Lý thuyết Địa lý 12 Kết nối tri thức bài 16
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Địa lý 12 bài 16: Một số ngành công nghiệp sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.
Bài: Một số ngành công nghiệp
I. Công nghiệp khai thác than, dầu, khí
1. Công nghiệp khai thác than
- Lịch sử khai thác than từ đầu thế kỉ XIX, ngày nay được đầu tư, áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại, cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạn chế tác động đến môi trường.
- Sản lượng khai thác đạt 48,3 triệu tấn năm 2021.
- Chủ yếu khai thác ở Quảng Ninh, ngoài ra còn ở các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang,… Chủ yếu phục vụ công nghiệp nhiệt điện và xuất khẩu.
2. Công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí tự nhiên
- Đặc điểm phát triển và phân bố:
+ Lịch sử phát triển muộn hơn công nghiệp khai thác than. Sản lượng dầu thô và khí tự nhiên những năm gần đây có biến động. Năm 2021 đạt 9,1 triệu tấn dầu thô và 7,4 tỉ m3 khí tự nhiên.
+ Nhiều công nghệ mới, tiên tiến trong khai thác được áp dụng, làm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Trong tương lai phát triển theo hướng tăng cường chế biến sâu để đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia.
+ Dầu thô khi thác chủ yếu ở thềm lục địa phía nam ở các mỏ Rồng, Bạch Hổ, Rạng Đông,… Khí tự nhiên khai thác chủ yếu ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu – Malay,…
+ Những năm gần đây triển khai đầu tư khai thác dầu khí ở nước ngoài, năm 2021 sản lượng dầu thô khai thác ở nước ngoài đạt 9,1 triệu tấn.
- Một số mỏ dầu, khí: Hồng Ngọc, Rạng Đông, Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Lan Đỏ, Lan Tây, Cái Nước,…
II. Công nghiệp sản xuất điện
- Hình thành và phát triển từ lâu, tăng trưởng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu điện năng cho đất nước. Sản lượng điện tăng mạnh, năm 2021 đạt 244,9 tỉ kWh. Cơ cấu nguồn điện đa dạng, các thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại, thông minh được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, vận hành, quản lí hệ thống lưới điện,…
+ Thủy điện: các nhà máy thủy điện gắn với vùng có tiềm năng thủy điện lớn: Hòa Bình (1920 MW), Sơn La (2400 MW), Lai Châu (1200 MW), Ialy (720 MW), Sê San 3 (260 MW), Đồng Nai 4 (340 MW), Trị An (400 MW),…
+ Nhiệt điện: gồm nhiệt điện than và nhiệt điện khí, các nhà máy nhiệt điện than công suất lớn là Phả Lại 2 (600 MW), Quảng Ninh 1 (600 MW), Mông Dương 1 (1080 MW), Duyên Hải 1 (1245 MW), Vũng Áng 1 (1200 MW), Vĩnh Tân 2 (1244 MW),... Nhiệt điện khí lớn chủ yếu ở phía nam như: Phú Mỹ 1 (1140 MW), Cà Mau 1 (771 MW), Nhơn Trạch 2 (750 MW), Ô Môn 1 (660 MW),…
+ Điện mặt trời, điện gió và nguồn khác: điện mặt trời chủ yếu ở Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐB sông Cửu Long. Các địa phương có nhà máy điện mặt trời lớn là Ninh Thuận, Đắk Lắk. Các địa phương phát triển điện gió là Đắk Lắk, Bạc Liêu, Cà Mau. Gần đây đã xây dựng và vận hành một số nhà máy điện rác thải ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ,…
- Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2, bên cạnh việc cải tiến kĩ thuật, nâng cấp công nghệ, tăng khả năng vận hành, ngành điện nước đang từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo khác.
III. Công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính
- Là ngành xuất hiện muộn hơn so với các ngành công nghiệp khác. Cơ cấu đa dạng gồm các lĩnh vực: sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất máy vi tính, điện thoại di động, thiết bị điện dân dụng,…
- Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại (trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, dữ liệu lớn,…) nên có tốc độ tăng trưởng cao, đem lại giá trị kinh tế lớn, tác động mạnh mẽ đến sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp.
- Phát triển và phân bố ở các địa phương có nhiều lợi thế về lao động, cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư nước ngoài: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,…
IV. Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm
- Là ngành được phát triển từ lâu đời dựa vào nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng các sản phẩm tăng lên trong giai đoạn 2010 – 2021.
- Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhờ đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất: công nghệ sinh học, công nghệ xử lí nhiệt, công nghệ bao bì và đóng gói,…
- Phân bố rộng khắp cả nước dựa trên cơ sở nguồn nguyên liệu tại chỗ. Các trung tâm công nghiệp chế biến thực phẩm lớn ở nước ta là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ,…
V. Công nghiệp sản xuất đồ uống
- Là ngành có truyền thống lâu đời, những năm gần đây được áp dụng công nghệ mới trong sản xuất (công nghệ chiết lạnh vô trùng, tự động hóa,…) nên chất lượng sản phẩm đồ uống được cải thiện, giữ được thị phần trong nước, bước đầu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
- Các cơ sở sản xuất đồ uống phân bố tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long,…
VI. Công nghiệp dệt, sản xuất trang phục
- Được hình thành từ sớm và trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng hiện nay. Các sản phẩm chính là: sợi, vải, quần áo,… sản lượng tăng liên tục.
- Nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước về chất lượng và mẫu mã nhờ công nghệ và kĩ thuật hiện đại. Công nghệ in 3D được áp dụng vào quá trình sản xuất từ phương pháp kéo sợi, nguyên liệu sợi đến hiệu ứng dệt, công nghệ nhuộm, may mặc, đóng gói,…
- Phát triển mạnh ở các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng,…
VII. Công nghiệp sản xuất giày, dép
- Từ năm 2000 đến nay phát triển nhanh, các sản phẩm giày, dép trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
- Được đẩy mạnh tự động hóa, tích hợp hệ thống trong sản xuất, thay đổi phương thức cung ứng nguyên, phụ liệu để phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Các cơ sở sản xuất tập trung ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,…
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Địa lý 12 Kết nối tri thức bài 17