Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Luyện tập thơ mới hiện đại – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9

Luyện tập thơ mới hiện đại

Nhằm giúp các bạn học sinh có tài liệu ôn tập VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Luyện tập thơ mới hiện đại – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Mời các bạn tham khảo, chuẩn bị tốt cho kì thi HSG lớp 9 sắp tới

1. Bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) cho anh/chị cảm nhận như thế nào về hình ảnh người lính thời kì kháng chiến chống Pháp?

2. Kết cấu Bài thơ về tiểu đội xe không kính được xây dựng theo các tương quan đối lập. Anh/chị hãy chỉ ra một số biểu hiện của sự đối lập ấy và ý nghĩa của chúng.

3. So sánh hình ảnh người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) và Đồng chí (Chính Hữu) để làm rõ những nét riêng và nét chung ở hình ảnh người lính trong hai bài thơ.

4. Sự hài hoà giữa cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ và cảm hứng về lao động được thể hiện như thế nào trong các khổ thơ 3, 4, 5, 6 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận?

5. Nhận xét về sự lặp lại và biến đổi trong hình ảnh giữa khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận).

6. Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi (công việc, sự phát triển tình cảm và ước vọng qua ba khúc ru) trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm).

7. Phân tích mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình và vầng trăng trong bài thơ theo diễn biến dòng thời gian. Tình huống nào tạo bước ngoặt trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.

8. Phân tích hình ảnh vầng trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh ấy.

9. Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. Nêu vị trí và ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh ấy.

10. Ở đoạn 1 của bài thơ Con cò (Chế Lan Viên), hình ảnh con cò được gợi ra từ những câu ca dao nào? Ý nghĩa của những câu ca dao ấy.

11. Hãy nêu và nhận xét ý nghĩa của sự lặp lại, biến đổi của những chi tiết, hình ảnh, đại từ trong khổ thơ đầu và khổ thơ thứ tư bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải).

12. Nhận xét về giọng điệu của bài thơ Viếng lăng Bác (Viễn Phương) và cho biết giọng điệu đó được tạo nên từ những yếu tố nào và có quan hệ như thế nào với cảm xúc của tác giả.

13. Qua lời người cha nói với con trong bài thơ Nói vói con (Y Phương), nhà thơ đã ca ngợi những đức tính cao đẹp nào của “người đồng mình”?

14. Nét đặc sắc của bài thơ Nói vói con (Y Phương) là lối tư duy và cách diễn đạt giàu hình ảnh mang bản sắc dân tộc miền núi. Hãy làm rõ điều đó.

15. Anh/chị cảm nhận như thế nào về hai câu thơ: “Có đám mây mùa hạ – Vắt nửa mình sang thu” (Sang thu – Hữu Thỉnh)?

16. Ngoài ý nghĩa tả thực về sự biến chuyển của thiên nhiên lúc sang thu, những hình ảnh ở khổ 2 và 3 của bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh) còn gợi ra ý nghĩa biểu tượng gì về xã hội, con người?

17. Cùng viết về tình mẹ con, bài Con cò (Chế Lan Viên) và Khúc hát ru những em bé ỉớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm) có sáng tạo riêng như thế nau trong cách khai thác và biểu hiện tình cảm ấy?

18. Phân tích đặc điểm của bút pháp miêu tả thiên nhiên trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận) và Sang thu (Hữu Thỉnh).

19. Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa (Bằng Việt), trăng trong bài Ánh trăng (Nguyễn Duy), mùa xuân trong bài Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải).

Gợi ý

1. – Về hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp ở bài thơ, cần chú ý các phương diện: xuất thân từ những người nông dân nghèo, tự nguyện đến với cuộc chiến đấu, cuộc sống hết sức gian khổ và thiếu thốn, sự gắn bó với đồng đội, tình đồng chí sâu nặng, tinh thần chiến đấu, chất thơ và vẻ đẹp vượt lên trên những gian khổ, hi sinh.

- Về cảm nghĩ của em, cần phát biểu một cách chân thực, tự nhiên.

2. Kết cấu bài thơ được xây dựng trên sự đối lập ở nhiều phương diện: không và có, vật chất và tinh thần, sự tàn phá ác liệt của chiến tranh và hình ảnh người lính, cần chú ý mặt đối lập này làm nảy sinh, thúc đẩy sự phát triển của mặt đối lập khác. Ví dụ: xe không có kính lại làm cho người lái xe được cảm nhận trực tiếp hơn, phong phú hơn thế giới thiên nhiên bên ngoài [gió, mưa, sao trời, cánh chim, con đường)] là điều kiện để họ bộc lộ tư thế hiên ngang, tinh thần coi thường và vượt lên mọi khó khăn, gian khổ củng như tình đồng chí, đồng đội (Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi). Sự thiếu thốn các điều kiện vật chất ngày càng tăng lại càng làm nổi bật sức mạnh tinh thần và củng cố ý chí chiến đấu của người lính lái xe (Không có kính, rồi xe không có đèn – Không có mui xe, thùng xe có xước nhưng Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước: – Chỉ cần trong xe có một trái tim).

3. So sánh hình ảnh người lính trong hai bài thơ cần chú ý sự khác biệt của hai giai đoạn lịch sử (kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mĩ), nhiệm vụ khác nhau của mỗi người lính (lính bộ binh và lính lái xe), chủ đích của tác giả ở mỗi bài (một bên ngợi ca vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội; một bên khắc hoạ vẻ đẹp hiên ngang, dũng cảm của người lính lái xe). Nhưng giữa hai hình ảnh ấy vẫn có nhiều điểm chung của người lính cách mạng: lí tưởng chiến đấu cao cả, ý chí vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, gian khổ; tinh thần lạc quan và tình đồng chí, đồng đội.

4. Sự kết họp hai nguồn cảm hứng được thể hiện trong các hình ảnh ở cả bốn khổ thơ. Với cảm hứng lãng mạn tràn đầy và bút pháp khoa trương của nhà thơ, hình ảnh con thuyền được phóng đại lên một kích thước lớn lao ngang tầm với trời biển: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng – Lướt giữa mây cao với biển bằng”. Con thuyền với gió làm lái, trăng làm buồm như nối bầu trời với mặt biển. Và con người thì chủ động trước thiên nhiên: “Ra đậu dặm xa dò bụng biển – Dàn đan thế trận lưới vây giăng”. Công việc đánh cá được hình dung như một cuộc dàn trận mà con người ở thế chủ động, là người nắm chắc phần thắng. Cảnh đánh cá trên biển đêm không thể thiếu hình ảnh về những đàn cá.

Ngay ở khổ 2, qua câu hát của người đánh cá đã hiện ra hình ảnh đàn cá: “Cá bạc biển Đông lặng – Cá thu biển Đông như đoàn thoi – Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng”. Khổ 4 là một bức tranh đẹp rực rỡ về các loài cá, trong ánh trăng giữa biển đêm. Sự hoà họp giữa thiên nhiên và con người còn thể hiện ở sự nhịp nhàng giữa vận động của thiên nhiên, vũ trụ với hoạt động của đoàn thuyền. Người đánh cá dựa theo sự vận động của trăng, sao, nước triều mà điều tiết các công việc của mình cho thích họp: “Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”; “Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng”; “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”.

5. HS tự nêu những câu thơ, hình ảnh được lặp lại và những chi tiết có biến đổi trong hai khổ thơ. Việc lặp lại nhưng có biến đổi ở hai khổ thơ tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng, thể hiện trọn vẹn hành trình một chuyên ra khơi của đoàn thuyền đánh cá: từ lúc xuất phát đến lúc trở về. Sự khác biệt của khổ cuối nói lên kết quả của công việc lao động và niềm vui của con người trước thành quả lao động của mình.

6. Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi ở ba phương diện: công việc lao động và phục vụ chiến đấu; tình yêu thương con; tình yêu thương bộ đội, dân làng và sự gắn bó với cách mạng, cần chú ý sự phát triển tình cảm, ước vọng của người mẹ qua ba khúc ru.

7. Mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình và trăng được trình bày theo diễn biến ở hai thời kì: hồi nhỏ và thời chiến tranh; sau hoà bình.

+ Hồi nhỏ và thời chiến tranh:

Hồi nhỏ sống với đồng với sông rồi với bể hồi chiến tranh ở rừng vầng trăng thành tri kỉ

Những năm tháng ấy con người chan hoà, gắn bó với thiên nhiên: “Trần trụi vói thiên nhiên”, nghĩa là con người có thể mở lòng mình sống với thiên nhiên mà không phải e dè, không chút ngăn cách. “Hồn nhiên như cây cỏ” là giữ nguyên được sự trong sáng, vô tư, thành thực. Còn thiên nhiên thì hiện ra trong những cái rộng lớn, khoáng đạt, đó là đồng, sông, bể, rừng. Trong những năm tháng con người gắn bó thân thiết, chan hoà với thiên nhiên, có sự xuất hiện của một yếu tố đặc biệt, đó là trăng. Trăng như là biểu tượng kết tinh của thiên nhiên, của mọi vẻ đẹp trong trẻo, dung dị và trọn vẹn. Trăng cũng không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên, mà còn là biểu tượng cho nghĩa tình gắn bó giữa con người với thiên nhiên, đất nước, với nhân dân, đồng đội. Trăng đã trở thành vầng trăng tri kỉ, vầng trăng tình nghĩa.

Ngỡ như sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, với vầng trăng tình nghĩa sẽ mãi bền chặt, ấy vậy mà có lúc nó đã nhạt phai, hờ hững. Đó là từ khi trở về thành phố con người dần xa cách với thiên nhiên, bị vây bọc trong những không gian chật hẹp, ngăn cách của nhà cửa, của các tiện nghi đô thị. Trước kia, khi ở đồng hay ở rừng, ở bể, con người thấy gần gũi bao nhiêu với thiên nhiên và cũng cần đến thiên nhiên ấy để sống, để tồn tại, bởi thiên nhiên còn là nơi chở che, đùm bọc cho anh, nuôi sống anh. Còn bây giờ, giữa thành phố người ta vẫn sống được khi không có thiên nhiên, khi đã quen với các tiện nghi vật chất. Bởi thế, con người dường như không còn cần đến thiên nhiên, dần hờ hững với nó, quen với “ánh điện, cửa gương” và nhìn vầng trăng qua ngõ mà “như người dưng qua đường”. Sự đổi thay của mối quan hệ người và trăng hoàn toàn là do con người. Sự đổi thay ấy, dù ít dù nhiều ở mỗi người đều có, và dù vô tâm không tự nhận ra hay có nhận biết được thì cũng chẳng mấy ai quan tâm, lấy đó làm điều quan trọng.

+ Sau hoà bình: Tình huống bất ngờ làm cho nhân vật trữ tình phải thức tỉnh, gây nên những xúc cảm mạnh mẽ ở anh chính là cái sự kiện “Thình lình đèn điện tắt – phòng buyn-đinh tối om”. Đến lúc ấy, con người mới nhận ra sự chật hẹp, cách bức, ngột ngạt của không gian đô thị và như một phản ứng tự nhiên, anh liền “vội bật tung cửa sổ” và thật bất ngờ, cái mà anh bắt gặp ở bên ngoài cửa sổ là một vầng trăng tròn, vầng trăng như đã ở đó tự bao giờ. Trong một lúc, vầng trăng ấy đã gọi về trong anh bao nhiêu là cảnh tượng rộng lớn của thiên nhiên, đất nước cùng với những kỉ niệm quá khứ của tuổi trẻ, của thời chiến tranh. Chủ thể trữ tình được sống trong trạng thái xúc cảm ngập tràn, trạng thái “rưng rưng” khi ngửa mặt lên nhìn vầng trăng, như được gặp lại gương mặt thân quen của người bạn tri kỉ, tình nghĩa gắn bó suốt một thời mà bấy lâu nay mình đã lãng quên, hờ hững.

Trong niềm xúc cảm tràn đầy, có cả sự ân hận chân thành, chủ thể trữ tình suy ngẫm và thấu hiểu thêm phẩm cách nguyên vẹn, thuỷ chung mà lặng lẽ của vẳng trăng – cũng chính là của nhân dân, đồng đội để mà “giật mình”, cũng tức là để tự nhắc nhở, tự cảnh tỉnh với mình.

8. Ý nghĩa biểu tượng của vầng trăng: Cả sáu khổ của bài thơ Ánh trăng, khổ nào cũng có hình ảnh vầng trăng, điều đó đủ cho thấy vị trí trung tâm và vai trò quan trọng của hình ảnh này trong bài thơ. Trăng ở đây là một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng và có nhiều chức năng. Trăng cũng là một phần của hình tượng thiên nhiên rộng lớn, đồng thời nó lại là biểu tượng cho thiên nhiên, qua trăng mà hình dung được cả đồng, sông, rừng, bể. Trăng còn là biểu tượng của những gì trong sáng, đẹp đẽ, của nghĩa tình thuỷ chung, nguyên vẹn, đó là vầng trăng tri kỉ, vầng trăng tình nghĩa. Bởi thế, vầng trăng đâu chỉ là thiên nhiên nữa, mà quan trọng hơn, đó còn là biểu tượng của những con người giản dị, trorig sáng, thuỷ chung, tình nghĩa – đó là nhân dân, là đồng đội của người lính – những người một thời đã từng gắn bó, sẻ chia mọi gian lao’, hi sinh và những niềm vui hồn nhiên, trong trẻo nhất.

Vầng trăng trong bài thơ là một nhân vật trữ tình, đặt trong sự đối sánh và song hành với chủ thể trữ tình. Soi vào vầng trăng, con người có thể nhận ra mình, nhận ra cả sự đổi thay của mình. Khi con người sống hồn nhiên, trần trụi với thiên nhiên thì vầng trăng rất gần gũi, thân thiết như người bạn tri kỉ. Còn khi anh bận rộn và thoả mãn với những tiện nghi đô thị, thì dù vầng trăng qua ngay ngoài ngõ vẫn chỉ như người dưng qua đường.

Vì thế, Ánh trăng của Nguyễn Duy là sự nhắc nhở về đạo lí thuỷ chung, tuy là điều không phải hoàn toàn mới nhưng cũng không hề là xưa cũ. Điều cuối cùng cần nói là tác giả đã không thể hiện tư tưởng ấy như một bài học giáo huấn đạo đức, mà như một lời tâm sự, lời tự bạch, tự thú với chính mình, với mọi người, bởi thế mà nó thành thực và thấm thìa.

9. Bếp lửa là hình ảnh xuất hiện ngay từ đầu bài thơ và hiện diện trong tất cả các đoạn, các khổ của bài thơ, gắn liền với hình ảnh người bà. Trong đoạn đầu của bài thơ từ hình ảnh bếp lửa hiện ra trong kí ức của nhân vật trữ tình đã gợi nhớ về người bà và đánh thức trong lòng người cháu những tình cảm với bà. Trong bài thơ, hình ảnh bếp lửa hiện ra tới mười lần, gắn liền với dòng hồi ức và suy tư của nhân vật trữ tình, qua những kỉ niệm về hai bà cháu trong những năm tháng gian khổ, thiếu thốn của thời đại chiến tranh và cả trong những niềm vui đầm ấm của gia đình. Từ hình ảnh bếp lửa mà bà nhóm lên mỗi sáng, mỗi chiều dẫn đến hình ảnh ngọn lửa mang ý nghĩa khái quát: “Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn – Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”. Như vậy, bếp lửa là hình ảnh trung tâm của bài thơ, vừa gắn liền với hình ảnh bà, lại mang ý nghĩa biểu tượng về bà, về tình cảm gia đình, rộng ra là tình yêu quê hương, là sức sống bền bỉ của con người.

10. Ở đoạn 1, hình ảnh con cò trong những câu ca dao quen thuộc được dẫn ra ở bài thơ, gợi ra một số ý nghĩa tiêu biểu của hình tượng này: các câu “Con cò bay lả, bay la – Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng” hay “Con cò bay lả, bay la – Bay từ cửa phủ, bay về Đồng Đăng” gợi tả không gian quen thuộc và cuộc sống nhịp nhàng, thong thả, bình yên của làng quê thời xưa; còn bài Con cò mà đi ăn đêm lại là biểu tượng cho cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, cảnh ngộ éo le và tấm lòng trong trắng, ngay thẳng của những người mẹ, người phụ nữ lao động thời xưa.

Qua những lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đến với tâm hồn ấu thơ một cách vô thức. Đây chính là sự khỏi đầu con đường đi vào thế giới tâm hồn con người của ca dao, dân ca, qua đó là cả điệu hồn của dân tộc và đất nước.

11. Giọng điệu bài thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng vừa tha thiết, đau xót, tự hào, thể hiện đúng tâm trạng xúc động khi tác giả vào lăng viếng Bác. Giọng điệu ấy được tạo nên bởi nhiều yếu tố: thể thơ, nhịp điệu, từ ngữ, hình ảnh. Thể thơ 8 chữ, nhưng có những dòng thơ 7 chữ hoặc 9 chữ. Cách gieo vần trong từng khổ thơ cũng không cố định, có khi liền, có khi cách, sử dụng cả vần bằng, vần trắc. Những vần bằng liên tiếp diễn tả dòng cảm xúc dâng trào, các vần trắc thể hiện nỗi tiếc thương, đau xót. Nhịp các khổ thơ nhìn chung là chậm, diễn tả sự trang nghiêm, thành kính. Riêng khổ cuối nhịp thơ nhanh hơn với điệp từ “muốn làm” được lặp lại ba lần, thể hiện mong ước tha thiết và nỗi lưu luyến của tác giả.

12. Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”, từ đó nhắc nhở con những điều cần nhớ:

+ “Người đồng mình thương lắm con ơi”: con người quê hương mình tuy vất vả, khổ cực nhưng giàu tình yêu thương và thật đáng tự hào. Họ lấy cái cao của trời để đo nỗi buồn, cái xa của đất để đo chí lớn, điều đó thể hiện tầm vóc lớn lao về tinh thần, ý chí của con người quê hương. Vì vậy, cha mong con biết trân trọng noi mình sinh thành, sống có tình nghĩa, thuỷ chung với quê hương, làng bản, không được coi khinh dân tộc mình nghèo khó (sống trên đá không chê đá gập ghềnh – Sống trong thung không chê thung nghèo đói). Con phải biết “sống như sông như suối”, nghĩa là sống mạnh mẽ bằng nội lực của chính mình để. vượt qua gian nan, thử thách (Lên thác xuống ghềnh – Không lo cực nhọc).

+ “Người đồng mình thô sơ da thịt” nhưng “chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”, đó là niềm tự hào về con người của dân tộc mình. Họ có thể thô sơ, mộc mạc nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn và tinh thần.

+ “Người đồng mình” giàu lòng tự tôn dân tộc, có ý thức về bản sắc dân tộc, cố nền văn hoá, phong tục riêng biệt, độc đáo: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương – Còn quê hương thì làm phong tục”.

+ Từ đó, người cha mong con hãy tự hào về “người đồng mình”, về quê hương, dân tộc mình, hãy tự tin và vững bước trên đường đời: “Con oi tuy thô sơ da thịt – Lên đường – Không bao giờ nhỏ bé được – Nghe con”.

Lời người cha “nói với con” trong bài thơ càng có ý nghĩa lớn hơn đối với những ai còn tự ti vì thấy mình nhỏ bé, yếu kém hoặc đánh mất gốc rễ, quên đi truyền thống tốt đẹp của cha ông mình, dân tộc mình.

12. Ấn tượng về lúc giao mùa được diễn tả bằng một hình ảnh không – thời gian thật độc đáo và kì thú trong hai câu thơ:

Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu

Cảm thức về thời gian đã được cụ thể hoá trong một hình ảnh của không gian: dường như trên bầu trời có một ranh giới giữa hai mùa, mà sự chuyển dịch của đám mây mới chỉ vắt được một nửa sang thu, như một gạch nối để sự chuyển giao giữa hai mùa không bị đứt đoạn, có vẻ vừa thấy rõ, lại vừa mơ hồ. Đám mây thực trên bầu trời đã mang sắc màu của đám mây siêu thực, trong sự ho à trộn của không gian và thời gian.

13. Đặt vào thời điểm sáng tác năm 1977, bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh có thể gợi ra sự cảm nhận về hoàn cảnh của đất nước trong buổi giao thời từ chiến tranh sang hoà bình:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Cũng không chỉ là chuyện mưa nắng của trời đất, mà còn là những mưa nắng của cuộc đời. Trời đất dịu lại, nắng bớt gay gắt, mưa cũng không còn ào ạt, tâm hồn con người như cũng được thanh lọc, đó phải chăng là một ẩn dụ về cuộc sống, về xã hội từ thời chiến chuyển sang thời bình?

Hình ảnh đặc sắc và tiêu biểu hơn cả về trạng thái giao thời trong bài thơ của Hữu Thỉnh cũng chính là hình ảnh độc đáo về thiên nhiên lúc giao mùa:

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Đám mây kia mới chỉ vắt nửa mình sang thu, nửa còn lại vẫn bị mùa hạ cầm giữ, hay vẫn còn lưu luyến với cái thời chưa xa, chưa thật sự thành quá khứ? Đó cũng chính là một hình ảnh biểu tượng về trạng thái quá độ, giao thời của cuộc sống, của xã hội khi mà các nếp sống, thói quen của một thời vẫn đang tiếp tục cái quán tính của nó ở thời sau.

Hai câu thơ cuối:

Sấm đã bót bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Gợi ra nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đó có thể là giao thời của đời người từ tuổi trẻ hăm hở sang độ tuổi trưởng thành nên người ta có thể bình tâm, chủ động trước mọi biến cố, thử thách, như hàng cây đứng tuổi không còn sợ hãi trước những tiếng sấm bất ngờ. Mặt khác, có thể cảm nhận ý nghĩa biểu tượng ở hai câu thơ gắn với hoàn cảnh thời đại: những biến động, thách thức, đe doạ của hoàn cảnh đã không còn là sự bất ngờ đối với một con người; một đất nước đã từng trải và trưởng thành qua bao năm tháng chiến tranh, bao biến cố dữ dội.

13. Cả hai bài thơ đều biểu hiện tình cảm gia đình, cụ thể là tình yêu thương, sự chàm sóc, niềm tin và hi vọng của người mẹ với đứa con, đều có âm hưởng lời ru. Nhưng ở bài Con cò của Chế Lan Viên, tứ thơ được phát triển từ hình tượng con cò trong các câu ca dao, còn trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm được cấu trúc thành ba đoạn, với lời tác giả và lời ru trực tiếp của người mẹ ở mỗi đoạn.

Về nội dung, bài thơ của Chế Lan Viên ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc đời mỗi người, từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Còn trong bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm là hình ảnh người mẹ Tà-ôi với tình yêu thương con tha thiết hoà quyện với tình yêu thương bộ đội, dân làng, sự gắn bó với cách mạng và ý chí chiến đấu giành tự do.

14. Các hình ảnh ở cả ba bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) đều là hình tượng trung tâm của mỗi bài thơ, vừa có ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện tư tưởng, cảm xúc của tác giả. Mỗi hình ảnh lại có sự vận động trong mạch cảm xúc của bài thơ:

+ Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt) khơi gợi cho nhân vật trữ tình nhớ lại những kỉ niệm về bà và tình bà cháu trong những năm kháng chiến, rồi bếp lửa lại gợi ra những suy ngẫm về cuộc đời bà – người nhen nhóm, giữ gìn ngọn lửa của tình yêu thương, đùm bọc trong mỗi gia đình.

+ Trăng trong Ánh trăng (Nguyễn Duy) không chỉ là một hình ảnh của thiên nhiên mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho những gì trong sáng, bền vững của nghĩa tình nhân dân, đồng đội trong quá khứ gian lao. Trăng còn thức tỉnh ở nhân vật trữ tình sự tự vấn: “ánh trăng im phăng phắc – đủ cho ta giật mình”.

+ Mùa xuân trong Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải): có ba hình ảnh mùa xuân trong bài thơ, ba hình ảnh ấy có sự thống nhất và vận động một cách tự nhiên trong mạch cảm xúc và suy tư của nhà thơ. Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời với những màu sắc tươi sáng, không gian cao rộng, âm thanh rộn rã, dẫn đến hình ảnh mùa xuân đất nước hối hả, xôn xao ở cả hậu phương và tiền phương, được kết đọng trong hình ảnh lộc non theo bước chân người ra đồng, người cầm súng. Từ hai hình ảnh mùa xuân đó dẫn đến hình ảnh mùa xuân nhỏ của cuộc đời mỗi người là sự phát triển tự nhiên của tư tưởng và cảm xúc tác giả. Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải làm phong phú thêm cho biểu tượng mùa xuân trong thơ ca dân tộc.

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Luyện tập thơ mới hiện đại – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9 là tài liệu này khá hay giúp các bạn học sinh ôn tập, rèn luyện chuẩn bị tốt cho kì thi học sinh giỏi lớp 9 sắp tới. Chúc các bạn ôn tập tốt. Mời các bạn tham khảo

.......................................................................

Ngoài Luyện tập thơ mới hiện đại – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9, Soạn văn 9 VNEN, Đề thi học sinh giỏi 9 hoặc đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 9

    Xem thêm