Cách nhận xét biểu đồ địa lý
VnDoc xin giới thiệu bài Cách nhận xét biểu đồ địa lý được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Địa lý lớp 8. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Cách nhận xét biểu đồ địa lý
Dấu hiệu nhận biết bài sử dụng biểu đồ tròn để nhận xét
- Bạn sẽ sử dụng biểu đồ tròn khi đề yêu cầu vẽ biểu đồ mô tả cơ cấu, tỉ lệ các thành phần trong một tổng thể.
- Để ý xem đề ra cho nhiều thành phần để thể hiện trong 1 hoặc 2 mốc năm thì phải lựa chọn biểu đồ tròn nhé. Hãy luôn nhớ chọn biểu đồ tròn khi “ít năm, nhiều thành phần”.
Trường hợp phải vẽ biểu đồ bằng những hình tròn có bán kính khác nhau thì ta phải tính toán bán kính cho các hình tròn
Các dạng biểu đồ tròn:
- Biểu đồ tròn đơn.
- Biểu đồ tròn có các bán kính khác nhau.
- Biểu đồ bán tròn (hai nửa hình tròn thường thể hiện cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu).
Cách nhận xét biểu đồ tròn địa lí 8
Khi chỉ có một vòng tròn:
Ta nhận định cơ cấu tổng quát lớn nhất là cái nào, nhì là, ba là… và cho biết tương quan giữa các yếu tố (gấp mấy lần hoặc kém nhau bao nhiêu %), đặc biệt là yếu tố lớn nhất so với tổng thể có vượt xa không?
Lưu ý: Tỷ trọng có thể giảm nhưng số thực nó lại tăng, vì thế cần ghi rõ. Ví dụ: Xét về tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm… không ghi trống kiểu ngành nông nghiệp giảm … vì như thế là chưa chính xác, có thể bị trừ hay không được cho điểm.
Khi có từ hai vòng tròn trở lên (giới hạn tối đa là ba hình tròn cho một bài)
- Nhận xét cái chung nhất (nhìn tổng thể): Tăng/ giảm như thế nào?
- Nhận xét tăng hay giảm trước, nếu có ba vòng trở lên thì thêm liên tục hay không liên tục, tăng (giảm) bao nhiêu?
- Sau đó mới nhận xét về nhất, nhì, ba … của các yếu tố trong từng năm, nếu giống nhau thì ta gom chung lại cho các năm một lần thôi (không nhắc lại 2, 3 lần)
- Cuối cùng, cho kết luận về mối tương quan giữa các yếu tố.
- Giải thích về vấn đề.
Cách nhận xét biểu đồ miền Địa lý 8
Dấu hiệu nhận biết bài sử dụng biểu đồ miền để nhận xét
Bạn sẽ thường hay nhầm lẫn giữa vẽ biểu đồ miền và biểu đồ tròn, tuy nhiên 2 loại này sẽ có những dấu hiệu nhận biết nhất định.
Biểu đồ miền còn được gọi là biểu đồ diện. Loại biểu đồ này thể hiện được cả cơ cấu và động thái phát triển của các đối tượng. Toàn bộ biểu đồ là 1 hình chữ nhật (hoặc hình vuông), trong đó được chia thành các miền khác nhau
Chọn vẽ biểu đồ miền khi cần thể hiện cơ cấu tỉ lệ. Để xác định vẽ biểu đồ miền, với số liệu được thể hiện trên 3 năm (nghĩa là việc vẽ tới 4 hình tròn như thông thường thì ta lại chuyển sang biểu đồ miền). Vậy số liệu đã cho cứ trên 3 năm mà thể hiện về cơ cấu thì vẽ biểu đồ miền.
Dấu hiệu: Nhiều năm, ít thành phần
Toàn bộ biểu đồ miền là 1 hình chữ nhật (hoặc hình vuông), trong đó được chia thành các miền khác nhau
Một số dạng biểu đồ miền thường gặp:
- Biểu đồ miền chồng nối tiếp
- Biểu đồ chồng từ gốc tọa độ
Lưu ý: Trường hợp bản đồ gồm nhiều miền chồng lên nhau, ta vẽ tuần tự từng miền theo thứ tự từ dưới lên trên.Việc sắp xếp thứ tự của các miền cần lưu ý sao cho có ý nghĩa nhất đồng thời cũng phải tính đến tính trực quan và tính mĩ thuật của biểu đồ. Khoảng cách các năm trên cạnh nằm ngang cần đúng tỉ lệ. Thời điểm năm đầu tiên nằm trên cạnh đứng bên trái của biểu đồ. Nếu số liệu của đề bài cho là số liệu thô (số liệu tuyệt đối) thì trước khi vẽ cần xử lí thành số liệu tinh (số liệu theo tỉ lệ %).
Cách nhận xét biểu đồ miền địa lí 8
- Nhận xét chung toàn bộ bảng số liệu: Nhìn nhận, đánh giá xu hướng chung của số liệu.
- Nhận xét hàng ngang trước: Theo thời gian yếu tố a tăng hay giảm, tăng giảm như thế nào, tăng giảm bao nhiêu? Sau đó đến yếu tố b tăng hay giảm … yếu tố c (mức chênh lệch)
- Nhận xét hàng dọc: Yếu tố nào xếp hạng nhất, nhì, ba và có thay đổi thứ hạng hay không?
- Tổng kết và giải thích.
Cách nhận xét biểu đồ hình cột Địa lý 8
Dạng này sử dụng để chỉ sự khác biệt về qui mô khối lượng của 1 hay 1 số đối tượng địa lí hoặc sử dụng để thực hiện tương quan về độ lớn giữa các đại lượng.
Ví dụ: Vẽ biểu đồ so sánh dân số, diện tích... của 1 số tỉnh (vùng, nước) hoặc vẽ biểu đồ so sánh sản lượng (lúa, ngô, điện, than...) của 1 số địa phương qua 1 số năm.
Dấu hiệu nhận biết bài sử dụng biểu đồ hình cột để nhận xét
Khi đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện sự phát triển, so sánh tương quan về độ lớn các đại lượng của các thành phần (hoặc qua mốc thời gian).
Ở biểu đồ hình cột thì việc thể hiện độ cao của các cột là điều quan trọng hơn cả, các cột chỉ khác nhau về độ cao còn chiều ngang các cột phải bằng nhau
Cách nhận xét biểu đồ hình cột địa lí 8
Trường hợp cột đơn (chỉ có một yếu tố)
- Bước 1: Xem xét năm đầu và năm cuối của bảng số liệu để trả lời câu hỏi tăng hay giảm? Và tăng giảm bao nhiêu? (lấy số liệu năm cuối trừ cho số liệu năm đầu hay chia cho cũng được)
- Bước 2: Xem số liệu ở khoảng trong để trả lời tiếp là tăng (hay giảm) liên tục hay không liên tục? (lưu ý năm nào không liên tục)
- Bước 3: Nếu liên tục thì cho biết giai đoạn nào nhanh, giai đoạn nào chậm. Nếu không liên tục: Thì năm nào không còn liên tục.
Kết luận và giải thích qua về xu hướng của đối tượng.
Trường hợp cột đôi, ba (ghép nhóm) … (có từ hai yếu tố trở lên)
- Nhận xét xu hướng chung.
- Nhận xét từng yếu tố một, giống như trường hợp 1 yếu tố (cột đơn)
- Kết luận (có thể so sánh, hay tìm yếu tố liên quan giữa hai cột)
- Có một vài giải thích và kết luận
Trường hợp cột là các vùng, các nước…
- Nhìn nhận chung nhất về bảng số liệu nói lên điều gì.
- Tiếp theo hãy xếp hạng cho các tiêu chí: Cao nhất, thứ nhì… thấp nhất (cần chi tiết). Rồi so sánh giữa cái cao nhất và cái thấp nhất, giữa đồng bằng với đồng bằng, giữa miền núi với miền núi.
- Một vài điều kết luận và giải thích.
Trường hợp cột là lượng mưa. (biểu đồ khí hậu)
- Mưa tập trung vào mùa nào? Hay mưa dàn trải đều trong các tháng. Mùa mưa, mùa khô kéo dài từ tháng nào đến tháng nào, (khu vực nhiệt đới tháng mưa từ 100 mm trở lên được xem là mùa mưa, còn ở ôn đới thì chỉ cần 50 mm là được xếp vào mùa mưa).
- Nêu tổng lượng mưa (cộng tổng tất cả lượng mưa các tháng trong năm) và đánh giá tổng lượng mưa.
- Tháng nào mưa nhiều nhất, lượng mưa bao nhiêu mm và tháng nào khô nhất, mưa bao nhiêu?
- So sánh tháng mưa nhiều nhất và tháng mưa ít nhất (có thể có hai tháng mưa nhiều và hai tháng mưa ít).
- Đánh giá biểu đồ thể hiện vị trí địa điểm thuộc miền khíhậu nào? (căn cứ vào mùa mưa tập trung; tháng mưa nhiều hay dàn trải, tháng mưa ít; kết hợp cùng sự biến thiên nhiệt độ để xác định vị trí).
Cách nhận xét biểu đồ hình đường đồ thị Địa lý 8
Là loại biểu đồ thường dùng để vẽ sự thay đổi của các đại lượng địa lí khi số năm nhiều và tương đối liên tục, hoặc thể hiện tốc độ tăng trưởng của một hoặc nhiều đại lượng địa lí có đơn vị giống nhau hay đơn vị khác nhau.
Dấu hiệu nhận biết bài sử dụng biểu đồ đường đồ thị để nhận xét
Khi đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện sự phát triển, tốc độ tăng trưởng qua các mốc thời gian.
Biểu đồ đường là biểu đồ thường dùng để vẽ sự thay đổi của các đại lượng địa lí khi số năm nhiều và tương đối liên tục, hoặc thể hiện tốc độ tăng trưởng
Các loại biểu đồ dạng đường:
- Loại có một hoặc nhiều đường vẽ theo giá trị tuyệt đối.
- Loại có một hoặc nhiều đường vẽ theo giá trị tương đối.
Cách nhận xét biểu đồ đường đồ thị địa lí 8
Trường hợp thể hiện một đối tượng:
- So sánh số liệu năm đầu và năm cuối có trong bảng số liệu để trả lời câu hỏi: đối tượng cần nghiên cứu tăng hay giảm? Nếu tăng (giảm) thì tăng (giảm) bao nhiêu? (lấy số liệu năm cuối trừ cho số liệu năm đầu hay chia gấp bao nhiêu lần cũng được)
- Xem đường biểu diễn đi lên (tăng) có liên tục hay không? (lưu ý năm nào không liên tục)
- Hai trường hợp:
- nếu liên tục: thì cho biết giai đoạn nào tăng nhanh, giai đoạn nào tăng chậm
- nếu không liên tục: thì năm nào không còn liên tục
- Một vài giải thích cho đối tượng, giải thích những năm không liên tục.
Trường hợp cột có hai đường trở lên
- Ta nhận xét từng đường một giống như trên theo đúng trình tự bảng số liệu cho: đường a trước, rồi đến đường b, rồi đến c, d
- Sau đó, chúng ta tiến hành so sánh, tìm mối liên hệ giữa các đường biểu diễn.
- Kết luận và giải thích.
-------------------------------------------
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Cách nhận xét biểu đồ địa lý. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Lý thuyết Địa lý lớp 8, Giải bài tập Địa lí 8, Giải tập bản đồ Địa lí 8, Giải Vở BT Địa Lí 8, Tài liệu học tập lớp 8