Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Bồi Dưỡng HSG Ngữ Văn 9
Hoàng Lê Nhất Thống Chí
(Hồi thứ mười bốn – Ngô gia văn phái)
Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Bồi Dưỡng HSG Ngữ Văn 9 được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn ôn tập, rèn luyện chuẩn bị cho kì thi HSG lớp 9 sắp tới. Mời các bạn tải về tham khảo
- Tóm tắt Hoàng Lê nhất thống chí hồi thứ 14 của Ngô Gia Văn Phái
- Hãy đóng vai một người lính kể lại cuộc hành trình thống nhất đất nước của vua Quang Trung hồi thứ 14 trong bài Hoàng Lê nhất Thống Chí
Hoàng Lê nhất thống chí (còn có tên là An Nam nhất thống chí) là tác phẩm chữ Hán do Ngô gia văn phái viết. Đây là tác phẩm có nhiều giá trị đặc sắc cả về sử liệu và văn chương. Tác phẩm tái hiện một giai đoạn lịch sử nhiều rối ren, biến động với những cuộc tranh giành quyền lực của các thế lực phong kiến, bộc lộ sự khủng hoảng sâu sắc của chế độ phong kiến Việt Nam. Đồng thời, Hoàng Lê nhất thống chí đã xây dựng được một số nhân vật lịch sử sinh động, có tính cách rõ nét.
Văn bản trong SGK bao gồm phần lớn hồi thứ mười bốn của tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, miêu tả cuộc tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh xâm lược của vua Quang Trung, chiến thắng lừng lẫy của quân ta và sự thảm bại của quân Thanh cùng bè lũ vua tôi Lê Chiêu Thống.
Hình tượng người anh hùng Quang Trung xuất hiện nổi bật trong đoạn trích với sự sáng suốt, quyết đoán, tài trí, uy dũng, được miêu tả ở cách ứng xử, lời nói, mệnh lệnh, hành động trong nhiều tình huống khác nhau. Những phẩm chất nổi bật ở nhân vật vua Quang Trung, đó là:
Con người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, nhận định chính xác tình hình và đưa ra những quyết định quan trọng đúng lúc. Khi được tin quân Thanh đã vào thành Thăng Long, Quang Trung vẫn bình thản không hề lo lắng. Ở Tam Điệp, Quang Trung phán đoán chính xác tình hình và đánh giá đúng kế sách của Ngô Thì Nhậm, hiểu được sở trường sở đoản của từng tướng, dùng người vào đúng việc.
Ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng: Trước khi xuất quân, vua Quang Trung đã tính kĩ mọi phương lược tiến đánh, tin chắc vào thắng lọi chỉ trong vòng 10 ngày, hẹn với tướng sĩ ngày 7 tháng 1 cùng có mặt ở thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng chiến thắng (thực tế đã vượt dự định hai ngày), Quang Trung còn tính sẵn kế hoạch ngoại giao với triều nhà Thanh sau khi ta chiến thắng, cùng với việc củng cố đất nước lớn mạnh mười năm sau.
Hành động mạnh mẽ, quyết đoán: Chỉ trong vòng một tháng từ khi quân Thanh vào Thăng Long, Nguyễn Huệ đã hành động nhanh chóng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến quân ra Bắc chắc thắng; tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, đốc đại binh, ra Bắc gặp gỡ người cống sĩ ở huyện La Sơn để hỏi về phương lược, tuyển mộ binh sĩ, tổ chức cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân,… Từ đầu đến cuối, lúc nào Nguyễn Huệ cũng là người mạnh mẽ, quả quyết, tự tin trong mọi quyết định và hành động.
Tài năng quân sự lỗi lạc: Tài năng của vua Quang Trung thể hiện trong việc tổ chức quân đội thành các đạo, gác quân chặt chẽ; tài năng trong việc sử dụng các tướng lĩnh đúng với sở trường của mỗi người; tài năng trong việc tổ chức cuộc hành quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc. Đặc biệt là tài chỉ huy các trận đánh với chiến thuật đa dạng, giữ bí mật, tạo bất ngờ, dùng hư binh, biện pháp đơn giản mà hiệu quả, dùng ván ghép phủ rơm ướt để hạn chế hoả lực của địch. Ba trận đánh được miêu tả (sông Gián, đồn Hà Hồi, đồn Ngọc Hồi), mỗi trận sử dụng một chiến thuật phù họp và đều giành chiến thắng tuyệt đối. Quang Trung không chỉ là một nhà chiến lược tài ba lỗi lạc mà còn là một vị chỉ huy dũng mãnh, xông xáo với hình ảnh thân chinh cưỡi voi xông trận đốc thúc tướng sĩ (có sách nói khi vào đến Thăng Long tấm áo bào đỏ của vua Quang Trung đã đen sạm vì khói súng). Trong lịch sử, cũng từng có nhiều vị vua thân chinh cầm quân đánh giặc nhưng hiếm có hình ảnh nào đẹp như hình ảnh này của Quang Trung.
Ý thức dân tộc sâu sắc: Việc Quang Trung lên ngôi hoàng đế trước khi ra Bắc đánh quân Thanh là sự thể hiện tinh thần tự chủ cao, nhận lấy sứ mệnh đại diện cho quốc gia, dân tộc để tổ chức cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Tinh thần tự chủ, niềm tự hào dân tộc được thể hiện tập trung trong lời dụ của vua Quang Trung trong cuộc duyệt binh ở Nghệ An trước khi tiến quân ra Bắc Hà: “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy […], nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước!”. Lời dụ này của vua Quang Trung như âm vang và tiếp nối những tuyên ngôn chủ quyền của dân tộc ở bài thơ Sông núi nước Nam đời Lí, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo đời Trần, đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đời Lê. Cũng như những bản tuyên ngôn đời trước, lời dụ của Quang Trung đã báo trước với tất cả niềm tin tưởng về sự thất bại của quân xâm lược. Bằng việc lên ngôi hoàng đế và đưa ra lời dụ này, Quang Trung không chỉ là một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa Bắc Bình Vương trước đó, mà đã đường hoàng là người đại diện cho ý chí quyết tâm và niềm tự hào của cả dân tộc trong cuộc chiến đấu giành lại chủ quyền lãnh thổ.
Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và tình cảnh thảm hại của bọn vua tôi Lê Chiêu Thống
Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh
Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh đã bắt đầu từ những trận đánh bất ngờ, táo bạo của quân ta ở sông Gián, rồi Hà Hồi, Ngọc Hồi khiến toàn bộ quân lính đầu hàng. Quân Thanh chống không nổi bỏ chạy giày xéo lên nhau mà chết, tướng chỉ huy là sầm Nghi Đống phải treo cổ tự vẫn, rồi hàng vạn quân giặc rút chạy xuống đầm Mực bị voi quân Tây Sơn giày xéo mà chết. Sự thảm bại của giặc còn được tô đậm ở chi tiết khi quân ta đánh vào Thăng Long thì Tôn Sĩ Nghị – tổng chỉ huy quân Thanh – hoảng hốt, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp chạy trốn qua sông tìm đường thoát thân. Quân sĩ các doanh khi nghe tin đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau roi xuống mà chết rất nhiều đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được. Sự thảm bại của chúng còn tiếp diễn trên đường rút chạy về biên giới, như một đám tàn quân ô họp không còn một chút sĩ khí. Trong lịch sử đã có nhiều lần bọn phong kiến phương Bắc kéo quân sang xâm lược nước ta, bị đánh bại, nhưng có lẽ chưa lần nào cuộc xâm lược của chúng lại nhanh chóng thất bại như lần này và đây cũng là lần quân xâm lược phải chuốc lấy sự thảm bại ê chề nhất.
Đối chiếu với những chi tiết miêu tả quân tướng nhà Thanh ở đoạn đầu khi mói vào Thăng Long, chúng kiêu căng tự mãn, chủ quan khinh địch, đến nỗi trong mấy ngày tết, quân tướng chỉ tiệc tùng vui chơi, không hề đề phòng cuộc tiến công của quân ta; thì sự thảm bại của chúng càng thấy ê chề, nặng nề hơn. Khỉ kể về sự thất bại của quân Thanh, lời văn trần thuật của tác giả dù khách quan nhưng vẫn bộc lộ rõ tinh thần dân tộc, thể hiện trong ngôn ngữ và giọng điệu pha chút xem thường, mỉa mai bọn chúng.
Tình cảnh thẳm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống
Mặc dù những tác giả chủ chốt của Hoàng Lê nhất thống chí từng là cựu thần triều Lê, hoặc làm quan dưới triều Nguyễn, vẫn mang nặng tư tưởng trung quân, hướng về triều đại mà họ cho là chính thống, nhưng ở đoạn văn này, nhờ có được ngòi bút trung thực và lập trường dân tộc, nên các tác giả đã miêu tả chân thực, sinh động tình cảnh thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống (dù giọng văn có chút ngậm ngùi thương cảm).
Lê Chiêu Thống và bề tôi thân tín đã vì lợi ích riêng của dòng họ và của mình mà cầu viện nhà Thanh đưa quân sang chiếm đóng nước ta, đem giang sơn và vận mệnh dân tộc đặt vào tay kẻ xâm lược. Vì thế, chúng phải chịu chung số phận thảm hại với bọn xâm lược, thậm chí còn ê chề, nhục nhã hơn.
Vua tôi Lê Chiêu Thống vội vã cùng mấy bề tôi thân tín đưa Thái hậu ra ngoài chạy bán sống bán chết cướp cá thuyền của dân để qua sông, luôn mấy ngày không được ăn. May gặp người thổ hào thương tình đón về cho ăn và chỉ đường chạy trốn, chui lủi theo đường tắt lên biên giới may đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt.
Mặc dù trong đoạn này, các tác giả cũng vẫn cố giữ cho hình ảnh Lê Chiêu Thống có một chút nhân cách (như chi tiết giữ lễ với Thái hậu, sai người bưng mâm lên mời Thái hậu trước, hay những lời cảm tạ chân thành với người thổ hào), nhưng điều đó không thể cứu vãn được hình ảnh thảm hại, ê chề của một kẻ đi ngược lại với lợi ích dân tộc, đất nước.
Đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí – Hồi thứ mười bốn vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học đặc sắc. Đoạn văn đã tái hiện một trong những trang hào hùng trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta: Chiến thắng oai hùng quét sạch hai mươi chín vạn quân Thanh xâm lược chỉ trong mấy ngày Tết Kỉ Dậu (1789). Đoạn văn xây dựng thành công hình tượng người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ với vẻ đẹp toàn diện, từ trí tuệ nhạy bén, sắc sảo, tầm nhìn xa trông rộng, đến tài mưu lược, uy dũng, tinh thần quyết thắng và ý thức tự hào dân tộc.
về nghệ thuật tự sự, có sự kết hợp đa dạng các phương thức miêu tả trần thuật, bình luận, ngôn ngữ nhân vật khá sinh động, phần nhiều đã thoát ra khỏi lối văn ước lệ, sách vở nặng nề như phần lớn các sáng tác văn xuôi chữ Hán trước đó.
LUYỆN TẬP
BÀI TẬP
Hình tượng vua Quang Trung hiện lên như thế nào trong đoạn trích của tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí Cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút tác giả khi xây dụng hình tượng người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ?
Gợi ý
– Trong đoạn trích, hình tượng vua Quang Trung hiện lên rất nổi bật, với những phẩm chất của người anh hùng dân tộc. Học sinh cần lần lượt nêu hình ảnh vua Quang Trung qua các chi tiết, sự việc: phản ứng của ông khi nghe tin cấp báo về việc quân Thanh chiếm Thăng Long, việc lên ngôi hoàng đế và những công việc gấp rút chuẩn bị cho cuộc tiến quân ra Bắc; lời phủ dụ tướng sĩ, việc xét đoán thưởng phạt; dùng người, chiến lược và chiến thuật đánh giặc; hình ảnh nhà vua thân chinh nơi trận mạc… Qua đó, hình tượng Quang Trung được khắc hoạ nổi bật với những phẩm chất phi thường: trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng, tinh thần yêu nước mãnh liệt, ý chí quyết thắng; hành động mạnh mẽ, quyết đoán, tài năng quân sự lỗi lạc, đồng thòi là người chỉ huy dũng mãnh, toàn diện (HS tham khảo phần Củng cố và mở rộng kiến thức ở trên).
Nguồn cảm hứng chủ đạo chi phối ngòi bút các tác giả khi xây dựng hình tượng vua Quang Trung là cảm hứng anh hùng ca, xuất phát từ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trước chiến công vĩ đại, trước khả năng ổn định tình hình biến loạn lúc bấy giờ của phong trào Tây Sơn mà đứng đầu là người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ. Cảm hứng đó vượt qua thiên kiến của các tác giả về nguồn gốc của phong trào Tây Sơn, về tính chính thống của triều đại Tây Sơn do Nguyễn Huệ đứng đầu.
Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Bồi Dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Bài văn mẫu trên đây là tài liệu hay giúp các bạn học sinh ôn tập, rèn luyện chuẩn bị tốt cho kì thi học sinh giỏi lớp 9 sắp tới. Chúc các bạn ôn tập tốt
.......................................................................
Ngoài Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Bồi Dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9, Soạn văn 9 VNEN, Đề thi học sinh giỏi 9 hoặc đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt