Đôi dép của Bác “ra đời’’ vào năm 1947, được ‘’chế tạo’’ từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ rất vừa chân Bác.
Trên đường công tác, Bác nói vui với các cán bộ đi cùng:
- Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa... Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được.
Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang cấy, đang vụ gặt, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép...
Mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy... Các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã đôi ba lần “xin’’ Bác đổi dép nhưng Bác bảo “vẫn còn đi được’’.
Cho đến lần đi thăm Ấn Độ, khi Bác lên máy bay, ngồi trong buồng riêng thì mọi người trong tổ cảnh vệ lập mẹo dấu dép đi, để sẵn một đôi giầy mới...
Máy bay hạ cánh xuống Niu-đê-li, Bác tìm dép. Mọi người thưa:
- Có lẽ đã cất xuống khoang hàng của máy bay rồi... Thưa Bác....
- Bác biết các chú cất dép của Bác đi chứ gì. Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn, nhân dân ta còn khó khăn, Bác đi dép cao su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự - Bác ôn tồn nói.
Vậy là các anh chiến sĩ phải trả lại dép để Bác đi vì dưới đất chủ nhà đang nóng lòng chờ đợi...
Trong suốt thời gian Bác ở Ấn Độ, nhiều chính khách, nhà báo, nhà quay phim... rất quan tâm đến đôi dép của Bác. Họ cúi xuống sờ nắn quai dép, thi nhau bấm máy từ nhiều góc độ, ghi ghi chép chép... làm tổ cảnh vệ lại phải một phen xem chừng và bảo vệ “đôi hài thần kỳ” ấy.
Năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép “thâm niên” ấy, Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của đơn vị. Các chiến sĩ rồng rắn kéo theo, ai cũng muốn chen chân, vượt lên để được gần Bác hơn. Bác vui cười nắm tay chiến sĩ này, vỗ vai chiến sĩ khác. Bỗng Bác đứng lại:
- Thôi, các cháu dẫm làm tụt quai dép của Bác rồi...
Nghe Bác nói, mọi người dừng lại cúi xuống yên lặng nhìn đôi dép rồi lại ồn ào lên:
- Thưa Bác, cháu, cháu sửa...
Thưa Bác, cháu, cháu sửa được ạ...
Thấy vậy, các chiến sĩ cảnh vệ trong đoàn chỉ đứng cười vì biết đôi dép của Bác đã phải đóng đinh sửa mấy lần rồi...Bác cười nói:
- Cũng phải để Bác đến chỗ gốc cây kia, có chỗ dựa mà đứng đã chứ! Bác “lẹp xẹp” lết đôi dép đến gốc cây, một tay vịn vào cây, một chân co lên tháo dép ra:
- Đây! Cháu nào giỏi thì chữa hộ dép cho Bác...Một anh nhanh tay giành lấy chiếc dép, giơ lên nhưng ngớ ra, lúng túng. Anh bên cạnh liếc thấy, “vượt vây” chạy biến...
Bác phải giục:
- Ơ kìa, ngắm mãi thế, nhanh lên cho Bác còn đi chứ.Anh chiến sĩ, lúc nãy chạy đi đã trở lại với chiếc búa con, mấy cái đinh:
- Cháu, để cháu sửa dép...Mọi người dãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được chữa xong.Những chiến sĩ không được may mắn chữa dép phàn nàn:
- Tại dép của Bác cũ quá. Thưa Bác, Bác thay dép đi ạ..
Bác nhìn các chiến sĩ nói:
- Các cháu nói đúng... nhưng chỉ đúng có một phần... Đôi dép của Bác cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì nó còn ‘’thọ’’ lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên... Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo...
B. Hoạt động hình thành kiến thức
1. Đọc văn bản sau: ĐỨC TÍNH GIẢN DỊ CỦA BÁC HỒ
2. Tìm hiểu văn bản.
a. Tìm hiểu trình tự lập luận của tác giả trong văn bản, từ đó nêu bố cục của văn bản.
b. Đức tính giản dị của Bác Hồ được khắc họa trên những phương diện nào? Ở mỗi phương diện, đức tính đó được thể hiện ra sao?
c. Theo em, giá trị nổi bật về nội dung của văn bản là gì? Qua đó em rút ra bài học gì?
d. Nhận xét về cách lập luận, sử dụng dẫn chứng, bày tỏ quan điểm của tác giả trong văn bản.
a) Trình tự lập luận của tác giả trong bài viết:
- Nhan đề: Nêu luận điểm chính của bài: "Đức tính giản dị của Bác Hồ".
- Chứng minh luận điểm. Giải thích và bình luận để làm sáng tỏ.
- Chứng minh luận điểm bằng những luận cứ khác.
Bố cục bài văn: Đoạn trích chia thành 2 phần:
- Phần 1: (từ đầu đến tuyệt đẹp) Sự nhất quán giữa cuộc đời cách mạng và cuộc sống thanh bạch, giản dị của Bác.
- Phần 2: (còn lại) Tác giả chứng minh sự giản dị của Bác trong sinh hoạt, lối sống, việc làm
b) Các phương diện:
- Bữa ăn hằng ngày: ăn uống chỉ có vài ba món.
- Nhà ở: căn nhà xiêu vẹo chỉ vài ba phòng nhỏ bé.
- Việc làm: trong đời sống của mình, việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp, cho nên bên cạnh Bác người giúp việc và phục vụ có thể đếm trên đầu ngón tay.
- Lời nói, bài viết: vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.
c.
- Giá trị nổi bật về nội dung của văn bản là đức tính giản dị của Bác Hồ.
- Qua đó, em rút ra bài học là chúng ta nên sống một cách giản dị, khiêm tốn, không nên xa hoa, đua đòi. Giản dị giúp người ta quý trọng mình, giúp tiết kiệm được thời gian,...
d.
- Hệ thống luận cứ đầy đủ
- Lí lẽ chặt chẽ
- Dẫn chứng cụ thể, chân thực, chính xác, toàn diện, giàu sức thuyết phục
- Nhận xét, bình luận đúng chỗ, sâu sắc
- Lời văn thấm đượm tình cảm chân thành của người viết
3. Chuyện đổi câu chủ động thành câu bị động
Xác định chủ ngữ của mỗi câu sau. Ý nghĩa của chủ ngữ trong các câu sau khác nhau ở chỗ nào?
- Mọi người yêu mến em.
- Em được mọi người yêu mến.
Chủ ngữ của mỗi câu là:
- Mọi người yêu mến em.
- Em được mọi người yêu mến.
Sự khác nhau về ý nghĩa:
- Chủ ngữ Mọi người chỉ chủ thể của hoạt động (yêu mến).
- Chủ ngữ Em chỉ đối tượng của hoạt động (được yêu mến ).
a. Đọc kĩ sơ đồ sau để hiểu khái niệm về câu chủ động, câu bị động và tìm thêm ví dụ khác
b. Đọc kĩ thông tin trong bảng và thực hiện yêu cầu ở dưới:
(1) Cho biết sự giống và khác nhau giữa hai câu sau:
- Cánh màn diều treo ở đầu bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm "hóa vàng "
- Cánh màn diều treo ở đầu bàn thờ ông vải đã được hạ xuống từ hôm " hóa vàng"
(2) Những câu sau có phải câu bị động không? Vì sao?
- Em đạt giải Nhất kì thi học sinh giỏi
- Tay em bị đau
a. VD: Câu chủ động: Con chó ấy cắn cậu.
Câu bị động: Cậu ấy bị con chó đó cắn
b.
(1) Giống nhau: Đều là câu bị động; cùng nội dung
Khác nhau: Câu a có từ “được”, câu b không có từ “được”.
(2) Không phải câu bị động vì trong các câu không các các từ bị động và chủ ngữ không bị các sự vật, hoạt động sự vật khác hướng vào.
C. Hoạt động luyện tập
1. Trong văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ, tác giả đã lập luận theo trình tự từ những nhận xét khái quát đến chứng minh bằng những biểu hiện cụ thể.
Em hãy liệt kê một số nhận xét và biểu hiện đó vào bảng sau:
Nhận xét khái quát | Các biểu hiện cụ thể |
1. | |
2. | |
3. |
Nhận xét khái quát | Các biểu hiện cụ thể |
1.Bữa ăn |
|
2.Cái nhà |
|
3. Lối sống |
|
2. Vấn đề dưới đây gợi cho em những suy nghĩ gì? Viết ra suy nghĩ đó.
Lợi ích của đời sống giản dị:
- Với bản thân
- Với gia đình
- Với xã hội
- Với bản thân: được mọi người yêu mến tôn trọng tiết kiệm được thời gian của cải nhờ đó có thể đầu tư và nhiều công việc tốt hơn không phức tạp hóa vấn đề dễ hòa nhập hòa đồng với cộng đồng xã hội
- Với gia đình góp phần làm nên xã hội văn minh
- Với xã hội làm cho xã hội ngày một giàu đẹp hơn vì tiết kiệm được thời gian của phải đầu tư vào công việc cho nhà nước
3. Chuyển đổi mỗi câu chủ động sau thành câu bị động. Nhận xét về sắc thái, ý nghĩa của các câu trước và sau khi được chuyển đổi.
a. Các bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật
b. Bác đặt cho một số đồng chí phục vụ những cái tên mà gộp lại là ý chí chiến đấu và chiến thắng.
c. Một nhà sư vô danh đã xây ngôi chùa này từ thế kỉ XIII
a) Ca phẫu thuật đã được các bác sĩ thực hiện thành công
b) Một số đồng chí đã được Bác đặt cho những cái tên mà gộp lại là ý chí chiến đấu và chiến thắng
c) Ngôi chùa này đã được một nhà sư vô danh xây dựng từ thế kỉ XIII
D. Hoạt động vận dụng
Em hãy chọn một trong số những đề bài sau để viết thành bài văn lập luận chứng minh:
1. Tục ngữ có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng nhưng lại có bạn bảo: Gần mực chưa chắc đen, gần đèn chưa chắc sáng.
2. Chứng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta,
3. Chứng minh rằng: Mỗi chúng ta cần thực hành tốt lối sống tiết kiệm
Rừng vẫn được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên lưu trữ một lượng gỗ lớn của đất nước cũng như giúp ngăn ngừa các hiện tượng của tự nhiên như thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, cát lấn. Rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Bởi vậy bảo vệ rừng chính là chúng ta đang bảo vệ, giữ gìn lấy cuộc sống của mình.
Trái Đất đang nóng dần lên, băng tan ngày càng nhiều, nước biển dâng nhanh, lũ lụt, hạn hán, vòi rồng đã đến lúc chúng ta phải bảo vệ chính mình. Công việc quan trọng hàng đầu là cần biết bảo vệ rừng. Bởi vì bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Vậy rừng có nghĩa là gì? Rừng có nghĩa là một quần thể cây cối mọc lâu năm trên một khu đất rộng lớn, ta có thể liệt kê đến một số khu rừng cả của Việt Nam và thế giới như: rừng U Minh; rừng Nam Cát Tiên; rừng Cúc Phương;…Rừng đóng một vai trò cực kì quan trọng đối với đời sống nhân loại.
Rừng như một cỗ máy kì diệu, hấp thụ khí độc khí bụi bẩn và trả lại cho nhân loại là những chất khí sạch sẽ trong lành. Bởi vậy mà rừng còn được gọi là “ lá phổi xanh của Trái Đất”. Ngoài ra rừng còn giúp điều hòa khí hậu mát mẻ trong lành. rừng còn giúp giữ đất; bảo vệ đất khi mưa trút xuống gặp từng tầng tầng lớp lớp những tán lá rộng lớn ngăn cản vận tốc chảy của nước từ trên đồi xuống để rừng khỏi bị rửa trôi đi lớp đất màu mỡ vô cùng quý giá; cũng giống như khi gặp lũ những tán lá cây lớn rậm rạp làm ngăn cản vận tốc chảy của nước lũ để có đủ thời gian ngấm sâu vào lòng đất. Từ đó rừng còn có tác dụng tránh bị rửa trôi tránh, xói mòn ở trên các sa mạc, hoang mạc rừng chống cát bay ra những vùng đất khác làm cho sa mạc, hoang mạc bị thu hẹp dần và hầu như không còn được mở rộng.
Rừng còn mang lại nhiều giá trị kinh tế cao. Những cây trong rừng như đinh, lim, sếu, táu… là nguồn cung cấp gỗ lớn phục vụ cho nhu cầu vật chất của con người bao gồm các đồ dùng như bàn ghế, tủ, nhà, cửa… Không những thế rừng còn là nơi cung cấp nhiều loại cây thuốc quý chữa rất nhiều căn bệnh. Rừng cũng là nơi trú ngụ, là ngôi nhà chung thân thương của biết bao loài chim thú: cú, sẻ, hổ, báo, sư tử. Hệ thực vật, động vật phong phú là cơ sở để rừng còn phát triển ngành du lịch sinh thái. Rất nhiều các quốc gia đã thành công với quy mô này.
Rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống mỗi người nhưng hiện nay tình trạng rừng xuống cấp, cháy rừng, đốt rừng làm nương rẫy, phá rừng đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Chính những hành động này đã dẫn đến việc rừng bị suy thoái. Có thể rất nhiều người không lường trước được hậu quả nặng nề khi phá rừng bừa bãi như vậy. Ngoài ra hiện tượng trái đất đang ngày càng nóng lên, băng tan ra, cát tặc xâm lấn đã gây ra bao nhiêu bất an cho con người. Nếu như ý thức của người dân về bảo vệ rừng không được nâng cao thì chắc chắn sẽ còn nhiều thiệt hại lớn hơn nữa. Vào mùa khô, tình trạng cháy rừng diễn ra tràn lan khiến cho tài nguyên gỗ bị mất đi rất nhiều, dẫn đến hiện tượng xói mòn đất, phủ xanh đồi trọc đang dần bị mất đi. Bởi vậy ý thức của mỗi người về bảo vệ rừng cần thiết phải được nâng cao. Đó cũng chính là trách nhiệm của chúng ta, để bảo vệ chính chúng ta.
Như vậy, bảo vệ rừng, xây dựng và phát rừng hiện nay đang là một bài toán cấp bách cho các cơ quan chức năng cũng như của người dân đang rất nan giải. Mỗi người cần thiết phải xây dựng cho mình ý thức bảo vệ rừng, cũng như là đang bảo vệ chính cuộc sống của mình. Tôi và các bạn, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng nhé.
E. Hoạt động tìm tòi mở rộng.
1. Cùng với người thân của em quan sát và trò chuyện về một trong số các hình ảnh sau. Ghi lại suy nghĩ của em về hình ảnh được quan sát.
2. Sưu tầm và phân tích một số tình huống thực tế hoặc giả định cho thấy việc sử dụng câu chủ động hoặc câu bị động thể hiện khá nghệ thuật giao tiếp của mỗi người.
1. Qua những hình ảnh trên ta nhận thấy được giản dị là đức tính nổi bật ở Bác Hồ: giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và bài viết. Ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp.
2. Sưu tầm:
- Người ta đã hạ cánh màn điều treo ở bàn thờ ông vải xuống từ hôm “hóa vàng”
- Cánh màn điều treo ở bàn thờ ông vải đã được hạ xuống từ hôm “hóa vàng”.
- Cánh màn điều treo ở bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm “hóa vàng”.
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ VNEN. Tài liệu ngữ văn lớp 7 được biên soạn theo chương trình VNEN bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, sẽ giúp các em học sinh hiểu bài theo nhiều cách, từ đó giúp các em học tốt Ngữ văn 7 hơn.
Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác như: Ngữ văn lớp 7, Soạn bài lớp 7, Học tốt Ngữ Văn 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn và các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 cũng được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.