Lý thuyết Địa lý 12 Cánh diều bài 24
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Địa 12 bài 24: Phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.
Bài: Phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ
I. Khái quát
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
- Vị trí địa lí: vùng kinh tế phát triển hàng đầu cả nước, tiếp giáp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; giáp Cam-pu-chia và Biển Đông. Có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng ở khu vực phía nam và cả nước.
- Phạm vi lãnh thổ: bao gồm TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Diện tích tự nhiên khoảng 23,6 nghìn km2. Có vùng biển và thềm lục địa rộng lớn với các đảo và 1 quần đảo Côn Sơn.
2. Dân số
- Vùng có dân số đông, năm 2021 có trên 18,3 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 0,98%, tỉ lệ gia tăng dân số cơ học là 1,6%. Lực lượng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên chiếm 54,1% dân số vùng (2021).
- Mật độ dân số cao, năm 2021 là 778 người/ km2. Tỉ lệ dân thành thị cao nhất cả nước với 66,4%.
- Có nhiều dân tộc: Kinh, Chăm, Khơ-me, Hoa,… văn hóa, truyền thống phong phú, đa dạng.
II. Các thế mạnh và hạn chế đối với phát triển các ngành kinh tế
1. Các thế mạnh đối với phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ
- Địa hình: nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, địa hình tương đối bằng phẳng => thuận lợi quy hoạch phát triển kinh tế. Đất ba dan và đất xám phù sa cổ đều chiếm 40% diện tích vùng => phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả.
- Khí hậu: khí hậu cận xích đạo, nền nhiệt cao, lượng mưa lớn, phân hóa 2 mùa mưa – khô rõ rệt => thuận lợi cho hoạt động sản xuất diễn ra quanh năm, phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới cho năng suất cao.
- Nguồn nước: hệ thống sông Đồng Nai, Vàm Cỏ và các hồ Dầu Tiếng, Trị An => phát triển thủy điện, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt; nguồn nước nóng, nước khoáng phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
- Rừng: phần lớn là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; có các vườn quốc gia Cát Tiên, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Lò Gò – Xa Mát, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và Đồng Nai => đảm bảo môi trường sinh thái và du lịch.
- Khoáng sản: dầu mỏ và khí tự nhiên (chiếm 93,3% trữ lượng dầu mỏ cả nước). Các khoáng sản khác: ti-tan, cao lanh, đá vôi,…=> nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp khai thác và chế biến.
- Tài nguyên biển: vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, giàu tài nguyên, gần các ngư trường lớn, có các đảo, bãi tắm và phong cảnh đẹp => phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển: khai thác dầu thô và khí tự nhiên, khai thác thủy sản, xây dựng cảng nước sâu, du lịch biển đảo.
- Dân cư và lao động: dân số đông, nguồn lao động dồi dào có trình độ chuyên môn cao. Là địa bàn thu hút lực lượng lao động có chuyên môn cao => phát triển đa ngành kinh tế và các ngành có trình độ khoa học kĩ thuật cao.
- Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phát triển đồng bộ, hiện đạo => tạo sức thu hút lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Có nhiều chính sách đổi mới, sáng tạo, phù hợp với mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại của cả nước, tạo nền tảng và động lực phát triển.
2. Các hạn chế cần giải quyết trong phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ
- Mùa khô ít mưa gây thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt; xâm nhập mặn và các diễn biến thất thường của biến đổi khí hậu.
- Tỉ lệ dân nhập cư cao, gây sức ép đến nhà ở, cơ sở hạ tầng, việc làm, an sinh xã hội của vùng, nhất là tại các khu công nghiệp.
- Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước.
III. Phát triển các ngành kinh tế
1. Công nghiệp
- Là vùng phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước, giá trị sản xuất liên tục tăng.
- Cơ cấu ngành đa dạng: công nghiệp khai thác dầu thô và khí tự nhiên; công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; công nghiệp dệt, may và giày dép,… Hình thành các ngành công nghiệp mới, sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; cơ khí ô tô,…
- Năm 2021 có 99 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động, chiếm 34,4% cả nước. Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhất.
- Các trung tâm công nghiệp là: TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Vũng Tàu, Thuận An.
2. Dịch vụ
a) Giao thông vận tải
- Là đầu mối giao thông lớn nhất khu vực phía nam và quan trọng của cả nước. Số lượt vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng tăng. TP Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông vận tải lớn nhất vùng. Mạng lưới giao thông có đủ loại hình, ngày càng hoàn thiện và hiện đại.
+ Đường bộ: mạng lưới dày đặc, các quốc lộ (1,51,13,20,22,…), tuyến cao tốc Bắc – Nam, vành đai đô thị.
+ Đường sắt: đường sắt Thống Nhất chạy qua và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh, các tuyến đường sắt đô thị.
+ Đường thủy: ngày càng phát triển và hoàn thiện, bao gồm đường thủy nội địa và đường biển với các tuyến nội địa và quốc tế. Có hệ thống cảng biển quan trọng là cảng tổng hợp quốc gia và cảng đầu mối khu vực.
+ Hàng không: cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất cả nước với các đường bay trong nước, quốc tế và cảng hàng không Côn Đảo. Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng.
b) Thương mại
- Hoạt động nội thương phát triển, phân bố rộng rãi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhanh (năm 2021 chiếm 27,8% cả nước). Số lượng các cơ sở bán lẻ hiện đại càng nhiều, tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,…
- Hoạt động ngoại thương rất phát triển. Tổng trị giá xuất nhập khẩu năm 2021 là 236,5 tỉ USD, chiếm 35,3% cả nước.
+ Xuất khẩu phát triển ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Xuất khẩu chủ yếu là dầu thô, nông sản và nông sản chế biến; hàng điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt, may và giày, dép. Thị trường chủ yếu: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU,…
+ Nhập khẩu chủ yếu là linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt, may và giày, dép. Thị trường chủ yếu: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
c) Du lịch
- Là một trong những vùng du lịch phát triển, năm 2021 thu hút trên 20% lượt khách, doanh thu du lịch lữ hành chiếm 38% cả nước.
- Sản phẩm du lịch đặc trưng là: du lịch đô thị, du lịch MICE, tìm hiểu văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái biển đảo,…
- Địa bàn du lịch trọng điểm: TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vũng Tàu. TP Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch quốc gia, động lực phát triển du lịch toàn vùng và khu vực phía nam.
3. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp
- Nông nghiệp luôn chiếm ưu thế chiếm 80,8% giá trị toàn ngành, thế mạnh là cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và chăn nuôi.
- Diện tích cây công nghiệp lâu năm lớn nhất cả nước, cây trồng chủ lực là cao su, điều, hồ tiêu. Các tỉnh có diện tích cây công nghiệp lâu năm lớn nhất là Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh.
- Vùng trồng cây ăn quả lớn của cả nước. Các cây đặc sản là: xoài, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt,… Được trồng tập trung, các giống mới năng suất cao, theo tiêu chuẩn VietGAP.
- Ngành chăn nuôi phát triển khá nhanh theo hướng trang trại tập trung quy mô lớn, áp dụng các quy trình công nghệ chăn nuôi, chế biến hiện đại, giống mới cho năng suất và chất lượng cao. Chủ yếu là gia cầm, lợn, bò, được nuôi nhiều ở Đồng Nai, Tây Ninh,…
b) Thủy sản
- Là ngành kinh tế quan trọng, giai đoạn 2010 – 2021 sản lượng tăng nhanh, khai thác thủy sản chiếm ưu thế, tập trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại, đánh bắt xa bờ, định vị tàu thuyền, nâng cấp đội tàu khai thác ngoài khơi.
- Ngành nuôi trồng thủy sản phân bố chủ yếu ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, đang có sự chuyển đổi chủng loại nuôi sang các giống mới, đặc sản, giá trị kinh tế cao và nhu cầu lớn trên thị trường.
c) Lâm nghiệp
- Lâm nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu ngành, bao gồm khai thác gỗ và lâm sản, trồng rừng và chăm sóc rừng. Sản lượng gỗ khai thác năm 2021 là hơn 450 nghìn m3, tập trung ở Đồng Nai.
- Hoạt động trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng được chú trọng phát triển, diện tích rừng trồng duy trì khoảng 220 nghìn ha, trong đó diện tích rừng trồng mới hàng năm khoảng 5 – 7 nghìn ha.
- Các hoạt động từ rừng tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân sống quanh vùng rừng, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
IV. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở vùng Đông Nam Bộ có mối quan hệ chặt chẽ, đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
- Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã gây ra nhiều áp lực đến môi trường của vùng.
- Việc phát triển Đông Nam Bộ phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại dựa vào khoa học, công nghệ, chuyển đổi số,… đã tác động tích cực đến môi trường, sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường.
- Bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lí, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên của vùng Đông Nam Bộ đã góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, môi trường sống xanh cho cộng đồng dân cư toàn vùng.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Địa lý 12 Cánh diều bài 25