Bài ca ngất ngưởng
Bài ca ngất ngưởng - Nguyễn Công Trứ
Bài thơ Bài ca ngất ngưởng - Nguyễn Công Trứ thuộc chương trình học Ngữ văn lớp 11, để giúp các em học sinh nắm chắc nội dung bài thơ từ đó đi sâu phân tích, soạn bài lớp 11 hay hơn, VnDoc.com đã tổng hợp toàn bộ nội dung bài và kèm theo những bài văn mẫu liên quan sẽ giúp các em học sinh học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11.
Bài ca ngất ngưởng
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990 - 2006, Ngữ văn 11 từ 2007.
Nguồn:
1. Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Tân xuất bản, 1928.
2. Trương Chính biên soạn & giới thiệu, Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB Văn học, 1983.
3. Nguyễn Tường Phượng, Phan Văn Sách, Bùi Hữu Sung, Việt văn diễn giảng hậu bán thế kỷ thứ XIX, Trường Nguyễn Khuyến xuất bản, Hà Nội, 1954.
I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Công Trứ
- Nguyễn Công Trứ (1778- 1858) tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn.
- Là người có tài năng và nhiệt huyết trên nhiều lĩnh vực từ văn hóa, kinh tế đến chính trị, quân sự. Thế nhưng con đường làm quan lại trắc trở, gập ghềnh, thăng giáng thất thường.
- Là người ưa tự do, phóng túng, có cá tính có bản lĩnh, ngông ngạo.
- Là người yêu nước thương dân có nhiều đóng góp cho đất nước.
- Các tác phẩm chính:
+ các sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm với nhiều thể loại thơ, phú, câu đối, hát nói.
+ riêng thơ Đường luật có khoảng 150 bài.
- Đặc điểm sáng tác:
+ tập trung vào ba chủ đề chính: chí nam nhi, triết lí sống nhàn, thế thái nhân tình đen bạc.
+ Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên có công đưa hát nói trở thành thể loại văn học dân tộc.
⇒ Cùng với Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ là một trong hai thi sĩ nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ 19
II. Đôi nét về tác phẩm Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ)
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Bài thơ được viết sau năm 1848, khi tác giả cáo quan về ở ẩn.
2. Bố cục
- Phần 1 (6 câu đầu): Ngất ngưởng trên con đường công danh, sự nghiệp.
- Phần 2 (12 câu tiếp): Ngất ngưởng trong lối sống, suy nghĩ.
- Phần 3 (còn lại) : Lời khẳng định về sự ngất ngưởng vô địch.
3. Giá trị nội dung
- Bài thơ khẳng định ngất ngưởng là cách Nguyễn Công Trứ thể hiện bản lĩnh cá nhân trong cuộc sống.
4. Giá trị nghệ thuật
- Cách gieo vần, các câu thơ thuần Hán, thuần Việt được đan cài vào nhau tạo nên nhịp điệu câu thơ.
- Số âm tiết qua cách nói cách hát thể hiện sự phóng khoáng của cá nhân, nghệ thuật điệp từ.
III. Dàn ý phân tích Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ)
1. Ngất ngưởng trên con đường công danh, sự nghiệp
- Câu thơ đầu là lời tuyên ngôn về lẽ sống, lời khẳng định chắc nịch tràn đầy niềm tự hào kiêu hãnh về tài năng xuất chúng của mình.
- Tác giả cũng không ngần ngại đem tài năng của mình vào vòng trói buộc của công danh, sự nghiệp những mong thể hiện hoài bão vì dân vì nước, khẳng định tài năng của mình.
- Hàng loạt các chức vụ được liệt kê trong niềm tự hào kiêu hãnh: khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,....
- Trong cái vòng trói buộc ấy, tác giả vẫn thể hiện được lí tưởng của mình, giữ vững bản lĩnh, cá tính. Ông tự nhận mình là kẻ ngất ngưởng trong chốn quan trường.
⇒ Giọng văn hơi khoa trương nhưng không gây khó chịu cho người đọc bởi tài năng thực sự, phẩm chất của tác giả. Suốt cuộc đời làm quan ông đã cống hiến hết mình, sống đúng chất là một tay ngất ngưởng chốn quan trường.
2. Ngất ngưởng trong lối sống suy nghĩ
- Ngất ngưởng khi cáo quan.
+ trả lại mũ ấn về quê vui thú cái tôi ngất ngưởng được thỏa sức tung hoành.
+ rời chốn quan trường bắt đầu chặng đường mới mà giọng văn khoan khoái không chút buồn phiền.
+ không ngựa ngựa, xe xe, cụ Thượng Trứ thong dong cưỡi bò dong đuổi khắp kinh kì.
- Ngất ngưởng trong thú chơi, trong quan niệm sống, trong lối sống.
+ trước sự biến động của xã hội và sự thăng trầm của cuộc đời, Nguyễn Công Trứ đã đưa ra một triết lí tự nhiên, ung dung, tự tại và một lối sống lấy sự hưởng lạc làm lẽ tồn tại.
+ ông đem giáo lí của đạo Phật, đạo tiên và cách sống theo thói trần tục ra để phủ nhận khi so sánh với thú vui của cuộc sống trần thế: khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng, không Phật, không tiên, không vướng tục.
⇒ Nguyễn Công Trứ là tấm gương mẫu mực về cái tài, cái tâm.
3. Câu kết
- Đó là lời khẳng định chắc nịch về một đời ngất ngưởng của ông Hi Văn mang đầy vẻ thách thức với đời, với đám quan lại trong triều thối nát.
- Hình thức diễn đạt mang dáng dấp của câu hỏi làm tăng tính khẳng định cho câu thơ.
4. Nghệ thuật
- Ở Bài ca ngất ngưởng bên cạnh yếu tố hát của nhịp điệu giàu chất nhạc là yếu tố nói đậm ngôn ngữ đời sống.
- Biện pháp nghệ thuật điệp từ được sử dụng linh hoạt góp phần diễn tả nội dung.
- Thể loại hái nói dưới bàn tay ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ đã được phá cách hơn.
Tài liệu liên quan đến bài thơ Bài ca ngất ngưởng
Trắc nghiệm Ngữ văn 11 bài 7: Bài Ca Ngất Ngưởng
Đề kiểm tra 15 phút môn Ngữ Văn lớp 11 - "Bài ca ngất ngưởng"