - Vĩnh Linh)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0,75đ): Tác giả đã kể ra những sự vật gần gũi, thân quen nào?
Câu 3 (0,75đ): Trong những sự vật ở quê nhà gần gũi mà tác giả kể trên, theo anh/chị tác giả gửi gắm tình cảm vào sự vật nào nhiều nhất? Vì sao?
Câu 4 (1đ): Qua đoạn thơ trên, anh/chị hãy nêu cảm nghĩ về quê hương của mình.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội 200 chữ về ý kiến: Mỗi người cần có chính kiến của bản thân trước sự tác động của thế giới bên ngoài.
Câu 2 (5đ): Phân tích hình ảnh sông Hương ở vùng thượng nguồn và đoạn chảy trong lòng thành phố.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2022
Đáp án Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ):
Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2 (0,75đ):
Những sự vật được tác giả nhắc đến: cây lúa, vườn quả, dáng mây, dòng sông, ngọn núi, rừng cây, làn khói, mùi hương trong gió, ngọn cỏ.
Câu 3 (0,75đ):
Tác giả gửi gắm tình cảm nhiều nhất vào ngọn cỏ dại vì nó từ lâu đã âm thầm trở thành biểu tượng của quê nhà nhờ sức sống dẻo dai, mãnh liệt.
Câu 4 (1đ):
Nêu cảm nghĩ về quê hương:
Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là chốn dang tay đón chúng ta trở về yên bình sau bao bão táp phong ba ngoài cuộc sống…
Mỗi chúng ta cần yêu quý, trân trọng quê hương của mình đồng thời cố gắng xây dựng quê hương giàu đẹp.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý nghị luận về ý kiến: Mỗi người cần có chính kiến của bản thân trước sự tác động của thế giới bên ngoài
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Mỗi người cần có chính kiến của bản thân trước sự tác động của thế giới bên ngoài.
2. Thân bài
a. Giải thích
Câu nói mang ý nghĩa: mỗi người sinh ra có những đặc điểm riêng, sứ mệnh riêng, chúng ta không nên nhòm ngó cuộc sống của người khác hoặc cố gắng trở thành ai đó cả.
b. Phân tích
Mỗi con người sinh ra đều có khuôn mặt khác nhau, hoàn cảnh riêng, điều kiện sống khác nhau từ đó hình thành những tính cách, suy nghĩ khác nhau. Chính vì những sự khác nhau này tạo nên đặc điểm nhận dạng riêng biệt của người đó.
Nếu xã hội này ai cũng phấn đấu đến một hình tượng chung, một tính cách chung mà không là chính mình sẽ khiến cho xã hội trở nên một màu, khó có thể phát triển bản thân và xã hội.
Xã hội phát triển là do sự khác biệt của con người tạo nên, mỗi người một cá tính góp phần làm cho cuộc sống muôn màu muôn vẻ hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống là chính mình, tự tin về bản thân mình và đạt được nhiều thành công để minh họa cho bài làm của mình.
d. Phản đề
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, hay soi xét cuộc sống của người khác và cố gắng trở thành bản sao của người nào đó. Lại có những người vì tham vọng của bản thân mà đánh mất chính mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: Mỗi người cần có chính kiến của bản thân trước sự tác động của thế giới bên ngoài; đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.
Câu 2 (5đ):
Dàn ý Hình ảnh sông Hương ở vùng thượng nguồn và đoạn chảy trong lòng thành phố
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường; bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? Và dẫn dắt vào hình ảnh sông Hương ở vùng thượng nguồn và đoạn chảy trong lòng thành phố.
2. Thân bài
a. Vẻ đẹp sông Hương lúc ở thượng nguồn
- Sông Hương lúc ở thượng nguồn được miêu tả chi tiết qua những hình ảnh so sánh, nhân hóa:
Sông Hương như một bản trường ca của rừng già; khi rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, lúc mãnh liệt qua những ghềnh thác; khi cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực sâu, lúc dịu dàng và say đắm giữa dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng.
Sông Hương như một cô gái Di – gan phóng khoáng, man dại với một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng.
Sông Hương được nhân hóa mang sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ của con người, trở thành người mẹ phù sa của một nền văn hóa xứ sở.
→ Sông Hương hùng vĩ, hoang dại, toát lên vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, đầy cá tính.
- Có những nỗi niềm mà sông Hương muốn giữ lại cho riêng mình: “phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.” → Trong cuộc hành trình tìm kiếm người tình mong đợi, sông Hương dường như muốn giấu đi vẻ hoang dại nơi rừng già của mình để thay đổi diện mạo, hoàn thiện bản thân hơn trước khi đến gặp người yêu nên đã khóa lòng mình ở cửa rừng và ném chìa khóa đó đi để không ai có thể biết.
b. Sông Hương trong lòng thành phố Huế
- Khi về gặp thành phố Huế sông Hương vui tươi hẳn lên, tiếp tục uốn mình mềm mại:
Sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của ngoại ô Kim Long.
Uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến, Cồn Giã Viên.
Đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ta của tình yêu.
→ Người con gái này trước mặt người tình nghìn năm không hề vồn vã mà rất nhẹ nhàng, e thẹn, làm duyên làm dáng.
- Sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. → Cảm giác yên bình, chậm rãi trong lòng thành phố yêu thương của nó.
Tác giả so sánh sông Hương với sông Xen của Pa-ri, sông Đa nuýp của Bu-đa-pét… Sông Hương nằm ngay trong lòng thành phố thân yêu của mình.
- Sông Hương cảm nhận ở góc độ thiên nhiên, văn hóa, âm nhạc, hội họa, trữ tình: Một đô thị cổ, trải dọc hai bên bờ.
Những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp đô thị, với những cây đa, cây dừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít,...
Vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một tâm hồn mô tê...
Điệu “slow tình cảm” dành cho Huế, trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy.
Sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya.
Giống như nàng Kiều trong đêm tự tình....
→ Sông Hương khi chảy qua thành phố đẹp trữ tình, thơ mộng, cổ kính, gần gũi, giản dị, sinh động, có tâm hồn và gắn bó với bản sắc văn hóa Huế.
c. Nhận xét về văn phong của Hoàng phủ Ngọc Tường
Nét đặc sắc trong sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức sâu rộng về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí,... tất cả được diễn đạt trong lối hành văn súc tích, mê đắm và tài hoa.
Giá trị nghệ thuật: Văn phong hướng nội, súc tích, tinh tế và tài hoa. Sức liên tưởng phong phú, vốn hiểu biết phong phú trên nhiều lĩnh vực. Ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh, giàu chất thơ, sử dụng các biện pháp tu từ (so sánh, nhân hóa…). Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, chủ quan và khách quan.
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị của vẻ đẹp sông Hương ở thượng nguồn, trong lòng thành phố Huế và tài năng của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.
---------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Văn - Đề 5. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Trắc nghiệm Toán 12, Giải bài tập Tiếng Anh lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.