Sự khác nhau giữa chuyển đổi vị trí công tác với luân chuyển cán bộ
VnDoc mời các bạn cùng theo dõi nội dung bài viết Phân biệt về luân chuyển cán bộ và chuyển đổi vị trí công tác. Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý có những điểm khác nhau chủ yếu như sau.
Sự khác nhau giữa chuyển đổi vị trí công tác với luân chuyển cán bộ
1. Thứ nhất, về mục đích
- Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn. Việc luân chuyển cán bộ được thực hiện theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (gọi tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TW) nêu rõ: "Đây là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị"; Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo (gọi tắt là Kết luận số 24-KL/TW) đánh giá: "Kết quả luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương trong hai nhiệm kỳ Đại hội IX và X đã góp phần đào tạo được nhiều cán bộ" và "Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn, sát thực tế hơn"; Khoản 1, Điều 36 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định: "Việc luân chuyển công chức chỉ thực hiện đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và trong quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn".
- Chuyển đổi vị trí công tác đối CBCCVC được thực hiện theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, theo đó tại Khoản 1, Điều 43 quy định: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền quản lý có trách nhiệm thực hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng"; Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC, theo đó tại Điều 1 quy định: "các vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng".
2. Thứ hai, về đối tượng áp dụng
- Đối tượng luân chuyển là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghị quyết số 11-NQ/TW quy định: "Nói chung chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết)".
- Còn chuyển đổi vị trí công tác áp dụng đối với CBCCVC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Đối tượng luân chuyển là những cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt, nhưng đối tượng chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, Nghị quyết số 11-NQ/TW đề ra nguyên tắc: "Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương, đơn vị khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển"; còn theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP chưa thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong những trường hợp sau: "CBCCVC đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra hoặc có liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra; đang điều trị bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế, đi học dài hạn hoặc được cử đi biệt phái; nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi".
3. Thứ ba, về thời gian
- Thời gian luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung từ 03 năm trở lên. Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác được quy định tại Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 là 02 năm (đủ 24 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Nghị định số 158/2007/NĐ-CP có quy định 21 lĩnh vực, ngành, nghề phải chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
4. Thứ tư, về cách thức thực hiện
- Luân chuyển cán bộ là công việc của Đảng, do các cấp uỷ Đảng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Việc luân chuyển thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch hàng năm. Khoản 5, Điều 13 Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định: "Thủ trưởng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quyết định cụ thể từng trường hợp luân chuyển thuộc thẩm quyền quản lý". Bên cạnh việc luân chuyển cán bộ theo quy hoạch, kế hoạch; Thủ trưởng và tập thể lãnh đạo cơ quan, tự thảo luận, thống nhất điều động, luân chuyển cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ công tác, tăng cường bổ sung cán bộ cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu.
- Chuyển đổi vị trí công tác thực hiện theo danh mục các vị trí công tác, thời hạn định kỳ và kế hoạch chuyển đổi chuyển đổi được quy định của từng cơ quan, đơn vị. Chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện; đảm bảo công khai các quy định và kế hoạch thực hiện (Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 158/2007/NĐ-CP).
Trong quá trình thực hiện việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), cần phân biệt một số nội dung như trên.