Không tăng lương cơ sở ảnh hưởng thu nhập của công chức, viên chức ra sao?

Để chia sẻ khó khăn với người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày 19/5/2020, tại Báo cáo số 237/BC-CP, Chính phủ đã đề nghị chưa tăng lương cơ sở từ 01/7/2020. Khi đó, các khoản thu nhập của công chức sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

1. Lương và các khoản phụ cấp của công chức không đổi?

Hiện nay, lương và các khoản phụ cấp của công chức đang được tính theo công thức:

Lương, phụ cấp = Hệ số x Mức lương cơ sở

Trong đó, hệ số lương cũng như phụ cấp của từng loại công chức được quy định cụ thể tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Mức lương cơ sở hiện nay đang là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Từ 01/7/2020, tại Nghị quyết 86/2019/QH14, Quốc hội đã “chốt” tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020 này do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid - 19 đến tình hình kinh tế, xã hội nên Bộ Chính trị cũng đưa ra giải pháp trước mắt chưa điều chỉnh lương cơ sở từ 01/7/2020 tại Kết luận số 77-KL/TW.

Đồng thời, chiều ngày 19/6/2020, Quốc hội đã chính thức đồng ý chưa điều chỉnh tăng lương cơ sở cho công chức từ 01/7/2020 tại Nghị quyết số 122 về kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Như vậy, có thể thấy, mức lương cơ sở không tăng đồng nghĩa lương và phụ cấp của công chức từ 01/7/2020 cũng sẽ không thay đổi.

2. Lương, phụ cấp công chức, viên chức thế nào?

Theo phân tích ở trên, bởi việc tăng lương cơ sở sẽ không được thực hiện từ 01/7/2020 như dự kiến nên mức lương cơ sở của công chức, viên chức trong năm 2020 sẽ vẫn giữ nguyên là 1,49 triệu đồng/tháng.

Kéo theo đó, lương và phụ cấp của công chức, viên chức cũng sẽ không có gì thay đổi mà vẫn giữ nguyên như hiện nay. Cụ thể:

1/ Mức lương của công chức, viên chức giữ nguyên

- Lương công chức dao động từ 2,0115 - 14,9 triệu đồng/tháng (nếu tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng thì sẽ dao động từ 2,16 - 16,0 triệu đồng/tháng);

- Lương viên chức dao động từ 2,235 - 11,92 triệu đồng/tháng (nếu tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng thì sẽ dao động từ 2,4 - 12,8 triệu đồng/tháng).

2/ Giữ nguyên các loại phụ cấp tính theo mức lương cơ sở

Hiện nay, một số loại phụ cấp của công chức, viên chức như phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp trách nhiệm công việc… được tính theo mức lương cơ sở bằng công thức:

Phụ cấp = Hệ số x Mức lương cơ sở

Trong đó, hệ số phụ cấp được quy định cụ thể tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Nếu mức lương cơ sở giữ nguyên thì mức hưởng phụ cấp của công chức, viên chức cũng được giữ nguyên như thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, với riêng các đối tượng giáo viên, thời điểm 01/7/2020 còn là ngày Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực.

Theo đó, so với quy định hiện nay, Điều 76 Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ:

Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ

Như vậy, có thể thấy, nếu không có hướng dẫn gì mới, căn cứ vào quy định nêu trên, từ 01/7/2020 giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nữa.

Nói tóm lại, việc không tăng lương cơ sở từ 01/7/2020 sẽ không làm ảnh hưởng đến lương và phụ cấp của công chức, viên chức so với bây giờ.

3. Các khoản thu nhập khác của công chức bị ảnh hưởng thế nào?

Không chỉ lương, phụ cấp, mức lương cơ sở còn là căn cứ để tính nhiều khoản thu nhập khác của công chức như lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp khi sinh con, mức khen thưởng với Đảng viên…

Khi lương cơ sở không tăng, vẫn giữ nguyên mức 1,49 triệu đồng/tháng thì các “khoản thu nhập khác” của công chức cũng được giữ nguyên như mức hiện nay. Có thể kể đến một số khoản như sau:

1/ Các khoản trợ cấp về bảo hiểm xã hội

* Lương hưu

Theo quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của công chức bằng mức lương cơ sở, vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng.

* Trợ cấp một lần khi sinh con

Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trợ cấp 01 lần khi sinh con của công chức nữ bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng người đó sinh con và vẫn là 2,98 triệu đồng.

* Trợ cấp dưỡng sức sau sinh

Theo Điều 41 Luật BHXH, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở, là 447.000 đồng/ngày.

2/ Mức khen thưởng của Đảng viên

Theo quy định tại Hướng dẫn số 56-HD/VPTW, tổ chức Đảng, Đảng viên được thưởng kèm theo các danh hiệu khen thưởng, huy hiệu Đảng và Kỷ niệm chương trong toàn Đảng. Mức thưởng cụ thể dựa vào mức lương cơ sở.

Do đó, trong năm 2020, khi lương cơ sở không tăng thì mức thưởng của Đảng viên sẽ không thay đổi, có thể kể đến một số mức thưởng cụ thể như sau:

- Được Đảng bộ cơ sở, chi bộ khen thưởng đột xuất: 447.000 đồng;

- Được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng: 2,235 triệu đồng/tháng;

- Được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng: 2,98 triệu đồng/tháng…

3/ Mức tiền thưởng danh hiệu thi đua, Bằng khen, Giấy khen

Theo quy định tại Điều 68 Nghị định 91, tiền thưởng các danh hiệu thi đua, Bằng khen, Giấy khen, Huân chương, Huy chương… của cá nhân, tập thể được tính dựa theo mức lương cơ sở:

Mức thưởng = Hệ số x mức lương cơ sở

Trong đó:

- Hệ số khen thưởng được căn cứ vào Mục 2 Nghị định 91/2017/NĐ-CP;

- Mức lương cơ sở hiện nay không thay đổi, vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, mức tiền thưởng các danh hiệu thi đua, bằng khen, giấy khen… cũng được giữ nguyên. Có thể kể đến:

- Chiến sĩ thi đua toàn quốc: 6,705 triệu đồng;

- Huân chương Độc lập hạng nhất: 22,35 triệu đồng;

- Nhà giáo ưu tú: 13,41 triệu đồng…

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lao động tiền lương của VnDoc.

Đánh giá bài viết
1 740
Sắp xếp theo