Lý thuyết Địa lý 12 Chân trời sáng tạo bài 5
Với nội dung bài Lý thuyết Địa 12 bài 5: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 12.
Bài: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường
I. Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên
1. Sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên ở nước ta
a) Tài nguyên sinh vật:
- Sinh vật nước ta có tính đa dạng cao nhưng các hệ sinh thái tự nhiên đang giảm dần về quy mô và chất lượng, đặc biệt là các hệ sinh thái: rừng, đất ngập nước, núi đá vôi, bãi bồi, cửa sông ven biển,…
- Tổng diện tích rừng và tỉ lệ che phủ rừng tăng qua các năm nhưng chủ yếu là rừng trồng.
- Số lượng loài sinh vật giảm đi nhanh chóng, ngày càng có nhiều loài có tên trong danh sách bị đe dọa, tuyệt chủng hoặc nguy cấp cần được bảo vệ. Sự suy giảm nghiêm trọng số lượng, thành phần loài làm mất tính đa dạng di truyền, nguồn gen quý giá, đặc biệt là nguồn gen động vật rừng và các loài thủy sinh.
- Tác động của con người làm thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, suy giảm tính đa dạng của sinh vật. Các loài thủy sinh bị giảm sút là hậu quả của sự khai thác quá mức và tình trạng ô nhiễm môi trường nước.
b) Tài nguyên nước:
+ Hiện trạng: tình trạng cạn kiệt, khan hiếm nước diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng nước mặt và nước ngầm đang bị suy giảm. Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ nước ta trên 830 tỉ m3, hơn 60% có nguồn gốc bên ngoài lãnh thổ. Tình trạng khô hạn dẫn đến hạ thấp mực nước sông tại một số lưu vực sông, nhất là ở sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cả và nhiều lưu vực sông ở miền Trung nước ta. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất khoảng 91 tỉ m3/năm, trữ lượng có thể khai thác khoảng 22 tỉ m3/năm (nước ngọt). Tình trạng hạ thấp mực nước ngầm diễn ra tại một số nơi.
+ Nguyên nhân: quá trình phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng dân số, nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt vào các tháng mùa khô. Tình trạng khai thác nước dưới đất quy mô lớn.
c) Tài nguyên đất:
+ Hiện trạng: tài nguyên đất đang bị suy thoái ở nhiều nơi, đất bị rửa trôi, xói mòn, bạc màu, suy kiệt chất dinh dưỡng, ngập úng, nhiễm mặn, nhiễm phèn, hoang hóa, ô nhiễm,… Diện tích đất bị suy thoái chiếm 4% tổng diện tích tự nhiên nước ta; diện tích đất có dấu hiệu suy thoái chiếm 7,3% và diện tích đất có nguy cơ suy thoái chiếm 20,3%.
+ Nguyên nhân: hoạt động khai thác tài nguyên thiếu hợp lí của con người như khai thác rừng quá mức dẫn đến rửa trôi và xói mòn đất, sử dụng nhiều hợp chất hóa học trong canh tác,…; thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,…
2. Giải pháp sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên ở nước ta
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm quản lí chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
- Khai thác, sử dụng tiết kiệm và hợp lí tài nguyên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
- Bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng và tăng độ che phủ rừng, nhất là duy trì độ che phủ rừng đầu nguồn; bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức người dân và huy động mọi lực lượng xã hội tham gia bảo vệ, sử dụng hợp lí tài nguyên của đất nước.
II. Bảo vệ môi trường
1. Hiện trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta
- Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng và là vấn đề cấp bách hiện nay:
+ Chất lượng không khí tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng suy giảm. Nồng độ bụi, khí CO2 ở các khu đô thị, khu công nghiệp vượt quá nhiều lần so với quy chuẩn.
+ Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra khá nghiêm trọng ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu dân cư, các trục giao thông chính.
+ Tình trạng không khí tại các làng nghề, khu vực nông thôn đã có dấu hiện ô nhiễm cục bộ.
+ Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải.
- Ô nhiễm môi trường nước:
+ Chất lượng môi trường nước mặt trên các lưu vực sông ngày càng suy giảm do ô nhiễm hữu cơ trên các đoạn sông chảy qua khu đô thị, làng nghề,…; ô nhiễm mặn tại các vùng cửa sông, ven biển,…
+ Chất lượng nước ngầm còn khá tốt, tuy nhiên hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng trong nước dưới đất đã xảy ra ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là do nước thải từ các hoạt động sản xuất chưa được xử lí hoặc xử lí chưa triệt để thải ra môi trường.
- Ô nhiễm môi trường đất:
+ Môi trường đất xung quanh khu công nghiệp, các vùng chuyên canh nông nghiệp có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm hữu cơ.
+ Nguồn ô nhiễm đến từ các chất thải công nghiệp, sinh hoạt, nước thải làng nghề, chất thải từ quá trình thâm canh cây trồng kết hợp với việc gia tăng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
2. Giải pháp bảo vệ môi trường
- Ưu tiên xử lí ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Khí thải, nước thải từ sản xuất và sinh hoạt phải được xử lí triệt để trước khi thải ra môi trường.
- Kết hợp tuyên truyền, giáo dục với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để kiểm soát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
- Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lí ô nhiễm, tái chế, xử lí chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Địa lý 12 Chân trời sáng tạo bài 7