Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh VNEN

VnDoc giới thiệu tài liệu Soạn văn 7 VNEN bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh. Đây là tài liệu được biên soạn theo chương trình VNEN Ngữ văn 7 với các hướng dẫn giải chi tiết cho các bài tập trong sách VNEN Ngữ văn 7, sẽ giúp học sinh hiểu và tiếp thu bài nhanh chóng và dễ dàng hơn.

A. Hoạt động khởi động

Đọc câu thơ sau và cho biết câu thơ nói đến nội dung cảm xúc gì:

Nguyệt thị cố hương mình

(Trăng là ánh sáng của quê nhà)

Bài làm:

Nội dung cảm xúc: nhớ đến ánh trăng quê hương từ đó nhớ về gia đình, quê hương của mình

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản sau: Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

2. Tìm hiểu văn bản:

a. Bài thơ (bản phiên âm) được viết theo thể thơ nào? Cảm xúc bao trùm của bài thơ là gì?

b. Em hãy đọc hai câu thơ đầu và cho biết:

(1) Cảnh đêm được gợi tả bằng hình ảnh nào?

(2) Hình ảnh đó đã được cảm nhận như thế nào?

c. Hãy đọc hai câu thơ cuối, dựa vào chú thích giới thiệu về Lí Bạch và cho biết:

  • Vì sao nhìn trăng nhà thơ lại nhớ đến quê hương?
  • So sánh về mặt từ loại của các chữ tương ứng ở hai câu thơ cuối để bước đầu hiểu thế nào là phép đối. Nêu tác dụng của phép đối đó trong việc biểu hiện tình cảm quê hương của tác giả.

d. Có người cho rằng trong bài Tình dạ tứ, hai câu đầu thuần túy tả cảnh, hai câu cuối thuần thúy tả tình. Em có tán thành ý kiến đó không? Vì sao? Từ đó rút ra kết luận về mối quan hệ giữa cảnh và tình trong bài thơ này?

Bài làm:

a. Thể thơ: Ngũ ngôn tứ tuyệt theo hình thức cổ thể, câu có 5 hoặc 7 chữ, không bị những quy tắc chặt chẽ về niêm luật, đối ràng buộc.

Cảm xúc bao trùm: Nỗi suy tư, cảm xúc của nhà thơ trong đêm thanh tĩnh, thể hiện nhẹ nhàng, thấm thíc tình cảm quê hương của một người sống xa quê.

b. Hai câu đầu:

  • Cảnh đêm được miêu tả bằng hình ảnh của ánh trăng sáng tràn ngập khắp gian phòng, ngỡ là mặt đất phủ sương
  • Cảnh đêm trăng gợi lên nỗi nhớ quê hương da diết trong khoảng khắc đêm vắng khi tác giả sống xa quê.

c. Lí Bạch xa quê từ năm 25 tuổi, trước đó ở quê nhà ánh trăng là hình ảnh quen thuộc và gắng bó với ông, ông rất thích trèo lên đỉnh núi để ngắm trăng. Chính vì thế mà trong những ngày tháng xa quê hễ nhìn thấy vầng trăng sáng thì ông lại nhớ quê nhà.

Tác giả cũng đã sử dụng phép đối rất đắc địa ở hai câu cuối: Ngẩng đầu / Cúi đầu, nhìn trăng sáng / nhớ cố hương. Nguyên tác cho thấy đây là cặp đối rất chỉnh, về mặt từ loại: động từ / động từ (cử đầu / đê đầu, vọng / tư), tính từ / tính từ (minh / cố), danh từ / danh từ (nguyệt / hương). Như vậy, so sánh về mặt từ loại của các chữ tương ứng trong hai câu thơ cuối ta thấy hai câu giống nhau về mặt từ loại, cấu trúc ngữ pháp và số lượng từ.

=> Tác dụng của phép đối đã diễn tả nổi bật được những cử chỉ vừa thể hiện tâm trạng của nhà thơ trong nỗi nhớ quê hương tha thiết.

d.

  • Ý kiến cho hai câu đầu của bài thơ thuần tuý tả cảnh, hai câu sau của bài thơ thuần tuý tả tình là chưa chính xác, bởi: Vị trí miêu tả ánh trăng của nhà thơ ở “sàng tiền” (đầu giường), như vậy thể hiện sự thao thức, trằn trọc không ngủ được của nhà thơ có thể vì trăng đẹp quá, Lý Bạch vốn rất yêu trăng và cả vì nỗi nhớ nhà của kẻ xa quê.
  • Câu thơ thứ hai, chữ “nghi” (ngỡ) ánh trăng sáng đã rọi tới đầu giường khiến tác giả ngỡ là sương trên mặt đất. Và vẻ đẹp dường như mơ hồ đó đã làm cho tác giả thao thức trong đêm.

=> Như vậy, trong bài thơ này, hai câu đầu thiên về tả cảnh (trong cảnh có tình), ngược lại hai câu sau thiên về tả tình (trong tình có cảnh).

3. Tìm hiểu về từ đồng nghĩa

a. Đọc lại bản dịch thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch, dựa vào kiến thức đã học ở Tiểu học, hãy tìm những từ đồng nghĩa với mỗi từ: rọi, nhìn

Bài làm:
  • Từ đồng nghĩa với rọi là chiếu.
  • Từ đồng nghĩa với nhìn là trông

b. Từ nhìn trong bản dịch thơ Xa ngắm thác núi Lư có nghĩa là "đưa mắt về một hướng nào đó để thấy". Ngoài nghĩa đó, từ trông còn có những nghĩa sau:

  • Để mắt tới, quan tâm tới
  • Xem xét để thấy vào biết được

Tìm các tương đồng nghĩa với mỗi nghĩa trên của từ nhìn

Bài làm:
  • Để mắt tới, quan tâm tới: trông coi, chăm sóc, chăm nom
  • Xem xét để thấy vào biết được: Trông mong, trông chờ,mong ngóng, ...

c. So sánh nghĩa của từ "quả'' và từ ''trái'' trong hai ví dụ sau:

(1) Rủ nhau xuống bể mò cua,

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.

(Trần Tuấn Khải)

(2) Chim xanh ăn trái xoài xanh,

Ăn no tắm mát đậu cành cây đa.

(Ca dao)

Bài làm:

Hai từ quả, trái đồng nghĩa hoàn toàn với nhau, có thể thay thế được cho nhau trong văn cảnh mà không làm mất đi ý nghĩa của câu.

d. Nghĩa của hai từ bỏ mạng và hi sinh trong hai câu dưới đây có chỗ nào giống nhau, chỗ nào khác nhau:

(1) Công chúa Ha-ba-na đã hi sinh anh dũng, thanh kiếm vẫn cầm tay.

(Truyện cổ Cu-ba)

(2) Trước sức tấn công như vũ bão và tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn, hàng vạn quân Thanh đã bỏ mạng.

Bài làm:

Nghĩa của bỏ mạng và hi sinh: hai từ này có nghĩa giống nhau đều là nói về cái chết của con người.

Khác nhau ở chỗ:

  • Bỏ mạng thường là cái chết vô ích mang sắc thái khinh bỉ
  • Hi sinh là cái chết cao cả có ích được người đời kính trọng.

Hai từ này tuy cũng có những nét nghĩa tương đồng nhưng có những trường hợp không thể thay thế được cho nhau.

e. Từ đồng nghĩa có hai loại: từ đồng nghĩa hoàn toàn và từ dồng nghĩa không hoàn toàn. Qua hai ví dụ trên, em hãy cho biết thế nào là từ đồng nghĩa hoàn toàn và từ đồng nghĩa không hoàn toàn.

Bài làm:
  • Từ đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối): là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau,được dùng như nhau và có thể thay thế cho nhau trong lời nói.
  • Từ đồng nghĩa không hoàn toàn (đồng nghĩa tương đối,đồng nghĩa khác sắc thái):là các từ tuy cùng nghĩa nhưng vẫn khác nhau phần nào sắc thái biểu cảm(biểu thị cảm xúc,thái độ)hoặc cách thức hành động.Khi dùng những từ này,ta phải cân nhắc lựa chọn cho phù hợp.

4. Cách lập ý của bài văn biểu cảm

Đọc nội dung trong bảng sau và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới:

Hãy cho biết các đoạn trích sau, tác giả đã sử dụng cách biểu cảm nào. Mỗi cách biểu cảm có tác dụng gì?

a. Đoạn 1:

Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi măng cốt sắt.
Nhưng, nứa, tre, sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hoà bình.

Ngày mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng trên đường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi.
Cây tre Việt Nam! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm. Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.

(Thép Mới, Cây tre Việt Nam)

b. Đoạn 2:

Trong các món đồ chơi, tôi say mê nhất là con gà đất: một chú trống đẹp mã, oai vệ với chiếckèn lá tơi cài vào ức để tạo ra tiếng gáy. Đến bây giờ tôi vẫn còn cảm nhận được niềm vui kì diệu ấy tái sinh trong tâm hồn, khi nhớ lại buổi sáng sớm, tôi mang con gà ra đứng trước thềm, ấp nó giữa lòng bàn tay, dồn hơi đầy ngực, ngửa mặt lên trời và gập người dần dần lúc hạ giọng, giống y như dáng điệu con gà lúc gáy. Còn gì vui hơn với một đứa bé, khi nó được hoá thân thành con gà trống để dõng dạc cất lên điệu nhạc sớm mai: "ó... ò... o"! Bao giờ tôi cũng thử rất lâu để chọn được một con gà đất có giọng trầm; biết cách bụm hai bàn tay để điều khiển giọng gáy thật sinh động, giống như người nghệ sĩ thổi kèn đồng.

Bây giờ tôi hiểu ra, những đồ chơi trẻ con thời ấy rất hấp dẫn bởi chính tính mong manh của chúng. Chiếc trống lùng tung bị thủng trong chốc lát, con ve bị đứt dây, con gà đất rồi cũng vỡ trên tay đứa bé. Vâng, thử tưởng tượng một quả bong bóng không bao giờ vỡ, không thể bay mất, nó cứ còn mãi như một vật lì lợm...

Ôi, nếu thế thì còn đâu là quả bong bóng bay? Đồ chơi trẻ con, đó là nỗi vui mừng khi có được trong tay, và còn là nỗi tiếc nuối khi bỗng dưng bị mất nó. Những con gà đất lần lượt vỡ dọc theo tuổi thơ mãi để lại trong tôi một nỗi gì sâu thẳm, giống như một linh hồn.

(Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, Người ham chơi)

c. Đoạn 3:

Cô vừa đi vừa hỏi tôi:

- Bây giờ em đã giải được những bài toán khó, đã làm được những bài luận dài rồi đấy. Vậy em còn yêu mến cô giáo cũ của em nữa không?

Và khi xuống đến chân cầu thang, cô nói to với tôi:

- Đừng quên cô nhé!

Ôi! Cô giáo rất tốt của em, không, chẳng bao giờ, chẳng bao giờ em lại quên cô được! Sau này, khi em đã lớn, em vẫn sẽ nhớ đến cô, và em sẽ tìm gặp cô giữa một đám học trò nhỏ. Mỗi bận đi ngang qua một trường học và nghe tiếng một cô giáo giảng bài, em sẽ tưởng chừng như nghe tiếng nói của cô. Em sẽ nhớ lại hai năm ngồi trong lớp học của cô, ở đó, em đã học được bao nhiêu điều bổ ích; ở đó, em đã bao nhiêu lần nhìn thấy cô mệt nhọc và đau đớn, nhưng luôn luôn theo dõi lớp học, luôn luôn yêu thương mọi người. Cô đã thất vọng khi thấy một em bé cứ cầm sai cây bút khi viết mà không sao mà uốn nắn lại được; cô đã lo lắng cho chúng em đến biến sắc mặt khi các vị thanh tra vào lớp và hỏi bài chúng em; cô lấy làm sung sướng khi chúng em đạt được những kết quả xuất sắc. Lúc nào cô cũng có lòng tốt và dịu hiền như một người mẹ.

Không bao giờ, phải, không bao giờ em lại có thể quên cô được, cô giáo yêu quý của em!

(Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, Những tấm lòng cao cả)

d. Đoạn 4:

U tôi đã đi ngủ từ lâu. Nhưng tôi buông bút, nhìn ra bốn bên, chỗ nào cũng thấy bóng u. Cái bóng đen đủi, hoà lẫn với bóng tối, vẽ lên một khuôn mặt trăng trắng với đôi mắt nhỏ, lòng đen như nhuộm màu nâu đồng. Cái bóng mơ hồ yêu dấu ấy đứng bên cạnh lớp lớp những ngày tháng ngậm ngùi đói khổ, những năm này năm khác qua đi trong cơn thấp thỏm đợi chờ dài dặc mang ngấn nước mắt và tiếng thở dài. Người ta, nhiều lúc nhàn, quây quần bên cạnh người thân, nhưng không mấy khi lại tỉ mỉ vẩn vơ mà nhìn ngắm những người yêu mến của ta. Cho nên thỉnh thoảng tôi sực nhớ, tôi chợt nhìn u, tôi bỗng giật mình tôi ngờ ngợ như người ngồi trước mặt đây không phải là u tôi. Có đâu u tôi lại thế kia. Tóc đường ngôi của u tôi lốm đốm, rụng, chỉ còn lưa thưa. Lúc u tôi cười, nếp nhăn ở đuôi con mắt nheo lại, xếp lên nhau, đến khi hết cười cũng còn hằn những vết rạn khía quanh xuống hai bên gò má. Hàm răng trên của u tôi hểnh khuyết ba lỗ đã mấy năm nay. U tôi già đi từ bao giờ? U tôi đã già đi lúc nào? Tôi thực không hay.

(Theo Tô Hoài, Cỏ dại)

Bài làm:

a. Đoạn 1: tác giả đã sử dụng cách biểu cảm liên hệ hiện tại với tương lai

=> Tác dụng: Liên tưởng đến tương lai để khẳng định sự gắn bó mãi mãi của cây tre với cuộc sống của người Việt Nam. Tre đã từng giúp ích rất nhiều cho người dân trong lao động sản xuất và chiến đấu, trong bối cảnh công nghiệp hoá, vẻ đẹp của tre mang đậm ý nghĩa biểu trưng cho nét đẹp tinh thần của người Việt Nam.

b. Đoạn 2: tác giả đã sử dụng cách biểu cảm hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ về hiện tại

=> Tác dụng: thể hiện sự say mê với trò chơi gà đất trong niềm hoài nhớ da diết, lắng sâu. Trong dòng hồi nhớ ấy, những hình ảnh của trò chơi tuổi thơ hiện lên với một vẻ đẹp kì diệu, mang màu sắc lung linh của tâm tưởng nhớ nhung, nhuốm màu sắc triết lí sâu xa của một tâm hồn đã từng trải,... Lưu ý đến sự chuyển mạch cảm xúc từ hồi nhớ quá khứ đến suy nghĩ hiện tại: "Bây giờ tôi hiểu ra,...".

c. Đoạn 3: tác giả đã sử dụng cách biểu cảm tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ước

=> Tác dụng: bày tỏ tình cảm yêu mến của mình với cô giáo bắt đầu từ một tình huống (lời nói của cô giáo). Tình cảm sâu sắc ấy được bộc lộ qua những kỉ niệm mà tác giả nhớ lại trong kí ức của mình.

d. Đoạn 4: tác giả đã sử dụng cách biểu cảm quan sát, suy ngẫm

=> Tác dụng: Bằng sự quan sát tinh tế hình ảnh "u tôi" đã được khắc hoạ đan lồng với những lời nhận xét sắc xảo, thấm đẫm tình thương yêu, tác giả đã thể hiện tình cảm sâu nặng của mình với người mẹ. Hình ảnh "u tôi" hiện ra càng rõ nét bao nhiêu, nhận xét càng chân thực, sắc sảo bao nhiêu thì tình thương yêu càng sâu sắc bấy nhiêu.

C. Hoạt động luyện tập

1. Viết đoạn văn từ 5 đến 7 câu nêu cảm nhận của em về tình cảm của Lí Bạch với quê hương

Bài làm:

“Quê hương mấy ai không nhớ” mỗi lúc đi xa, từ nỗi nhớ đó, Thi tiên - Lý Bạch đã để lại cho đời một kiệt tác bất hủ về thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt: bài thơ “Tĩnh dạ tứ”. Thưở nhỏ khi còn sống ở quê, Lí Bạch thường lên núi Nga Mi ngắm trăng và yêu tha thiết vầng trăng quê hương ấy. Và kể từ đó mỗi lúc đi xa, đến bất cứ nơi nào, mỗi lần nhìn trăng là tác giả lại nhớ cố hương. Hai câu thơ đầu trong bài gợi tả cảnh, ánh trăng như rọi xuống đầu giường, tỏa ánh sáng lung linh huyền ảo trong đêm khiến cho thi nhân cứ ngỡ mặt đất phủ sương. Ngẩng đầu nhìn trăng bất chợt chạnh lòng nhớ về quê cũ, về một nơi mà tác giả yêu thương thắm thiết. Trên bước đường phiêu bạt, nhà thơ như cánh chim trời tung bay thỏa chí nhưng từ sâu thẳm nỗi nhớ quê vẫn trĩu nặng trong lòng. Không giống như người bạn thân của mình – Hạ Tri Chương nhớ quê trong khoảnh khắc vừa đặt chân trở về quê cũ, Lý Bạch nhớ quê khi đang ở xứ lạ quê người. Bài thơ thật ngắn chỉ vỏn vẹn hai mươi chữ nhưng chứa đầy tình cảm sâu nặng tha thiết với quê hương của người con xa xứ- Lí Bạch

2. Em hãy trao đổi với bạn để thực hiện các yêu cầu sau:

a. Thử thay các từ đồng nghĩa với quả và trái, bỏ mạng và hi sinh trong các ví dụ ở mục 3c, 3d Hoạt động hình thành kiến thức và rút ra nhận xét.

b. Trong các cặp câu sau, câu nào có thể dùng hai từ đồng nghĩa thay thế nhau, câu nào chỉ sử dụng một trong hai từ đồng nghĩa đó?

(1) nuôi dưỡng / phụng dưỡng

  • Con cái có trách nhiệm ........... bố mẹ già.
  • Bố mẹ có trách nhiệm ........... con cái cho đến lúc con cái trưởng thành.

(2) đối xử / đối đãi

  • Nó ........... tử tế với mọi người xung quanh nên ai cũng mến nó.
  • Mọi người đều bất bình trước thái độ ........... của nó đối với trẻ em.

(3) trọng đại, to lớn

  • Cuộc Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa ......... đối với toàn dân tộc.
  • Ông ta thân hình ........... như hộ pháp.
Bài làm:

a. Nhận xét:

  • Từ quả và trái có thể thay thế vị trí cho nhau mà không làm mất đi ý nghĩa của câu.
  • Từ bỏ mạng và hi sinh không thể hoán đổi vị trí cho nhau bởi nó sẽ làm mất đi ý nghĩa của câu.
  • Như vậy ta thấy được không phải từ đồng nhĩa nào cũng có thể thay thế cho nhau.

b.

  • Con cái có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già.
  • Bố mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái cho đến lúc con cái trưởng thành
  • đối đãi tử tế với mọi người xung quanh nên ai cũng mến nó.
  • Mọi người đều bất bình trước thái độ đối xử của nó đối với trẻ em.
  • Cuộc Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa trọng đại đối với toàn dân tộc.
  • Ông ta thân hình to lớn như hộ pháp.

3. Em hãy chọn một đề bài sau để tập lập dàn ý cho bài văn biểu cảm:

a) Cảm xúc về vườn nhà.

b) Cảm xúc về con vật nuôi.

c) Cản xúc về người thân.

d) Cảm nghĩ về mái trường thân yêu

Bài làm:

a. Cảm xúc về vườn nhà.

Mở bài:

- Giới thiệu về vườn nhà và cảm xúc đối với vườn

- Tình cảm của bản thân với khu vườn

Thân bài:

  • Miêu tả lai lịch vườn: diện tích khu vườn, cây cối, sự bày trí cảnh quan
  • Vườn và cuộc sống vui buồn của gia đình
  • Vườn và lao động của cha mẹ
  • Vườn qua bốn mùa

Kết bài: Cảm xúc về vườn nhà

b. Cảm xúc về con vật nuôi.

1. Mở bài:

  • Giới thiệu chung:
  • Con vật nuôi của nhà em là gì? (ví dụ: con trâu, con chó…)
  • Nuôi được bao lâu?

2. Thân bài:

  • Kể về con vật: ngoại hình, màu lông,…..
  • Kỉ niệm đáng nhớ của em với con vật đó
  • Tình cảm của em đối với con vật: hết lòng chăm sóc, yêu thương gắn bó…

3. Kết bài

  • Cảm nghĩ của em về con vật đó.
c. Cảm xúc về người thân

1. Mở bài

  • Giới thiệu đối tượng biểu cảm (ai) và tình cảm chung với đối tượng (yêu quý, tự hào, biết ơn..)

2. Thân bài

  • Biểu cảm cụ thể về người đó.
  • Biểu cảm về vẻ đẹp ngoại hình, tính tình, tài năng (nét tiêu biểu) —> yêu, quý, khâm phục…
  • Biểu cảm về đối tượng ở những kỉ niệm sâu sắc (hai, ba kỉ niệm) —> hiểu rõ hơn, yêu quý hơn, khâm phục…
  • Biểu cảm về vai trò của người đó đối với mình (quan trọng thế nào, nếu có, nếu không…)

3. Kết bài.

  • Khẳng định lại tình cảm yêu quý của mình với đối tượng.
  • Liên hệ mình cần làm gi để thự hiện tình cảm trên.
d. Cảm nghĩ về mái trường thân yêu.

Mở bài: Giới thiệu về mái trường và tình cảm, gắn bó, tự hào về trường mình.

Thân bài:

Biểu cảm về ngôi trường qua các khía cạnh như.

  • Vẻ đẹp của ngôi trường (khang trang, rộng lớn…)
    • Sơ lược tiểu sử ngôi trường: xây dựng từ bao giờ
    • Số dãy nhà, số phòng học
    • Cây cối, bồn hoa trong trường
    • Mái trường mang tên vị anh hùng, danh nhân nào…
  • Kỉ niệm sâu sắc với ngôi trường.
    • Ngày đầu tiên tới trường (bỡ ngỡ, rụt rè…)
    • Kỉ niệm với bạn bè: (chia nhau cái bánh, cái kẹo, giúp đỡ nhau học tập, gắn bó như anh em…
    • Kỉ niệm với thầy cô: dạy dỗ em nên người, hình thành nhân cách, quan tâm tới học sinh, truyền đạt những kiến thức bổ ích…
  • Cảm nghĩ về mái trường
    • Cho em kiến thức bao la, rộng lớn. Ngôi nhà thứ hai của em
    • Vun đắp tình bạn bè, tình thầy trò ấm áp, thiết tha
    • Nhen nhóm ước mơ và cho ta hành trang thực hiện mơ ước..

Kết bài:

  • Khẳng định tình cảm yêu mến và dù mai sau có đi đâu thì vẫn nhớ về ngôi trường thân yêu.
  • Tích cực học tập để phát huy truyền thống của nhà trường.

D. Hoạt động vận dụng

1. Hãy vẽ tranh minh họa cho bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh theo tưởng tượng của em hoặc nêu ý tưởng cho bức tranh.

2. Tìm từ đồng nghĩa thay thế các từ in đậm trong các câu sau.

a. Món quà anh gửi, tôi đã đưa tận tay chị ấy rồi.

b. Bố tôi đưa khách ra đến cổng rồi mới trở về.

c. Cậu ấy gặp khó khăn một tí đã kêu.

d. Anh đừng làm như thế người ta nói cho đấy.

e. Cụ ốm nặng đã đi hôm qua rồi.

Bài làm:

Các từ đồng nghĩa có thể thay thế cho các từ in đậm như sau:

  • Món quà anh gửi, tôi đã gửi tận tay chị ấy rồi.
  • Bố tôi tiễn khách ra đến cổng rồi mới trở về.
  • Cậu ấy gặp khó khăn một tí đã than.
  • Anh đừng làm như thế người ta phê bình/trách cho đấy.
  • Cụ ốm nặng đã mất/qua đời hôm qua rồi

3. Phát hiện các từ dùng sai và thay thế bằng từ khác cho đúng.

a. Ông bà cha mẹ đã lao động vất vả, tạo ra thành quả để con cháu đời sau hưởng lạc.

b. Trong xã hội ta, không ít người sống ích kỉ, không giúp đỡ bao che cho người khác.

c. Câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã giảng dạy cho chúng ta lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh.

d. Phòng tranh có trình bày nhiều bức tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng.

Bài làm:

Cách dùng từ trong các câu trên chưa chính xác, ta có thể thay thế bằng các từ đồng nghĩa sau:

  • Ông bà cha mẹ đã lao động vất vả, tạo ra thành quả để con cháu đời sau hưởng thụ
  • Trong xã hội ta, không ít người sống ích kỉ, không giúp đỡ đùm bọc/che chở cho người khác.
  • Câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã dạy cho chúng ta lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh.
  • Phòng tranh có trưng bày nhiều bức tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

1. Sưu tầm một số đoạn văn, đoạn thơ sử dụng từ đồng nghĩa

Bài làm:

Sưu tầm:

Lòng hiếu thảo là truyền thống đạo lí tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc ta. Cha mẹ đã không quản ngại khó khăn để nuôi nấng, chăm sóc ta nên người vì vậy phụng dưỡng cha mẹ là trách nhiệm của mỗi người con. Không nhất thiết phải mua cho cha mẹ những món đồ đắt tiền, đưa cho cha mẹ nhiều của cải giàu sang mới là báo hiếu. Bằng những hành động nhỏ hay những lời nói quan tâm hàng ngày đến cha mẹ đã là biểu hiện của lòng hiếu thảo. Chỉ cần bạn yêu thương chân thành và quan tâm bằng cả tấm lòng đã khiến cha mẹ vui và tự hào vè bạn. Đừng để mẹ cha phải buồn vì những phút vô tâm của chúng ta, bạn nhé!

  • Từ đồng nghia: nuôi nấng, chăm sóc

.....................................

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn tài liệu Soạn bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh VNEN. Tài liệu được biên soạn theo chương trình VNEN Ngữ văn 7, hy vọng sẽ giúp các em học sinh tiếp thu bài nhanh và có sự hứng thú đối với môn học, từ đó học tốt Ngữ văn 7 hơn.

Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác như: Ngữ văn lớp 7, Soạn bài lớp 7, Học tốt Ngữ Văn 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn và các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 cũng được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Ngữ văn 7 VNEN

    Xem thêm