Lý thuyết Địa lý 12 Cánh diều bài 7
Lý thuyết Địa 12 bài 7: Đô thị hóa sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.
Bài: Đô thị hóa
I. Đặc điểm đô thị hóa
1. Lịch sử đô thị hóa
+ Đô thị cổ đầu tiên là thành Cổ Loa từ thế kỉ thứ III TCN, thời phong kiến các đô thị có chức năng chủ yếu là hành chính, thương mại, quân sự, được hình thành ở những nơi thuận lợi về vị trí địa lí như Thăng Long (TK XI), Phú Xuân, Hội An, Đà Nẵng.
+ Thời Pháp thuộc nước ta có thêm một số đô thị lớn với chức năng chủ yếu là hành chính và quân sự: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,…
+ Từ Cách mạng tháng Tám – 1975 quá trình đô thị hóa diễn ra chậm, tỉ lệ dân thành thị và số lượng đô thị tăng chậm.
+ Từ 1975 – nay quá trình đô thị hóa đã có những chuyển biến tích cực, từ sau Đổi mới quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh.
2. Tỉ lệ dân thành thị và số dân thành thị
- Liên tục tăng: dân số thành thị và tỉ lệ dân thành thị liên tục tăng lên, năm 2021 có 36,6 triệu dân thành thị (37,1% dân số) với 749 đô thị các loại.
3. Không gian đô thị và lối sống đô thị
- Đô thị hóa diễn ra trên khắp cả nước, không gian đô thị được mở rộng, cảnh quan đô thị hiện đại và văn minh. Hình thành các vùng đô thị là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 vùng đô thị lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Những năm gần đây, nước ta đang phát triển các chuỗi và chùm đô thị tạo mối liên kết trong mỗi vùng và trên cả nước.
- Lối sống thành thị ngày càng phổ biến, cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp, các dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống, cách ứng xử và giao tiếp văn minh, phong cách sống hiện đại không chỉ có ở các đô thị mà còn mở rộng về các vùng ven đô, vùng nông thôn đang dần đô thị hóa.
II. Mạng lưới đô thị
- Năm 2021, nước ta đã hình thành được 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, còn lại là đô thị loại IV, loại V.
- Mạng lưới đô thị phân bố rộng khắp các vùng trên cả nước. Các đô thị loại I và II tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch như: quốc lộ 1, 18, 5,…
III. Ảnh hưởng của đô thị hóa đến phát triển kinh tế - xã hội
- Ảnh hưởng tích cực:
+ Các đô thị đặc biệt là các đô thị lớn hàng năm đóng góp tỉ lệ lớn vào ngân sách Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
+ Sự hình thành các khu đô thị mới với thiết kế hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đầy đủ tiện ích đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của đất nước, tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài.
+ Đô thị hóa đã thu hút lực lượng lao động và dân cư khá lớn về các đô thị, tạo nên thị trường tiêu thụ rộng lớn, đồng thời giải quyết được nhiều việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
+ Từ đô thị, lối sống văn minh hiện đại lan tỏa về vùng nông thôn.
+ Đô thị đóng góp lớn trong việc thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo và liên kết với vùng nông thôn để đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Ảnh hưởng tiêu cực: đô thị hóa diễn ra nhanh ở một số đô thị mang tính tự phát đã gây ra sức ép tới vấn đề việc làm, nhà ở, môi trường, giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Địa lý 12 Cánh diều bài 9