VD: Bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh:
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
=> Cảm nhận: bài thơ Ngắm trăng của Bác tuy giản dị nhưng hàm súc. Bác làm thơ này khi đang ở trong tù. Trong hoàn cảnh ngục tù khó khăn như thế, Người vẫn tỏ rõ tình yêu thiên nhiên và phong thái ung dung, lạc quan của mình.
B. Hoạt động hình thành kiến thức
1. Đọc văn bản sau: Rằm tháng giêng
2. Tìm hiểu văn bản.
a. Hãy chỉ ra các đặc điểm về số tiếng (chữ) trong mỗi câu thơ, số câu của bài, cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ (bằng phiên âm)
b. Đọc hai câu thơ đầu và cho biết:
- (1) Cảnh thiên nhiên được miêu tả trong thời gian, không gian nào?
- (2) Việc lặp từ "xuân'' ở câu thơ thứ hai đã gợi ra vẻ đẹp của không gian đêm rằm tháng giêng như thế nào?
- (3) Cảm xúc cùa tác giả được gợi lên từ cảnh xuân ở hai câu thơ như thế nào?
c) Đọc hai câu thơ cuối và cho biết:
- Câu thơ thứ ba đã cho biết điều gì vể công việc của những người kháng chiến?
- Hình ảnh nào được gợi lên trong câu thơ cuối? Nêu nhận xét về mối quan hệ giữa cảnh và người ở câu thơ này
d. Bài thơ cho ta hiểu gì về tình yêu thiên nhiên và tình cảm cách mạng của nhà thơ?
e. Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ được thể hiện bằng những nghệ thuật đặc sắc nào?
a. Bài thơ rằm tháng giêng làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt.
Đặc điểm:
- Số chữ: Mỗi dòng thơ có 7 chữ (thất ngôn)
- Số dòng: Mỗi bài có 4 dòng thơ (tứ tuyệt)
- Hiệp vần: Chữ cuối cùng của các dòng 1 – 2 – 4.
- Ngắt nhịp: Rằm tháng giêng: Toàn bài 4/3.(viên – thiên – thuyền.)
b. Hai câu thơ đầu:
- (1) Cảnh thiên nhiên được miêu tả trong:
- Thời gian: vào buổi tối lúc trăng tròn nhất
- Không gian: Không gian được miêu tả trong bài Rằm tháng riêng là một không gian rộng lớn của trời mây sông nước. Bầu trời, mặt nước, dòng sông như nối liền, trải rộng bởi sắc xuân bát ngát
- (2) Từ "xuân" được lặp lại ba lần như ùn ùn trỗi dậy một sức xuân, sắc xuân. => Thanh điệu hài hoà (với năm thanh ngang) tạo nên cảm giác trong trẻo, thảnh thơi thi vị.
- (3) Hai câu thơ vẽ lên một cảnh Vật mùa xuân tràn đầy sức sống, đang vận động trỗi dậy, không phải mùa xuân yên lặng. Tâm hồn Bác chan hoà với cảnh Sắc đất trời, sông nước mùa xuân với một tình yêu tha thiết, nồng nàn
c. Hai câu thơ cuối:
- (1) Câu thơ thứ ba đã cho biết vể công việc của những người kháng chiến chính là bàn mưu tính kế việc quân
- (2) Hai câu thơ cuối của bài thơ là cái tình say đắm của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Có thể nói một trong những lí do khiến "người chưa ngủ" ấy chính là vì cảnh thiên nhiên quá đẹp. Người vì say đắm trước vẻ đẹp thiên nhiên mà không nỡ ngủ. Song hai câu thơ cuối còn khắc hoạ một phương diện khác của Hồ Chí Minh. Bác "chưa ngủ" không chỉ bởi thiên nhiên quá đẹp và quá ư quyến rũ mà còn bởi "Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà". Cụm từ "chưa ngủ" được nhắc lại hai lần gắn với nỗi băn khoăn về vận nước, điều đó đủ cho thấy tấm lòng thiết tha vì dân vì nước của Bác Hồ.
d. Bài thơ thể hiện một phong thái ung dung, tự tin và lạc quan của Bác. Đó là sự gắn bó tuyệt vời giữa tình yêu thiên nhiên và tình yêu nước, tâm hồn nghệ sĩ và bản chất chiến sĩ của Bác
e. Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ được thể hiện bằng những nghệ thuật đặc sắc:
- Bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ngôn ngữ thơ hàm súc, giàu hình ảnh.
- Bài thơ kết hợp hài hoà giữa biểu cảm và miêu tả, giữa những thi liệu cổ và không khí của thời đại đó là cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
3. Tìm hiểu về thành ngữ:
a. Đọc câu ca dao sau và thực hiện yêu cầu ở dưới:
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
(1) Có thể thêm, thay hay bớt một vài từ trong cụm từ lên gác xuống ghềnh được hay không?
(2) Hãy cho biết nghĩa của cụm từ đó
(1) Không thể thay một vài từ trong cụm từ bằng những từ khác, không thể thêm xen một vài từ khác vào cụm từ cũng không thể thay đổi vị trí của các từ trong cụm từ vì cụm từ có cấu tạo cố định, các từ liên kết thành một khối hoàn chỉnh, khi thay đổi nó sẽ trở lên cọc cằn và không hoàn chỉnh.
(2) Ý nghĩa:
- Về nghĩa đen: thác là nơi nước chảy vượt qua vách đá; ghềnh là nơi có đá lởm chởm, nước chảy xiết. Như vậy thác và ghềnh đều chỉ nơi có địa hình không bằng phăng rất khó khăn cho người đi lại.
- Cụm từ lên thác xuống ghềnh có nghĩa là chỉ hành động ngược chiều nhau và thể hiện sự vượt qua khó khăn vất vả, chỉ cuộc đời của những con người gặp nhiều gian lao, vất vả.
b. Đọc nội dung trong bảng và thực hiện yêu cầu ở dưới:
Xác định vai trò của ngữ pháp của thành ngữ trong các câu sau:
(1)
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
(Hồ Xuân Hương)
(2) Anh đã nghĩ thương em như thế thì hay là anh đào giúp cho em một cái nghách sang nhà anh, phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào đến bắt nạt thì em chạy sang...
(Tô Hoài)
- (1) Bảy nổi ba chìm: làm vai trò vị ngữ của câu
- (2) Tắt lửa tối đèn: làm bổ ngữ cho động từ "phòng".
4. Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học:
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:
(Văn bản trang 77 sách vnen ngữ văn 7 tập 1)
a. Tác giả đã thể hiện cảm xúc của mình qua những tưởng tượng, liên tưởng, hồi tưởng, suy ngẫm về các chi tiết của nó. Hãy chỉ ra các yếu tố đó trong bài văn.
b. Tác giả đã triển khai các ý trong bài văn trên như thế nào?
a.Những yếu tố tưởng tượng, liên tưởng:
Có một thứ âm thanh từ xa vẳng lại nghe sâu lắng lạ thường, nó trong trẻo như một tiếng hát ru: tiếng suối!
- Thứ ánh sáng dát vàng lung linh lọt qua tán cổ thụ tạo nên những khoảng sáng tôi đan xen làm nền cho một bức tranh sống động. Dưới tán cổ thụ, không phải chỉ có những khoảng sáng tối, nơi ấy còn có những khóm hoa.
- Trăng, cổ thụ và hoa, ba tầng ko hian nhưng ko tách biệt mà hòa quyện nhau hư hư thực thực làm ngây ngất con mắt thi nhân.
- Có một người đang ngồi ngắm bức tranh, nhưng người ấy không ở ngoài bức tranh. Người ấy chính là một phần của bức tranh.
- Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ấy là phần thu nhỏ của đất nước mến yêu.
Những yếu tố suy ngẫm:
- Non sông hoa lệ thế nhưng còn chưa độc lập. Dân tộc còn đg lao khổ bởi ngoại xâm. Chiến tranh còn đg đe dọa cuộc sống của đồng bào.
- Nếu ko phải là tầm nhìn của một vị lãnh tụ, không phải là tình cảm của một vĩ nhân, dễ gì có đc cảm quan bao quát và thi hứng tinh tế đến nhường ấy.
b. Cách triển khai ý:
Mở bài: Trích dẫn đoạn thơ cần nêu cảm nghĩ
Thân bài:
- Cảm xúc, suy nghĩ của người viết về thời gian, không gian và âm thanh của tiếng suối
- Cảm nhận về vẻ đẹp trữ tình của trăng, cây, hoa
- Cảm nhận về tấm lòng vì dân vì nước của người thi sĩ - chiến sĩ của cách mạng
Kết bài: Ấn tượng chung về nghệ thuật, nội dung của tác giả
C. Hoạt động luyện tập
1. Hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng đều miêu tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc. Em hãy nhận xét cảnh trăng ở mỗi bài có nét đẹp riêng như thế nào?
Nhận xét:
- Trăng là người bạn tri kỉ của Bác trong mọi hoàn cảnh, dù trong cảnh vật nào trăng vẫn hiện lên với vẻ đẹp dịu hiền, lung linh
- Cảnh khuya là là ánh trăng đã được nhân hoá, cảnh trăng ngàn gió núi, trăng giữa rừng khuya, một cảnh trăng lung linh huyền ảo quấn quýt hòa quyện. Tiếng suối trong đêm trong trẻo như tiếng ai đang ngân nga hát càng làm cho trăng khuya thêm mơ mộng.
- Rằm tháng giêng là cảnh trăng trên dòng sông, một khung cảnh bao la bát ngát tràn đầy sức xuân. Nhưng điểm đặc biệt nhất phải nói đến đó là sự chan hoà của ánh trăng như tràn đầy cả con thuyền nhỏ.
2. Tìm và giải thích các thành ngữ trong những câu, đoạn văn sau đây
a. Đến ngày lễ Tiên Vương, các lang mang sơn hào hải vị, nem công chả phượng tới, chẳng thiếu thứ gì.
(Bánh chưng, bánh giầy)
b. Một hôm, có người hàng rượu tên là Lí Thông đi qua đó. Thấy Thạch Sanh gánh về một gánh củi lớn, hắn nghĩ bụng: "Người này khoẻ như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu". Lí Thông lân la gợi chuyện, rồi gạ cùng Thạch Sanh kết nghĩa anh em. Sớm mồ côi cha mẹ, tứ cố vô thân, nay có người săn sóc đến mình, Thạch Sanh cảm động, vui vẻ nhận lời.
(Thạch Sanh)
c.
Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
a. Các thành ngữ: sơn hào hải vị, nem công chả phượng.
Nghĩa của các thành ngữ này để chỉ những món ăn quý hiếm trên núi, vị ngon quý hiếm ở biển được lựa chọn để dâng tiến.
b. Các thành ngữ: khoẻ như voi, tứ cố vô thân.
Nghĩa của thành ngữ:
- Khỏe như voi: con vật to khỏe, chỉ người có sức mạnh phi thường.
- Tứ cố vô thân: Tứ: bốn; cố: quay đầu nhìn lại; vô: không; thân: người thân, bà con họ hàng; đơn độc
=> thành ngữ có nghĩa chỉ những người không họ hàng thân thích, không nơi nương tựa
c. Thành ngữ: da mồi tóc sương.
Có nghĩa là da đồi mồi có nổi những chấm đen, xanh, nhất là ở hai bàn tay và mặt; tóc sương là tóc bạc trắng
=> Con người thay đổi nhan sắc hình dáng, thời gian khiến con người trở nên tàn tạ già nua.
3. Điền thêm yếu tố để thành ngữ được trọn vẹn.
- Lời... tiếng nói
- Một nắng hai...
- Ngày lành tháng...
- No cơm ấm...
- Bách... bách thắng
- Sinh... lập nghiệp
- Lời ăn tiếng nói
- Một nắng hai sương
- Ngày lành tháng tốt
- No cơm ấm áo
- Bách chiến bách thắng
- Sinh cơ lập nghiệp
D. Hoạt động vận dụng
1. Kể vắn tắt các truyện ngụ ngôn tương ứng để thấy rõ nguồn gốc của các thành ngữ sau:
- Con Rồng cháu tiên
- Ếch ngồi đáy giếng
- Thầy bói xem voi
Tóm tắt Con Rồng cháu Tiên
Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên kể về miền đất Lạc Việt có một vị thần thuộc nòi Rồng, tên là Lạc Long Quân. Trong một lần lên cạn giúp dân diệt trừ yêu quái, Lạc Long Quân đã gặp và kết duyên cùng nàng Âu Cơ vốn thuộc dòng họ Thần Nông, sống ở vùng núi cao phương Bắc. Sau đó Âu Cơ có mang và đẻ ra cái bọc một trăm trứng; nở ra một trăm người con.
Vì Lạc Long Quân không quen sống trên cạn nên hai người đã chia nhau mỗi người mang năm mươi người con, người lên rừng, kẻ xuống biển. Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn lên làm vua, xưng là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Khi vua cha chết thì truyền ngôi cho con trưởng, từ đó về sau cứ cha truyền con nối đến mười tám đời, đều lấy hiệu là Hùng Vương.
Tóm tắt Ếch ngồi đáy giếng
Vì sống lâu trong một cái giếng nhỏ hẹp nên ếch cứ tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng cái vung, còn nó thì oai như một vị chúa tể. Một năm nọ, trời mưa to, nước giếng tràn bờ, đưa ếch ra ngoài. Quen thói cũ, nó nhâng nháo đưa mắt nhìn lên bầu trời, chẳng thèm để ý gì đến xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua giẫm bẹp.
Tóm tắt Thầy bói xem voi
Năm ông thầy bói rủ nhau chung tiền biếu người quản voi để xem con voi có hình thù thế nào. Mỗi ông xem một bộ phận, cuối cùng cãi nhau, không ông nào chịu ông nào: ông xem vòi bảo voi sun sun như con đỉa; ông xem ngà bảo voi giống cái đòn càn; ông xem tai bảo nó giống cái quạt thóc; ông xem chân bảo voi sừng sững như cái cột đình; ông cuối cùng xem đuôi, bảo voi tun tủn như cái chổi sể cùn. Cãi nhau vì không thể phân thắng bại, năm ông đánh nhau toác đầu, chảy máu.
2. Lập dàn ý cho bài phát biểu cảm tưởng về một trong các bài thơ: Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, Rằm tháng giêng, Rằm tháng giêng
Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và cảm nghĩ khái quát của bản thân về tác phẩm Rằm tháng giêng.
Thân bài:
- So sánh cảm hứng trong bài thơ Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) của Lí Bạch với bài Rằm tháng giêng (Hồi hương ngẫu thư) của Hạ Tri Trương
- Tĩnh dạ tứ là cảm xúc của một người con xa quê nhớ về quê nhà khi nhìn ngắm ánh trăng trong đêm khuya thanh tĩnh
- Hồi hương ngẫu thư là sự xót xa, cay đắng của người con khi đứng ngay trên mảnh đất của quê hương mình mà lại bị xem như một người "khách" - một kẻ hoàn toàn xa lạ.
- Sự thay đổi của người con xa quê sau 50 năm dốc sức gây dựng sự nghiệp: thành tiến sĩ, làm quan và sống tại kinh đô Trường An, được vua, thái tử và quan lại trong triều yêu quý, kính trọng; mọi thứ thay đổi, chỉ duy nhất tấm lòng và giọng quê của ông là không thay đổi.
- Câu hỏi hồn nhiên của đứa trẻ khiến cho con người ấy vừa buồn cười, vừa đau lòng: Tấm lòng thủy chung, ân nghĩa với quê hương lại bị phủ nhận bởi chính câu hỏi hồn nhiên kia khiến cho tác giả thấy hụt hẫng, buồn rầu.
Kết bài: Khẳng định lại cảm xúc của bản thân về bài thơ
E. Hoạt động tìm tòi mở rộng
1. Sưu tầm 10 thành ngữ chưa được giới thiệu trong các bài đã học và giải nghĩa các thành ngữ ấy
- Ăn vụng không biết chùi mép: Chỉ kẻ làm việc xấu nhưng không thể giấu giếm.
- Mèo mả gà đồng: chỉ những kẻ có thói trăng hoa, lăng nhăng, đã có vợ (chồng ) rồi mà còn lén lút trai gái, hay nói những kẻ ko đứng đắn.
- Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ: Biểu thị việc làm vừa phải, phù hợp với khả năng và sức lực của mình.
- Mèo mù vớ cá rán: Sự may mắn bất ngờ ngoài khả năng.
- Nước đổ lá khoai: những lời nói, lời dạy bảo, khuyên can, góp ý đối với một ai đó đều không có tác dụng gì với họ, vì họ không tiếp thu được, chỉ hoài công vô ích.
- Gậy ông đập lưng ông: ví trường hợp mưu mô, thủ đoạn của mình nhằm làm hại người khác, lại gây hại cho chính mình.
- Ruột nóng như cào: Rất sốt ruột, bồn chồn không yên lòng.
- Nhắm mắt làm ngơ: Cố tình lảng tránh, làm ra vẻ không hay biết gì về sự việc đang diễn ra
- Nước mắt cá sấu: chỉ những hạng người giả dối trong xã hội. Một mặt hại người, hại bạn, một mặt thì nói lời tử tế hiền lành. Một mặt thì làm điều xằng bậy, một mặt nói lời giả nhân, giả nghĩa.
- Lòng lang dạ thú: ví tâm địa độc ác, mất hết tính người (tựa như lòng dạ của thú dữ)
.....................................
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn tài liệu Soạn bài Rằm tháng giêng VNEN. Tài liệu được biên soạn theo chương trình VNEN Ngữ văn 7, hy vọng sẽ giúp các em học sinh tiếp thu bài nhanh và có sự hứng thú đối với môn học, từ đó học tốt Ngữ văn 7 hơn.
Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác như: Ngữ văn lớp 7, Soạn bài lớp 7, Học tốt Ngữ Văn 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn và các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 cũng được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.