Thương vợ
Thương vợ - Trần Tế Xương
Các em học sinh thân mến! Để giúp các em học tốt Ngữ văn lớp 11, VnDoc.com đã tổng hợp bài thơ Thương vợ gồm soạn bài lớp 11, phân tích thơ, so sánh... chắc chắn sẽ giúp các em học sinh nắm chắc kiến thức bài Thương vợ để có kết quả cao hơn trong học tập. VnDoc.com mời các bạn học sinh và thầy cô tham khảo tài liệu lớp 11: Thương vợ.
Thương vợ
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!
Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, Ngữ văn 11 từ 2007.
Nguồn:
1. Thơ văn Trần Tế Xương, NXB Giáo dục, 1984
2. Thơ Trần Tế Xương, NXB Văn hoá - Thông tin, 1998
3. Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951
I. Khái quát chung về tác giả Trần Tế Xương
a. Tiểu sử tác giả Trần Tế Xương
Trần Tế Xương (1870 - 1907) thường gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định).
Trần Tế Xương chỉ sống 37 năm và chỉ đỗ tú tài nhưng sự nghiệp thơ ca của ông đã trở thành bất tử.
Trần Tế Xương là một người rất thông minh, tính tình thích trào lộng.
b. Sự nghiệp văn học của Trần Tế Xương
Trần Tế Xương sáng tác trên 100 bài thơ, chủ yếu là thơ Nôm, gồm nhiều thể thơ (thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát) và một số bài văn tế, phú, câu đối,…
Sáng tác của Trần Tế Xương gồm hai mảng: trào phúng và trữ tình, đều bắt nguồn từ tâm huyết của nhà thơ với dân, với nước, với đời.
Thơ Trần Tế Xương là một bức tranh xã hội thực dân nửa phong kiến: Trong thơ ông có hình bóng con người và sinh hoạt của xã hội phong kiến cũ đã bị thực dân hóa, và có hình bóng những vật mới, những sinh hoạt mới – sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến.
Thơ xưa viết về người vợ đã ít, mà viết về người vợ khi đang còn sống càng hiếm hoi hơn. Thơ Trần Tế Xương lại khác, trong sáng tác của ông, có hẳn một đề tài về bà Tú bao gồm cả thơ, văn tế, câu đối.
Nghệ thuật thơ văn Trần Tế Xương: Thơ trào phúng của Trần Tế Xương hết sức đa dạng và phong phú. Thơ trữ tình lời thơ nhuần nhuyễn, ý thơ gần gũi, sâu lắng.
II. Đôi nét về tác phẩm Thương vợ (Trần Tế Xương)
1. Xuất xứ
- Thương vợ là bài thơ cảm động nhất trong chùm thơ văn câu đối về đề tài bà Tú.
2. Bố cục
- Phần 1 (4 câu đầu): Hình ảnh bà Tú tần tảo, chịu thương chịu khó hiện lên qua nỗi thương vợ của thi sĩ.
- Phần 2 (còn lại): Tình cảm, thái độ của tác giả.
3. Giá trị nội dung
- Với tình cảm thương yêu quý trọng, tác giả đã ghi lại một cách chân thực xúc động hình ảnh người vợ tàn tảo, giàu đức hi sinh.
4. Giá trị nghệ thuật
- Cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị sâu sắc.
III. Dàn ý phân tích Thương vợ (Trần Tế Xương)
1. Hình ảnh bà Tú qua nỗi lòng thương vợ của ông Tú
a. Nỗi vất vả gian truân của bà Tú
- Nỗi vất vả gian truân của bà Tú được gợi lên qua không gian, thời gian của cuộc mưu sinh buôn bán ngược xuôi:
+ thời gian: là quanh năm, là khi quãng vắng.
• quanh năm là không ngừng không nghỉ.
• ba từ khi quãng vắng đã gói trọn khôn gian heo hút, rợn ngợp chứa đầy lo âu, nguy hiểm.
+ không gian: là mom sông, bãi chợ buổi đò đông.
• mom sông là dẻo đất nhô ra ba bề là nước, chênh vênh, cheo leo vô cùng nguy hiểm.
• buổi đò đông gợi cảnh chợ bon chen đông đúc cũng nguy hiểm trùng trùng khác nào khi quãng vắng.
- Nguy hiểm là thế vất vả là vậy bà Tú vẫn lăn xả nơi đó nuôi đủ năm con với một chồng.
- Nỗi vất vả gian truân của bà Tú còn được gợi lên qua hình ảnh Lặn lội thân cò khi quãng vắng:
+ nghệ thuật đảo ngữ cùng các từ láy đã khắc họa rõ ràng chân thực dáng vẻ và công việc nhọc nhằn của bà Tú.
+ sáng tạo hình ảnh thân cò từ ca dao khiến tình thương vợ của nhà thơ thấm thía hơn.
b. Hình ảnh bà Tú với những đức tính cao đẹp
- Bà Tú là một người đảm đang tháo vát chu đáo với chồng con.
- Bà Tú là người giàu đức hi sinh:
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
⇒ Hình ảnh bà Tú mang vẻ đẹp điển hình của người phụ nữ Việt truyền thống.
2. Thái độ tình cảm của ông Tú dành cho bà Tú
- Đằng sau những lời tự trào là cả một tấm lòng yêu thương quý trọng, tri ân vợ:
+ thấu hiểu những vất vả, nhọc nhằn của vợ, thương vợ.
+ không chỉ thương mà còn biết ơn vợ.
- Là con người có nhân cách.
+ ông không dựa vào duyên số để trút bỏ trách nhiệm. Tú Xương tự coi mình là cái nợ đời của bà Tú, ông cất tiếng chửi thói đời bạc bẽo nhưng vận nhận lấy trách nhiệm hững hờ của mình.
+ ở thời đại mà tư tưởng phong kiến vẫn đeo bám nặng nề một người đàn ông tự nhận là kẻ ăn bám vợ con quả là một nhân cách cao đẹp, một tư tưởng tiến bộ.
+ câu thơ kết bài là tiếng chửi thói đời bạc bẽo đanh thép của Tú Xương, ông đang lên tiếng thay cho những số phận hoàn cảnh như mình và vợ mình.
3. Nghệ thuật
- Sử dụng sáng tạo các thành ngữ: một nắng hai sương, năm nắng mười mưa.
- Vận dụng sáng tạo hình ảnh thân cò trong ca dao.
- Từ ngữ trong sáng giản dị, mộc mạc mà giàu sức gợi hình biểu cảm.
IV. Mở bài phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương
Mở bài phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương mẫu 1
Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội cũ luôn thu hút được sự quan tâm của toàn dư luận. Cũng đã có rất nhiều tác giả thành công khi viết về đề tài này với tấm lòng, tình cảm yêu thương chân thành. Một trong số đó chúng ta không thể không nhắc đến tác giả Trần Tế Xương cùng bài thơ Thương vợ. Xuyên suốt bài thơ là tấm lòng, tình cảm cũng sự xót thương mà ông dành cho chính người vợ lam lũ của mình.
Mở bài phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương mẫu 2
Kho tàng văn học Việt Nam đã vinh danh tên tuổi của bao nhà văn, nhà thơ với những quan điểm sáng tác và phong cách văn chương khác nhau. Có người mải miết đi tìm những vẻ đẹp, chủ đề mới lạ của cuộc sống. Cũng có những người khai thác đề tài từ những điều nhỏ bé xung quanh mình. Trần tế Xương cũng không ngoại lệ, ông thành công với bài thơ Thương vợ nhờ vào tài năng văn chương cũng như tình cảm chân thành mà ông dành cho người vợ một nắng hai sương lam lũ của mình.
Mở bài phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương mẫu 3
Tình nghĩa vợ chồng là một trong những tình cảm thiêng liêng, sâu đậm nhất, tốt đẹp nhất của con người. Trong xã hội cũ, khi người phụ nữ phải chịu nhiều tủi hờn, bất công, phó mặc cho số phận, đã có nhiều tác giả lên tiếng bênh vực, yêu thương họ. Một trong số đó ta không thể không nhắc đến nhà thơ Tú Xương với bài thơ Thương vợ nói lên tình cảm yêu thương chân thành mà ông dành cho người vợ chịu thương chịu khó, vất vả ngày đêm của mình.
Tài liệu liên quan đến bài thơ Thương vợ