Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Địa lý 12 Chân trời sáng tạo bài 36

VnDoc xin giới thiệu bài Lý thuyết Địa lí 12 Chân trời sáng tạo bài 36: Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm có nội dung lý thuyết trong chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh tham khảo và chuẩn bị cho bài học sắp tới.

I. Đặc điểm chung của các vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta

- Bao gồm phạm vi của nhiều tỉnh, thành phố và ranh giới có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Hội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng (đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không), đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong nước và quốc tế, hệ thống đô thị hạt nhân, cơ sở đào tạo và nghiên cứu.

- Phát triển với nhịp độ nhanh và có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Mức đóng góp của các vùng này với nền kinh tế ngày càng cao, chiếm khoảng 69,6% GDP cả nước (2021). Góp phần lớn vào trị giá xuất khẩu của cả nước, thu hút các dự án và nguồn vốn FDI. Năm 2021, 4 vùng chiếm khoảng ¾ tổng vốn FDI cả nước.

- Là địa bàn có khả năng thu hút các ngành mới về công nghiệp và dịch vụ; tập trung phần lớn các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp chủ lực của cả nước. Ngành công nghiệp và xây dựng chiếm gần 40% GRDP của toàn bộ các vùng và khoảng 75% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

II. Các vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta

1. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

- Xác định vị trí: gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

- Quá trình hình thành và phát triển: thành lập năm 1997, gồm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Năm 2004, ranh giới vùng được mở rộng bằng việc bổ sung thêm 3 tỉnh là Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Từ sau ngày 01 – 8 – 2008, vùng gồm 2 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và Hải Phòng và 5 tỉnh: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Năm 2021, diện tích vùng khoảng 15,8 nghìn km2, số dân hơn 17,6 triệu người (chiếm 17,8% dân số cả nước).

- Các nguồn lực, thực trạng và định hướng phát triển:

+ Nguồn lực:

• Vị trí địa lí: tiếp giáp với Trung Quốc; giáp các tỉnh thuộc Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng giàu tài nguyên và lao động dồi dào. Có vùng biển rộng lớn, giàu tiềm năng thuộc vịnh Bắc Bộ.

• Điều kiện tự nhiên: địa hình đồng bằng, trung du và đồi thấp, các loại đất chủ yếu là đất phù sa, đất feralit; khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh; mạng lưới sông ngòi dày đặc với hệ thống sông lớn là sông Hồng, sông Thái Bình => thích hợp cho hình thành cơ cấu cây trồng đa dạng như cây lương thực, rau đậu, cây công nghiệp, cây ăn quả,… Có một số khoáng sản như than đá (chiếm 90% trữ lượng cả nước), than nâu, đá vôi, cao lanh,…

• Nguồn lao động: số dân đông, nguồn lao động dồi dào và trình độ chuyên môn kĩ thuật cao.

• Cơ sở hạ tầng: hệ thống giao thông vận tải phát triển khá đồng bộ và hiện đại với các tuyến đường bộ kết nối nội vùng và liên vùng (quốc lộ 1, 5, 18,…), cảng biển lớn (Hải Phòng, Quảng Ninh), cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Cát Bi,…),…

• Nhiều đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong nước và quốc tế, tiêu biểu là Hà Nội, Hải Phòng; mạng lưới đô thị dày đặc với hạt nhân là Hà Nội, Hải Phòng. Hệ thống cơ sở đào tạo và nghiên cứu của vùng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước.

+ Thực trạng phát triển kinh tế:

• Đóng góp ngày càng lớn và GDP cả nước, đạt khoảng 26% năm 2021.

• Công nghiệp xây dựng đóng vai trò chủ đạo, chiếm hơn 40% GRDP toàn vùng (2021). Cơ cấu đa dạng, một số ngành tỉ trọng lớn như cơ khí; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất điện,… Hoạt động dịch vụ đa dạng, có nhiều trung tâm thương mại quy mô lớn, phát triển mạnh nội thương và ngoại thương với các tuyến hàng hóa đi khắp mọi nơi; phát triển đầy đủ loại hình giao thông vận tải, năng lực vận chuyển và hạ tầng ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại; du lịch phát triển với các loại hình đặc trưng như du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh; du lịch biển đảo; du lịch MICE,…

+ Định hướng phát triển:

• Phát triển vùng tập trung vào Tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, trong đó Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Bắc và kết nối quốc tế.

• Xây dựng vùng trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; trung tâm kinh tế biển với các ngành vận tải biển, du lịch biển đảo, kinh tế hàng hải,…

2. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

- Xác định vị trí: gồm các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

- Quá trình hình thành và phát triển: được thành lập năm 1997, gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Năm 2004, bổ sung thêm tỉnh Bình Định. Năm 2021, diện tích vùng hơn 28 nghìn km2, số dân hơn 6,6 triệu người (chiếm 6,7% dân số cả nước).

- Các nguồn lực, thực trạng và định hướng phát triển:

+ Nguồn lực:

• Vị trí địa lí: nằm ở vị trí trung gian và bản lề, có ý nghĩa chiến lược trong giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông – Tây; là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, ác nước trong khu vực như Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan.

• Điều kiện tự nhiên: địa hình chuyển tiếp từ khu vực đồi núi, đồng bằng đến ven biển, đảo, thuận lợi xây dựng cơ cấu kinh tế kết hợp nông – lâm – thủy sản. Khí hậu nóng ẩm, địa hình đất đai đa dạng nên thảm thực vật phong phú, diện tích rừng lớn, chiếm hơn 10% diện tích cả nước (2021). Vùng biển rộng lớn, hải sản phong phú, đường bờ biển khúc khuỷu với nhiều vũng, vịnh,… thuận lợi xây dựng cảng nước sâu.

• Nguồn lao động: số dân khá đông, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, trình độ lao động đang được nâng cao.

• Cơ sở hạ tầng: mạng lưới giao thông vận tải được đầu tư phát triển, có các tuyến đường huyết mạch đi qua như quốc lộ 1, đường sắt Bắc – Nam,…; cảng nước sâu (Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định,…), cảng hàng không quốc tế (Đà Nẵng, Phú Bài).

• Đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của vùng là Đà Nẵng. Đang phát triển mạng lưới đô thị hiện đại với hạt nhân là Đà Nẵng, Huế; các cơ sở đào tạo nghiên cứu của vùng đang được đầu tư để hiện đại hóa.

+ Thực trạng phát triển kinh tế: GRDP liên tục tăng, đóng góp khoảng 5,4% trong GDP cả nước (2021). Công nghiệp xây dựng phát triển mạnh, chiếm 30% GRDP vùng, chủ yếu từ nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dịch vụ có vai trò quan trọng, đóng góp hơn 40% GRDP vùng (2021). Ngành nông – lâm – thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành thủy sản, giảm tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp.

+ Định hướng phát triển:

• Tập trung vào khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ chất lượng cao; trung tâm logistics và du lịch biển; trong đó TP Đà Nẵng là cực tăng trưởng; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

• Tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô – phụ trợ ngành cơ khí, khu công nghệ cao. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá,…

3. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

- Xác định vị trí: gồm các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

- Quá trình hình thành và phát triển: được thành lập năm 1998, gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Năm 2003, lãnh thổ của vùng được mở rộng thêm 3 tỉnh là Ninh, Bình Phước, Long An. Năm 2009 bổ sung thêm tỉnh Tiền Giang. Năm 2021, diện tích vùng khoảng 30,6 nghìn km2, số dân 21,8 triệu người (chiếm 22,3% dân số cả nước).

- Các nguồn lực, thực trạng và định hướng phát triển:

+ Nguồn lực:

• Vị trí địa lí: vị trí cầu nối giữa Đồng bằng sông cửu Long, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, là đầu mối giao thương của các tỉnh phía nam với các vùng trong cả nước và quốc tế thông qua mạng lưới giao thông đường bộ, đường biển, đường sông và đường hàng không. Phía đông và đông nam là vùng biển rộng lớn, giàu tiềm năng => lợi thế vị trí địa lí tạo cho vùng khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, có tiềm lực phát triển kinh tế vượt trội so với các vùng khác.

• Điều kiện tự nhiên: địa hình tương đối bằng phẳng, ¾ là đồng bằng và bán bình nguyên. Đất xám và đất feralit chiếm diện tích lớn, đất phù sa sông màu mỡ; khí hậu cận xích đạo gió mùa nóng ẩm là điều kiện hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, cây lương thực. Có trữ lượng dầu khí lớn là nguồn khoáng sản quan trọng phục vụ cho các ngành kinh tế. Vùng biển giàu hải sản và diện tích mặt nước phục vụ khai thác và nuôi trồng thủy sản.

• Nguồn lao động: dân số đông, nguồn lao động dồi dào, trình độ chuyên môn cao là nguồn lực quan trọng.

• Cơ sở hạ tầng: mạng lưới giao thông vận tải ngày càng hoàn thiện với các tuyến đường bộ (quốc lộ 1, 13, 22, cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết,…), cảng biển lớn (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất).

• Có các đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong nước và quốc tế, tiêu biểu là TP Hồ Chí Minh; mạng lưới đô thị phát triển với hạt nhân là TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Vũng Tàu,… Hệ thống cơ sở đào tạo và nghiên cứu ngành càng phát triển mạnh theo hướng hiện đại.

+ Thực trạng phát triển kinh tế: đóng góp hơn 33% GDP cả nước (2021). Công nghiệp xây dựng chiếm tỉ trọng lớn, tốc độ tăng giá trị sản xuất cao hơn mức trung bình cả nước. Cơ cấu ngành đa dạng, trình độ phát triển cao, nổi bật là các ngành mũi nhọn như sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất hóa chất; dệt, may; giày, dép; cơ khí; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính. Khoảng ½ số khu công nghiệp của cả nước phân bố tập trung trong vùng này. Có hoạt động thương mại sôi động bậc nhất nước ta. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục tăng; trị giá xuất khẩu tăng nhanh chóng. Du lịch diễn ra sôi nổi, hoạt động giao thông vận tải có tốc độ tăng trưởng nhanh.

+ Định hướng phát triển:

• Tập trung vào tứ giác TP Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó TP Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Nam và kết nối quốc tế.

• Xây dựng vùng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á. Phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, logistics. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Phát triển kinh tế biển như dịch vụ logistics, khai thác, chế biến dầu khí, du lịch biển.

4. Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Xác định vị trí: gồm các tỉnh TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

- Quá trình hình thành và phát triển: được thành lập năm 2009, gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Năm 2021, diện tích vùng là 16,6 nghìn km2, số dân 6,1 triệu người (chiếm hơn 6,2% cả nước).

- Các nguồn lực, thực trạng và định hướng phát triển:

+ Nguồn lực:

• Vị trí địa lí: vị trí kinh tế – chính trị quan trọng, tiếp giáp Cam-pu-chia, có vùng biển rộng lớn, thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội và giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á; là nơi hội tụ của các đầu mối giao thông quan trọng về đường thủy, đường bộ, đường hàng không của vùng.

• Điều kiện tự nhiên: địa hình tương đối bằng phẳng, nhiều nhóm đất (đất phù sa sông, đất phèn, đất mặn,…), khí hậu mang tính chất cận xích đạo gió mùa, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, thuận lợi trồng lúa, rau đậu, cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả,… Dầu khí, đá vôi là những khoáng sản quan trọng của vùng.

• Nguồn lao động: lao động cần cù, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng nhanh với sự thay đổi của điều kiện sản xuất và thị trường.

• Cơ sở hạ tầng: mạng lưới giao thông vận tải phát triển rộng khắp trong vùng với đầy đủ loại hình: đường bộ (quốc lộ 1, 91,…), cảng hàng không quốc tế (Cần Thơ, Phú Quốc), cảng biển (Kiên Giang, Cà Mau).

• Đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong nước và quốc tế, tiêu biểu là TP Cần Thơ. Có mạng lưới đô thị khá dày với hạt nhân là Cần Thơ, Rạch Giá. Hệ thống cơ sở đào tạo nghiên cứu ngày càng phát triển.

+ Thực trạng phát triển kinh tế: đóng góp khoảng 4% GDP cả nước (2021). Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt 40,9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ 2 với 30,8%; công nghiệp và xây dựng đóng góp nhỏ nhất với 23%. Trong cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo, có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Một số ngành công nghiệp chính là sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất điện; dệt, may; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí; sản xuất hóa chất. Là vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước. Trồng cây ăn quả là thế mạnh nổi bật với diện tích, sản lượng không ngừng gia tăng. Khai thác và nuôi trồng thủy sản giữ vai trò quan trọng trong đời sống và nền kinh tế của vùng, trong đó nuôi trồng thủy sản đóng góp chủ yếu cho sự gia tăng giá trị sản xuất. Nguồn nguyên liệu dồi dào tạo tiền đề cho các hoạt động thương mại, giao thông vận tải, du lịch của vùng phát triển khá sôi động.

+ Định hướng phát triển:

• Tập trung vào Tam giác Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang, trong đó TP Cần Thơ là cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng và khu vực phụ cận.

• Xây dựng vùng trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp. Hình thành các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh; phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học công nghệ về nông nghiệp quốc gia và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Phát triển kinh tế biển, tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Địa lý 12 Chân trời sáng tạo bài 37

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • ebe_Yumi
    ebe_Yumi

    🥰🥰🥰🥰🥰🥰🥰🥰🥰

    Thích Phản hồi 15 giờ trước
    • Hằng Nguyễn
      Hằng Nguyễn

      🦵🦵🦵🦵🦵🦵🦵🦵

      Thích Phản hồi 15 giờ trước
      • Sói già
        Sói già

        😊😊😊😊😊😊😊😊😊

        Thích Phản hồi 15 giờ trước
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Địa lí 12 Chân trời sáng tạo

        Xem thêm