Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Kiều ở lầu Ngưng Bích – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9

Kiều ở lầu Ngưng Bích

(Trích Truyện Kiều)

Kiều ở lầu Ngưng Bích – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9 được VnDoc sưu tầm và chia sẻ hiểu rõ hơn về khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh Minh và cảnh du xuân của chị em Kiều, từ đó chuẩn bị tốt kiến thức để học tốt môn Ngữ văn lớp 9 một cách dễ dàng nhất. Mời các bạn cùng tham khảo

Đoạn thơ thuộc phần thứ hai – Gia biến và lưu lạc, từ câu 1033 đến câu 1054 của Truyện Kiều. Sau khi biết mình bị lừa bán vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức tự vẫn nhưng được cứu. Tú Bà vờ hứa hẹn đợi Kiều bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế, rồi đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới (dùng Sở Khanh rủ Kiều trốn đi, để bắt trở lại rồi buộc Kiều phải chấp nhận làm kĩ nữ).

Câu thơ đầu với hai chữ “khoá xuân” cho thấy tình cảnh bị giam giữ của Kiều ở lầu Ngưng Bích. Ở câu tiếp theo “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”, chỉ trong tám chữ mà câu thơ tả được các chiều xa, rộng, cao của không gian, đồng thời, cũng diễn tả tình cảnh lẻ loi, cô đơn của Thuý Kiều ở lầu Ngưng Bích. Nàng chỉ có mảnh trăng trên cao, dãy núi nơi xa để mà trông ngóng, làm bầu bạn, bởi thế mà trăng cũng trở thành “tấm trăng gần ở chung”. Cảnh xung quanh lầu Ngưng Bích được gợi tả trong hai câu thơ tiếp theo: “Bốn bề bát ngát xa trông – Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”. Cảnh thật là bát ngát, nhưng cũng thật hoang vắng, bốn bề chỉ là những cồn cát vàng, còn con đường thì xa tít, chỉ thấp thoáng sau những làn bụi mịt mờ. Hình ảnh non xa, trăng gần, cát vàng, bụi hồng có thể là cảnh thực mà cũng có thể là hình ảnh mang tính ước lệ để gợi sự mênh mông, hoang vắng, rợn ngợp của không gian, qua đó diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều. Nếu bốn câu thơ đầu, nỗi cô đơn của Kiều được đặt trong khung cảnh không gian thì ở câu tiếp theo, nỗi niềm ấy được diễn tả trong thời gian: “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya”. Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gọi sự tuần hoàn khép kín của thời gian, cũng là nỗi cô đơn trong lòng Kiều. Sớm và khuya, ngày và đêm, nàng chỉ còn biết gửi lòng mình vào áng mây, ngọn đèn trong cảnh cô đơn thui thủi một mình trên lầu vắng ở một nơi xa lạ.

Tám câu thơ tiếp theo chia đều cho hai nỗi nhớ: nhớ chàng Kim và nhớ cha mẹ. Có người băn khoăn rằng Thuý Kiều là người rất mực hiếu thảo, đã tự nguyện bán mình chuộc cha, vậy sao trong lúc này, nàng lại nhớ đến chàng Kim trước? Nhưng chính như thế mới đúng tâm trạng của nhân vật, và cũng cho thấy Nguyễn Du rất thấu hiểu con người, rất mực nhân tình.

Nỗi nhớ chàng Kim, với Kiều là nhớ người đã cùng mình thề nguyền, hẹn ước: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng” bởi vì cuộc thề nguyền son sắt giữa hai người là bước ngoặt trong tình yêu của họ, cũng là đỉnh cao hạnh phúc của Kim – Kiều, đã thành kỉ niệm sâu nặng nhất trong lòng Kiều. Tiếp đó, nàng hình dung Kim Trọng ở nơi xa kia đang mỏi mòn trong sự trông đợi tin tức của người yêu. Rồi nàng lại nghĩ về thân phận và cảnh ngộ lun lạc nơi chân trời góc bể của mình mà tấm lòng son đã bị dập vùi, hoen ố, bao giờ gột rửa cho được (cỏ người hiểu câu thơ “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” là tấm lòng son sắt của Kiều không bao giờ phai nhạt).

Nỗi nhớ cha mẹ của Thuý Kiều được diễn tả bằng một loạt những thành ngữ, điển tích mang tính ước lệ: quạt nồng ấp lạnh, sân Lai, gốc tử, nhưng không vì thế mà mất đi tính chân thực của tâm trạng. Nhớ tới cha mẹ, nàng hình dung cảnh ngộ và tâm trạng của song thân sớm hôm tựa cửa trông ngóng tin con. Nàng xót xa vì không còn được tự mình chăm sóc [quạt nồng ấp lạnh) cho cha mẹ, nhất là khi cha mẹ ngày một già yếu (gốc tử đã vừa người ôm). Thực ra, theo thời gian trong truyện, thì lúc này Kiều xa nhà chưa phải đã lâu nhưng đây là thời gian tâm trạng nên trong sự xa cách và nỗi nhớ thương, thì với Kiều, thời gian ấy đã là đằng đẵng, đủ tạo ra bao sự đổi thay và cha mẹ nàng đã già đi rất nhiều.

Qua nỗi nhớ Kim Trọng, nhớ cha mẹ của Kiều đã bộc lộ rõ những nét phẩm chất cao đẹp ở nàng. Trong cảnh ngộ ấy, Kiều chính là người đáng thương nhất nhưng nàng lại không nghĩ nhiều về mình mà dành nỗi nhớ thương cho người yêu, cho cha mẹ. Nhớ đến họ, nàng luôn nghĩ về bổn phận và trách nhiệm chưa tròn của mình với cha mẹ, không trọn vẹn với tình yêu của chàng Kim. Kiều là người tình thuỷ chung, người con hiếu thảo, người có tấm lòng vị tha đáng trọng.

Sau tám câu diễn tả trực tiếp nỗi nhớ cha mẹ, nhớ người yêu, tám câu thơ cuối đoạn trích này biểu hiện tâm trạng nàng Kiều qua những bức tranh phong cảnh quanh lầu Ngưng Bích dưới cái nhìn của nhân vật.

Bốn bức tranh đều được bắt đầu bằng hai từ buồn trông, cho thấy đây là cảnh được nhìn qua tâm trạng của nhân vật. Ở những câu thơ này, cảnh thường là vừa thực vừa hư, chủ yếu được miêu tả bằng ấn tượng và nhũng hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng. Trong bốn cảnh thì có đến ba cảnh là những hình ảnh .về biển, nước, trong đó hiện lên hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, hoa trôi man mác, và nhất là con gió cuốn, tiếng sóng ầm ầm trong câu thơ cuối cùng. Ý nghĩa tượng trưng của các hình ảnh ấy không khó để nhận ra: cửa bể chiều hôm, ngọn nước mới sa,… đó là những biểu tượng về cõi mênh mông, về đường đòi bất trắc, hiểm nguy mà Kiều buộc phải dấn thân vào. Còn hình ảnh cánh buồm lẻ loi, bông hoa dập dờn nổi trôi vô định, ngọn cỏ rầu rầu chẳng phải là biểu tượng cho thân phận chìm nổi, tình cảnh lẻ loi, bất định của Kiều trước cõi đời mênh mông và đầy bất trắc đó sao? Cũng cần chú ý đến sự tăng tiến trong nỗi buồn và sự lo âu của Kiều qua bốn bức tranh. Nỗi buồn trong cảnh “cửa bể chiều hôm” là nỗi buồn trải ra mênh mang nhưng chưa phải là nậng nề, nỗi lo âu chỉ mới thoáng gợi. Ở hình ảnh thứ hai thì cảnh đã không còn bình lặng và nỗi lo âu về thân phận nổi trôi đã hiện rõ qua hình ảnh “hoa trôi” trên dòng nước. Đến hình ảnh cuối cùng thì dự cảm về tai ương bất trắc đã hiện ra trong những hình ảnh dữ dội của “gió cuốn mặt duềnh”, tiếng sóng ầm ầm bủa vây quanh nơi ghế ngồi của nhân vật. Và quả thực, ngay sau cảnh nạy, Kiều đã mắc lừa Sở Khanh để rồi phải thực sự bắt đầu cuộc đời kĩ nữ trong lầu xanh của Tú Bà.

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích có thể coi là một mẫu mực trong bút pháp miêu tả nội tâm và ngoại cảnh của Nguyễn Du. Hình tượng thiên nhiên trong đoạn trích cùng một lúc đảm nhận hai chức năng: miêu tả ngoại cảnh và thể hiện tâm trạng. Đó là cách miêu tả “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”, hay nói như một câu thơ ở chính đoạn thơ này: “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”. Trong hai chức năng ấy thì biểu hiện nội tâm giữ vai trò chủ đạo. Hình tượng thiên nhiên dù có sinh động, nhưng chủ yếu vẫn không được vẽ theo lối tả thực, mà nổi bật ý nghĩa tượng trưng, để biểu hiện tâm trạng nhân vật. Cách miêu tả thiên nhiên như thế không chỉ có ở Nguyễn Du, mà khá phổ biến trong thơ cả trung đại và hiện đại. Có điều là, ở Truyện Kiều của Nguyễn Du, gió đã đạt đến sự hài hoà tuyệt diệu, mang vẻ đẹp cổ điển.

Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, đoạn trích đã biểu hiện thấm thìa cảnh cô đơn, nỗi buồn tủi và tấm lòng thuỷ chung, hiếu thảo của Thuý Kiều.

Kiều ở lầu Ngưng Bích – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Bài văn mẫu trên đây là tài liệu hay giúp các bạn học sinh ôn tập, rèn luyện chuẩn bị tốt cho kì thi học sinh giỏi lớp 9 sắp tới. Chúc các bạn ôn tập tốt. Mời các bạn tham khảo

.......................................................................

Ngoài Kiều ở lầu Ngưng Bích – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9, Soạn văn 9 VNEN, Đề thi học sinh giỏi 9 hoặc đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Đánh giá bài viết
1 2.487
Sắp xếp theo

    Bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 9

    Xem thêm