Soạn bài Sống chết mặc bay VNEN

Soạn văn 7 VNEN bài Sống chết mặc bay được giới thiệu trên VnDoc.com. Đây là tài liệu được biên soạn theo chương trình VNEN Ngữ văn 7 với nhiều hoạt động khác nhau, sẽ giúp học sinh tiếp thu bài nhanh và hứng thú với bài học hơn.

A. Hoạt động khởi động

Các câu ca dao sau cho em am hiểu gì về sự phân biệt giai cấp trong xã hội phong kiến Việt Nam xưa?

- Ếch kêu dưới vũng tre ngâm

Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre.

- Con ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

- Vạn Niên là Vạn Niên nào?

Thành xây xương lính,hào đào mấy dân.

Bài làm:

Những câu ca dao trên cho thấy sự khổ cực, lầm than, khổ sở của giai cấp bị trị nói chính xác hơn đó chính là câu ca dao than thân của những người dân nghèo khổ. Họ bị bóc lột một cách vô cùng nặng nề về của cải, vật chất lẫn tinh thần. Còn những người thuộc giai cấp thống trị thì thỏa sức vơ vét của cải của nhân dân, suốt ngày chỉ biết ăn chơi, xây thành, xây ốc mà không quan tâm đến nhân dân.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản sau: Sống chết mặc bay

2. Tìm hiểu văn bản

a) Văn bản Sống chết mặc bay có thể được chia làm mấy đoạn? Nội dung chính của mỗi đoạn là gì?

Bài làm:

Tác phẩm chia làm ba đoạn:

  • Đoạn 1: “Gần một giờ đêm.... khúc đê này hỏng mất”: Nguy cơ vỡ đê và sự chống đỡ của người dân.
  • Đoạn 2: “Ấy lũ con dân...điếu mày”: Cảnh quan phủ cùng nha lại đánh tổ tôm ở trong đình.
  • Đoạn 3: Phần còn lại: Đê bị vỡ nhân dân rơi vào cảnh thảm sầu

b) Phép tương phản (cũng gọi là đối lập) trong nghệ thuật là việc tạo ra những cảnh tượng, hành động, tính cách trái ngược nhau để làm nổi bật một ý tưởng hoặc tư tưởng của tác giả.

Dựa vào định nghĩa trên, em hãy tìm những chi tiết trong tác phẩm để hoàn thành bảng sau:

Dân

<- Tương phản->

Quan

…………….

Cảnh hộ đê

…………..

………………

Cảnh đê vỡ

………….

Nhận xét về dụng ý của tác giả khi xây dựng cảnh tương phán:

…………………………………

Bài làm:

Dân

<- Tương phản->

Quan

· Hàng trăm nghìn con người hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre,...bì bõm dưới bùn ngập quá khuỷu chân, lướt thướt như chuột lột

· Tiếng người xao xác gọi nhau, ai cũng mệt lử, trăm nghìn lo sợ đem thân hèn yếu mà đối sức với mưa to gió lớn

· Dân phu rối rít, trăm họ vất vả, lấm láp, gội gió tắm mưa như đàn sâu, lũ kiến trên đê

=>Một cảnh nghìn sầu muôn thảm.

Cảnh hộ đê

· Đèn thắp sáng trưng, kẻ hầu người hạ, quan uy nghi, chiễm chện ngồi, người hầu gãi, kẻ hầu quạt, hầu điếu đóm,... –

· Bát yến hấp đường phèn, mang theo những đồ dùng đắt tiền: ống thuốc bạc, đồng hồ vàng,... - Chung quanh quan có nha lại ngồi hầu bài

· Nhàn nhã chơi bài, lúc khoan, lúc mau, cười nói vui vẻ, quan ung dung hai bên tả hữu nha lại nghiêm trang, lính hầu rầm rập, quan lớn đánh bài " Ù thông"

=>Cảnh sống an toàn, sa hoa, nhàn nhã, mải mê cờ bạc

· Ngoài xa tiếng kêu vang trời, dậy đất, tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe càng lớn, tiếng trâu bò kêu vang tứ phía

· Người nhà quê mình mẩy lấm láp, tất tả chạy vào thở không ra lời

· Đê vỡ dân trôi, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ

Cảnh đê vỡ

· Ván bài quan đã chờ: ngài xơi bát yến, ngồi khểnh vuốt râu, mắt trông vào đĩa nọc, điềm nhiên, lăm le chờ bài " Ù "

· Có người khẽ nói làm ngài cau mặt

· Nghe tin đê vỡ, quan đỏ mặt tía tai quát và tiếp tục chờ ván bài " Ù " - Quan vỗ tay xuống xập kêu to vội vàng xòe bài miệng vừa cười vừa nói

c. Trong nghệ thuật văn chương còn có phép tăng cấp (lần lượt đưa thêm chi tiết và chi tiết sau phải cao hơn về mức độ (hoặc tính chất, …) so với chi tiết trước),qua đó làm rõ thêm bản chất của sự việc, hiện tượng được nói tới. Trong Sống chết mặc bay tác giả đã sử dụng phép tăng cấp để bộc lộ rõ nét bối cảnh và tính cách của nhân vật.

Em hãy phân tích, chứng minh ý kiến trên bằng hoàn thành bảng sau:

Đối tượng miêu tả

Tăng cấp

Nhận xét

Cảnh thiên nhiên và nguy cơ đê vỡ

…………………………….

…………………………….

Sự vất vả căng thẳng của nhân dân hộ đê

…………………………….

…………………………….

Mức độ ham mê cờ bạc của quan phủ

…………………………….

…………………………….

Bài làm:

Đối tượng miêu tả

Tăng cấp

Nhận xét

Cảnh thiên nhiên và nguy cơ đê vỡ

  • Mưa mỗi lúc một nhiều: Trời mưa tầm tã
  • Nước sông mỗi lúc một dâng cao: Nước sông Nhị Hà lên to quá, nước cứ cuồn cuộn bốc lên

Thể hiện thời tiết sự mưa gió, lũ lụt khó khăn do thiên nhiên gây ra

Sự vất vả căng thẳng của nhân dân hộ đê

  • Âm thanh mỗi lúc một ầm ĩ: Tiếng trống, tiếng tù và, tiếng ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ
  • Sức người mỗi lúc một đuối: Tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ nhưng xem chừng ai cũng mệt lử cả rồi

Thể hiện sự nhốn nháo, ầm ĩ, sự khó khăn mệt nhọc, sức chống chọi của người dân vật lộn với cơn lũ

Mức độ ham mê cờ bạc của quan phủ

  • Mê bài bạc bỏ ban trách nhiệm của mình
  • Mê đến mức bên ngoài ầm ĩ mà vẫn ung dung, thản nhiên
  • Có tin đê vỡ còn thờ ơ quát nạt.
  • Khi quan ù ván bài to, nhân dân lâm vào cảnh lũ lụt thảm thê ngàn sầu

Thể hiện sự vô trách nhiệm của quan dân thời bấy giờ. Những kẻ lòng lang dạ thú coi thường sinh mạng người dân

d) Nhận xét về tác dụng của sự kết hợp hai phép tương phản và tăng cấp trong việc vạch trần bản chất ‘’ lòng lang dạ thú ‘’ của tên quan phủ trước sinh mạng của người dân.

Bài làm:

Tác giả đã thành công trong việc kết hợp hai phép tương phản và tăng cấp trong việc vạch trần bản chất "lòng lang dạ thú" của tên quan phủ trước sinh mạng của người dân. Bởi sự kết hợp của nghệ thuật tương phản và tăng cấp đã tố cáo và phê phán hành động ham mê bài bạc và vô trách nhiệm của viên quan. Sự đối lập giữa tình huống vỡ đê người dân hối hả ngược xuôi trong cơn mưa lớn với hi vọng cứu để, cứu chính cuộc sống của mình trong khi viên quan ung dung tự tại trên chỗ cao, nắng không tới đầu, nước không tới chân đã khắc họa một cách chân thực cuộc sống cơ cực của nhân dân lúc bấy giờ và sự vô trách nghiệm của quan lại địa phương. Nếu viên quan chỉ ham đánh bạc thì đó là thói xấu trong sinh hoạt của cá nhân y. Nhưng y đánh bạc khi làm công vụ, cụ thể là khi đi hộ đê, liên quan đến tính mạng và tài sản của dân chúng thì đó là sự vô trách nhiệm. Y thắng ván bài đã chờ thì y sung sướng là lẽ thường tình. Nhưng y thắng bài khi đê vỡ, y sướng khi bao người dân khổ sở, cùng cực thì sự vui mừng của y là một hành động phi nhân tính của kẻ lòng lang dạ thú. Chính sự kết hợp này đã làm cho tính chất tố cáo và phê phán thêm sâu sắc làm nên giá trị hiện thực, bộ mặt của xã hội thực dân lúc bấy giờ.

e. Nhận xét về giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện Sống chết mặc bay.

Bài làm:
  • Giá trị hiện thực: phản ánh sự đối lập hoàn toàn giữa cuộc sống của nhân dân với cuộc sống của bọn tham quan lại mà kẻ đứng đầu ở đây là tên quan phủ''lòng lang dạ thú''
  • Giá trị nhân đạo: thể hiện niềm cảm thương của tác giả trước cảnh sống lầm than, cơ cực của người dân do thiên tai và lên án thái độ vô trách nhiệm của bọn cầm quyền đương thời

C. Hoạt động luyện tập

1. Xác định những hình thức ngôn ngữ đã được sử dụng trong truyện Sống chết mặc bay và nêu tác dụng của chúng.

Hình thức ngôn ngữ

Không

Tác dụng

Ngôn ngữ tự sự

Ngôn ngữ miêu tả

Ngôn ngữ biểu cảm

Ngôn ngữ người kể chuyện

Ngôn ngữ nhân vật

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Ngôn ngữ đối thoại

Bài làm:

Hình thức ngôn ngữ

Không

Tác dụng

Ngôn ngữ tự sự

x

Kể ra rõ đặc điểm, sự việc xảy ra trong đêm bão lũ

Ngôn ngữ miêu tả

x

Khắc họa rõ nét cảnh lũ lụt, cảnh nhân dân hộ đê, quan lại trong đình

Ngôn ngữ biểu cảm

x

Giúp cho giá trị nhân đạo của văn bản. Bộc lộ tình cảm đối với cảnh lũ lụt thảm thương

=> khơi gợi cảm xúc người đọc

Ngôn ngữ người kể chuyện

x

Giúp tác giả dễ dàng lồng ghép những lời văn bày tỏ thái độ. Làm cho văn bản rõ ràng, chân thực

Ngôn ngữ nhân vật

x

Diễn tả kĩ về nhân vật trong truyện hơn, dễ hình dung và hiểu được

=> cảm nhận được nguồn hứng của văn bản

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

x

Ngôn ngữ đối thoại

x

Văn bản thêm sức sống, diễn tả dễ dàng bối cảnh, suy nghĩ lúc đó, người đọc dễ hình dung tính cách nhân vật

2. Qua ngôn ngữ đối thoại của quan phủ, em thấy tính cách của nhân vật này như thế nào? Hãy nêu nhận xét về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tính cách nhân vật

Bài làm:

Qua ngôn ngữ đối thoại của tên quan phủ, có thể thấy hắn hiện lên với một nhân cách xấu xa, bỉ ổi. Đó là một tên quan vô trách nhiệm, tham lam và tàn bạo. thông qua ngôn ngữ đối thoại nhân vật, viên quan phụ mẫu hiện lên là một kẻ hống hách, độc đoán, vô trách nhiệm. Qua đó, cũng cho thấy giữa ngôn ngữ và tính cách nhân vật có mối liên hệ chặt chẽ. Ngôn ngữ phản ánh tính cách của nhân vật đó chính là độc ác, tàn bạo của kẻ lòng lang dạ thú say mê cờ bạc, ức hiếp dân lành, quát nạt tay sai. Đây là sự thành công trong nghệ thuật của tác giả.

D. Hoạt động vận dụng

Chọn một trong các đề bài sau và viết thành bài văn lập luận giải thích:

Đề 1:

Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước ngày càng thêm xuân

Bác Hồ muốn khuyên chúng ta điều gì từ hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước.

Đề 2:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng,

Hãy tìm hiểu người xưa muốn nhắn nhủ điều gì

Đề 3: Hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công.

Đề 4: Dân gian ta có câu:" Lời nói gói vàng", đồng thời lại có câu: Lời nói chẳng mất tiền mua- Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Qua hai câu trên, em hãy cho biết nhân dân ta quan niệm như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống.

Đề 5: Em hãy giải thích nội dung của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

Bài làm:

Đề 3: Hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công.

Trong cuộc sống, mấy ai là không một lần gặp thất bại. Nhưng có người bị vấp ngã, bị thất bại đã chán nản, bỏ cuộc; có người lại biết đứng dậy, bước tiếp và thành công. Nói về vấn đề này, ông cha ta có câu: "Thất bại là mẹ của thành công". Câu tục ngữ là sự đúc kết kinh nghiệm của nhân dân ta từ thực tế cuộc sống, đồng thời cũng là lời khuyên hữu ích cho mỗi người trong cuộc sống.

Vậy ta nên hiểu câu tục ngữ như thế nào? Thất bại” là sự vấp ngã, không đạt được những gì như mong muốn, khiến con người ta buồn bực, nản. Ngược lại, “thành công” lại là những thành tựu, những kết quả như mong ước, khiến ta vui vẻ, hạnh phúc. Ở đây, “thất bại” được so sánh với “mẹ thành công”, khi nhắc đến “mẹ”, hẳn ai cũng sẽ nghĩ đến người quan trọng trong cuộc đời ta, cho ta cuộc sống, chăm sóc, dìu dắt ta. Vậy nên khi nói “thất bại là mẹ thành công”, có lẽ, thế hệ trước muốn nhắn nhủ với thế hệ sau về vai trò, ý nghĩa của sự thất bại trong cuộc đời của mỗi người. Thất bại không phải là điều gì xấu hay bản thân ta kém cỏi mà chính nó sẽ là những kinh nghiệm, những bài học sâu sắc để giúp ta đạt được thành công sau này.

Câu tục ngữ quả thật vô cùng đúng đắn. Bởi lẽ cuộc đời mỗi người không bao giờ toàn màu hồng, chặng đường đi đến thành công cũng chẳng trải đầy hoa hồng, bên cạnh những niềm vui, niềm hạnh phúc, đôi khi ta cũng sẽ gặp phải những khó khăn, thử thách, hơn hết là thất bại khiến ta nản lòng hay tuyệt vọng. Thất bại là những gì mà chí ít mỗi người sẽ phải đối mặt ít nhất một đến vài lần trong cuộc đời. Không đạt được điểm cao trong kì thì, nấu một món ăn không thành công, không hoàn thành đúng mục tiêu mà công việc đề ra,...đó là những điều dù lớn hay nhỏ, nhưng với từng người, sự thất bại sẽ đều khác nhau. Do đó, trước những sự thất bại ấy, chẳng nhẽ ta sẽ chấp nhận và từ bỏ hay sao?

Hơn thế thất bại sẽ mở ra con đường để đi đến thành công. Chính vì bản thân ta đã từng vấp ngã thất bại trước sự việc đó, chúng ta sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để không bao giờ mắc phải sai lầm như thế nữa. Chẳng hạn, khi bạn nướng một chiếc bánh, lần đầu tiên bạn thực hành, chiếc bánh ấy bị khét, bạn sẽ hiểu được rằng cần phải giảm nhiệt độ thấp hơn và lần tiếp theo bạn thử lại, bạn sẽ khắc phục được điều ấy, kể cả có trải qua bao nhiêu lần thử nữa, chẳng phải cuối cùng sẽ có lúc bạn có được một chiếc bánh hoàn chỉnh hay sao? Trước mỗi thất bại, nếu chỉ biết nản chí, thất vọng về bản thân và cho rằng mình thật kém cỏi thì vĩnh viễn ta cũng chẳng thể nào có thể đạt được thành tựu trong cuộc sống, luôn tự ti về bản thân, sợ hãi, nhút nhát trước mỗi khó khăn .

Cuộc sống đầy những điều bất ngờ, những sự ngẫu nhiên, những khúc rẽ quanh co khó lường, nên nguy cơ thất bại có thể luôn chờ đợi ta ở bất kì chặng đường nào trong cuộc đời chúng ta. Nói như nhà triết học Hi Lạp Xi-xê-rông: "Là con người thì có sai lầm, chỉ có kẻ ngu xuẩn mới cố chấp sai lầm của mình mà thôi". Hay như Lê-nin đã nói: "Chỉ có ai không làm gì cả thì mới không mắc sai lầm". Ai chiến thắng mà không hề chiến bại?/Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Đừng coi những thất bại như tảng đá lớn chắn ngang con đường đi đến thành công của ta mà hãy coi đó là ngọn đèn để soi sáng con đường ấy. Muốn vậy, con người ta cũng cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại, vì nếu chấp nhận thất bại để bước tiếp mà không có sự kiên trì thì cũng sẽ dễ dàng bỏ cuộc. tiếp đến là phải tự tin,tin tưởng vào chính khả năng của bản thân mình, luôn lạc quan, dũng cảm đối mặt với mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Tránh cảm giác tự ti, bi quan, dễ từ bỏ thì nó sẽ không giúp bạn khá lên mà thậm chí sẽ đẩy bạn xuống hố sâu của tuyệt vọng và thất bại.

Con đường học tập là con đường nhiều chông gai vất vả, rất khó tránh khỏi những thất bại: Không giải được bài toán, không viết được bài văn, không được điểm cao trong bài kiểm tra, không đạt danh hiệu học sinh giỏi... Nhưng khi thấu hiểu tư tưởng câu tục ngữ "Thất bại là mẹ thành công" chúng em sẽ nỗ lực để vượt qua những thất bại tạm thời để nỗ lực hơn vì những thành công lớn ở phía trước. Tôi và các bạn chúng ta cùng nhau cố gắng nhé.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

1. Sưu tầm một văn bản lập luận giải thích và tìm hiểu về cách triển khai vấn đề được đặt ra trong văn bản

Bài làm:

VD: Sưu tầm được bài: Bàn về việc đọc sách.

Vấn đề được đề cập đến là bàn về việc đọc sách

a. Mở bài: Giới thiệu qua về bài viết “Bàn về đọc sách” của tác giả Chu Quang Tiềm: “Bàn về đọc sách” là một bài viết thể hiện được cái nhìn sâu sắc về việc đọc sách của các bạn trẻ ngày nay. Bài viết này đã chỉ rõ được ba nội dung lớn của việc đọc sách là: Mục đích? Cái khó? Và phương pháp đọc sách?

b. Thân bài:

Trong bài viết “Bàn về đọc sách” tác giả Chu Quang Tiềm đã nêu rõ ba luận điểm của mình

Mục đích của đọc sách là gì?

  • Đọc sách nhằm tích lũy kiến thức, đọc nhiều, hiểu nhiều sẽ giúp cho con người chúng ta mở mang đầu óc. Có như vậy chúng ta mới có nhiều trí tuệ giúp ích cho con người, cho xã hội.

Tại sao chúng ta phải đọc sách?

  • Sách là nguồn tài liệu vô cùng phong phú. Nó cung cấp cho chúng ta nguồn tri thức vô cùng quý giá.
  • Con người muốn thành công thì phải đọc nhiều sách, để có thêm nhiều tri thức, mở mang đầu óc, tiếp thu nguồn khoa học kỹ thuật vận dụng vào cuộc sống.
  • Những ai không đọc sách là xóa bỏ hết những thành tựu của một nền văn hóa, sẽ trở thành người lạc hậu, bị nhân loại bỏ lại phía sau.
  • Sách chính là tinh hoa tri thức của nhân loại cô đọng thành những con chữ lưu giữ cho người đời sau kế thừa, phát huy. Đọc sách chính là việc chúng ta hưởng thụ những thành quả tri thức mà lớp người đi trước đã để lại cho con cháu.

Những cái khó khăn của việc đọc sách là gì?

  • Hiện nay sách càng ngày càng trở nên phong phú, rất nhiều loại, nhiều tác giả, nhiều nguồn. Nên cái cái khó khăn đầu tiên của việc đọc sách là việc lựa chọn sách phù hợp Việc lựa chọn sách là một việc vô cùng khó.
  • Bởi biển người mênh mông nguồn tri thức từ sách vở mang lại là vô cùng lớn, nhưng việc lựa chọn được một cuốn sách hay, phù hợp hữu ích lại vô cùng khó.

Đọc sách cũng là nghệ thuật?

  • Đọc làm sao để hiểu biết, hiểu thấu đáo những gì mà người viết muốn truyền tải tới người đọc là điều không dễ chút nào.

Làm thế nào để có phương pháp đọc sách tốt?

  • Theo tác giả Chu Quang Tiềm thì chúng ta không cần đọc quá nhiều sách mà nên đọc kỹ, vừa đọc, vừa ngẫm nghĩ để hiểu được rõ ràng người viết muốn nói gì trong cuốn sách. “Đọc lướt qua 10 quyển không bằng đọc 10 lần một quyển” đọc thật kỹ nghiền ngẫm tư duy một quyển sách hay, đó chính là phương pháp đọc tốt nhất.
  • Tác giả chỉ rõ rằng đọc nhiều chưa hẳn là tốt, là vinh dự đáng tự hào, đọc ít cũng không có gì là xấu hổ, mà phải đọc kỹ, đọc và suy nghĩ, tập thành nếp, suy nghĩ phân tích những gì mình đã đọc, đang đọc.

c. Kết bài:

  • Văn hóa đọc không còn là đề tài gì mới lạ, nhưng cách viết của Chu Quang Tiềm có sức thuyết phục với người đọc người nghe, bởi lý luận chặt chẽ, dễ hiểu, dễ tiếp thu.
  • “Bàn về đọc sách” là một bài viết hay thảo luận về một vấn đề đang bị giới trẻ lãng quên trong thời gian gần đây, do mạng internet phát triển. Nhiều bạn trẻ giờ không còn thói quen đọc sách nữa, mà chỉ thích tham gia mạng xã hội, chơi game hoặc đọc truyện tranh…Văn hóa đọc là một văn hóa đặc sắc cần phải phát huy và giữ gìn nó.

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn tài liệu Soạn bài Sống chết mặc bay VNEN. Tài liệu được biên soạn theo chương trình VNEN Ngữ văn 7, hy vọng sẽ giúp các em học sinh tiếp thu bài nhanh và có sự hứng thú đối với môn học, từ đó học tốt Ngữ văn 7 hơn.

Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác như: Ngữ văn lớp 7, Soạn bài lớp 7, Học tốt Ngữ Văn 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn và các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 cũng được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Đánh giá bài viết
13 659
Sắp xếp theo

    Soạn Ngữ văn 7 VNEN

    Xem thêm