Địa hình nước ta hình thành và biến đổi do những nhân tố nào?
Chúng tôi xin giới thiệu bài Địa hình nước ta hình thành và biến đổi do những nhân tố nào? được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Địa lý lớp 8. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Địa hình nước ta hình thành và biến đổi
Câu hỏi: Địa hình nước ta hình thành và biến đổi do những nhân tố chủ yếu nào?
Lời giải:
Địa hình nước ta hình thành và biến đổi chủ yếu do các nhân tố:
- Hoạt động kiến tạo.
- Ngoại lực, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.
- Hoạt động của con người
1. Đồi núi là bộ phận quan trọng nhất của cấu trúc địa hình Việt Nam
Đồi núi là bộ phận quan trọng nhất của cấu trúc địa hình Việt Nam, bởi vì:
- Đồi núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình thấp dưới 1000 m chiếm 85% diện tích. Núi cao trên 2000 m chỉ chiếm 1%, cao nhất là Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phan-xi-păng cao 3143m.
- Đồi núi nước ta tạo thành một cánh cung lớn hướng ra Biển Đông, chạy dài 1400 km, từ miền Tây Bắc tới miền Đông Nam Bộ. Nhiều vùng núi lan ra sát biển hoặc bị nhấn chìm thành các quần đảo như vùng biển Hạ Long (Quảng Ninh) trong vịnh Bắc Bộ.
- Địa hình đồng bằng chỉ chiếm 1/4 lãnh thổ đất liền và bị đồi núi ngăn cách thành nhiều khu vực, điển hình là dải đồng bằng duyên hải miền Trung nước ta.
2. Địa hình nước ta được tân kiến tạo nâng lên và tạo thành nhiều bậc kế tiếp nhau
Lãnh thổ nước ta đã được tạo lập vững chắc từ sau giai đoạn Cổ kiến tạo. Trải qua hàng chục triệu năm không được nâng lên, các vùng núi bị ngoại lực bào mòn, phá hủy tạo nên những bề mặt san bằng cổ, thấp và thoải.
Đến Tân kiến tạo, vận động tạo núi Hi-ma-lay-a đã làm cho địa hình nước ta nâng cao và phân thành nhiều bậc kế tiếp nhau: núi đồi, đồng bằng, thềm lục địa… Địa hình thấp dần từ nội địa ra tới biển, trùng với hướng tây bắc – đông nam và được thể hiện rõ qua hướng chảy của các dòng sông lớn.
Trong từng bậc địa hình lớn như đồi núi, đồng bằng, bờ biển, còn có các bậc địa hình nhỏ như các bề mặt san bằng, các cao nguyên xếp tầng, các bậc thềm sông, thèm biển… đánh dấu sự nâng lên của địa hình nước ta thời kì Tân kiến tạo.
Địa hình nước ta có hai hướng chủ yếu là tây bắc – đông nam và vòng cung, ngoài ra còn có một số hướng khác trong phạm vi hẹp.
3. Địa hình nước ta mang tính chất nhiệt đới gió mùa và chịu tác động mạnh mẽ của con người
- Địa hình mang tính chất nhiệt đới gió mùa:
+ Đất đá bị phong hóa mạnh mẽ.
+ Các khối núi lớn bị xói mòn, cắt xẻ và xâm thực.
+ Địa hình caxtơ.
+ Trên bề mặt địa hình thường có rừng cây rậm rạp che phủ.
- Địa hình chịu tác động mạnh mẽ của con người: địa hình nhân tạo xuất hiện ngày càng nhiều trên đất nước ta như các công trình kiến trúc đô thị, hầm mỏ, giao thông, đê, đập, kênh, rạch, hồ chứa nước...
4. Địa hình nước ta hình thành và biến đổi do các nhân tố
- Hoạt động tân kiến tạo làm nâng cao và trẻ hóa địa hình.
- Ngoại lực, nhất là trong điều kiện nhiệt đới ẩm gió mùa có tác dụng bào mòn hạ thấp địa hình, san lấp vùng trũng.
- Hoạt động của con người: tạo ra các dạng địa hình nhân tạo,...
-------------------------------------------
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Địa hình nước ta hình thành và biến đổi do những nhân tố nào? Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Lý thuyết Địa lý lớp 8, Giải bài tập Địa lí 8, Giải tập bản đồ Địa lí 8, Giải Vở BT Địa Lí 8, Tài liệu học tập lớp 8