Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tác phẩm nào đã truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức hướng anh (chị) tới lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội

Dưới đây là bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc Đề 1 dành cho học sinh THPT và sinh viên với nhiều mẫu bài hay và đặc sắc nhất, mời các bạn tham khảo.

Tác phẩm nào đã truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức hướng anh (chị) tới lối sống tích cực

Đề bài: Tác phẩm nào đã truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức hướng anh (chị) tới lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội, khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Tác phẩm truyền cảm hứng - Lặng lẽ Sa Pa

Trên những trang văn nhẹ nhàng, sâu lắng của Nguyễn Thành Long, "Lặng lẽ Sa Pa" hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Tác phẩm không chỉ khơi gợi niềm say mê trước vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của Sa Pa mà còn truyền tải thông điệp sâu sắc về lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội và khát vọng cống hiến cho đất nước.

Nhân vật chính của tác phẩm - anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn - là hình ảnh tiêu biểu cho những con người thầm lặng cống hiến cho đất nước. Cuộc sống của anh gắn liền với mây mù, gió núi, với những công việc âm thầm mà gian khổ. Tuy nhiên, anh không hề nao núng, chùn bước trước khó khăn mà luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, say mê công việc. Mỗi ngày, anh đều tỉ mỉ ghi chép số liệu khí tượng, theo dõi mây trời, quan sát mưa gió. Công việc của anh tuy nhỏ bé nhưng lại góp phần quan trọng vào việc dự báo thời tiết, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Hình ảnh anh thanh niên trên đỉnh Yên Sơn như một ngọn hải đăng, soi sáng con đường cho thế hệ trẻ. Anh là tấm gương về tinh thần trách nhiệm, ý thức cống hiến cho cộng đồng. Qua tác phẩm, Nguyễn Thành Long muốn khẳng định rằng mỗi con người đều có thể góp phần xây dựng đất nước, dù công việc của họ thầm lặng và nhỏ bé đến đâu.

"Lặng lẽ Sa Pa" không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một lời nhắn nhủ, một lời kêu gọi mỗi người hãy sống có trách nhiệm, cống hiến hết mình cho xã hội. Đặc biệt, trong thời đại mới, khi đất nước đang trên đà phát triển, mỗi người trẻ càng cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân, noi theo tấm gương của anh thanh niên trên đỉnh Yên Sơn để góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Tác phẩm đã để lại trong lòng tôi nhiều xúc động và suy ngẫm sâu sắc. Nó khơi dậy trong tôi niềm tự hào về những con người thầm lặng cống hiến cho đất nước và thôi thúc tôi sống một cuộc đời có ý nghĩa, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tác phẩm truyền cảm hứng - Một lít nước mắt

"Một lít nước mắt" là một tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời của chính Kito Aya, một cô gái trẻ 15 tuổi ở Nhật Bản, người đã phải đối mặt với căn bệnh quái ác thoái hoá tiểu não vào những năm đầu tuổi trưởng thành của mình. Cuốn sách mở ra cánh cửa vào cuộc đời của Aya, từ những niềm vui và ước mơ đến những cảm xúc đau buồn và nỗi sợ hãi trước tương lai không thể đoán trước.

Một trong những điểm sáng của cuốn sách là cách mà Aya diễn đạt về những trải nghiệm và cảm xúc của mình. Từ những khoảnh khắc tuyệt vọng khi cô nhận ra sự suy giảm của cơ thể, đến những khoảnh khắc hy vọng và niềm vui trong những kỷ niệm của tuổi trẻ, cô tạo ra một bức tranh đầy màu sắc và chân thực về cuộc sống.

"Một tâm hồn nhạy cảm.

Một gia đình ấm áp.

Một căn bệnh hiểm nghèo.

Một cơ thể tật nguyền."

Đó là những gì Aya có trong hơn 20 năm cuộc đời. Từ một nữ sinh trung học vô tư, hồn nhiên ở độ tuổi mười lăm, Aya bỗng trở thành nạn nhân của một căn bệnh quái ác - thoái hóa tiểu não. Cô không thể điều khiển được phản ứng của mình, gặp khó khăn trong việc vận động cơ thể, và đến một lúc nào đó, cô sẽ không còn nói chuyện, bước đi, hay tự thân làm bất cứ điều gì được nữa.

Khi gần như cả thế giới ngoài kia quay lưng lại với cô, khi ngay cả thân thể của bản thân cô cũng không thể kiểm soát, những cuốn nhật kí, những giọt mực di đều trên trang giấy bỗng hóa thành những người bạn tâm giao cùng Aya chia sẻ mọi nỗi niềm. Chúng như trở thành miền đất cứu chuộc cuối cùng dành cho cô, nơi mà người con gái có "đôi mắt sáng to và khuôn mặt tròn nhỏ" gửi gắm toàn bộ tâm hồn, nơi duy nhất mà cô thấy mình còn là một con người bình thường khi ngay cả cơ thể cô cũng đã trở thành "kẻ phản bội".

May mắn thay, trong cuộc hành trình ấy, em không hề cô đơn. Aya vẫn còn có rất nhiều người ở phía sau cổ vũ em, đặc biệt là mẹ của cô bé.

Chắc hẳn bố mẹ nào khi biết con mình mắc bệnh quái ác, và mẹ của Aya khi biết cô chỉ còn cơ hội sống rất mong manh, bà dường như gục ngã trong chính suy nghĩ của mình. Dù đau khổ là thế nhưng bố mẹ Aya luôn cố kìm nén lại và dành thời gian còn lại để chăm sóc và yêu thương Aya. Từ lúc mắc bệnh đến khi qua đời, bố mẹ luôn là người bên cạnh, ủi an và thấu hiểu cho cô. Bố mẹ cũng là niềm hi vọng, là mục đích sống của cùng của cô gái nhỏ vừa bước vào độ tuổi 15.

Cuốn sách cũng là một lời nhắn về sức mạnh và ý chí phi thường của con người. Dù phải đối diện với những khó khăn và nỗi đau không tưởng, Aya không bao giờ từ bỏ hy vọng và ý chí sống. Sự kiên nhẫn, sự mạnh mẽ và lòng quyết tâm của cô là nguồn động viên lớn lao cho những người đọc.

Tôi còn nhớ như inh câu hỏi "Mẹ ơi, tại sao căn bệnh lại chọn con?” của cô bé. Một câu hỏi như xé nát cỏi lòng. Ở độ tuổi 15, dường như chúng ta đang là những đứa trẻ vô tư vô lo về chuyện của tương lai thì Aya lại phải chấp nhận sự thật rằng cô phải từ bỏ ước mơ trở thành vận động viên bóng rổ bởi căn bệnh thoái hóa dây thần kinh tiểu não. Nhưng không vì những bất công đó mà Aya nản lòng, đối diện với án tử của cuộc đời, Aya đã chiến đấu như một chiến binh thực thụ. Có giằng xé, có đau khổ, nhưng cũng có hạnh phúc, có hy vọng. Khi sự sống đang dần trôi đi, Aya lựa chọn đối diện với tất cả. “Hãy sống! Mình muốn hít thở thật sâu dưới trời xanh".

Sau khi đọc xong cuốn sách " Một lít nước mắt", tôi nhận ra một điều rằng, điều đáng sợ nhất với một người đang sống có lẽ không phải là một cái chết bất đắc kỳ tử, mà là cái chết chưa đến ngay nhưng được thông báo trước. Nó bóp nghẹt người ta trong sự sợ hãi, tiếc nuối và vô nghĩa của cuộc đời. Tuy nhiên, Aya lại vô cũng mạnh mẽ, cô gái ấy là chiến binh của hạnh phúc. Thần chết đã nắm em trong bàn tay rồi, nhưng thay vì đầu hàng trước số phận, em chọn cách chắt chiu những gì còn lại, sống thật trọn vẹn trong những giây phút cuối cùng.

Cuối cùng, "Một lít nước mắt" là một cuốn sách đáng để đọc và suy ngẫm. Nó là một lời nhắc nhở về ý nghĩa của cuộc sống, về sự quý trọng mỗi khoảnh khắc và về sức mạnh của tinh thần con người trong việc vượt qua mọi khó khăn. Đọc cuốn sách này, người đọc không chỉ được chứng kiến một câu chuyện đầy cảm xúc, mà còn được truyền cảm hứng và sự khích lệ từ một người phụ nữ mạnh mẽ và kiên cường trong cuộc sống.

Hãy luôn cố gắng, kiên cường và sống hết mình, bởi “Thời gian sẽ không dừng lại dẫu cho tôi có đạp hết đồng hồ trên thế giới.” Chúng ta hãy sống và mỉm cười dù cho bất cứ điều gì xảy ra. Cảm ơn sự xuất hiện của Aya ở thế giới này, để giúp chúng ta biết ơn những gì mà bản thân mình may mắn có được.

“Vấp ngã ư? Chẳng vấn đề

Dù thế nào ta vẫn có thể đứng lên

Lúc vấp ngã hãy ngước lên nhìn trời kia

Bầu trời xanh bao la ngút ngàn tầm mắt

Có thấy nó đang mỉm cười với bạn không?

Bạn đang còn sống.”

Tác phẩm truyền cảm hứng - “Chân trần, chí thép”

Chiến tranh Việt Nam luôn là đề tài khơi gợi nhiều nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ. “Chân trần, chí thép” của James G.Zumwalt là một cuốn sách như thế. Tác giả tái hiện lịch sử về cuộc chiến tranh Việt Nam trên thông tin của 200 cuộc phỏng vấn mà những câu chuyện trong nó đều gắn với một con người cụ thể. Đó có thể là câu chuyệncủa một cô văn công, có thể là một vị tướng, cũng có thể là một dân thường…Mỗi một câu chuyện lại đem đến cho tôi một cảm giác khác nhau. Có những câu chuyện nói về việc chữa trị thương binh thực sự đã khiến tôi nổi da gà vì sự thiếu thốn, về cách kể rất chân thực. Tôi như đang đứng đó, chứng kiến từng sự việc và cảm nhận nỗi đau.

Khác với những cuốn sách khác khi viết về chiến tranh nước nhà tôi từng đọc , đây là cuốn sách đầu tiên về chiến tranh được viết bởi 1 người ở bên kia chiến tuyến viết về chiến tranh Việt Nam thời kỳ chống Mỹ. Vì thế, những trang sách của “Chân trần chí thép” vô cùng chân thực và sinh động, giống như những góc máy quay thật gần, thể hiện được nhiều góc độ sâu sắc của cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ này. Cả James, anh trai và cha đều đã từng tham chiến tại Việt Nam. Cha của ông-đô đốc chỉ huy trưởng hải quân Mỹ ở Việt Nam cũng chính là người ra lệnh rải chất diệt cỏ gây nên nỗi ám ảnh mang tên “Chất độc màu da cam” cho người dân Việt Nam ta. Anh trai của ông cũng trở thành nạn nhân, mắc bệnh ung thư và qua đời sau đó. Nỗi đau mất người thân đã tác động đến James và cha của ông theo hai cách hoàn toàn trái ngược nhau. Thực tế mệnh lệnh rải chất diệt cỏ được đưa ra bởi các nhà sản xuất chất này ở Mỹ đảm bảo nó không gây hại cho con người, vì vậy sau cái chết của người con trai thì vị tướng này đã tìm mọi cách buộc chính phủ Mỹ phải thừa nhận những ảnh hưởng của chất độc màu da cam, đồng thời bồi thường cho những cựu chiến binh bị nhiễm chất độc. Ông nỗ lực hàn gắn, xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở hai bên chiến tuyến. Còn James không thể buông bỏ hận thù với những người đã cướp đi đồng đội, bạn bè và người anh trai ông vô cùng yêu mến. Ông vẫn luôn cho rằng người Việt phải chịu trách nhiệm với sự mất mát của ông. Năm 1994 khi cùng cha sang Việt Nam, những cuộc gặp gỡ đã giúp cho James có cái nhìn khác về người
Việt, cũng như về cuộc chiến người Mỹ đã thua vì thiếu một quyết tâm tương xứng.

“Chân trần, chí thép” đã cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của một cựu quân nhân người Mỹ về chiến tranh Việt Nam cũng như thấy được sự tàn bạo, bất hợp lý của chiến tranh và đồng thời cũng nêu ra được vì sao có sự khác biệt về thống kê con số thương vong giữa hai bên.Chính vì vậy, ông viết cuốn sách này với động cơ "để sai lầm trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam không bao giờ xảy ra với các thế hệ người Mỹ trong tương lai", chứ không nhằm "đưa ra một phát ngôn chính trị".

Khi cầm cuốn sách trên tay, bản thân tôi đã thực sự bị thu hút bởi hình ảnh trên trang bìa . Đó chính là hình ảnh của người lính với khiếm khuyết trên thân thể. Người lính đã bị mất đi bàn tay của cánh tay bên phải, nhưng anh vẫn cúi người dùng hai cánh tay mình để khuân một “miếng sắt” hay miếng đá gì đấy. Không chỉ hình ảnh vô cùng sâu sắc, tựa sách cũng vô cùng ấn tượng.Chỉ với bốn chữ “chân trần chí thép” đã khắc họa rõ rệt sự tương phản giữa tình thế nước ta lúc bấy giờ với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của nhân dân trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất.

Khi đọc và cảm nhận về những câu chuyện được James viết ra, có ba điều về cuốn sách này khiến tôi vô cùng tâm đắc.

Trước hết là nói về lí tưởng. Đọc cuốn sách giúp tôi hiểu ra rằng: những người lính ở hai bên chiến tuyến đều chiến đấu cho những lí tưởng của riêng mình và chúng ta đã giành chiến thắng vì lý tưởng của chúng ta mạnh mẽ hơn. Trong quá trình tìm hiểu về địa đạo Củ Chi, James đã có cơ hội gặp gỡ thiếu tướng Trần Hải Phụng-tư lệnh của quân địa đạo Củ Chi. James đã vô cùng bất ngờ khi tướng Phụng kể cho ông nghe về vụ ám sát chỉ huy trưởng lực lượng hải quân Mỹ tại Việt Nam chính là cha của ông. Kết thúc câu chuyện tướng Phụng bắt tay ông và gửi cha của ông lời xin lỗi bởi vì ông cũng chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của một người lính mà thôi. Câu chuyện giúp tôi hiểu rằng những người lính trên chiến trường không chỉ chiến đấu vì lí tưởng của mình mà còn thấu hiểu những mất mát, đau thương của đối phương.

Điều thứ hai khiến tôi cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng đó là sự sáng tạo của các bác sĩ quân y Việt Nam. Mỗi một người tác giả gặp đều mang đến cho ông một câu chuyện khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chung là nói về sự thiếu thốn. Không có một quân đoàn nào của người Việt đủ ăn. Tất cả mọi người vừa chiến đấu vừa phải lo từng bữa ăn bởi vì lương thực luôn trong tình trạng không đủ. Còn các bác sĩ quân y còn phải đối phó với những thiếu thốn trầm trọng hơn. Bạn hãy thử tưởng tượng xem, các bác sĩ sẽ làm gì khi không có ông nghe, không có chỉ y tế, không có thuốc giảm đau,...Thế nhưng họ đã giải quyết tất cả sự khó khăn đó bằng sự sáng tạo và trí tuệ của mình. Vậy nên nếu bạn chưa thể nghĩ ra họ làm gì thì hãy đọc sách đi nha.

Điều thứ ba khiến mình vừa thấy xúc động vừa thấy tự hào chính là sự vị tha của người Việt. Ngay trong lòng cuộc chiến, một người phụ nữ vừa mất chồng và con trai đã thắp nhang trên mộ của một phi công Mỹ với lời thì thầm: “ Cầu mong hương hồn chú sớm được trở về với gia đình bên Mỹ”. Nỗi đau chiến tranh không trừ bất kỳ một bên nào và bà một người phụ nữ vừa mất người thân đã thấu hiểu được điều đó. Sau tất cả, thì tác giả đã nhận ra một điều là mỗi một chính phủ đều có một cách thức khác nhau để thực hiện yêu cầu chính đáng của người dân nước mình. Và đối với người Việt đó là hoà bình. Vì hòa bình người Việt sẵn sàng đánh đổi tất cả, vì hoà bình người Việt sẵn sàng gác lại quá khứ hướng đến tương lai để giúp những người Mỹ tìm kiếm hài cốt của đồng đội trong khi những người thân của mình vẫn còn nằm lại đâu đó trên chiến trường chưa được tìm thấy.

Ấy thế mới biết, để có được “thời bình” nơi mà thỉnh thoảng ta vẫn than vãn cuộc sống vất vả, nhưng liệu nếu bạn hay tôi sinh ra vào hơn nửa thế kỉ trước, khi mà chỉ cần “sống sót” thôi đã quả là một may mắn lớn lao (sống sót ở đây không có nghĩa là lành lặn), liệu chúng ta có Anh Hùng, có Vĩ Đại, và Phi Thường được như thế. Qua cuốn sách, bản thân tôi không chỉ cảm nhận thêm nhiều điều về cuộc chiến tàn khốc mà nhân dân ta phải chịu đựng suốt nhiều năm, mà còn thêm một lần nhìn lại, trân trọng quá khứ hào hùng, đồng thời thấu hiểu chiến tranh theo một cách mới mẻ hơn. Nó cũng khiến tôi càng cảm phục tinh thần quả cảm, ý chí mạnh mẽ của những con người đã một phần làm nên lịch sử nước nhà. Và chúng ta là những đứa trẻ, là thế hệ trẻ cho dù lớn lên ở chiến tuyến nào đichăng nữa cũng có trách nhiệm xây dựng quê hương mình ngày càng tươi đẹp, phát triển hơn để xứng đáng với mồ hôi, xương máu của lớp cha anh đi trước mà chúng ta mới có được hoà bình, hạnh phúc ngày hôm nay.

Tôi thực sự cảm thấy bản thân may mắn khi được vô tình biết đến và được đọc cuốn sách này. Và cũng không quá khi nói rằng tác phẩm là một lời cảm phục của tác giả đối với nhân dân Việt Nam.

Xem thêm các mẫu khác:

Xem thêm các bài dự thi văn hóa đọc khác:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Sắp xếp theo

    Bài thu hoạch

    Xem thêm