Dân ta có một truyền thống yêu nước nồng nàn. Suốt bốn nghìn năm lịch sử dựng nước cứu nước nhân dân ta đã chống trọi với rất nhiều kẻ thù. Dưới sự áp bức đô hộ của lũ bè giặc bán nước và cướp nước, nhân dân ta đã đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược giành lấy độc lập tự do, giành lấy chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Những con người đứng lên chống giặc ngoại xâm trong những câu chuyện được kể lại như sự tích Thánh Gióng, cuộc khởi nghĩa bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo,... hay ói đâu xa cuộc kháng chiến trường tồn của dân tộc là hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mĩ, nhân ta đã kiên cường bất khuất. Những đêm ngày dân ta kéo pháo, những chiếc xe ngày đêm băng băng ra mặt trận tiếp trợ cho hàng vạn con người yêu nước nguyện hi sinh tính mạng để đánh đuổi kẻ thù. Máu, nước mắt, mồ hôi hòa quyện cùng tinh thần kiên cường bất khuất ấy đã làm nên một Việt Nam anh dũng, một Việt Nam sắc đỏ sao vàng tràn đầy tinh thần yêu nước bất diệt.
B. Hoạt động hình thành kiến thức.
1. Đọc hiểu văn bản: " Tinh thần yêu nước của nhân dân ta"
2. Tìm hiểu văn bản.
a) Đọc đoạn văn sau và thực hiện nhiệm vụ giao ở dưới.
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Xác định câu chủ đề của đoạn văn và cho biết văn bản trên nghị luận về vấn đề gì?
b) Tìm bố cục của bài văn và lập dàn ý theo trình tự lập luận trong bài. Sử dụng sơ đồ để thể hiện dàn ý của bài văn.
c) Để chứng minh cho vấn đề nghị luận, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào và sắp xếp chúng theo trình tự như thế nào?
d) Trong bài văn, tinh thần yêu nước được so sánh, liên hệ với những hình ảnh nào? Tác dụng của việc sử dụng những hình ảnh ấy là gì?
e) Đọc lại đoạn văn từ "Đồng bào ta ngày nay" đến "nơi lòng nồng nàn yêu nước" và trả lời các câu hỏi sau:
- (1) Xác định câu mở đoạn và câu kết đoạn của đoạn văn.
- (2) Các dẫn chứng trong đoạn văn được sắp xếp theo cách nào?
- (3) Các sự việc và con người được liên kết theo mô hình: "từ ... đến ..." có mối quan hệ với nhau như thế nào?
g) Nhận xét về nghệ thuật nghị luận của văn bản ở các phương diện sau: \
- Xây dựng bố cục;
- Cách chọn lọc và trình tự đưa dẫn chứng;
- Cách sử dụng hình ảnh so sánh.
a. Chủ đề: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước
Nghị luận về tình yêu nước của nhân dân ta.
b. Bố cục:
- Đoạn 1: "Dân ta ... lũ cướp nước": Tinh thần yêu nước và truyền thống quý báu của dân tộc ta trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
- Đoạn 2: "Lịch sử... yêu nước": Chứng minh cho tình yêu nước của nhân dân ta trong lịch sử và cả trong hiện đại.
- Đoạn 3: Còn lại: Nhiệm vụ của đảng là phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc
Lập dàn ý trình tự lập luận:
Mờ bài: Giới thiệu về truyền thống quý báu của dân tộc ta, đó là tinh thần yêu nước.
Thân bài: Tác giả chứng minh tinh thần yêu nước qua các thời kì:
- Lịch sử kháng chiến qua các thời đại: (tiêu biểu là Bà Trưng, Bà Triệu...), chúng ta phải ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng ấy.
- Tinh thần yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước (từ các cụ già đến các cháu nhi đồng, từ các kiều bào đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiến, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi...) ==> tất cả đều giống nhau bởi cùng có lòng yêu nước nồng nàn.
Kết bài: Tác giả nêu lên bổn phận của mọi người là phải làm cho tinh thần yêu nước được thế hiện bằng các việc làm thiết thực (như giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo) đề tất cả mọi người thực hành yêu nước, góp phần vào công cuộc kháng chiến.
c.Những luận điểm được đưa ra:
- Tinh thần yêu nước trong lịch sử các triều đại.
- Tinh thần yêu nước trong kháng chiến chống Pháp.
=> Các dẫn chứng trên được đưa ra theo trình tự thời gian (quá khứ – hiện tại), không gian (miền ngược – miền xuôi, trong nước – nước ngoài), …
d. Hình ảnh so sánh được tác giả sử dụng:
- Tinh thần yêu nước kết thành (như) một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn …
- Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý.
=>Tác dụng: Giúp sự hình dung được sức mạnh, giá trị của lòng yêu nước được rõ ràng, cụ thể. Mở ra trách nhiệm cần phát huy sức mạnh lòng yêu nước còn tiềm ẩn.
e. (1)
- Câu mở đầu: Đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước.
- Câu kết đoạn: Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.
(2) Cách sắp xếp dẫn chứng: theo mô hình “từ … đến” và theo trình tự: tuổi tác, khu vực, tiền tuyến, hậu phương, tầng lớp, giai cấp, …
(3) Các sự việc và con người được sắp xếp theo mô hình “từ…đến” có mối quan hệ hợp lí trên các bình diện khác nhau nhưng bao quát toàn thể nhân dân Việt Nam.
g. Nghệ thuật nghị luận của bài có những điểm nổi bật:
- Bố cục chặt chẽ.
- Dẫn chứng chọn lọc, trình bày hợp lí, giàu sức thuyết phục.
- Cách diễn đạt trong sáng, hình ảnh so sánh độc đáo.
3. Mối quan hệ giữa bố cục và lập luận
a) Đọc lại bài Tinh Thần yêu nước của nhân dân ta, xem sơ đồ dưới đây theo hàng ngang, hàng dọc và nhận xét về bố cục và cách lập luận, tức phương pháp xây dựng luận điểm trong bài.
(Gợi ý: Bài có mấy phần? Mỗi phần gồm mấy đoạn? Mỗi đoạn gồm những luận điểm nào? Hàng ngang (1) lập luận theo quan hệ nhân – quả, hàng ngang (3) lập luận theo quan hệ tổng – phân – hợp, hàng ngang (4) là suy luận tương đồng, hàng dọc (1) là suy luận tương đồng theo dòng thời gian.)
b. Nhận xét về bố cục và phương pháp lập luận trong văn bản nghị luận (Mỗi văn bản nghị luận có mấy phần, mỗi phần có yêu cầu gì? Để nghị luận người viết cần sử dụng những phương pháp nghị luận nào)
Bố cục 3 phần:
1. Mở bài: (đặt vấn đề)
- Câu 1: nêu vấn đề nghị luận 1 cách trực tiếp
- Câu 2: khẳng định giá trị của vấn đề
- Câu 3: so sánh mở rộng và xác định phạm vi giới hạn,biểu hiện của vấn đề
2.Thân bài: (giải quyết vấn đề): Cm tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
Trong lịch sử (gồm 3 câu ):
- Câu 1: Giới thiệu khái quát và chuyển ý
- Câu 2: Liệt kê dẫn chứng
- Câu 3: xác định thái độ trách nhiệm của chúng ta
Trong hiện tại (gồm 5 câu):
- Câu 1: Giới thiệu khái quát và chuyển ý
- Câu 2; 3; 4: Liệt kê dẫn chứng
- Câu 5: Nhận định đánh giá vấn đề
3.Kết bài: (kết thúc vấn đề)
- Câu 1: So sánh giá trị của tinh thần yêu nước
- Câu 2; 3: 2 biểu hiện khác nhau của lòng yêu nước
- Câu 4; 5: Xác định bổn phận trách nhiệm của chúng ta
b. ⇒ Sơ đồ bố cục
A. Đặt vấn đề: Nếu vấn đề nghị luận
B. Giải quyết vấn đề
- Luận điểm 1: lý lẽ,dẫn chứng
- Luận điểm 2; lý lẽ dẫn chứng
C. Kết thúc vấn đề: Đánh giá khái quát,khẳng định thái độ,quan điểm người viết
Phương pháp lập luận:
- Hàng ngang 1; 2: quan hệ nhân quả
- Hàng ngang 3: quan hệ tổng phân hợp
- Hàng ngang 4: quan hệ suy luận tương đồng
- Hàng dọc 1; 2: quan hệ suy luận tương đồng theo thời gian
- Hàng dọc 3: quan hệ nhân quả so sánh suy luận.
C. Hoạt động luyện tập
1. Luyện tập về phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận
a) Đọc gợi ý sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới.
Lập luận là đưa ra luận cứ nhằm dẫn dắt người nghe (người đọc ) đến một kết luận hay chấp nhận một kết luận, mà kết luận đó là một tư tưởng (quan điểm, ý định ) của người nói (người viết )
(1) Xác định luận cứ, kết luận trong các câu sau đây:
- Hôm nay trời mưa, chúng ta không đi chơi công viên nữa
- Em thích đọc sách, vì qua sách em học được rất nhiều điều.
- Trời nóng quá, đi ăn kem đi.
(2) Xác định mối quan hệ giữa luận cứ và kết luận trong các câu ở mục (1).
(3) Vị trí của luận cứ và kết luận trong các câu ở mục (1)
(1)
Luận cứ | Kết luận |
Hôm nay trời mưa | chúng ta không đi chơi công viên nữa |
Em thích đọc sách vì qua sách em học được rất nhiều điều. | Em thích đọc sách |
Trời nóng quá | đi ăn kem đi. |
(2) Mối quan hệ giữa luận cứ và kết luận vô cùng chặt chẽ hay nói cách khác luận cứ chính là nguyên nhân để đưa đến kết luận.
(3) Vị trí của luận cứ và luận điểm có thể thay đổi được cho nhau. ví dụ:
Chúng ta không đi chơi công viên nữa, (vì) hôm nay trời mưa.
b. So sánh kết luận của các lập luận trong những câu ở mục a) với các kết luận dưới đây và nhận xét về đặc điểm của luận điểm trong bản nghị luận.
- Chống nạn thất học.
- Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
- Sách là người bạn lớn của con người.
(Gợi ý: Do luận điểm có vai trò quan trọng nên phương pháp lập luận trong văn nghị luận phải khoa học chặt chẽ. Nó phải trả lời các câu hỏi: Vì sao mà nêu ra luận điểm đó? Luận điểm đó có những nội dung gì, có cơ sở thực tế không, có tác dụng gì? Muốn trả lời câu hỏi đó thì phải lựa chọn luận cứ thích hợp, sắp xếp chặt chẽ)
Đặc điểm cơ bản của luận điểm:
- Ngắn gọn
- Có tính khái quát cao.
- Có ý nghĩa phổ biến đối với xã hội.
- Phương pháp luận mang tính xã hội chặt chẽ.
c. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu ra ở dưới: Học cơ bản mới có thể trở thành tài lớn.
- (1) Văn bản nêu nên tư tưởng gì? Tư tưởng đấy thể hiện ở những luận điểm nào? Tìm những câu mang luận điểm?
- (2) Văn bản có bố cục mấy phần? Hãy cho bt cách lập luận đc sử dụng trong bài?
1) Tư tưởng được nêu: Vai trò cơ bản của việc học đối với một nhân tài.
Luận điểm chính: học cơ bản mới có thể trở thành tài lớn nói khác đi để trở thành người tài giỏi cần học từ những điều đơn giản, cơ bản nhất.
Những câu mang luận điểm:
- Ở đời có nhiều người đi học nhưng ít ai biết học cho thành tài
- Tác giả nêu truyện Lê-ô-na đơ Vanh-xi học về trứng (đã mượn câu chuyện về ông họa sĩ thiên tài làm thành luận cứ thuyết phục cho tư tưởng cơ bản mới có thể hình thành tài lớn)
- Chỉ ai chịu khó luyện tập trong động tác cơ bản thật tốt thật tình thì mới có tiền đồ.
(2) Bố cục gồm 3 phần
Mở bài: câu đầu “Ở đời…cho thành tài”.
Thân bài: “Danh họa….Phục hưng”
- Câu chuyện: đóng vai trò minh họa cho luận điểm chính
- Phép lập luận: suy luận nhân quả
Kết bài: phần còn lại
=> Cách lập luận: Phép lập luận: suy luận cụ thể - khái quát kết hợp suy luận nhân quả: nhân là cách học – quả là thành công.
2. Bổ sung luận cứ cho các kết luận sau:
a) Em rất yêu trường em...
b) Nói dối rất có hại...
c)...Nghĩ một lát nghe nhạc thôi.
d)...Trẻ em cần biết nghe lời cha mẹ.
e)...em rất thích đi tham quan.
a) Em rất yêu trường em vì ở trường em học được rất nhiều điều thú vị
b) Nói dối rất có hại bởi từ đó mọi người sẽ không mình nữa
c) Mệt quá, nghỉ một lát nghe nhạc thôi.
d) Vì chưa hiểu mọi chuyện nên trẻ em cần biết nghe lời cha mẹ.
e) Em đã đi rất nhiều vùng đất nên em rất thích đi tham quan
3. Viết tiếp kết luận cho luận cứ sau:
a. Ngồi mãi ở nhà chán lắm...
b, Ngày mai đã đi thi rồi mà còn bài vở nhiều quá.....
c, Một số bạn nói năng thật khó nghe.....
d, Các bạn đã lớn rồi...
e, Cậu này ham đá bóng thật ...
a. Ngồi mãi ở nhà chán lắm, ra ngoài chơi thôi.
b, Ngày mai đã đi thi rồi mà còn bài vở nhiều quá, nhất định phải học cho xong mới được
c,Một số bạn nói năng thật khó nghe khiến người khác vô cùng khó chịu
d,Các bạn đã lớn rồi nên tự giác đi thôi
e,Cậu này ham đá bóng thật sau này chắc sẽ trở thành một cầu thủ giỏi
D. Hoạt động vận dụng.
1. Giới thiệu về quốc kì quốc ca Việt Nam.
Ai trong chúng ta cũng đã từng được hát Quốc ca dưới lá cờ đỏ sao vàng và với mỗi người dân Việt Nam, chào cờ và hát Quốc ca là nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào và trách nhiệm với Tổ quốc. Trong một ngày lễ đặc biệt, ngày độc lập, tự do của mỗi người dân Việt, giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị thời đại của Quốc ca, Quốc kỳ vẫn luôn tỏa sáng, thể hiện khát vọng, niềm tin yêu hòa bình, hướng tới tương lai của dân tộc Việt Nam.Lắng đọng trong tim mỗi người, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay cùng nhịp quân hành hùng tráng đã thắp lên tình cảm thiêng liêng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong tim mỗi người Việt Nam. 70 năm qua, âm vang của bài Tiến quân ca, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng vẫn đang và mãi là sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: "Khi trông thấy lá cờ đỏ sao vàng, Việt Nam muôn người như một, phải nói là có một cái cảm tưởng hết sức thiêng liêng và đấy chính là sự hội tụ sức mạnh của dân tộc". Thiếu tướng Vũ Quang Đạo - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết: "Chính lá cờ đỏ sao vàng và bài Tiến quân ca ấy, nội dung của nó, giai điệu của nó, màu sắc của nó đã phản ánh toàn thể ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta và có lẽ vì vậy suốt 70 năm qua, lá cờ đỏ sao vàng và Tiến quân ca đã trở thành ngọn cờ, trở thành lời ca thúc giục quân và dân ta giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến và cho đến hiện nay, trong bảo vệ xây dựng Tổ quốc ". Dù ở đâu, là địa đầu Tổ quốc hay giữa ngàn khơi sóng gió, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay giữa bầu trời xanh thẳm. Chúng ta, mỗi người con đất Việt hát chung một câu hát, hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng- đó là niềm tự hào dân tộc, niềm tin yêu Tổ quốc.
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta VNEN. Cách soạn bài theo chương trình VNEN sẽ giúp các em học sinh hiểu bài theo nhiều cách khác nhau, từ đó giúp các em không chỉ tiếp thu bài nhanh mà còn có sự hứng thú đối với môn học.
Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác như: Ngữ văn lớp 7, Soạn bài lớp 7, Học tốt Ngữ Văn 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn và các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 cũng được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.