Nêu đặc điểm địa hình châu Á
VnDoc xin giới thiệu bài Nêu đặc điểm địa hình châu Á được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Địa lý lớp 8. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Đặc điểm địa hình Châu Á
Câu hỏi: Nêu đặc điểm địa hình châu Á
Lời giải:
Đặc điểm địa hình Châu Á
- Châu Á có nhiều hệ thống núi, sơn nguyên đồ sộ và nhiều đồng bằng rộng nhất thế giới
- Các dãy núi chạy theo hai hướng chính là Đông – Tây và gần Đông – Tây, Bắc – Nam và gần Bắc – Nam làm cho địa hình bị chia cắt rất phức tạp.
- Các dãy núi và sơn nguyên cao tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm. Trên các núi cao có băng hà phủ quanh năm
1. Địa hình
- Quá trình phát triển lâu dài của đại lục Á-Âu nói chung và châu Á nói riêng cùng với cấu trúc địa chất phức tạp làm cho địa hình của châu Á rất đa dạng. Một số đặc điểm chính của địa hình châu Á là:
- Bề mặt bị chia cắt thẳng đứng
+ Trên lãnh thổ châu Á có đầy đủ các dạng địa hình khác nhau: các núi và sơn nguyên cao, các cao nguyên và đồng bằng rộng lớn với nhiều nguồn gốc, kiểu loại khác nhau, các thung lũng rộng và bồn địa kín. Tất cả các dạng địa hình đó nằm xen kẽ với nhau làm cho bề mặt địa hình châu lục bị chia cắt rất mạnh.
+ Các hệ thống núi trung bình và cao phân bố rải khắp châu lục như các dãy Đại Hưng An, Altai, Tần Lĩnh, Thiên Sơn, Côn Lôn, Himalaya cao trung bình 5.000-6.000 m, trong đó dãy núi Pamir cao hơn 7.000 m được xem là nóc nhà thế giới và đỉnh Everest cao 8.848 m là đỉnh núi cao nhất thế giới.
+ Bên cạnh các hệ thống núi cao có các đồng bằng thấp, rộng lớn và bằng phẳng như Lưỡng Hà, Turan, Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam, Ấn-Hằng...
- Hướng của hệ thống núi
Các dãy núi của châu Á chạy theo nhiều hướng khác nhau trong đó hai hướng chính là Đông-Tây và Bắc-Nam.
+ Hướng Đông-Tây (hoặc gần Đông-Tây) bao gồm các dãy núi chạy dài từ bán đảo Tiểu Á, sơn nguyên Iran đến Himalaya, các hệ thống núi của vùng Trung Á và Nội Á.
+ Hướng Bắc-Nam (hoặc gần Bắc-Nam) gồm các dãy núi dọc theo miền Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á như Gat Đông, Gat Tây của Ấn Độ, Ural và Kamchatka của Nga, Trường Sơn của Việt Nam...
- Sự phân bố địa hình
+ Sự phân bố các dạng địa hình trên bề mặt châu lục không đồng đều. Các hệ thống núi và sơn nguyên cao nhất đều tập trung ở vùng trung tâm châu lục, tạo thành một vùng núi cao, đồ sộ và hiểm trở nhất thế giới. Từ khối núi Pamir tỏa ra 3 cánh núi chính:
++ Cánh phía Đông Bắc gồm các hệ thống núi nối tiếp nhau: Thiên Sơn, Altai, Sayan cho đến đông bắc Siberi;
++ Cánh phía Tây gồm dãy Hindu Kush và hệ thống các núi thuộc sơn nguyên Iran cho đến Tiểu Á và Nam Âu;
++ Cánh Đông Nam bao gồm các núi thuộc khối Tây Tạng, Himalaya và Đông Nam Á.
+ Ba cánh núi này chia bề mặt châu Á thành ba phần khác nhau:
++ Phần Bắc và Tây Bắc với địa hình chủ yếu là đồng bằng, sơn nguyên thấp, rộng và tương đối bằng phẳng như Turan (Trung Á), Tây Siberi và cao nguyên Trung Siberi. Đây là bộ phận được hình thành trên các nền Tiền Cambri và Cổ Sinh, có địa hình thấp dần và mở rộng về phía Bắc.
++ Phần Đông gồm các núi và sơn nguyên cao, các cao nguyên, núi trung bình, núi thấp xen với các đồng bằng nhỏ ven bờ. Đây là bộ phận được hình thành trên vùng nền Trung Hoa, các đới uốn nếp Cổ Sinh, Trung Sinh. Tất cả được nâng lên mạnh mẽ vào cuối đại Tân Sinh. Đặc biệt, địa hình của phần phía Đông này có cấu tạo dạng bậc, thấp dần từ nội địa ra phía biển.
++ Phần Nam và Tây Nam gồm các hệ thống núi uốn nếp trẻ, các sơn nguyên và các đồng bằng xen kẽ với nhau. Địa hình ở đây bị chia cắt mạnh nhất so với hai bộ phận trên.
- Cấu tạo sơn văn của châu Á như vậy có tác dụng phân chia ảnh hưởng của các đại dương đối với lục địa: phần Bắc chịu ảnh hưởng của Bắc Băng Dương, phần Đông chịu ảnh hưởng của Thái Bình Dương, phần Nam và Tây Nam chịu ảnh hưởng của Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Tác động của các đại dương có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành khí hậu, cảnh quan tự nhiên và các hoạt động kinh tế-xã hội của con người.
2. Khoáng sản
- Khoáng sản của Châu Á tuy chưa được khai thác đầy đủ song rất phong phú và có số lượng lớn. Các loại có trữ lượng đáng kể là dầu mỏ, than, sắt, các kim loại màu như đồng, chì, thiếc và bôxit. Về nguồn gốc hình thành và sự phân bố của chúng rất phức tạp nhưng nhìn chung trong mỗi đới kiến tạo tập trung một số loại khoáng sản chính. Riêng các mỏ dầu và khí đốt thường phân bố trong các miền bị lún xuống, được bồi trầm tích dày thuộc các miền võng trên nền, trước núi hoặc các vùng thềm lục địa. Sự phân bố các khoáng sản chính có thể phân biệt như sau
- Các khu vực nền cổ là nơi tập trung nhiều sắt, mangan, bôxit, vàng và một số kim loại quý hiếm. Ví dụ: các mỏ sắt lớn ở Ấn Độ, Đông Bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Trung Siberi và vùng nền Nga. Ở Ấn Độ ngoài sắt còn có mangan với hàm lượng cao và trữ lượng đứng đầu thế giới, vàng, kim cương; Ở Trung Quốc và Trung Siberi có nhiều vônfram, kim cương, vàng, bôxit...
- Đới uốn nếp Cổ sinh có nhiều kim loại màu như đồng, chì, thiếc, kẽm. Các loại này có nhiều ở Kazakhstan và vùng núi Nam Siberi.
- Đới uốn nếp Trung sinh có thiếc là kim khoáng quan trọng nhất. Thiếc thường kèm theo vônfram hoặc chì, kẽm, vàng. Các vùng có nhiều thiếc nhất là vùng núi Đông Siberi và vùng Đông Nam Á. Thiếc ở Đông Nam Á tập trung trong một dải kéo dài từ cao nguyên Vân Quý qua bán đảo Trung Ấn đến các đảo Bangka và Billiton thuộc Indonesia. Thiếc ở đây chiếm tới 70% trữ lượng thế giới. Giờ đây, sản lượng khai thác thiếc của Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đang đứng hàng hai, ba, tư thế giới sau Brasil.
- Đới uốn nếp Tân sinh chưa được nghiên cứu đầy đủ song người ta thấy có nhiều khoáng sản khác nhau như đồng, chì, kẽm, bôxit và sau đó là sắt, mangan và thủy ngân. Ngoài ra, ở Tiểu Á và Iran còn có nhiều crôm và môlípđen.
- Các khoáng sản năng lượng như than đá, dầu mỏ và khí đốt phân bố ở nhiều đới khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là trong đới uốn nếp Cổ sinh và các miền võng trước núi thuộc đới uốn nếp Tân sinh và trên các nền cổ. Các vùng than có trữ lượng lớn gọi là bồn địa than, có nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ và Trung Siberi thuộc Nga. Các mỏ dầu và khí đốt tập trung nhiều ở đồng bằng Tây Siberi, vùng Trung Á, đảo Sakhalin và Nhật Bản. Ở Trung Quốc, dầu khí tập trung ở các vùng bồn địa Tarim, Xaidam, Dungari, Tứ Xuyên và cao nguyên Gobi... Ở thềm lục địa phía Nam Biển Đông, ở Indonesia, Myanma và đồng bằng Ấn-Hằng, vùng đồng bằng Lưỡng Hà và ven vịnh Ba Tư là những nơi có trữ lượng dầu thuộc hàng lớn nhất châu Á.
3. Trắc nghiệm
Câu 1: Châu Á có diện tích đứng thứ mấy trong các châu lục trên thế giới?
- 1
- 2
- 3
- 4
Đáp án: A. 1
Giải thích: Diện tích phần đất liền là 41,5 triệu km2, nếu tính cả đảo phủ thuộc thì lên tới 44,4 triệu km2 → Là châu lục rộng lớn nhất thế giới. (trang 6, SGK Địa lí 8).
Câu 2: Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc điểm vị trí của châu Á
- Là một bộ phận của lục địa Á- Âu.
- Kéo dài từ cực Bắc đến vùng Xích đạo.
- Đại bộ phận diện tích nằm giữa chí tuyến Bắc và chí tuyến Nam.
- Tiếp giáp với 2 châu lục và 3 đại dương rộng lớn.
Đáp án: C. Đại bộ phận diện tích nằm giữa chí tuyến Bắc và chí tuyến Nam.
Giải thích: Lãnh thổ châu Á dài từ cực Bắc đến vùng Xích đạo, nằm chủ yếu ở Bắc bán Cầu. (trang 6, SGK Địa lí 8).
Câu 3: Chiều rộng từ bờ Tây sang bờ Đông nơi lãnh thổ châu Á mở rộng nhất là bao nhiêu km?
- 6200 km
- 7200 km
- 8200 km
- 9200 km
Đáp án: D. 9200 km
Giải thích: Chiều rộng từ bờ Tây sang bờ Đông nơi lãnh thổ châu Á mở rộng nhất là 9200 km.
Câu 4 : Chiều dài từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam của châu Á là bao nhiêu km?
- 6500 km
- 7500 km
- 8500 km
- 9500 km
Đáp án: C. 8500 km
Giải thích: Chiều dài từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam của châu Á là 8500 km.
Câu 5: Các dãy núi ở châu Á có hai hướng chính là
- đông – tây hoặc gần đông – tây và bắc – nam hoặc gần bắc – nam.
- đông bắc – tây nam và đông – tây hoặc gần đông – tây.
- tây bắc – đông nam và vòng cung.
- bắc – nam và vòng cung.
Đáp án: A. đông – tây hoặc gần đông – tây và bắc – nam hoặc gần bắc – nam.
Giải thích: Các dãy núi ở châu Á chạy theo hai hướng chính: đông – tây hoặc gần đông – tây và bắc – nam hoặc gần bắc – nam. (trang 6, SGK Địa lí 8).
Câu 6: Ý nào sau đây không phải đặc điểm địa hình của châu Á
- Châu Á có nhiều hệ thống núi, sơn nguyên cao, đồ sộ và nhiều đồng bằng bậc nhất thế giới.
- Địa hình bị chia cắt phức tạp.
- Các núi và cao nguyên cao đồ sộ tập trung ở trung tâm châu lục.
- Địa hình khá đơn giản, có thể coi toàn bộ lục địa là khối cao nguyên khổng lồ.
Đáp án: D. Địa hình khá đơn giản, có thể coi toàn bộ lục địa là khối cao nguyên khổng lồ.
Giải thích: Châu Á có nhiều hệ thống núi, sơn nguyên cao, đồ sộ và nhiều đồng bằng bậc nhất thế giới. Địa hình bị chia cắt phức tạp. (trang 6, SGK Địa lí 8)
Câu 7: Dãy núi nào sau đây là dãy núi cao và đồ sộ nhất châu Á
- Hi-ma-lay-a
- Côn Luân
- Thiên Sơn
- Cap-ca
Đáp án: A. Hi-ma-lay-a.
Giải thích: Dãy Hi-ma-lay có đỉnh E-vơ-ret cao 8848m- cao nhất thế giới
Câu 8: Đồng bằng nào sau đây không thuộc châu Á
- Đồng bằng Tây Xi-bia.
- Đồng bằng Ấn – Hằng.
- Đồng bằng Trung tâm.
- Đồng bằng Hoa Bắc.
Đáp án: C. Đồng bằng Trung tâm
Giải thích: Đồng bằng Trung tâm thuộc Bắc Mĩ. Còn 3 đồng bằng: Tây Xi-bia, Ấn –Hằng, Hoa Bắc đều thuộc châu Á.
Câu 9: Dầu mỏ, khí đốt tập trung nhiều nhất ở khu vực nào
- Bắc Á
- Nam Á
- Tây Nam Á
- Đông Nam Á
Đáp án: C. Tây Nam Á
Giải thích : Khu vực Tây Nam Á có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% trữ lượng dầu mỏ, khí đốt của thế giới. Tây Nam Á được gọi là rốn dầu của thế giới.
Câu 10: Những khoáng sản quan trọng nhất của châu Á là
- Dầu mỏ, khí đốt.
- Than, sắt.
- Crôm và các kim loại màu như đồng, thiếc.
- Tất cả các ý trên.
Đáp án: D. Tất cả các ý trên.
Giải thích: Các khoáng sản tiêu biểu của châu Á: dầu mỏ, khí đốt, than, sắt, crôm và các kim loại màu như đồng, thiếc…
-------------------------------------------
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Nêu đặc điểm địa hình châu Á. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Lý thuyết Địa lý lớp 8, Giải bài tập Địa lí 8, Giải tập bản đồ Địa lí 8, Giải Vở BT Địa Lí 8, Tài liệu học tập lớp 8