Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Nguyễn Đình Chiểu – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
(Trích Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Nguyễn Đình Chiểu – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9 được VnDoc chia sẻ. Bài văn mẫu dưới đây là tài liệu tham khảo hay để hiểu rõ hơn về Hình ảnh Lục Vân Tiên trong đoạn trích là một chàng trai nghĩa hiệp, tài giỏi, không chịu nổi cảnh "bất bình" đã cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi tay ác bá giúp các bạn học sinh chuẩn bị tốt kiến thức bước vào kì thi HSG lớp 9 sắp tới
- Soạn văn 9: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
- Tóm tắt đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
- Quan niệm đó thể hiện như thế nào qua nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Truyện Lục Văn Tiên là truyện Nôm bằng thơ lục bát được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào đầu những năm 50 của thế kỉ XIX, trước khi Pháp xâm lược nước ta. Truyện có sử dụng một số chi tiết trong tiểu sử của Nguyễn Đình Chiểu, nhưng không phải là một tự truyện của tác giả. Truyện Lục Vận Tiên có cốt truyện và kết cấu gần với mô hình chung của các truyện thơ Nôm trong văn học Việt Nam (xem tóm tắt cốt truyện ở SGK, trang 112-113).
Ngoài hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, nhân vật của truyện còn khá đông đảo, được phân thành hai phía đối lập: chính nghĩa và phi nghĩa. Ở phía chính nghĩa, ngoài hai nhân vật chính là Vân Tiên, Nguyệt Nga, cùng với những nho sĩ như Hớn Minh, Tử Trực, còn có đông đảo những người lao động như ông Ngư, ông Quán, tiểu đồng, bà lão dệt vải. Đối lập với họ là những kẻ phi nghĩa, bất nhân như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, cha con Võ Công, Thái sư, bọn cướp. Trong truyện cũng xuất hiện những nhân vật siêu nhiên như Phật Bà Quan Âm, Sơn thần đứng về phía chính nghĩa, cứu giúp những người bị hoạn nạn. Truyện đề cao đạo lí trung hiếu tiết nghĩa, ca ngợi tinh thần vĩ nghĩa, mang đậm tính nhân dân, thể hiện ước mơ về chính nghĩa chiến thắng, cái ác bị trừng trị theo quan niệm dân gian. Truyện Lục Vân Tiên rất được ưa chuộng trong cư dân Nam Bộ, được sử dụng phổ biến vào sinh hoạt văn hoá dân gian dưới các hình thức như: “kể thơ”, “nói thơ”…
Đoạn trích Lục Vân Tiện cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu của truyện. Trên đường lên kinh dự thi, Lục Vân Tiên ghé về nhà thăm cha mẹ, giữa đường gặp bọn cướp hoành hành, một mình chàng tả xung hữu đột đánh tan bọn cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga.
Lục Vân Tiên là một nhân vật lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ trong văn học truyền thống và cũng là quan niệm của dân gian. Chàng thanh niên mới “tuổi vừa đôi tám”, tài kiêm văn võ, hăm hở vào đời, muốn lập công danh sự nghiệp, gặp tình huống bất bằng này là một thử thách đầu tiên, cũng là một cơ hội hành động để chàng thể hiện tinh thần của người quân tử giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha.
Hành động đánh cướp bộc lộ tính cách anh hùng, tinh thần xả thân vì nghĩa của Lục Vân Tiên. Chàng chỉ có một mình với hai tay không, trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đầy đủ, thanh thế lẫy lừng. Vậy mà, không chút đắn đo, Vân Tiên “bẻ cây làm gậy” xông vào giữa lũ cướp. Hình ảnh Vân Tiên trong trận đánh được miêu tả thật đẹp – vẻ đẹp của người dũng tướng một mình tả xung hữu đột giữa vòng vây bịt bùng của bọn cướp. Chỉ một lúc là chúng đã bị đánh tan, còn tên tướng cướp thì bị một gậy của Vân Tiên khiến “thác rày thân vong”. Ở đây, thủ pháp đối lập đã được sử dụng triệt để, làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh của Vân Tiên. Ca ngợi uy dũng của Vân Tiên, tác giả đã so sánh với hình ảnh dũng tướng Triệu Tử Long phá vòng vây ở Đương Dang trong truyện Tam quốc diễn nghĩa rất nổi tiếng của Trung Quốc.,
Trong cảnh đánh cướp, hình ảnh của Lục Vân Tiên được khắc hoạ nổi bật ở sức mạnh, uy dũng của người anh hùng, thì ở cảnh tiếp theo, nhân vật lại được tô đậm ở vẻ đẹp của tinh thần trọng nghĩa, vĩ nghĩa, ở lòng nhân ái. Động cơ đánh cướp của Vân Tiên là vì thương xót nhân dân phải bồng bế nhau chạy loạn: “Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ – Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Đánh xong lũ cướp, điều mà Vân Tiên quan tâm là tiếng than khóc ở trong xe. Chàng hỏi: “Ai than khóc ở trong xe nầy?”. Trong câu hỏi ấy thể hiện một sự quan tâm sẵn sàng giúp đỡ. Thấy hai cô gái còn chưa hết bàng hoàng, Vân Tiên tìm cách an ủi để họ yên lòng: “Ta đã trừ dòng lâu la”. Khi nghe họ nói muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên đã khước từ. Chàng không muốn nhận cái lạy tạ ơn của hai cô gái, từ chối lời mời ghé thăm nhà của Nguyệt Nga để cha nàng đền ơn (ở đoạn sau chàng từ chối nhận chiếc trâm vàng của Nguyệt Nga). Đối với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, như chàng đã nói: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Chàng nói thế và hành động đúng như thế không chỉ ở đoạn này mà còn trong toàn truyện. Đây là con người mà quan niệm và hành động thống nhất hoàn toàn, tất cả toát lên vẻ đẹp nghĩa khí, hào hiệp, một hình ảnh lí tưởng trong quan niệm thẩm mĩ của nhân dân.
Nếu Vân Tiên là hình mẫu của vẻ đẹp nghĩa hiệp thì Nguyệt Nga là một hình mẫu của vẻ đẹp đoan trang, trọng ân nghĩa, thuỷ chung.
Đối với Vân Tiên, nàng tự xưng – một cách khiêm nhường: chút tôi, tiện thiếp, đồng thời gọi Vân Tiên là quân tử một cách trân trọng: “Trước xe quân tử tạm ngồi – Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa”. Mọi lời lẽ, cử chỉ của Nguyệt Nga đều toát lên vẻ đoan trang, sự khiêm nhường, trọng lễ nghĩa.
Nổi bật ở Nguyệt Nga là lòng biết ơn, sự coi trọng ân nghĩa. Với nàng, ơn nghĩa của Vân Tiên là cái ơn trọng, không chỉ là ơn cứu mạng, mà còn cứu cả cuộc đòi trong trắng của nàng. Vì thế, nàng rất áy náy, băn khoăn tìm cách trả ơn, dù hiểu rằng có đền đáp mấy cũng là chưa đủ. Trước hết, nàng muốn bày tỏ lòng biết ơn bằng cách lạy tạ, rồi tha thiết mời Vân Tiên ghé qua nhà để cha nàng được đền ơn, cuối cùng nàng muốn tặng chiếc trâm để tỏ lòng tri ân. Tất cả những đề nghị đó, đều không được Vân Tiên chấp thuận. Chính điều đó càng làm cho Nguyệt Nga cảm động và nàng đã tự nguyện gắn bó đời mình với Vân Tiên, vẽ bức hình chàng và luôn mang theo bên mình, dám liều mình để vượt qua mọi thế lực ngăn cản để giữ trọn lòng thuỷ chung với chàng. Nguyệt Nga là hình ảnh mẫu mực về vẻ đẹp của con người trọng ân nghĩa, thuỷ chung, tiết hạnh, chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân.
Bằng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng sinh động, đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã phác hoạ thành công hai nhân vật chính của Truyện Lục Vân Tiên với những phẩm chất đẹp đẽ, theo lí tưởng thẩm mĩ của tác giả, củng là của dân gian. Đoạn trích thể hiện tinh thần đề cao đạo lí, chính nghĩa, thông qua những hình tượng đẹp, có sức hấp dẫn với đông đảo công chúng.
LUYỆN TẬP
Bài tập
Qua cách miêu tả chị em Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du), anh/chị hiểu thế nào là bút pháp ước lệ?
Nhận xét về cách sử dụng từ láy của Nguyễn Du ở đoạn thơ tả cảnh lễ hội và cảnh chị em Thuý Kiều trở về trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.
Qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, hãy nhận xét về bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du.
Phân tích hành động đánh bọn cướp, cứu dán lành của Lục Vân Tiên để làm rõ quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu:
Hãy chứng minh nhận định: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
Qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng hai nhân vật lí tưởng, tiêu biểu cho quan niệm đạo lí và quan niệm thẩm mĩ của nhân dân.
Gợi ý
Bút pháp ước lệ rất phổ biến trong văn học trung đại. Qua đoạn thơ tả chị em Thuý Kiều, có thể nêu lên hai đặc điểm chính của bút pháp ước lệ:
Không miêu tả trực tiếp, cụ thể, mà chỉ gọi tả về thần thái, đặc điểm của đối tượng, để người đọc tự hình dung, tưởng tượng về đối tượng miêu tả. Vì thế, bút pháp ước lệ thường sử dụng thủ pháp so sánh, ẩn dụ, tượng trưng trong miêu tả chứ không dùng cách tả thực.
Sử dụng những hình mẫu, khuôn mẫu đã có trong từ chương sách vở để miêu tả, diễn đạt. Chẳng hạn, cái đẹp của con người được đối sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên, coi thiên nhiên là mẫu mực của cái đẹp.
HS làm rõ những đặc điểm trên của bút pháp ước lệ qua việc miêu tả Thuý Vân, Thuý Kiều ở đoạn thơ. Chẳng hạn, vẻ đẹp của Thuý Vân được gợi tả bằng những hình ảnh tượng trưng tà thiên nhiên, như: khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang, hoa cười, ngọc thốt, mây (thua nước tóc), tuyết {nhường màu da). Còn vẻ đẹp đôi mắt Thuý Kiều thì được hình dung gọi tả bằng hai hình ảnh: làn thu thuỷ, nét xuân sơn. Tài năng của Thúy Kiều cũng là “pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm”, theo mẫu mực toàn diện của người xưa: cầm, kì, thi, hoạ.
Cùng với việc sử dụng từ ghép mang ý nghĩa khái quát, nghệ thuật dùng từ láy của Nguyễn Du tròng đoạn thơ tả cảnh lễ hội và cảnh chị em Thuý Kiều trở về cũng hết sức đặc sắc.
(HS tìm và ghi lại các từ láy, cả tính từ và động từ, chú ý sự khác biệt của các từ láy khi miêu tả cảnh lễ hội và cảnh chị em Thuý Kiều ra về).
Các từ láy tính từ, động từ ở đoạn miêu tả cảnh lễ hội đều thể hiện sự tấp nập, đông đúc của cảnh và tâm trạng náo nức, phấn chấn của những người đi lễ hội: nô nức, sắm sửa, dập dìu, ngổn ngang. Còn những từ láy ở đoạn miêu tả cảnh chị em Thuý Kiều trở về thì lại diễn tả sự chậm rãi của mọi hoạt động, cả thiên nhiên và con người, cùng với tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến của người đi lễ hội trở về: tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ.
Tả cảnh ngụ tình là một thủ pháp quen thuộc trong văn chương, nhất là trong văn học trung đại. Nguyễn Du cũng vận dụng khá phổ biến và rất thành công bút pháp này trong Truyện Kiều mà đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích là một ví dụ mẫu mực.
HS tham khảo mục Củng cố và mở rộng kiến thức ở trên để làm rõ đặc sắc trong bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du. cần chú ý, mỗi cảnh đều được tác giả chọn lọc rất kĩ để vừa có chức năng tái hiện khung cảnh không gian quanh lầu Ngưng Bích vừa thể hiện tình cảnh và tâm trạng của nhân vật (nỗi buồn và tình cảnh cô đơn ở sáu câu thơ đầu, nỗi buồn và tình cảnh bơ vơ, tâm trạng lo âu ngày một tăng tiến thể hiện ở tám câu thơ cuối).
Cần giải thích ý nghĩa của hai câu thơ thể hiện quan niệm về người anh hùng của tác giả. “Kiến nghĩa bất vi” nghĩa là thấy việc nghĩa mà khộng làm, như thế không phải người anh hùng. Câu này vốn có nguồn gốc từ quan niệm của nhà nho: “Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã” (nghĩa là: thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là kẻ có dũng khí). Nguyễn Đình Chiểu đã đem đến cho câu châm ngôn ấy một ý nghĩa khái quát hơn, coi làm việc nghĩa là phẩm chất của người anh hùng. Cách nói phủ định: “Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” tạo sự nhấn mạnh, khẳng định làm việc nghĩa là phẩm chất nhất thiết phải có của người anh hùng.
Quan niệm về người anh hùng như trên đã được minh chứng trong hành động đánh cướp, cứu dân của Lục Vân Tiên ở phần đầu đoạn thơ trích, cần làm rõ phẩm chất anh hùng của nhân vật qua việc phân tích các khía cạnh của sự việc ấy, mục đích hành động đánh cướp của Lục Vân Tiên như: tương quan lực lượng giữa Vân Tiên một mình, tay không với bọn cướp đông đảo, hung hăng đầy đủ vũ khí. Quyết định hành động rất mau lẹ, dứt khoát của Lục Vân Tiên khi chứng kiến cảnh dân lành bị bọn cướp làm hại; dũng khí, sức mạnh của Vân Tiên trong trận đánh, sự thất bại mau chóng của bọn cướp…
Hai nhân vật Vân Tiên và Nguyệt Nga đều được xây dựng theo bút pháp lí tưởng hoá, nhưng các nhân vật ấy không khô cứng, xa lạ với người đọc, vì đều thể hiện tập trung quan niệm đạo lí và quan niệm thẩm mĩ của nhân dân, cũng chính là quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu.
Lục Vân Tiên là hình mẫu của người anh hùng, văn võ toàn tài song nổi bật nhất vẫn là tinh thần vĩ nghĩa. Khác với nhiều nhân vật anh hùng trong quan niệm của nhà nho đề cao lòng trung quân (trung thành với vua), tinh thần vĩ nghĩa ở Lục Vân Tiên trước hết là vì dân, vĩ chính nghĩa. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga là hình mẫu lí tưởng về người phụ nữ tiết hạnh, thuỷ chung. Nguyệt Nga hết sức coi trọng ân nghĩa, chân thành tự nguyện gắn bó với Lục Vân Tiên, giữ trọn sự thuỷ chung, đồng thời kiên quyết chống lại lệnh của tên Thái sư nhấn danh triều đình bắt nàng đi cống cho giặc Ô Qua.
Trên đây VnDoc đã chia sẻ tới các bạn bài Văn mẫu Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Nguyễn Đình Chiểu – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Bài văn mẫu trên đây là tài liệu hay giúp các bạn học sinh ôn tập, rèn luyện chuẩn bị tốt cho kì thi học sinh giỏi lớp 9 sắp tới. Chúc các bạn ôn tập tốt. Mời các bạn tham khảo
- Chị em Thúy Kiều – Truyện Thơ Nôm – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9
- Kiều ở lầu Ngưng Bích – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9
.......................................................................
Ngoài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Nguyễn Đình Chiểu – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9, Soạn văn 9 VNEN, Đề thi học sinh giỏi 9 hoặc đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt