Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn năm 2022 - Đề 10
Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 11 Đề 10 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 11 trong quá trình ôn thi học kì 2 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.
Ngữ văn 11 - Đề thi học kì 2
Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:
- Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
- Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì môn Ngữ văn lớp 11.
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 11.
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.
Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 11
I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
(1) Có thể lâu nay chúng ta vẫn nghĩ về từ "hạnh phúc" như một từ sáo rỗng, bởi không thể xác định được một cách cụ thể nó bao hàm điều gì. Là thành đạt, giàu có? Là được tôn vinh? Là được hưởng thụ bất kỳ điều gì ta muốn? Là chia sẻ và được chia sẻ? Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?
(2) Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề "riêng tư" và "cá nhân". Nhưng không phải vậy. Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Còn nếu bạn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.
(3) Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương. Mỗi người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trong một mối liên kết chặt chẽ. Một nguyên tử bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy.
(Trích Đơn giản chỉ là hạnh phúc, Sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn..., Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, năm 2016, trang 40-41)
Câu 1 (0,5đ): Vấn đề chính được trình bày trong đoạn trích trên là gì?
Câu 2 (1,0đ): Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (1)?
Câu 3 (0,5đ): Xác định các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn thứ (3).
Câu 4 (1,0đ): Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?
II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm): Nghị luận xã hội bày tỏ suy nghĩ về cách "thể hiện mình" của giới trẻ hiện nay.
Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận của em về niềm vui lớn, lẽ sống lớn và tình cảm của Tố Hữu qua bài Từ ấy.
Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Ngữ văn năm 2022
Đáp án Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ):
Vấn đề được trình bày trong đoạn trích: Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân, riêng tư mà còn ảnh hưởng, tác động đến nhiều người khác, từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè tới cả những người xa lạ.
Câu 2 (1,0đ):
Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (1): Câu hỏi tu từ (học sinh chỉ ra 6 câu hỏi tu từ). Lặp cấu trúc cú pháp (cấu trúc Là + một tiêu chí, biểu hiện của hạnh phúc? lặp lại 6 lần).
Tác dụng: Mỗi câu hỏi nêu ra, khẳng định một điều đem lại hạnh phúc cho con người. Biện pháp lặp cấu trúc khẳng định có rất nhiều điều khác nhau đem lại hạnh phúc. Qua đó, tác giả khắc họa nỗi băn khoăn trong suy nghĩ của mỗi người và ngầm bày tỏ suy nghĩ của bản thân: quan niệm nào về hạnh phúc được nhắc đến cũng đúng, nhưng tách riêng từng tiêu chí là chưa đủ, mà phải kết hợp hài hòa tất cả mới đem lại hạnh phúc trọn vẹn của mỗi cá nhân và cho mọi người.
Câu 3 (0,5đ):
Các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn (3): bình luận và so sánh.
Câu 4 (1,0đ):
Đây là câu hỏi mở, cho phép học sinh tự chọn lựa thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân.
Thông điệp được gợi ra từ đoạn trích, có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp đối với nhận thức, quan niệm, lối sống của thí sinh nói riêng và mỗi người nói chung. Lí giải lí do lựa chọn và ý nghĩa của thông điệp một cách ngắn gọn, thuyết phục.
II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm):
Dàn ý Nghị luận xã hội bày tỏ suy nghĩ về cách "thể hiện mình" của giới trẻ hiện nay
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: cách thể hiện mình của giới trẻ.
2. Thân bài
a. Giải thích
Thể hiện mình: việc mỗi cá nhân biểu hiện ra bên ngoài năng lực, tầm hiểu biết của bản thân. Ngoài ra, thể hiện mình còn được hiểu là việc mỗi người phóng đại, làm quá lên những gì bản thân mình biết để được người khác chú ý, nể phục.
b. Phân tích
Nhiều bạn thể hiện sự hiếu thắng bằng những hành động thể hiện mình quá mức theo chiều hướng tiêu cực như: hút thuốc lá, nói tục, chửi bậy,... Cho rằng mình hơn người khiến người khác phải dè sợ mình mới thỏa mãn.
Có nhiều bạn học sinh có nhận thức tốt, thể hiện mình bằng cách ra sức học tập, trau dồi bản thân để trở thành một công dân có ích cho xã hội, trở thành một người thành công, cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho quê hương.
Thể hiện mình là cách mỗi người bộc lộ tư duy, hành động của bản thân, chúng ta trước hết cần có suy nghĩ đúng đắn, hướng đến lí tưởng, chân lí cao đẹp và hoàn thiện bản thân mình theo chiều hướng tích cực nhất.
c. Mở rộng
Là một người học sinh, chúng ta hãy thể hiện mình theo hướng tích cực để trở thành một công dân tốt và góp phần lan tỏa những thông điệp tốt đẹp ra ngoài cộng đồng, tẩy chay những hành động, việc làm tiêu cực trong trường học.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: cách thể hiện mình của giới trẻ, đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Câu 2 (5,0 điểm):
Dàn ý Cảm nhận của em về niềm vui lớn, lẽ sống lớn và tình cảm của Tố Hữu qua bài Từ ấy
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Tố Hữu, bài thơ Từ Ấy và lý tưởng sống được thể hiện qua bài thơ.
2. Thân bài
a. Khổ thơ đầu
“Từ ấy” là một từ để chỉ thời gian, là mốc son đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và trong cả tâm hồn của nhà thơ.
Ẩn dụ “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “chói qua tim”: sự xuất hiện của lí tưởng Đảng, của cách mạng đã soi sáng cho tâm hồn nhà thơ, như soi rọi cả những góc khuất nhất trong con người, khiến cho cả con người người chiến sĩ trẻ bừng tỉnh ngộ sau những đêm dài tối tăm.
So sánh “hồn tôi” với “vườn hoa lá”: nhà thơ đã khiến một thứ vô hình trở nên hữu hình, sinh động trước mắt người đọc. Tâm hồn người chiến sĩ trẻ giờ đây sáng bừng sức sống, rộn ràng, tươi đẹp và xốn xang như một vườn nhiều hoa lá vô cùng tươi đẹp, nhiều màu sắc.
b. Khổ thơ thứ hai
Nhà thơ tự nguyện “buộc” lòng mình với mọi người, tự nguyện gắn mình với những người dân lao động, với tất cả đồng bào Việt Nam. Tình cảm trang trải khắp nơi, họ yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau. Những người cùng khổ, họ dễ cảm thông, chia sẻ với nhau hơn tạo nên một tập thể vững mạnh, gần gũi, thân thiết như ruột thịt không gì sánh nổi.
c. Khổ thơ thứ ba
Tố Hữu hòa mình với nhân dân, đã tự nguyện trở thành con, thành em, thành anh của bao quần chúng lao động cực khổ, những con người với kiếp sống “phôi pha”, sống hôm nay chưa biết đến ngày mai, những kiếp sống mòn mỏi đáng thương, những đứa trẻ tội nghiệp nghèo khổ đói rách → khẳng định trách nhiệm cũng như mong ước được chở che, bao bọc, gắn bó với mọi người.
3. Kết bài
Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm đồng thời liên hệ bản thân.
------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 11 - Đề 10. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 11, Giải bài tập Toán 11, Trắc nghiệm Vật lý 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.