Lý thuyết Địa lý 12 Kết nối tri thức bài 30
Lý thuyết Địa lí 12 Kết nối tri thức bài 30: Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long có nội dung lý thuyết trong chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh tham khảo và chuẩn bị cho bài học sắp tới.
Bài: Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long
I. Khái quát
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
- Diện tích 40,9 nghìn km2, bao gồm TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.
- Là vùng đất cuối cùng về phía Nam của Việt Nam, có vùng biển rộng lớn bao quanh 3 phía, giàu tài nguyên, gần ngã tư đường hàng hải quốc tế. Giáp vùng Đông Nam Bộ và nước Cam-pu-chia.
⇒ Vị trí địa lí tạo thuận lợi cho vùng phát triển kinh tế, giao lưu, hợp tác với các vùng khác và quốc gia trong khu vực; vị trí quan trọng đối với quốc phòng an ninh trên cả đất liền và vùng biển đảo.
2. Đặc điểm dân số
- Số dân năm 2021 là 17,4 triệu người, chiếm 17,7% dân số cả nước. Tỉ lệ tăng tự nhiên thấp nhất cả nước (0,55% năm 2021).
- Mật độ dân số trung bình của vùng năm 2021 là 426 người/km2, tỉ lệ dân thành thị là 26,4%, thấp hơn mức TB cả nước.
- Có nhiều dân tộc: Kinh, Khơ-me, Hoa, Chăm,…
II. Sử dụng hợp lí tự nhiên
1. Các thế mạnh và hạn chế về tự nhiên
a) Thế mạnh
- Địa hình và đất: là đồng bằng châu thổ rộng lớn nhất nước ta, địa hình thấp, bằng phẳng, thuận lợi canh tác nông nghiệp và các hoạt động kinh tế. Có 3 loại đất chính: đất phù sa sông (hơn 1 triệu ha dọc sông Tiền, sông Hậu) là loại đất tốt, màu mỡ, thích hợp trồng lúa và các cây trồng khác. Đất phèn (hơn 1,6 triệu ha ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau) có thể cải tạo trồng lúa, cây ăn quả,… Đất mặn (gần 1 triệu ha) khu vực ven biển, phù hợp phát triển rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản. Các loại đất khác ở khu vực biên giới Cam-pu-chia và trên các đảo có thể trồng cây ăn quả, cây công nghiệp nhiệt đới.
- Khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ trung bình trên 25°C, biên độ nhiệt năm nhỏ, số giờ nắng cao; lượng mưa TB năm khoảng 1500 – 2000mm. Thuận lợi sản xuất nông nghiệp nhiệt đới, phát triển điện gió, điện mặt trời.
- Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc, hệ thống sông Cửu Long với 2 nhánh lớn là sông Tiền và sông Hậu. Vai trò quan trọng về thủy lợi, giao thông đường sông và phát triển du lịch. Có nhiều bãi triều rộng, diện tích mặt nước lớn trong nội địa, tạo điều kiện nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt.
- Rừng: rừng tràm ở An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, rừng ngập mặn ven biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Ý nghĩa lớn đối với môi trường, bảo tồn nguồn gen, là cơ sở để phát triển du lịch sinh thái.
- Khoáng sản: dầu mỏ và khí tự nhiên ở vùng thềm lục địa; đá vôi ở Kiên Giang, đá xây dựng ở An Giang; sét, cao lanh,… Than bùn ở các khu vực đầm lầy, dưới rừng ngập nước (Kiên Giang, Cà Mau).
- Biển: vùng biển rộng, nhiều đảo, nhiều thế mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển. Sinh vật biển phong phú, nguồn lợi hải sản giàu có, ngư trường trọng điểm Cà Mau – Kiên Giang, trữ lượng hải sản đứng đầu cả nước. Các đảo tiềm năng phát triển du lịch biển, nổi bật là Phú Quốc.
b) Hạn chế
- Khí hậu có một mùa khô sâu sắc gây tình trạng thiếu nước ngọt cho các hoạt động kinh tế, sinh hoạt, tăng nguy cơ cháy rừng, làm tăng diện tích đất phèn, đất mặn,…
- Là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng làm mở rộng diện tích đất bị ngập nước ven biển.
- Nằm ở hạ lưu sông Mê Công, nguồn nước sông phụ thuộc vào việc sử dụng nước của các quốc gia đầu nguồn, gây khó khăn trong quản lí, sử dụng tổng hợp nguồn nước sông.
2. Hướng sử dụng hợp lí tự nhiên
a) Lí do phải sử dụng hợp lí tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long
- Là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Sử dụng hợp lí các nguồn lực tự nhiên sẽ phát triển đa dạng các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của vùng, phát huy hiệu quả thế mạnh của vùng.
- Tự nhiên của vùng còn nhiều khó khăn: đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, khô hạn, mất cân bằng nguồn nước, biến đổi khí hậu,… Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững cần có hướng sử dụng hợp lí, cải tạo và thích ứng với tự nhiên trong sản xuất và đời sống.
b) Hướng sử dụng hợp lí tự nhiên
- Tăng cường quản lí và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất và nước; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
- Đầu tư xây dựng mới và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp với đặc điểm sinh thái các vùng sản xuất. Chủ động kiểm soát lũ, phòng, chống sạt lở; đầu tư các công trình thủy lợi tích hợp, kiểm soát nguồn nước; tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát và điều tiết lũ.
- Bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng ngập nước quan trọng, bảo vệ bờ biển, hạn chế gió, sóng biển.
- Áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với từng địa bàn, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
- Khai thác tổng hợp thế mạnh vùng biển đảo, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
- Nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, có các chính sách hỗ trợ chủ động khai thác mùa lũ, thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu. Xây dựng các tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ.
III. Phát triển sản xuất lương thực và thực phẩm
1. Vai trò sản xuất lương thực và thực phẩm
- Sản xuất lương thực và thực phẩm có vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh lương thực của vùng và cả nước.
- Vùng là nơi cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm xuất khẩu chủ lực cho đất nước, đặc biệt là gạo và thủy sản.
- Góp phần khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội của vùng.
- Cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng,…
- Giúp giải quyết việc làm cho một lượng lao động đáng kể trong vùng, cải thiện đời sống nhân dân.
2. Tình hình phát triển
a) Sản xuất lương thực
- Là ngành giữ vai trò quan trọng nhất trong nông nghiệp của vùng. Năm 2021, chiếm 50% diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực có hạt của cả nước. Bình quân lương thực đầu người đạt 1405,1 kg, gấp hơn 2,8 lần mức bình quân cả nước.
- Lúa là cây lương thực chủ đạo, chiếm hơn 99% diện tích và sản lượng lương thực có hạt của vùng. Là vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn nhất, chiếm hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
- Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất lúa. Năng suất lúa cả năm tăng, năm 2021 đạt 62,4 tạ/ha, cao nhất cả nước. Các giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Lúa trồng khắp các tỉnh trong vùng, nhiều nhất là Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp.
- Ngoài lúa còn trồng ngô, khoai, sắn,… diện tích không đáng kể.
b) Sản xuất thực phẩm
- Chăn nuôi: chủ yếu là lợn, bò thịt, gia cầm,… phát triển theo hướng sạch, quy mô lớn, ứng dụng khoa học – công nghệ, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Các tỉnh phát triển là Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh,…
- Thủy sản: vùng trọng điểm số 1 về thủy sản, phát triển cả khai thác và nuôi trồng. Sản lượng thủy sản ngày càng tăng, luôn chiếm trên 50% sản lượng cả nước, đứng đầu về giá trị xuất khẩu thủy sản (năm 2021 chiếm 30% sản lượng cả vùng và hơn 38% sản lượng cả nước). Nuôi trồng thủy sản là ưu thế và luôn ở vị trí đứng đầu, năm 2021, diện tích thu hoạch thủy sản đạt hơn 772 nghìn ha, chiếm gần 71% diện tích cả nước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng liên tục, chiếm gần 70% cả nước. Chủ yếu là tôm, cá da trơn, cua,… Phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp, công nghệ cao; các cơ sở chế biến, sản xuất thức ăn thủy sản phát triển mạnh, tạo nên chuỗi giá trị từ nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ.
- Trồng cây ăn quả: là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước, diện tích tăng nhanh, năm 2021 đạt hơn 377 nghìn ha (chiếm hơn 33% cả nước). Chủ lực là sầu riêng, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam,… Một số vùng trồng cây tập trung được đẩy mạnh đầu tư với quy mô lớn. Phát triển theo hướng công nghệ cao (công nghệ gen, tự động hóa, nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học), hướng tới trồng trọt hữu cơ, bền vững,… tăng cường đầu tư công nghiệp chế biến. Sản phẩm cây ăn quả cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
IV. Phát triển du lịch
1. Tài nguyên du lịch
- Tài nguyên du lịch tự nhiên:
+ Hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, các cù lao sông; các hệ sinh thái rừng như rừng ngập mặn (U Minh Thượng, U Minh Hạ - Cà Mau), rừng tràm (Vườn quốc gia Tràm Chim – Đồng Tháp),… tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn khách du lịch.
+ Vùng biển có hệ thống các đảo như Phú Quốc, Nam Du, Hòn Tre,… với nhiều bãi tắm, cảnh quan đặc sắc là những điểm đến thu hút khách du lịch.
- Tài nguyên du lịch văn hóa:
+ Các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, nghệ thuật,… trong vùng rất phong phú. Nổi tiếng là nhà tù Phú Quốc, di chỉ khảo cổ Óc Eo – Gò Thành, di tích Đồng Khởi, chùa Dơi, các di tích ở Núi Sam,…
+ Nền văn hóa vùng châu thổ với các miệt vườn cây trái trù phú, người dân thích ứng với cuộc sống miền sông nước, hình thành nên các chợ nổi (Cái Răng, Phụng Hiệp) hấp dẫn khách du lịch. Nghệ thuật dân gian có đờn ca tài tử, hò,… các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, lễ hội đặc sắc (Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, Ok Om Bok) làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch của vùng.
2. Tình hình phát triển
- Khách du lịch và doanh thu du lịch lữ hành có xu hướng tăng đều trong giai đoạn 2015 – 2019, năm 2020, 2021 giảm do ảnh hưởng COVID-19. Sau khi dịch được kiểm soát, lượng khách đang dần phục hồi trở lại.
- Loại hình du lịch đặc trưng là: du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo và du lịch văn hóa lễ hội.
- Các địa bàn trọng điểm du lịch của vùng gồm Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre. Phú Quốc là đô thị du lịch và là điểm đến hấp dẫn nhất vùng.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Địa lý 12 Kết nối tri thức bài 32