Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Công Trứ

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ

VnDoc mời các bạn cùng tham khảo bài viết Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Công Trứ để hiểu hơn về ông cùng các tác phẩm của mình.

Nguyễn Công Trứ là nhà thơ đã tuyên dương một lý tưởng sống tích cực. Con người Nguyễn Công Trứ là con người hành động, ý thức được tài năng, phẩm chất của mình. Trong bài viết này VnDoc sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về thân thế sự nghiệp, nghệ thuật và giá trị trong thơ Nguyễn Công Trứ cùng với các tác phẩm tiêu biểu được đưa vào bài học trong môn Ngữ văn.

Tiểu sử cuộc đời Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, sinh ngày 01 tháng 11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39, tức ngày 19 tháng 12 năm 1778; người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Nguyễn Công Tấn, đậu cử nhân năm hai mươi bốn tuổi, làm giáo thụ phủ Anh Sơn, Nghệ An, sau thăng làm tri huyện Quỳnh Côi, rồi tri phủ Tiên Hưng, Thái Bình. Khi quân đội Tây Sơn ra Bắc chiếm Thăng Long, Nguyễn Công Tấn xướng nghĩa cần vương chống lại, không thành, ông đưa gia đình về quê mở trường dạy học. Nguyễn Huệ mấy lần mời ra làm quan, ông đều từ chối.

Mẹ Nguyễn Công Trứ là con gái quan quản Nội thị Cảnh Nhạc bá, họ Nguyễn, người xã Phụng Dực, huyện Thượng Phúc, tỉnh Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội). Gia đình Nguyễn Công Trứ có sáu anh em, ba trai, ba gái, có một bà rất thông minh, giỏi thơ văn, người đương thời gọi là Năng văn nữ sĩ. Năm mười chín tuổi, chồng chết, bà nhất định không chịu tái giá, bỏ nhà đi tu, được Minh Mệnh ban cho danh hiệu “Trinh tiết khả phong”.

Nguyễn Công Trứ từ bé đã sống trong cảnh nghèo khổ. Khi nhà Nguyễn đang tích cực củng cố địa vị thống trị của mình, xã hội có vẻ ổn định, Nguyễn Công trứ hăm hở đi học đi thi. Năm 1819, ông thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan. Bấy giờ ông đã bốn mươi mốt tuổi.

Năm 1820 Nguyễn Công Trứ giữ chức Hành tẩu ở Quốc sử quán. Sau đó ông liên tiếp giữ các chức Tri huyện Đường Hào, Hải Dương (1823), Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1824), Phủ thừa phủ Thừa Thiên (1825), Tham tán quân vụ, rồi thăng Thị lang Bộ hình (năm 1826). Năm 1828, ông được thăng Hữu tham tri Bộ hình, sung chức Dinh điền sứ, chuyên coi việc khai khẩn đất hoang. Năm 1832, ông được bổ chức Bố Chánh sứ Hải Dương, cùng năm thăng Tham tri Bộ binh, giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải An... Sau nhiều thăng giáng, năm 1845 Nguyễn Công Trứ làm Chủ sự Bộ hình, năm sau làm quyền Án sát Quảng Ngãi, rồi đổi ra làm Phủ thừa Phủ Thừa thiên, rồi năm 1847 ông thăng làm Phủ doãn phủ ấy. Cũng năm này, ông tròn bảy mươi tuổi ta, Nguyễn Công Trứ xin về hưu, nhưng Thiệu Trị không cho. Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, ông được về hưu hẳn.

Trong một câu đối làm khoảng cuối đời, Nguyễn Công Trứ tổng kết cuộc đời mình:

“Cũng may thay công đăng hoả có là bao, theo đòi nhờ phận lại nhờ duyên, quan trong năm bảy thứ, quan ngoài tám chín phen, nào cờ nào quạt, nào mão nào đai, nào hèo hoa gươm bạc, nào võng tía dù xanh, mặt tài tình trong hội kiếm cung, khắp trời Nam bể Bắc cũng tung hoành, mùi thế trải qua ngần ấy đủ; Thôi quyết hẳn cuộc phong trần chi nữa tá, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục, hầu gái một vài cô, hầu trai năm bảy cậu, này cờ này kiệu, này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên chén mẫu, tay thao lược ngoài vòng cương toả, lấy gió mát trăng trong làm tri thức, tuổi trời ít nữa ấy là hơn”.

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Công Trứ

Cuộc đời Nguyễn Công Trứ là cuộc đời của một người say mê hoạt động. Lúc nào trong tâm khảm nhà thơ cũng hằn lên một câu hỏi lớn:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông”.

Năm 1803, khi còn là thư sinh, Nguyễn Công Trứ đã dâng lên nhà vua Gia Long bản “Thái Bình thập sách”, một cương lĩnh trị nước:

“Giữ lòng trung ái,

Chăm đạo dâu con,

Phát triển nông trang,

Trừ bỏ dị đoan,

Sửa đổi phong tục,

Thanh thải tham tàn,

Tiến cử tài đức,

Giữ nghiêm luật lệ”

Về sau, khi đỗ đạt, ra làm quan, “đem quách cả sở tồn làm sở dụng”, Nguyễn Công Trứ lao vào công việc một cách hăng say, không hề quản ngại gian lao, vất vả.

Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Công Trứ đã làm hai việc đáng chú ý hơn cả là khai hoang và giúp triều đình “an dân”.

Về “an dân”, Nguyễn Công Trứ có công làm yên những cuộc khởi nghĩa nông dân của Phan Bá Vành ở Nam Định, của Nùng Văn Vân ở Tuyên Quang, của Lê Duy Phương ở Thanh Hoá, hay cuộc tiễu phạt ở Quảng Yên... Nguyễn Công Trứ hết sức chăm lo cho cuộc sống đói nghèo của nông dân. Ông đề nghị “đặt nhà học” cho con em nhân dân được học hành... “đặt xã thương” ở các làng để quản lý thóc gạo, “khi nào giá cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp lúc thuỷ hạn bất thường, đem thóc chiếu cấp cho từng người, năm nào được mùa sẽ theo số đã cấp thu lại để chứa trữ” (Sớ nói về năm quy ước trong làng; năm 1829). Ông tố cáo “cái hại cường hào làm cho đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính mệnh phải thiệt hại, tài sản phải sạch không” và đề nghị triều đình “trị tội rất nặng” (Sớ nói về tệ cường hào; năm 1828), v.v...

Trong những việc ông làm, có ích lợi thiết thực và to lớn cho nhân dân hơn cả là công cuộc khẩn hoang. Ông tấu xin nhà nước cấp tiền gạo để chiêu tập dân nghèo khai khẩn. Ông hướng dẫn nông dân khai phá một vùng đất đai rộng lớn ven biển thuộc các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình, lập nên hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Ông chỉ huy việc khai khẩn vùng đất ven bờ biển tỉnh Quảng Yên, Hải Dương... Nhân dân các vùng khai hoang rất biết ơn ông. Họ lập đền thờ ông ngay khi ông còn sống. Trong đền kỷ niệm công cuộc dinh điền ở làng Đông Quách, huyện Tiền Hải, Thái Bình, có câu đối về công lao của ông rất cảm động:

“Đặc địa sinh từ, Đông Ấp nhất bách niên kỷ niệm,

Kình thiên trụ thạch, Hồng Sơn thiên vạn cổ tề cao”

(Trên đất dựng sinh từ, làng Đông Ấp trăm năm kỷ niệm,

Giữa trời trơ cột đá, ngọn Hồng Sơn muôn thủa sánh cao)

Nguyễn Công Trứ là một ông quan rất thanh liêm, chính trực. Thuở bé nghèo xác, lớn lên thi đỗ, làm quan, về già Nguyễn Công Trứ vẫn sống đạm bạc. ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN ghi lại câu chuyện Nguyễn Công Trứ không chịu nhận tiền hối lộ của Phạm Nguyên Trung, Ngô Huy Phác, bắt giải cả hai người cùng tang vật sang Nam Định để xét xử về tội đi hối lộ. Thời gian làm Dinh điền sứ, ông nhận tiền gạo của nhà nước cấp cho dân nghèo làm vốn, số dư thừa Nguyễn Công Trứ đều đem nộp lại cho công khố. Cuối đời, Nguyễn Công Trứ còn làm một việc rất cảm động. Năm 1858, khi nghe tin Pháp đánh Đà Nẵng, ông đã tám mươi tuổi, nhà thơ vẫn dâng sớ lên vua, tha thiết xin được tòng quân đánh giặc: “ Dù tôi như cái màn, cái lọng rách cũng không nỡ tự nản chí. Còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay”. Nguyễn Công Trứ mất ngày 14 tháng 11 năm Tự Đức thứ 12. Ông thọ 81 tuổi.

Suốt cuộc đời bốn phần năm thế kỷ của mình, Nguyễn Công Trứ đã làm nhiều việc, thâm tâm ông bao giờ cũng đinh ninh rằng việc mình làm là “vì dân vì nước”:

“Một mình để vì dân vì nước,

Túi kinh luân, từ trước để nghìn sau...”

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Bài thu hoạch

    Xem thêm