Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Cảnh khuya VNEN

VnDoc giới thiệu tài liệu Soạn văn 7 VNEN bài Cảnh khuya. Đây là tài liệu được biên soạn theo chương trình VNEN Ngữ văn 7 với các hướng dẫn giải chi tiết cho các bài tập trong sách VNEN Ngữ văn 7, sẽ giúp học sinh hiểu và tiếp thu bài nhanh chóng và dễ dàng hơn.

A, Hoạt động khởi động

1. Hãy kể tên một số tác phẩm của Hồ Chí Minh mà em đã được học

2. Qua những tác phẩm đó em hãy trình bày hiểu biết của em về Bác Hồ

Bài làm:

1. Một số tác phẩm của Hồ Chí mInh mà em đã được học: Ngắm trăng, không đề (sách giá khoa tiếng việt 4)

2. Hiểu biết của em về Bác Hồ:

  • Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ 20, một chiến sĩ cộng sản quốc tế và là một lãnh tụ vĩ đại. Bác còn là người yêu quê hương, đất nước, hết lòng vì đất nước quê hương mà quên đi thân mình. Bác còn gắn bó với thiên nhiên
  • Thơ của thường phóng khoáng, viêt tùy theo tâm trạng của mình, lời thơ giản dị nhưng sâu lắng. Mỗi bài thơ có một ẩn ý nhất đinh

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản sau: Cảnh khuya

2. Tìm hiểu văn bản

a. Dựa vào đoạn văn dưới đây, em hãy giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Cảnh Khuya bằng hai câu.

Bài làm:

Hồ Chí Minh là vì lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam, là một danh nhân văn hóa thế giới và là một nhà thơ lớn. Cảnh khuya là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt hay được Bác viết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

b. Bài thơ Cảnh Khuya được viết theo thể thơ nào? Em hãy chỉ ra đặc điểm về số tiếng (chữ) trong mỗi câu thơ, số câu thơ của bài, cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ cảm xúc bao trùm của bài thơ là gì?

Bài làm:

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt đường luật

Đặc điểm:

  • Mỗi bài có 4 dòng, mỗi dòng 7 chữ.
  • Hiệp vần ở chữ cuối cùng của các dòng 1,2,4, ngắt nhịp ở câu 1, nhịp 3/4.

Cảm xúc bao trùm toàn bài thơ: tình cảm với thiên nhiên, tình yêu đối với đất nước và phong thái ung dung tự tại của Bác Hồ.

c. Đọc hai câu đầu của bài thơ và thực hiện các yêu cầu sau:

  1. Hãy tưởng tượng và miêu tả bức trang thiên nhiên (không gian, thời gian, âm thanh, cảnh vật, màu sắc,....) trong 2 câu thơ trên.
  2. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong 2 câu thơ đầu? Phân tích hiệu quả của phép tu từ đó
  3. Câu thơ thứ 2 có gì đặc biệt về từ ngữ và đã gợi ra vẻ đẹp của cảnh trăng rừng như thế nào?
  4. Từ vẻ đẹp của cảnh trăng rừng em nghĩ gì về tình cảm của tác giả đối với thiên nhiên?
Bài làm:

1. Hai câu đầu của bài thơ thiên về tả cảnh - cảnh ở đây rất đẹp vừa có suối, có trăng, có hoa chốn non xanh nước biếc hữu tình.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

  • Mở đầu bằng âm thanh của tiếng suối: tiếng suối trong rừng xa xa vọng lại như tiếng hát của người con gái trong trẻo ngân vang. Âm thanh tiếng suối được nhà thơ so sánh như tiếng hát xa. Cảnh được bắt đầu từ âm thanh của suối tiếng suối êm dịu từ xa vọng lại mơ hồ hư thực vừa thể hiện sự. Bức tranh thiên nhiên giống như một bức tranh động chứ không phải bức tranh tĩnh.
  • Ở đây ta nhận thấy sự thay đổi của tiêu chuẩn cái đẹp, trước kia thiên nhiên làm chuẩn mực để nói về vẻ đẹp của con người còn trong thơ bác con người làm chuẩn mực để chỉ cái đẹp của thiên nhiên.
  • Tiếng suối róc rách êm tai trong trẻo như tiếng một cô gái đang hát. Dường như ta cũng cảm nhận được sự chuyển động của suối.
  • Ánh trăng đêm khuya tạo thành những bóng hoa trên mặt đất.
  • Điệp từ “lồng” nhấn mạnh vào sự xuyên tỏa của ánh sáng trăng khuya.

-> Hai câu thơ vẻ lên một cảnh đêm khuya nơi chiến khu Việt Bắc trong một đêm trăng vô cùng thanh bình êm ả, có âm thanh nhẹ nhàng, có ánh sáng huyền ảo vàng nhẹ nhàng. Nó không chỉ có màu sắc vàng yên ả mà nó còn có âm thành của tiếng suối chảy róc rách trong trẻo như tiếng người em gái. Nói chung thiên nhiên vô cùng bình yên êm đềm.

2. Biện pháp nghệ thuật so sánh tiếng suối trong với tiếng hát ca. => Tác dụng: gợi lên sự thanh bình êm ái nhẹ nhàng của tiếng suối, đưa tiếng suối gần gũi với con người hơn, có sức sống trẻ trung hơn và bắt nhiệp vào không khí đầy lạc quan của cuộc sống ở núi rừng chiến khu.

3. Câu thơ thứ 2 đặc biệt ở: Điệp từ “lồng” được nhắc lại 2 lần nhằm nhấn mạnh vào vẻ đẹp của trăng in trên mặt đất.

  • Lồng (1): ánh trăng soi vào bóng cây cô thụ lồng vào tán cây.
  • Lồng (2): bóng tán cây được trăng chiếu vào in hình xuống mặt đất thành những bông hoa tuyệt đẹp.

==> Hai câu thơ vẻ lên một cảnh đêm khuya nơi chiến khu Việt Bắc trong một đêm trăng vô cùng thanh bình êm ả, có âm thanh nhẹ nhàng, có ánh sáng huyền ảo vàng nhẹ nhàng. Nó gợi lên sự bình yên của cuộc sống.

4. Từ vẻ đẹp của cảnh trăng rừng là tình cảm yêu thiên nhiên của tác giả xen lẫn trong mỗi câu từ. Phải là người yêu thiên nhiên thì Bác mới có cái nhìn, sự cảm nhận về thiên nhiên, vạn vật một cách chi tiết sống động như vậy

d. Đọc 2 câu cuối của bài thơ và trả lời câu hỏi:

  1. Hai câu thơ này đã cho thấy vẻ đẹp và chiều sâu tâm hồn của tác giả như thế nào?
  2. Tại sao nói điệp ngữ chưa ngủ đặt ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư như là một bản lề mở ra hai phía của tâm trạng trong cùng một con người?
Bài làm:

1. Câu thơ mở ra hai thế giới tâm trạng của nhân vật, hai khía cạnh của một tâm hồn tác giả:

  • Chưa ngủ vì cảnh khuya quá đẹp, say mê tận hưởng vẻ đẹp chứa cùng tri âm tuyệt vời của cảnh đến độ không ngủ được - > tâm hồn nghệ sĩ.
  • Chưa ngủ vì thao thức lo lắng vì vận mệnh của đất nước - > tâm hồn chiến sĩ – đây mới là ý chính của câu thơ.

2. Tác dụng sự lặp lại của điệp từ: "chưa ngủ":

  • Thể hiện sự hòa hợp giữa con người và cảnh vật - > cảnh càng khuya càng làm nỗi rõ con người; con người càng thức khuya càng thấy sự hữu tình của cảnh.
  • Chưa ngủ là vì chưa muốn ngủ - thế chủ động - > dành thời gian để ngắm cảnh, để lo việc nước, chứ không phải là vì không ngủ được - > sự sâu sắc của tâm trạng và tình cảm

=> Điệp ngữ “chưa ngủ” đặt lặp lại ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư là một bản lề mở ra hai phía của tâm trạng trong một con người Hồ Chí Minh.

e. Từ hoàn cảnh sáng tác bài Cảnh khuya, em hiểu gì về con người Hồ Chí Minh

Bài làm:

Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn của đất nước, vận mệnh dân tộc đang nghìn cân treo sợi tóc, nhưng hai bài thơ vẫn thể hiện được phong thái ung dung, tình thần lạc quan, tâm hồn chan hòa thiên nhiên, say đắm thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời ẩn trong mỗi câu thơ tả cảnh ngụ tình ấy là nỗi niềm lo lắng, canh cánh trong lòng suy nghĩ cho nhân dân, vận mệnh nước nhà của Bác

g. Bài thơ có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình?

Bài làm:

Nghệ thuật:

  • Vận dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.
  • Biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, điệp từ.
  • Vẻ đẹp đêm trăng vừa cổ điển mang nét đẹp hiện đại.
  • Ngôn từ giản dị, trong sáng toát lên tình yêu thiên nhiên, yêu nước và sự lạc quan, yêu đời của Bác.
  • Đặc biệt là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, vừa trực tiếp dãi bày tình cảm, tâm trạng của Bác vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ. Thể hiện tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước sâu nặng, tinh thần trách nhiệm lớn lao đối với dân, với nước.

3. Tìm hiểu về từ đồng âm

a. Giải thích nghĩa của mỗi từ lồng trong các câu sau:

(1) Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

(2) Mua được con chim, bạn tôi nhốt ngay vào lồng.

(3) Con ngựa đang đứng bỗng lồng lên.

b. Nghĩa của các từ lồng trên có liên quan gì đến nhau không?

c. Căn cứ vào đâu mà em phân biệt được nghĩa của các từ lồng trong ba câu trên?

d. các từ lồng trong ba câu trên được coi là những từ đồng âm. Theo em thế nào là từ đồng âm?

Bài làm:

a. Giải thích nghĩa của:

  • Lồng (1):
    • Lồng (Trăng lồng cổ thụ ): ánh trăng soi vào bóng cây cô thụ lồng vào tán cây.
    • Lồng(lồng hoa) bóng tán cây được trăng chiếu vào in hình xuống mặt đất thành những bông hoa tuyệt đẹp.
  • Lồng (2): Chỉ đồ vật đan thưa bằng tre, nứa, nhựa, sắt để nhốt chim hoặc gà, vịt, cá. Đồ đan bằng tre, nứa hoặc vật liệu khác, dùng để nhốt chim, gà,...
  • Lồng (3): Chỉ hoạt động cất vó lên cao với một sức mạnh đột ngột rất khó kìm giữ. Ý muốn nói ngựa, trâu vùng lên hoặc chạy xông xáo

b. Nghĩa của các từ lồng trên có không liên quan gì đến nhau, chúng còn khác nhau về mặt từ loại.

c, Chúng ta phân biệt được ý nghĩa của từ lồng ở hai câu trên là dựa vào mối quan hệ với các từ khác ở trong câu, nghĩa là dựa vào ngữ cảnh giao tiếp.

d. Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì với nhau.

4. Tìm hiểu về các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm

a. Tìm các yếu tố tự sự và miêu tả trong bài thơ Cảnh khuya và nêu ý nghĩa của chúng đối với bài thơ.

b. Hãy chỉ ra các yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả và cảm nghĩ của tác giả trong đoạn trích sau. Nếu không có các yếu tố tự sự và miêu tả thì tình cảm của tác giả có thể bộc lộ được không? Vì sao?

Những ngón chân của bố khum khum, lúc nào cũng như bám vào đất để khỏi trơn ngã. Người ta nói "đấy là bàn chân vất vả". Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ, bao giờ cũng khuyết một miếng, không đầy đặn như gan bàn chân người khác. Mu bàn chân mốc trắng, bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm. Đêm nào bố cũng ngâm nước nóng hoà muối, gãi lấy gãi để rồi xỏ vào đôi guốc mộc. Khi ngủ bố rên, rên vì đau mình, nhưng cũng rên vì nhức chân. Rượu tê thấp không tài nào xoa bóp khỏi.

Bố đi chân đất. Bố đi ngang dọc đông tây đâu đâu con không hiểu. Con chỉ thấy ngày nào bố cũng ngâm chân xuống nước, xuống bùn để câu quăng. Bố tất bật đi từ khi sương còn đẫm ngọn cây ngọn cỏ. Khi bố về cũng là lúc cây cỏ đẫm sương đêm. Cái thúng câu bao lần chà đi xát lại bằng sắn thuyền. Cái ống câu nhẵn mòn, cái cần câu bóng dấu tay cầm... Con chỉ biết cái hòm đồ nghề cắt tóc sực mùi dầu máy tra tông-đơ, cái ghế xép bao lần thay vải, nó theo bố đi xa lắm

Bố ơi! Bố chữa làm sao được lành lặn đôi chân ấy: đôi bàn chân dầm sương dãi nắng đã thành bệnh.

(Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)

c) Hãy nêu mục đích sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả trong bài văn biểu cảm?

Bài làm:

a. Các yếu tố trong bài cảnh khuya:

  • Tự sự: kể về việc ngắm cảnh đêm trăng và về việc Bác chưa ngủ.
  • Miêu tả: miêu tả tiếng suối, trăng, cảnh núi rừng Việt Bắc.

=> Ý nghĩa: làm nổi bật tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước.

b. Các yếu tố trong đoạn trích:

  • Yếu tố tự sự: kế về việc bố ngâm chân, rên mình đau nhức việc bố đi giăng câu.
  • Yếu tố miêu tả tập trung tả bàn chân của bố: màu, ngón, gan, mu của bàn chân, thúng câu, ống câu của bố, hòm đồ nghề cắt tóc...
  • Cảm nghĩ: Bằng niềm thương cảm sâu sắc của con đối với cha do vậy khi hồi tưởng về người cha tác giả chỉ nhớ đến đôi bàn chân dãi dầu mưa nắng mà không nhớ đến những chi tiết khác.

=> Nếu không có yếu tố tự sự và miêu tả thì yếu tố biểu cảm khó thực hiện được và hạn chế sự xúc động.Các yếu tố này giúp cho tác giả thể hiện cảm xúc của mình một cách rõ nét hơn, làm cho bài văn thêm đặc sắc hơn.

c. Mục đích:

  • Gợi ra đối tượng biểu cảm và gửi gắm cảm xúc.
  • Tự sự, miêu tả nhằm khơi gợi cảm xúc, do cảm xúc chi phối chứ không nhằm mục đích kể lại, tả lại sự việc, phong cảnh.

C. Hoạt động luyện tập

1. Chỉ ra tác dụng của biện pháp nghệ thuật so sánh trong các câu Tiếng suối trong như tiếng hát xa bằng việc liên hệ so sánh với câu thơ sau:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

(Nguyễn Trãi, Bài ca Côn Sơn)

Bài làm:
  • Trong bài cảnh khuya tác giả so sánh tiếng suối trong với tiếng hát ca.
  • Trong câu thơ trên, tác giả so sánh tiếng đàn với tiếng hát ca.

=> Cách so sánh trong bài cảnh khuya làm cho tiếng suối gần gũi với con người hơn, có sức sống trẻ trung bắt nhịp vào không khí đầy lạc quan của cuộc kháng chiến ở núi rừng Việt Bắc

2. Phân tích bức tranh thiên nhiên và bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh trong bài thơ cảnh khuya

Bài làm:

Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng thiên tài của dân tộc nhưng đồng thời, Người cũng là một nhà thơ sánh vai cùng những thi nhân của Đông Tây kim cổ. Trong những năm tháng chiến đấu chống Pháp gian khổ của dân tộc, bên cạnh những chủ trương, chiến lược đánh đuổi giặc tài tình, Người còn có những vần thơ khiến lòng người rung động. “Cảnh khuya” là một thi phẩm trong số ấy:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Bài thơ ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đang hồi gay go, quyết liệt: năm 1947. Trên chiến khu Việt Bắc, sau những giờ phút mỏi mệt, trong cảnh đêm của núi rừng, Người bồi hồi xúc động trước cảnh đêm khuya êm ái. Bài thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên và bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh trong những tháng ngày tù đầy gian khổ.

Bức tranh thiên nhiên được hiện lên vô cùng rõ nét vè chân thực trong những câu thơ đầu cảu bài thơ:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Câu thơ đầu mở đầu bài thơ bởi lối so sánh kì lạ: Tiếng suối vốn được cảm nhận bằng thính giác nhưng nghe tiếng suối. Người cảm nhận được độ “trong” của dòng chảy. Dòng suối ấy hẳn rất ngọt lành, trong mát, đó hẳn cũng là thứ quà riêng mà thiên nhiên núi rừng ban tặng riêng cho những người chiến sĩ trên đường hành quân xa xôi mệt mỏi. Chẳng những vậy, tiếng suối trong nhưng là “trong như tiếng hát xa”. “Tiếng hát xa” là thứ âm thanh rất đặc biệt. Đó phải là tiếng hát rất cao để có sức lan toả mạnh mẽ, để từ xa con người vẫn có thể cảm nhận được. Đó cũng là tiếng hát vang lên trong thời khắc yên lặng bởi nếu không, nó sẽ bị lẫn vào biết bao âm thanh phức tạp của sự sống, liệu từ xa, con người còn có thể cảm nhận được? Điều thú vị trong câu thơ của Bác Hồ là một âm thanh của tự nhiên được so sánh với tiếng hát của con người. Cảnh đêm khuya hẳn trong trẻo, tĩnh lặng đến nhường nào Người mới có thế lắng nghe được tiếng suối long lanh ấy. Điều này không khó hiểu bởi không gian núi rừng thường được bao phủ bởi nhịều âm thanh phong phú: tiếng chim kêu, tiếng gió thổi, tiếng cây rừng xao xác tiếng muông thú gọi bầy... Trong bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc”, Bác đã từng viết:

“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày”.

Vậy thì có lẽ, đây là chút yên ả hiếm hoi của thiên nhiên núi rừng vào thời khắc đêm khuya. Thiên nhiên yên tĩnh nhưng cũng là tâm hồn con người yên tĩnh, thanh thản hoà mình vào vẻ đẹp của tự nhiên. Thiên nhiên vào giây phút ấy thật hữu tình biết mấy

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Hai từ "lồng" cùng nằm trong một câu thơ tạo những ấn tượng rất đặc biệt. "Lồng" là động từ chỉ việc các vật nằm vào trong một cách thật khớp để tạo thành một chỉnh thể. Câu thơ hữu tình như một bức tranh duyên: ánh trăng mênh mông toả sáng bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây cổ thụ lại dịu dàng phủ mình lên những nhành hoa. Bác dùng từ "lồng" rất "đắt", nó trở thành "nhãn tự" cho câu thơ. Chỉ với một từ ấy, cảnh vật như đang giao hoà, nương dựa vào nhau một cách duyên dáng, đáng yêu. Đôi mắt người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh thật hữu tình, bác ái.

Nếu như đến với hai câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ thì xen lồng vào bức tranh đó lại chính là bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh ở hai câu cuối:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Cảnh khuya trong trẻo, tĩnh lặng càng làm nổi bật hình ảnh Bác Hồ thao thức không yên trong đêm vắng. Người hoà mình vào thiên nhiên để cất tiếng thơ ngợi ca thiên nhiên núi rừng song đó chỉ là giây phút phiêu du vào mây gió còn tâm hồn người thực sự đang gửi gắm ở một chân trời khác: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Câu thơ vang lên như một sự bừng tỉnh cho người đọc. Ta cứ ngỡ Bác đang thảnh thơi thưởng cảnh chơi trăng nhưng kì thực tấm lòng người vẫn đau đáu cho nỗi niềm non nước. Bác "chưa ngủ" vì một lẽ rất Hồ Chí Minh: “vì lo nỗi nước nhà”. Nói vậy bởi Bác đã có nhiều đêm không ngủ, nhiều đêm trở trăn vì cuộc kháng chiến của dân tộc:

“Một canh, hai canh, lại ba canh

Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng lành

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.

Vậy là, dù có tạm để lòng mình hướng đến cảnh vật xung quanh (một lời hỏi thăm người bạn muôn đời của thi nhân kim cổ) tâm hồn Bác vẫn luôn dành trọn tâm tình cho non sông, dân tộc.

Bài thơ khép lại với bao dư âm mênh mang lan toả. Đã hơn một lần chúng ta xúc động trước tấm lòng cao cả, bác ái của Bác Hồ nhưng mỗi lần đọc lại “Cảnh khuya” ta lại bồi hồi với những tâm tình của một người mà cả cuộc đời chưa bao giờ nghỉ ngơi, chưa bao giờ an mình trong giấc ngủ.

3. Hãy đặt câu với mỗi từ bác có các nghĩa sau đây:

  • bác 1 anh chị của cha hay mẹ của mình
  • bác 2 gạt bỏ quan điểm, ý kiến của người khác bằng lí lẽ của mình
  • bác 3 làm chín thức ăn mặn bằng cách đung nhỏ lửa và quấy cho đến khi sền sệt
Bài làm:
  • Bác 1: Sinh nhật năm nay của tôi đúng dịp bác tôi về thăm, tôi được bác tặng một chú gấu rất đẹp
  • Bác 2: Trong giờ thảo luận nhóm, nhiều ý kiến được đưa ra nhưng đều bị bác bỏ.
  • Bác 3: Bữa trưa hôm nay, mẹ tôi bác trứng cho cả nhà ăn

4. Tìm từ đồng âm với từ canh và từ vì sao trong đoạn thơ sau và đặt câu với từ vừa tìm được

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh

Bài làm:
  • Đồng âm với từ canh Canh giờ, bát canh, canh thịt,...
  • Đồng âm với từ sao: Sao biển, sao trời, ông sao, sao hỏa,...

5. Trong câu chuyện sau đây, có mấy từ là? Hãy giải thích nghĩa của mỗi từ là?

Ông chủ hiệu chuyên giặt là quần áo treo biển: " Giặt là hấp". Một người qua đường bình luận: " giặt là tốt chứ sao lại là hấp?". Chủ tiệm nghe thấy liền phân bua:

- Ông này hay thật! Là là là chứ không phải là là

Bài làm:

Trong bài từ là xuất hiện 9 lần như sau:

Ông chủ hiệu chuyên giặt là(1) quần áo treo biển: " Giặt là(2) hấp". Một người qua đường bình luận: " giặt (3) tốt chứ sao lại là hấp?". Chủ tiệm nghe thấy liền phân bua:

- Ông này hay thật! Là(4) là(5) là(7) chứ không phải là(8) là(9)

Nghĩa của mỗi từ:

  • là 1,2,5,7: là hành động dùng bàn ủi làm nóng đưa đi đưa lại trên một bề mặt để làm phẳng
  • là 3,4,8: là động từ đặc biệt biểu thị quan hệ giữa phần nêu đối tượng cùng với phần chỉ ra nội dung nhận thức hay giải thích
  • là 6,9 là trợ từ làm đệm cho lời nói có sắc thái tự nhiên hoặc sắc thái nhận định chủ quan của người nói

D. Hoạt động vận dụng

1. Phân tích vai trò của yếu tố tự sự và miêu tả trong đoạn thơ sau:

Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi rừng núi trông theo bóng Người...

Bài làm:

Phân tích vai trò của yếu tố tự sự và miêu tả:

Thông qua các yếu tố tự sự và miêu tả, đoạn thơ là nỗi nhớ thương của những người dân Việt Bắc, tình yêu của họ đối với Bác-vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở lại thủ đô Hà Nội sau hơn ba ngàn ngày khói lửa.

Mở đầu đoạn thơ, chữ "nhớ" là cảm xúc chủ đạo, thấm sâu trong lòng người, tỏa rộng trong không gian, thời gian, và đã in đậm trên từng vần thơ của Tố Hữu. Người đã về xuôi nhưng "ta" vẫn nhớ không nguôi. Nhớ cặp mắt "sáng ngời" của Bác, nhớ màu "áo nâu" dân dã Người vẫn mặc, nhớ chiếc "túi vải" mà. Người vẫn mang theo bên mình khi đi công tác, khi đi chiến dịch:

"Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời!

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!".

Các hoán dụ nghệ thuật (mắt, áo nâu, túi vải) tượng trưng cho sự thông minh, tài trí, đời sống giản dị của Bác Hồ kính yêu. Các chữ: "sáng ngời", "đẹp tươi lạ thường!" đã gợi lên cái thần thái và cốt cách lão thực của Ông Cụ, một con người xuất chúng đã kết tinh những tinh hoa văn hóa cổ kim đông tây. Bức truyền thần Hồ Chí Minh như được vẽ bằng màu sắc và ánh sáng tuyệt đẹp. Tố Hữu đã nhiều lần nói về chiếc áo nâu của lãnh tụ. Một đời sống giản dị đáng yêu vô cùng. Bốn câu thơ tiếp theo thể hiện một nét đẹp, một phẩm chất cao quý của lãnh tụ, đó là phong thái ung dung tự tại của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại mang cốt cách nhà hiền triết phương Đông:

"Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi rừng núi trông theo bóng Người"...

Bức chân dung Ông Cụ được vẽ bằng những nét vẽ động và sự phối sắc thần tình. Lãnh tụ xuất hiện trên yên ngựa, "trên đường suối reo" với phong thái ung dung, với tư thế đĩnh đạc "bước lên đèo". Cái nền của bức tranh rất đẹp. Có màu trắng nhạt của "tinh sương". Có màu lóng lánh trong xanh của "suối reo". Có màu rất đất đỏ của con "đèo". Và có màu xanh của rừng núi Việt Bắc. Điệp ngữ "nhớ" là tâm trạng nghệ thuật đồng hiện trong một không gian nghệ thuật đầy màu sắc và âm thanh (suối reo). Núi rừng được nhân hóa nói lên thật cảm động tình lưu luyến của đồng bào Việt Bắc đối với Bác Hồ kính yêu: "Người đi rừng núi trông theo bóng Người".

Đoạn thơ trên đây là bức tranh lụa truyền thần tuyệt tác về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cách kể, miêu tả chân thực, thông qua chính những suy nghĩ, kỉ niệm lưu trong trí nhớ của những người dân mà hình ảnh Bác trở nên giản dị, ung dung tự tại. Điệp ngữ "nhớ" được kết hợp với các từ ngữ biểu cảm khác như: "không nguôi nhớ Người", "trông theo bóng Người" đã diễn tả một cách chân thật cảm động mối quan hệ thân thiết tốt đẹp giữa lãnh tụ với nhân dân, giữa Bác Hồ với đồng bào Việt Bắc. Ngòi bút Tố Hữu rất giàu có khi nói về lãnh tụ: Bác, Người, Ông Cụ, một cách nói vừa thành kính trang trọng, vừa dân dã đã bình dị.

2. Việt bài tập làm văn số 3- Văn biểu cảm (làm tại lớp)

Đề bài: Cảm nghĩ về người thân

Bài làm:

Cảm nghĩ về bạn em:

Cuộc đời con người là sự hài hòa của nhiều thứ tình cảm, nhiều mối quan hệ khác nhau. Ai rồi cũng sẽ đi qua một thời hoa phượng đỏ mà ở đó luôn có một mối quan hệ để mãi mãi khắc ghi. Người ta gọi mối quan hệ ấy bằng hai từ rất đẹp là tình bạn.

Cuộc đời rộng lớn mênh mông, người người qua qua lại lại. Trong số những người ấy, sẽ có người dừng chân, cùng bạn tạo nên tình bạn. Ai cũng có ít nhất một người bạn, bạn cùng giới hoặc khác giới, cùng tuổi hoặc khác tuổi. Bạn cùng lớn lên bên nhau hay bạn quen nhau từ ngày đi học. Bạn bè vốn là người ban đầu không có chút quan hệ với ta, gặp nhau rồi tiếp xúc, hiểu và thân thiết nhau.

Tình bạn đúng nghĩa không xuất phát từ một phía. Tình bạn là thứ tình cảm đặc biệt được xây đắp bằng sự thông cảm, thấu hiểu và sẻ chia giữa con người với con người. Tình bạn đẹp khi có sự chân thành, trong sáng, tin tưởng và cùng nhau. Một người bạn thật sự là người sẵn sàng sát cánh bên bạn cùng chia sẻ niềm vui lẫn nỗi buồn, giúp nhau vượt qua hoạn nạn khó khăn. Họ cho bạn bờ vai để dựa mỗi lúc yếu lòng, dang rộng vòng tay bao dung và truyền đi sức mạnh, ủng hộ ước mơ, khích lệ ta và thẳng thắn nhắc nhở khi ta phạm sai lầm. Bạn còn là tấm gương sáng để học tập, để noi theo.

Tình bạn mang trong mình những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Tìm được một người bạn tri âm tri kỉ trong cuộc sống không hề dễ dàng. Những con người xa lạ, khác nhau muốn trở thành bạn, tạo nên tình bạn cẩn có thời gian tiếp xúc và thấu hiểu. Mỗi cá nhân mang một tính cách khác nhau, dù có điểm tương đồng nhưng sự khác biệt vẫn sẽ tồn tại. Sự thấu hiểu sẽ gắn kết tình bạn. Có thấu hiểu người ta mới cảm thông và chia sẻ với nhau. Bạn bè phải chân thành đối xử với nhau, chấp nhận nhau. Đặc biệt, tình bạn sẽ không thể tiếp tục nếu xuất hiện nghi ngờ. Niềm tin là chất keo bền chặt nhất giữ vừng tình bạn, khi tin tưởng nhau, những người bạn sẽ gắn bó với nhau hơn. Tình bạn như vậy cũng đẹp hơn rất nhiều.

Tình bạn là hương vị không thể thiếu trong cuộc sống. Trong những năm tháng của cuộc đời, đặc biệt là thời gian cắp sách đến trường, tình bạn chính là một trong những mối quan hệ đáng quý nhất. Tuổi học trò, tuổi trẻ thiếu đi tình bạn sẽ không được gọi là tuổi học trò, tuổi trẻ thật sự nữa. Bạn bè có duyên mới gặp nhau, sát cánh bên nhau và tạo nên những hồi ức đẹp. Một mối quan hệ vô hình nhưng đôi khi lại truyền cho con người sức mạnh to lớn. Những du học sinh, những sinh viên xa nhà gặp được những người bạn mới vợi bớt đi nỗi cô đơn, sự bỡ ngỡ khi xa gia đình, xa quê hương. Tình bạn diệu kỳ như thế.

Nhưng cuộc sống phức tạp, trong phút chốc không dễ dàng hiểu rõ bản chất con người. Bạn cũng có nhiều kiểu, bên cạnh sự chân thành xuất phát từ trái tim cũng có sự mưu tính vụ lợi, vì mục đích này hay mục đích khác. Khi lựa chọn bạn cho mình, ta nên sáng suốt, minh bạch. Chọn một người bạn tốt là may mắn, chọn nhầm một người bạn lại có thể ân hận suốt đời. Để có được một người bạn tốt, bản thân cũng phải là một người bạn như thế bởi lẽ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” – Tố Hữu.

Tình bạn là một món quà đặc biệt, mang ý nghĩa thiêng liêng và cao quý của cuộc đời. Cuộc sống có tình bạn mới thật sự ý nghĩa. Hãy trân trọng và chân thành vun đắp mảnh đất ấy, để một mai cây trên đất đơm hoa kết trái, ta thu về những quả ngọt yêu thương.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

1. Sưu tầm một số bài thơ của Hồ Chí Mịn và có hình ảnh trăng. Em hãy ghi lại cảm nhận của mình về một hình ảnh trăng trong thơ Hồ Chí Minh mà em thích nhất.

Bài làm:

Sưu tầm:

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

(Nhật kí trong tù)

Nhận xét về ánh trăng:

Trong thơ Bác trăng luôn luôn được trìu mến: trăng là ánh sáng, là trong trắng, là mát mẻ, là thái bình, là hạnh phúc mơ ước của con người và niềm an ủi và cũng là tượng trưng cho tình chung thủy, lòng trung thành với hứa hẹn”. Đêm nay trong bốn bức tường giam tối tăm, lạnh lẽo, lại xuất hiện một vầng trăng, vầng trăng đẹp làm cho Người thật sự xúc động xao xuyến. Bản dịch chưa lột được hết, được đúng ý thơ, (Đổi thử lương tiêu nại nhược hà). Mấy chữ Khó hững hờ làm giảm đi phần tha thiết gắn bó, không thấy trong khung cảnh đêm trăng đẹp. Người đang bộc lộ niềm vui và xúc động lạ thường. Phải tìm đến với vầng trăng để chiêm ngưỡng, phải tận hưởng những phút giây mà tạo vật đã tặng thưởng cho con người. Không có rượu và hoa nhưng khung cảnh đón trăng thật giản dị và hấp dẫn. vầng trăng đẹp nhởn nhơ tự do trên bầu trời. Trăng là biểu tượng cho cái đẹp, cho ánh sáng đối lập với cảnh tù đày tối tăm, Trăng cũng là biểu tượng của tự do, vầng trăng nhởn nhơ ngoài khung trời đối lập với cảnh giam hãm của người tù. Nữ văn sĩ Bungari Blaga Đimitrôva đã nhận xét tinh tế rằng trong bài thơ Ngắm trăng, tác giả đã biểu thị khát vọng tự do. Tâm hồn của nhà thơ như vượt khỏi bốn bức tường chật hẹp và hòa với cái đẹp của đêm trăng.

.....................................

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn tài liệu Soạn bài Cảnh khuya VNEN. Tài liệu được biên soạn theo chương trình VNEN Ngữ văn 7, hy vọng sẽ giúp các em học sinh tiếp thu bài nhanh và có sự hứng thú đối với môn học, từ đó học tốt Ngữ văn 7 hơn.

Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác như: Ngữ văn lớp 7, Soạn bài lớp 7, Học tốt Ngữ Văn 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn và các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 cũng được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Ngữ văn 7 VNEN

    Xem thêm