Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị định mới bỏ nhiều chứng chỉ, thầy cô giáo nên biết

VnDoc mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết Nghị định mới bỏ nhiều chứng chỉ, thầy cô giáo nên biết.

Ngày 18/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 10/12/2021. VnDoc mời các bạn cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về Nghị định 89/2021/NĐ-CP cũng như quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định tại ban hành ngày 18/10/2021 của Chính phủ.

Cụ thể ở Nghị định 89 này có nhiều sửa đổi, thay thế về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Có 2 điểm mới liên quan giáo viên được được giáo viên đồng tình, hoan nghênh, cảm ơn Bộ Nội vụ, Chính phủ là quy định cụ thể việc giảm chứng chỉ như trong các văn bản của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua.

1. Giáo viên sẽ không còn phải có các chứng chỉ hạng I, II, III

Tại các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐ ban hành quy định về bổ nhiệm, xếp lương mới có quy định mỗi giáo viên có thể “cõng” đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khiến giáo viên vô cùng bức xúc.

Nghị định 89 mới này đã giải tỏa được áp lực trên.

Tại khoản 2. Điều 1 – Nghị định 89, sửa đổi Điều 15 – Nghị định 101/2017 như sau:

“Điều 15. Hình thức bồi dưỡng

1. Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

2. Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý.

3. Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã.

4. Bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.”.

Như vậy, so với Nghị định 101/2017, Nghị định 89/2021 không còn quy định về hình thức bồi dưỡng tập sự với cán bộ, công chức, viên chức từ 10/12/2021 - thời điểm có hiệu lực của Nghị định này, vẫn còn quy định về bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Tiếp theo tại khoản 5 - sửa đổi Điều 18 Nghị định 101/2017 như sau:

“Điều 18. Yêu cầu tham gia các chương trình bồi dưỡng

1. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

3. Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp….”

Tuy nhiên, ở khoản 4 - sửa đổi Điều 17 Nghị định 101/2017 như sau:

“Điều 17. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng

… 4. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có 01 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần.”

Như vậy quy định mới giáo viên chỉ còn duy nhất 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành so với Nghị định 101 thì viên chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng IV; III, II, I.

Thời gian bồi dưỡng mới là 6 tuần, còn ở Nghị định 101 quy định thời gian bồi dưỡng tối thiểu 6 tuần, tối đa là 8 tuần.

Như vậy tại Nghị định 89 mới đã quy định cụ thể, mỗi ngạch viên chức (đối với giáo viên là mỗi bậc học) chỉ còn duy nhất 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đúng như đề xuất của Bộ Nội vụ tại Công văn số 2499/BNV-CCV về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức trong đó có đề xuất mỗi cấp học, bậc học giảm chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp duy nhất.

2. Chính thức quy định bỏ quy định đào tạo, bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học

Đây là một trong những thay đổi mới đáng chú ý về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP ban hành ngày 18/10/2021 của Chính phủ.

Ở khoản 3 - Sửa đổi Điều 16 quy định nội dung bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bao gồm:

“Điều 16. Nội dung bồi dưỡng

1. Lý luận chính trị.

2. Kiến thức quốc phòng và an ninh.

3. Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước.

4. Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.”.

So với quy định trước đây tại Nghị định 101 năm 2017, quy định mới đã bãi bỏ nội dung đào tạo, bồi dưỡng Tiếng dân tộc, Tin học và Ngoại ngữ.

Như vậy theo cách hiểu của người viết thì cùng với quy định về không cần yêu cầu có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học trong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và Nghị định 89 mới này chính thức đã không còn yêu cầu giáo viên có chứng chỉ hoặc phải bồi dưỡng, đào tạo Ngoại ngữ, Tin học. Đây là điều được cán bộ, công chức, viên chức chờ đợi.

Trên đây là 2 điểm mới về Nghị định 89 mới sửa đổi Nghị định 101 rất được giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức khác đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
9
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn bản giáo dục

    Xem thêm