Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn năm 2022 - Đề 3

Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 11 Đề 3 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 11 trong quá trình ôn thi học kì 2 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì môn Ngữ văn lớp 11.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 11.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 11

I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Những con chim bồ câu tụ tập với nhau trong một cái chuồng trên ngọn cây, chúng thấy con chim đại bàng sải cánh trên cao, bèn bàn luận:

- Eo ơi, gió đùng đùng thế kia mà nó cứ bay lên cao làm gì nhỉ. Không xuống đây như bọn mình có phải an toàn hơn không?

- Báu bở gì cái trò bay một mình, cô đơn bỏ xừ! Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn… Đúng là đồ dở hơi!

Đại bàng tung hoành trong cơn bão, rồi đi săn mồi về tổ, nó nào ngó xuống để suy nghĩ về mấy con chim bồ câu?

Rồi một ngày, người chủ mang mấy con chim ra thịt đãi khách. Trước khi bị cắt tiết, chúng tiếc nuối nhớ về hình ảnh con chim đại bàng.

Đại bàng vẫn đi săn mồi, nào hay biết gì về mấy con chim bồ câu?

Con người khác con chim ở chỗ được lựa chọn, không nhất thiết phải là đại bàng hay bồ câu, nhưng dù ngồi ở vị trí nào, chủ động cho cuộc sống của chính mình vẫn là tốt nhất. Và đừng bao giờ phán xét người khác khi họ không thèm để ý đến mình.

Những người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất, buồn thay lại là những người hay phán xét nhất!”

(“Ngừng phán xét”, Ừ thì yêu! Đời có bao nhiêu, An Xinh Trương, NXB Phụ nữ, 2018, tr.156,157)

Câu 1 ‌‌(0.5‌ ‌điểm): Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình một cách sống như thế nào?

Câu 2 ‌‌(0.75‌ ‌điểm): Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người ra sao?

Câu 3 ‌‌(0.75‌ ‌điểm): Chỉ ra và nêu ngắn gọn hiệu quả của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn: Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn.

Câu 4 ‌‌(1,0‌ ‌điểm): Anh/chị có đồng tình với quan điểm Đừng bao giờ phán xét người khác của tác giả không? Vì sao?

II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm): Nêu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình”.

Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Tràng giang của Huy Cận.

Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Ngữ văn năm 2022

Đáp án Đọc hiểu văn bản

Câu 1 ‌‌(0.5‌ ‌điểm):

Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình cách sống an toàn, không kiếm sống vất vả, ngày ngày có người cho ăn; hay bàn luận, phán xét về người khác.

Câu 2 ‌‌(0.75‌ ‌điểm):

Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất.

Câu 3 ‌‌(0.75‌ ‌điểm):

Biện pháp nghệ thuật: Đối lập (kiếm mồi vất vả - sung sướng, ngày ngày có người cho ăn).

Hiệu quả: làm nổi bật sự lựa chọn khác nhau của hai cách sống: sung sướng, chờ đợi hưởng thụ và khó nhọc kiếm tìm, chủ động tạo lập cuộc sống của mình.

Câu 4 ‌‌(1,0‌ ‌điểm):

Thí sinh nêu ý kiến của mình dựa trên sự lí giải phù hợp, thuyết phục. Có thể theo hướng:

- Đồng tình vì: Khi phán xét người khác chúng ta có thể sẽ sai lầm vì bản thân không hiểu rõ về họ, không ở trong hoàn cảnh, vị trí của họ.

- Đồng tình nhưng bổ sung: Không phán xét không có nghĩa là thờ ơ với người khác, bàng quan trước thời cuộc…‌‌‌‌‌‌

II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm):

Dàn ý Nghị luận xã hội: Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình”.

2. Thân bài

a. Giải thích

Thành công: là cảm giác vui sướng, hạnh phúc, viên mãn khi chúng ta đạt được những mục tiêu, những lí tưởng mà chúng ta phấn đấu, mong muốn có được nó sau một quá trình nỗ lực, phấn đấu.

→ Không có sự nỗ lực, cố gắng hết mình chúng ta sẽ không có được thành công, ý kiến khuyên nhủ con người sống phải luôn cố gắng, nỗ lực, kiên trì với mục tiêu mình đề ra.

b. Phân tích

Không ai sinh ra đã sẵn có thành công, đã sẵn có những bài học quý giá cho bản thân mình, tất cả những điều đó chúng ta có được là do quá trình phấn đấu, hoàn thiện bản thân.

Xã hội luôn phát triển, nếu con người không cố gắng vươn lên, nỗ lực, cố gắng sẽ bị thụt lùi về sau và sớm muộn cũng bị đào thải khỏi vòng xoay của xã hội.

Mỗi con người cần phải có ước mơ thì mới có ý chí vươn lên, sống tốt hơn thì mới trở thành công dân có ích giúp đất nước giàu đẹp.

Trên con đường chinh phục ước mơ, thành công chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và những vấp ngã, sau khi đứng lên sau vấp ngã, khó khăn đó chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân, từ đó tích lũy được kinh nghiệm sống, hoàn thiện mình.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải thật tiêu biểu, nổi bật được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Có nhiều người sống không có ước mơ, không biết phấn đấu vươn lên, chỉ ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, không biết tự làm chủ cuộc sống của mình hoặc khi vấp ngã thì nản chí,… những người này sẽ không có được thành công, sẽ sớm bị xã hội đào thải; đáng bị xã hội chỉ trích, phê phá.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận (Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình) và rút ra bài học cho bản thân mình.

Câu 2 (5,0 điểm):

Dàn ý Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Tràng giang của Huy Cận

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả Huy Cận và bài thơ Tràng giang.

2. Thân bài

a. Khái quát chung

“Tràng giang” gợi hình ảnh một con sông dài, rộng lớn; từ Hán Việt để gợi không khí cổ kính trang nghiêm, sử dụng từ biến âm “tràng giang” thay cho “trường giang”, hai âm "ang" đi liền nhau đã gợi lên trong người đọc cảm giác về con sông, không chỉ dài vô cùng mà còn rộng mênh mông, bát ngát.

Lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” gợi nỗi buồn sâu lắng trong lòng người đọc. Đó là tâm trạng “bâng khuâng”; nỗi buồn mênh mang, không rõ nguyên cớ nhưng da diết, khôn nguôi. Đó còn là không gian rộng lớn “trời rộng sông dài” khiến hình ảnh con người càng trở nên nhỏ bé, lẻ loi, tội nghiệp.

→ Bài thơ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của thi nhân khi đứng trước cảnh sông nước bao la trong một buổi chiều đầy tâm sự.

b. Khổ thơ thứ nhất

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp: “gợn” gợi nỗi buồn của con sóng, giữa dòng sông rộng lớn, làn sóng buông trôi lững lờ từng gợn lăn tăn tạo cảm giác buồn. Nỗi buồn trùng điệp, man mác lòng người thi sĩ.

Con thuyền xuôi mái nước song song: hình ảnh một con thuyền trôi lững lờ rẽ nước thành hai đường thẳng song song như cố gắng xé tan cái tĩnh lặng.

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả: Khi con thuyền trôi đi xa, đường thẳng song song bị tách lại trở về như cũ, nối lại thành một, mặt nước lại sầu thẳm, dù có chảy về trăm ngả vẫn mang trong mình nỗi buồn.

Củi một cành khô lạc mấy dòng: Đảo ngữ (đảo vị trí các thành phần chủ ngữ với nhau: một cành củi khô → củi một cành khô) nhấn mạnh vào hình ảnh cành củi đơn độc đang một mình lưu lạc trên dòng sông rộng lớn không biết đi đâu về đâu giống như tâm trạng của con người lúc bấy giờ khi đất nước đang bị quân giặc xâm chiếm.

c. Khổ thơ thứ hai

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu: Đảo ngữ (đảo tính từ “lơ thơ” ở vị ngữ lên đầu câu) nhằm nhấn mạnh sự hoang sơ, vắng vẻ của cảnh vật xung quanh sông. Chỉ có cồn đất nhỏ lung lay theo gió mà tuyệt nhiên không có bàn tay, hình ảnh con người ở trong đó.

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều: câu hỏi tu từ liệu rằng tiếng lao xao đằng xa có phải tiếng của con người khi tan chợ? Không gian nơi tác giả dừng chân yên lặng, tĩnh mịch đến mức nghe được cả tiếng lao xao đằng xa.

Nắng xuống trời lên sâu chót vót: Không gian như được mở rộng ra hơn nhiều lần khi hình ảnh bầu trời được đưa lên sâu “chót vót”, cách dùng từ độc đáo này của tác giả khiến cho người đọc dễ dàng hình dung ra bối cảnh thiên nhiên rộng lớn nhưng lại vô cùng đặc biệt.

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu: Trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với dòng sông dài miên man, bầu trời rộng lớn vô tận nhưng trống vắng hình ảnh con người khiến cho bức tranh trở nên cô liêu hơn bao giờ hết.

d. Khổ thơ thứ ba

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng”: Hình ảnh những đám bèo nối tiếp nhau lững thững trôi dạt trên dòng sông, “hàng nối hàng” gợi cảm giác trải dài miên man vô tận.

“Mênh mông không một chuyến đò ngang/Không cầu gợi chút niềm thân mật”: Cảnh mênh mông, buồn bã, trống vắng quạnh hiu. Hai bờ sông cứ thế chạy dài vô tận như hai thế giới cô đơn, không chút “niềm thân mật” của những tâm hồn đồng điệu.

“Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”: Đoạn thơ chỉ có khung cảnh thiên nhiên đượm buồn, lặng lẽ mà không có một âm thanh dù chỉ là xơ xác.

e. Khổ thơ cuối cùng

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”: không gian như được mở rộng hơn với cảnh bầu trời với những đám mây trắng chen chúc nhau như sà xuống đỉnh núi, nỗi buồn của con người đang lan tỏa ra mạnh mẽ hơn.

“Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”: trong khoảng không gian rộng lớn, yên tĩnh đó là hình ảnh chú chim nghiêng đôi cánh như đổ bóng chiều tà xuống không gian bên dưới.

“Lòng quê dợn dợn vời con nước”: “dợn dợn’ là cách dùng từ mới mẻ của tác giả, nó không chỉ là tâm trạng nhớ nhung, buồn bã mà đó còn là những băn khoăn, trăn trở mong mỏi cho quê nhà sớm được độc lập tự do.

“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”: vào lúc mặt trời lặn cũng là lúc con người ta thường cảm thấy bâng khuâng, nhớ nhà đặc biệt là khi các nhà lên khói nấu cơm chiều.

3. Kết bài

Khái quát lại vẻ đẹp của bài thơ và vị trí của bài thơ trong kho tàng văn học.

------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 11 - Đề 3. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 11, Giải bài tập Toán 11, Trắc nghiệm Vật lý 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm