Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Lịch sử lớp 7 bài: Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu (Thời sơ - trung kì trung đại)

Lý thuyết Lịch sử lớp 7 bài 1 giúp các em học sinh dễ hiểu hơn Lịch sử 7 bài 1: Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu (Thời sơ - trung kì trung đại). Đồng thời cũng giúp các em rèn luyện kỹ năng để học tốt môn Lịch sử 7. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

A. Lý thuyết Lịch sử bài 1

1. Sự hình thành xã hội phong kiến ở châu Âu

Các quốc gia cổ đại phương Tây tồn tại đến cuối thế kỉ V thì bị các bộ tộc người Giéc-man từ phương Bắc tràn xuống xâm chiếm tiêu diệt. Khi vào lãnh thổ của đế quốc Rô-ma, người Giéc-man đã thành lập nên nhiều vương quốc mới của họ như vương quốc của người Ăng-glô Xắc-xông, Vương quốc Phơ-răng, Vương quốc Tây Gốt, Vương quốc Đông Gốt v.v... mà sau này phát triển thành các vương quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý (I-ta-li-a) v.v...

Người Giéc-man còn chiếm ruộng đất của chủ nô Rô-ma cũ rồi chia cho nhau, trong đó các tướng lĩnh quân sự và quý tộc được phần nhiều hơn, đồng thời cũng được phong các tước vị cao, thấp khác nhau như công tước, hầu tước, bá tước, nam tước...

Thế là những người này vừa có ruộng đất, vừa có tước vị. Họ trở nên có quyền thế và rất giàu có. Đó là các lãnh chúa phong kiến, còn nô lệ và nông dân thì biến thành nông nô, phụ thuộc vào các lãnh chúa. Xã hội phong kiến ở châu Âu đã được hình thành.

2. Lãnh địa phong kiến

Những vùng đất đai rộng lớn mà các quý tộc chiếm đoạt được đã nhanh chóng bị họ biến thành khu đất riêng của mình gọi là lãnh địa phong kiến. Mỗi lãnh chúa phong kiến đều có một lãnh địa riêng.

Mức tô thường rất nặng, có khi tới 1/2 sản phẩm thu được. Ngoài ra, nông nô còn phải nộp nhiều thứ thuế khác như thuế thân, thuế cưới xin, thuế thừa kế tài sản v.v... Các lãnh chúa thì không bao giờ phải lao động, suốt ngày chỉ luyện tập cung, kiếm, cưỡi ngựa hoặc tổ chức những buổi tiệc tùng, hội hè trong những lâu đài nguy nga, tráng lệ, rực rỡ ánh đèn, nến. Không những thế, họ còn đối xử rất tàn nhẫn với nông nô. Vì thế, nông nô đã nhiều lần nổi dậy chống lại các lãnh chúa phong kiến.

3. Sự xuất hiện của các thành thị trung đại

Lãnh địa là đơn vị chính trị và kinh tế cơ bản trong thời kì phong kiến phân quyền ở châu Âu.

Nhưng từ cuối thế kỉ XI, do hàng thủ công sản xuất ra ngày càng nhiều, một số thợ thủ công đã đưa hàng hoá của mình đến những nơi có đông người qua lại để bán và lập xưởng sản xuất. Từ đó họ lập ra các thị trấn, sau ưở thành các thành phố lớn, gọi là các thành thị trung đại.

Như thế, trong thành thị, cư dân chủ yếu là những thợ thủ công và thương nhân. Họ lập ra các phường hội, thương hội để cùng nhau sản xuất và buôn bán. Hằng năm, họ còn tổ chức những hội chợ lớn để triển lãm, trao đổi và buôn bán sản phẩm. Do vậy, sự ra đời của thành thị trung đại có một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu.

B. Trắc nghiệm Lịch sử bài 1

Câu 1: Cuối thế kỉ V, xã hội Tây Âu có biến động to lớn gì?

A. Dân số gia tăng.

B. Sự xâm nhập của người Giéc-man.

C. Công cụ sản xuất được cải tiến.

D. Kinh tế hàng hóa phát triển.

Chọn đáp án: B

Giải thích: (SGK – tr.3)

Câu 2: Việc làm nào của người Giec-man đã tác động trực tiếp đến sự hình thành xã hội phong kiến châu Âu?

A. Tiêu diệt đế quốc Rô-ma.

B. Thành lập hàng loạt vương quốc mới.

C. Chia ruộng đất và phong tước vị cho tướng lĩnh và quý tộc người Giec-man.

D. Thành lập các thành thị trung đại.

Chọn đáp án: C

Giải thích:

+ Việc phân chia ruộng đất và ban tước vị cho các tướng lĩnh và quý tộc người Giec-man làm cho những người này trở nên giàu có và có quyền thế trở thành các lãnh chúa.

+ Đồng thời, quá trình phân phong ruộng đất làm cho nông dân công xã và nô lệ bị mất hết ruộng đất phải làm thuê trong các lãnh địa phong kiến trở thành tầng lớp nông nô.

Hình thành 2 giai cấp chính trong xã hội là lãnh chúa và nông nô → Xã hội phong kiến Tây Âu hình thành.

Câu 3: Hai giai cấp cơ bản trong xã hội phong kiến châu Âu là

A. địa chủ và nông dân

B. chủ nô và nô lệ

C. lãnh chúa và nông nô

D. tư sản và nông dân

Chọn đáp án: C

Giải thích:

+ Các tướng lĩnh và quý tộc người Giec-man được phong chức tước và ruộng đất trở nên giàu có và có quyền thế trở thành các lãnh chúa.

+ Nông dân công xã và nô lệ bị mất hết ruộng đất phải làm thuê trong các lãnh địa phong kiến trở thành tầng lớp nông nô.

Hình thành 2 giai cấp chính trong xã hội là lãnh chúa và nông nô

Câu 4: Ý nào sau đây không đúng khi nói về lãnh địa phong kiến?

A. Lãnh địa là trung tâm giao lưu buôn bán thời phong kiến.

B. Lãnh địa là vùng đất thuộc quyền sở hữu của các lãnh chúa phong kiến.

C. Lãnh địa là đơn vị chính trị và kinh tế cơ bản trong thời kì phong kiến phân quyền ở châu Âu.

D. Nông nô là lao động chủ yếu trong các lãnh địa.

Chọn đáp án: A.

Giải thích:

+ Lãnh địa là vùng đất do vua ban cấp cho quý tộc tăng lữ dưới sự cai quản của các lãnh chúa phong kiến.

+ Lãnh địa là đơn vị chính trị và kinh tế cơ bản trong thời kì phong kiến phân quyền ở châu Âu.

+ Hoạt động kinh tê chủ yếu trong các lãnh địa là nông nghiệp mà nông nô là những người trực tiếp tham gia lao động sản xuất.

+ Nền kinh tế trong các lãnh địa là nền kinh tế tự cung, tự cấp chưa có sự giao lưu buôn bán.

Câu 5: Lãnh chúa phong kiến được hình thành từ những tầng lớp nào?

A. Chủ nô Rô-ma

B. Quý tộc Rô-ma

C. Tướng lĩnh và quý tộc người Giec-man

D. Nông dân tự do

Chọn đáp án: C

Giải thích: Những tướng lĩnh quân sự và quý tộc người Giéc-man được phân chia ruộng đất nhiều hơn và được phong tước vị. Họ trở thành những người giàu có và có địa vị → Lãnh chúa.

Câu 6: Nông nô được hình thành từ những tầng lớp nào?

A. Binh lính thất bại trong chiến tranh

B. Nông dân

C. Nô lệ

D. Nông dân và nô lệ

Chọn đáp án: D

Giải thích: nông dân tự do trong các công xã bị cướp đoạt ruộng đất phải làm thuê trong các lãnh địa phong kiến. Nông dân và nô lệ phải phụ thuộc vào lãnh chúa phong kiến trở thành tầng lớp nông nô.

Câu 7: Đặc điểm của nền kinh tế trong các lãnh địa phong kiến?

A. Là nền kinh tế hàng hóa.

B. Trao đổi bằng hiện vật.

C. Là nền kinh tế tự cung tự cấp.

D. Có sự trao đổi buôn bán.

Chọn đáp án: C

Giải thích: Trong các lãnh địa nông nô tự sản xuất ra mọi vật dụng và tiêu dùng những thứ do mình làm ra. Trong các lãnh địa chưa có sự trao đổi buôn bán với bên ngoài.

Câu 8: Lực lượng sản xuất chủ yếu trong các lãnh địa phong kiến là

A. Nông dân tự do

B. Nô lệ

C. Nông nô

D. Lãnh chúa

Chọn đáp án: C

Giải thích: Hoạt động kinh tê chủ yếu trong các lãnh địa là nông nghiệp mà nông nô là những người trực tiếp tham gia lao động sản xuất.

Câu 9: Ý nào sau đây không phản ánh đúng đặc điểm của nông nô?

A. Nông nô là lực lượng sản xuất chính trong lãnh địa.

B. Nông nô phải nộp cho lãnh chúa 1/2 sản phẩm thu được và nhiều thứ thuế khác.

C. Nông nô phải chịu sự đối xử tàn nhẫn của lãnh chúa.

D. Cũng giống như nô lệ, nông dân không có quyền xây dựng gia đình riêng.

Chọn đáp án: D

Giải thích: nông nô vẫn có quyền kết hôn và có gia đình riêng nhưng phải nộp thuế cưới xin cho lãnh chúa.

Câu 10: Nguyên nhân hình thành các thành thị trung đại ở châu âu?

A. Sản xuất bị đình trệ.

B. Các lãnh chúa cho xây dựng các thành thị trung đại.

C. Sự ngăn cản giao lưu buôn bán của các lãnh địa.

D. Nghề thủ công phát triển nảy sinh nhu cầu trao đổi buôn bán.

Chọn đáp án: D

Giải thích:

+ Do kĩ thuật sản xuất tiến bộ làm cho năng suất lao đông tăng cao hàng hóa trở nên dư thừa. Thợ thủ công chuyển sang sản xuất để đem bán ra thị trường.

+ Những nơi họ tập trung buôn bán sản xuất trở thành các thành phố lớn gọi là thành thị trung đại.

Câu 11: Hai tầng lớp cơ bản trong xã hội phong kiến châu Âu bao gồm

A. Địa chủ và nông dân.

B. Tư sản và vô sản.

C. Chủ nô và nô lệ.

D. Lãnh chúa phong kiến và nông nô.

Chọn đáp án: D

Câu 12: Đơn vị kinh tế chính trị cơ bản trong thời kì chế độ phong kiến phân quyền ở châu Âu là

A. Lãnh địa phong kiến

B. Trang viên phong kiến

C. Điền trang thái ấp

D. Thành thị trung đại

Chọn đáp án: A

Câu 13: Lãnh chúa phong kiến xuất thân từ bộ phận nào trong xã hội cổ đại?

A. Những người Giec-man giàu có.

B. Các chủ nô Rô-ma.

C. Các tướng lĩnh quân sự và quý tộc người Giéc-man.

D. Những người nông dân nhiều ruộng đất.

Chọn đáp án: C

Câu 14: Tầng lớp nông nô trong xã hội phong kiến châu Âu xuất thân chủ yếu từ

A. Nô lệ và nông dân.

B. Nông dân bị mất ruộng đất.

C. Tù binh chiến tranh.

D. Phụ nữ và trẻ em.

Chọn đáp án: A

Câu 15: Cư dân sống chủ yếu trong các thành thị trung đại là những bộ phận nào?

A. Nông nô và lãnh chúa.

B. Bình dân thành thị.

C. Thợ thủ công và thương nhân.

D. Nông dân và thợ thủ công.

Chọn đáp án: C

Câu 16: Những thợ thủ công và thương nhân châu Âu lập ra phường hội và thương

A. Cạnh tranh công bằng.

B. Giúp đỡ nhau cùng sản xuất và buôn bán.

C. Tạo thêm công việc cho nông nô.

D. Thành lập các hội buôn lớn hơn.

Chọn đáp án: B

Câu 17: Đặc điểm nổi bật của nền kinh tế trong các lãnh địa phong kiến là

A. Thường xuyên trao đổi, buôn bán với bên ngoài lãnh địa.

B. Nông nô được tự do sản xuất và buôn bán.

C. Phát triển các ngành thủ công nghiệp và thương nghiệp.

D. Là nền kinh tế đóng kín, tự cung tự cấp.

Chọn đáp án: D

Câu 18: Nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến sự ra đời của thành thị trung đại?

A. Hoạt động trao đổi buôn bán giữa các lãnh địa phát triển

B. Sự phát triển của hoạt động sản xuất

C. Chính sách khuyến khích phát triển của lãnh chúa phong kiến

D. Quan hệ trao đổi buôn bán giữa phương Đông với phương Tây được đẩy mạnh

Chọn đáp án: B

Câu 19: Ý nào sau đây không phản ánh đúng cuộc sống của các lãnh chúa trong các lãnh địa phong kiến?

A. Không cần phải lao động

B. Suốt ngày cưỡi ngựa hoặc tổ chức tiệc tùng

C. Đối xử tàn nhẫn với nông nô

D. Sống bình đẳng với nông nô

Chọn đáp án: D

Câu 20: Người Giéc-man không thực hiện hành động nào sau đây khi tràn vào lãnh thổ Rôma?

A. thủ tiêu bộ máy nhà nước cũ.

B. thành lập vương quốc Phơ – răng, Ăng – glô Xắc-xông.

C. chiếm ruộng đất của người Rô-ma cũ chia cho nhau.

D. thành lập nên các thành thị trung đại.

Chọn đáp án: D

Với nội dung bài Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu (Thời sơ - trung kì trung đại) các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về sự hình thành xã hội phong kiến châu Âu, các lãnh địa phong kiến...

Ngoài Lịch sử 7 bài 1: Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu (Thời sơ - trung kì trung đại). đã được VnDoc.com giới thiệu, mời các bạn cùng tham khảo thêm Giải bài tập SGK môn Lịch sử lớp 7, Giải bài tập SBT môn Lịch sử 7 để hoàn thành tốt chương trình học THCS.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
32
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lý thuyết Lịch sử 7

    Xem thêm