Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn năm 2022 - Đề 7
Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 11 Đề 7 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 11 trong quá trình ôn thi học kì 2 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.
Ngữ văn 11 - Đề thi học kì 2
Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:
- Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
- Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì môn Ngữ văn lớp 11.
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 11.
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.
Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 11
I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Tự sự
Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Đâu chỉ dành cho một riêng ai.
(Lưu Quang Vũ)
Câu 1 (0,5đ): Xác định 2 phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2 (0,75đ): Anh/chị hiểu thế nào về ý nghĩa 2 câu thơ sau:
"Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng".
Câu 3 (0,75đ): Theo anh/chị, vì sao tác giả nói rằng:
"Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta"
Câu 4 (1,0đ): Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm): Nghị luận xã hội về ý kiến: Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lí do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lí do để cười.
Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích đoạn thơ thứ hai bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu.
Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Ngữ văn năm 2022
Đáp án Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ):
2 phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản là: nghị luận và biểu cảm.
Câu 2 (0,75đ):
Ý nghĩa 2 câu thơ:
"Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng"
"Đất" - nguồn sống, nguồn dinh dưỡng cho hạt nảy mầm. Nhưng đất không phải của riêng cho một hạt mầm nào. Cũng như cuộc sống trong cõi đời này không dành riêng cho một ai mà cho tất cả chúng ta. Hạnh phúc ở quanh ta nhưng không tự nhiên đến. Nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp, muốn có hạnh phúc, tự mỗi người phải có suy nghĩ và hành động tích cực; phải nỗ lực vươn lên, như "Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng".
Câu 3 (0,75đ):
Tác giả cho rằng:
"Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta"
Bởi vì: Con người không được đặt vào hoàn cảnh có vấn đề, có thách thức; không phải nỗ lực hết mình để vượt qua trở ngại, để chinh phục thử thách mới đến được đích. Khi đó con người không có cơ hội để thể hiện mình nên cũng không khám phá và khẳng định được hết những gì mình có; không đánh giá hết ưu điểm cũng như nhược điểm của bản thân. Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.
Câu 4 (1,0đ):
Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ thấm thía của bản thân về thông điệp ấy:
Dù là ai, làm gì, có địa vị xã hội thế nào cũng phải sống từ những điều rất nhỏ; biết nâng niu, trân trọng những cái nhỏ bé trong cuộc sống mới có được hạnh phúc lớn lao.
Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.
Muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong muốn, biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chấp nhận, biết nhìn đời bằng con mắt lạc quan, biết cho đi thì mới được nhận lại.
II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm):
Dàn ý nghị luận xã hội Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lí do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lí do để cười
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý kiến: Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lí do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lí do để cười.
2. Thân bài
a. Giải thích
Câu nói chỉ ra cho bạn đọc rằng trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách khó lường khiến ta có thể vấp ngã, tự ti, buồn nản. Tuy nhiên nếu ta có một ý chí kiên cường, mạnh mẽ vượt qua được khó khăn, thử thách đó ta sẽ có được những thành quả, thành công rực rỡ, tốt đẹp.
b. Phân tích
Chúng ta để trưởng thành, để có những bài học quý giá thì đều phải trải qua những khó khăn,t thử thách của cuộc sống.
Tất cả mọi việc trên đời này không phải dễ dàng mà thành công được, để đạt được thành công, chúng ta phải cần có ý chí theo đuổi mục tiêu. Có thể nói, ý chí, nghị lực chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người.
Cuộc sống của con người luôn có những khó khăn, thử thách mà chúng ta không thể lường trước đôi khi làm ta vấp ngã, nản chí và bỏ cuộc, nhưng nếu ta biết kiên nhẫn vượt qua, ta sẽ có được những điều tốt đẹp mà người khác không làm được.
Muốn có được thành công rực rỡ ta phải trải qua nhiều khó khăn, khó khăn càng lớn thì thành công càng ngọt, không điều gì là không thể nếu ta có một ý chí hơn người.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.
Gợi ý: nhà giáo Nguyễn Ngọc Kí, chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bác học Thomas Edison,…
d. Phản đề
Trong xã hội có nhiều người sống không có mục tiêu, ước mơ, hoài bão, không biết vươn lên, phó mặc cho số phận. Lại có những người lười biếng, dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… Những người này khó có được thành công và một cuộc sống tốt đẹp.
3. Kết bài
Khái quát và khẳng định lại vấn đề nghị luận: Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lí do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lí do để cười; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.
Câu 2 (5,0 điểm):
Dàn ý Phân tích bài thơ Vội vàng đoạn 2
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Diệu, bài thơ "Vội vàng" và dẫn dắt vào đoạn thơ thứ 2.
2. Thân bài
Niềm tiếc nuối trước sự trôi chảy của thời gian: Nhịp điệu thơ trong đoạn này không sôi nổi, vồ vập như đoạn thơ trên mà chậm hơn, lắng lại những suy tư.
Dấu chấm giữa câu thơ: "Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa." là một tín hiệu nghệ thuật nhiều dụng ý. Dấu chấm ấy đã chặn đứng niềm sung sướng của nhân vật trữ tình, xuân chưa qua mà đã thấy nhớ. Điều đó thể hiện sự nhạy cảm của nhân vật trữ tình hay cũng chính của nhà thơ Xuân Diệu khi ngay trong sung sướng đã thấy tiếc mùa xuân. Xuân Diệu đã nhìn ra trước bước đi của thời gian.
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ xuân còn non nghĩa là xuân đã già": lối nói đa nghĩa đầy mới mẻ rằng thời gian luôn chảy trôi, không đứng đợi. Thời gian trôi, mùa xuân đi cũng là lúc tuổi trẻ đã qua. Con người quý nhất là mùa xuân, quý nhất là tuổi trẻ. Mùa xuân trôi, tuổi trẻ trôi → tôi cũng mất → tưởng tượng ra cuộc chia li đầy ắp đất trời.
Một loạt động từ: "rớm, than, hờn, sợ" như là một sự nhân hóa để thể hiện nỗi buồn tiếc trong tâm hồn con người đã tràn sang vạn vật, thấm vào từng cảnh, từng giác quan của con người. Bởi vậy mà con người và vũ trụ đều buồn thê thiết.
Còn đang trong mùa xuân mà nhà thơ đã hình dung ra sự chia li của vũ trụ, sự rời xa của mùa xuân. Nỗi niềm nuối tiếc đã bật lên thành lời than và qua đó nhà thơ cũng gửi gắm lời nhắn nhủ tới muôn người muôn thế hệ rằng hãy sống hết mình vì tuổi trẻ, thời gian đời người là hữu hạn, một đi không trở lại.
3. Kết bài
Khẳng định lại nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của đoạn thơ.
------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 11 - Đề 7. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 11, Giải bài tập Toán 11, Trắc nghiệm Vật lý 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.