Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 12 môn Văn

Bộ Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 12 môn Văn do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Bộ Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 12 môn Văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh ôn tập lại cách hình bài văn đã được học.

Mời các bạn tham khảo Đề thi khảo sát số 10 tại: Đề khảo sát chất lượng đầu năm môn Văn lớp 12 năm 2020 (Đề 10)

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 12.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề khảo sát chất lượng số 1

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

"Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh"

(Lưu Quang Vũ - Tiếng Việt)

Câu 1 (0,5đ): Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,75đ): Chỉ ra và phân tích biện pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu trong văn bản.

Câu 3 (0,75đ): Văn bản thể hiện thái độ, tình cảm gì của tác giả đối với tiếng Việt?

Câu 4 (1đ): Viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt của giới trẻ hiện nay.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về ý kiến: “Tự học là chìa khoá vàng của giáo dục”.

Câu 2 (5đ): Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

Đáp án đề khảo sát số 1: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 1)

Đề khảo sát chất lượng số 2

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta gặp lại những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng

(Trở về quê nội – Lê Anh Xuân)

Câu 1 (0,5đ): Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ. Kể tên những tác phẩm (ít nhất 01 tác phẩm) có cùng chủ đề mà em biết.

Câu 3 (1đ): Cảm xúc của nhà thơ khi trở về quê nội được diễn tả như thế nào?

Câu 4 (1đ): Đoạn thơ đã giúp anh/chị nhận ra điều gì?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về ý kiến của M.Gorki: “Con người nên sống tốt trước khi sống sướng”.

Câu 2 (5đ): Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

Đáp án đề khảo sát số 2: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 2)

Đề khảo sát chất lượng số 3

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được trích từ bài thơ nào? Của tác giả nào? Kể tên một số tác phẩm khác của tác giả đó.

Câu 2 (0,5đ): “Từ ấy” mà tác giả nhắc đến trong đoạn thơ được hiểu như thế nào?

Câu 3 (1đ): Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Viết đoạn văn ngắn nêu quan điểm của anh/chị về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống của giới trẻ hiện nay.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về ý kiến: “Sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất”.

Câu 2 (5đ): Phân tích bức tranh phố huyện nghèo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ.

Đáp án đề khảo sát số 3: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 3)

Đề khảo sát chất lượng số 4

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

“… Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không sợ đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm…”

(Trích "Tre Việt Nam", Nguyễn Duy)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo lời của ai?

Câu 2 (0,5đ): Cây tre ở đoạn thơ trên mang những phẩm chất gì?

Câu 3 (1đ): Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của anh/chị về những đức tính quý báu được rút ra từ hình ảnh cây tre.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố (Trích Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm).

Câu 2 (5đ): Phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Đáp án đề khảo sát số 4: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 4)

Đề khảo sát chất lượng số 5

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

“Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra thành phố dần quên một thời

Về quê ăn Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”

Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê.
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…”

(Lời thề cỏ may - Phạm Công Trứ)

Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là gì?

Câu 2 (0,5đ): Qua những miêu tả của tác giả, nhân vật “em” đã thay đổi như thế nào?

Câu 3 (1đ): Anh/chị nhận xét như thế nào về hai nhân vật trữ tình “tôi” và “em” trong đoạn thơ ?

Câu 4 (1đ): Anh/chị cảm nhận được điều gì từ cảm xúc của nhân vật “tôi”?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: “Lối đi ngay dưới chân mình”.

Câu 2 (5đ): Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương.

Đáp án đề khảo sát số 5: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 5)

Đề khảo sát chất lượng số 6

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim cỏ những nhịp đập yêu thương.

(Trích “Lời khuyên cuộc sống…”)

Câu 1 (0,5đ): Thao tác lập luận chính của đoạn trích là gì?

Câu 2 (0,5đ): Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 3 (1đ): Đoạn trích giúp anh/chị nhận ra bài học gì?

Câu 4 (1đ): Anh/chị hãy nêu suy nghĩ của mình về quan điểm: “Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất”.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: “Người không có chữ tín, chẳng làm chi nên việc”.

Câu 2 (5đ): Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Đáp án đề khảo sát số 6: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 6)

Đề khảo sát chất lượng số 7

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

“Nhiều người An Nam thích bặp bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như đối với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc, cũng như sử dụng nước suối Pê-ri-ê (Perrier) và rượu khai vị biểu trưng cho nền văn minh châu Âu. Nhiều người An Nam bị Tây hóa hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt những cái tầm thường của phong hóa châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào của mình tin là học đã được đào tạo theo kiểu Tây phương”.

(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức)

Câu 1 (0,5đ): Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.

Câu 2 (0,5đ): Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề.

Câu 3 (1đ): Qua đoạn văn trên tác giả đã phê phán hiện tượng gì?

Câu 4 (1đ): Hãy chỉ ra giá trị thời sự của vấn đề trong giai đoạn hiện nay?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về ý kiến: “Gốc của sự học là học làm người”.

Câu 2 (5đ): Phân tích nỗi thống khổ của người nông dân bị áp bức trước Cách mạng qua nhân vật Chí Phèo trong truyện Chí Phèo của Nam Cao.

Đáp án đề khảo sát số 7: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 7)

Đề khảo sát chất lượng số 8

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

“Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng…”

(Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan)

Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.

Câu 2 (0,5đ): Chỉ ra phép liên kết trong đoạn văn.

Câu 3 (1đ): Nội dung chính của đoạn văn trên là gì?

Câu 4 (1đ): Đoạn văn đã giúp anh/chị nhận ra bài học gì?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về thông điệp: “Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt”.

Câu 2 (5đ): Phân tích nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân.

Đáp án đề khảo sát số 8: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 8)

Đề khảo sát chất lượng số 9

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

Thời gian trôi qua kẽ tay, đưa mùa hạ cuối chợt về ngẩn ngơ chẳng cho ai kịp giữ. Tuổi học trò trôi đi trên từng trang lưu bút, mùa phượng cuối ùa về cho ai tiếc những tà áo dài trắng bay...
Một thời áo trắng trong veo và tinh khôi đến thế, ôm sao cho hết; ôm sao để được tròn đầy cho những gì đã qua...
Cơn mưa cuối chiều chở nhớ và thương, những vòng xe quay đều rồi cuộn những tháng năm hóa thành kỉ niệm.
Ghế đá lặng im không nói, những ô gạch lát buồn tênh không muốn cất lời…
Tiếng ríu rít ve sầu kêu trên vòm lá, tiếng mùa hè tại đến, tiếng một mùa học trò nữa lại đi...
Mùa phượng cuối gọi buồn về cho nhưng luyến tiếc thời gian... Mùa không ai bảo ai, mắt buồn ngấn lệ…
Có những mùa yêu chưa xa đã nhớ, có những mùa chở thương nhớ vội quá chẳng kịp về...
Góc sân trường, một cánh hoa rơi mong manh cho mùa hạ cuối... Và còn mãi trong tim ta, những dấu yêu một thời...

(Lạc Hi – Viết cho mùa phượng cuối)

Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.

Câu 2 (0,5đ): Nỗi buồn ngày chia tay được thể hiện qua những hình ảnh nào?

Câu 3 (1đ): Xác định các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Viết đoạn văn ngắn kể về những kỉ niệm mà anh/chị nhớ mãi khi xa ngôi trường.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: “Người giàu tặng của cải, người khôn tặng lời nói”

Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đáp án đề khảo sát số 9: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 9)

Đề khảo sát chất lượng số 10

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

“Bất thần, từ một chỗ ít ai ngờ tới nhất bùng lên một tiếng nổ cùng với những cột đất dựng lên mù mịt. Hiện ra sau những đám khói ấy, bên những ngọn lửa ấy là cô gái mà tôi thường nghĩ đến và đồng đội của cô, là những người thân yêu, những chiến sĩ giữ đường gan góc. Dọc con đường này, họ đã trở nên thân thuộc với anh em lái xe, có khó khăn nào mà chúng tôi không cùng họ san sẻ, có chuyến đi nào mà chúng tôi không cùng ăn dăm ba bữa cơm với họ. Có người chúng tôi gặp luôn, có người chưa bao giờ thấy mặt, nhưng tất cả đều trở nên gần gũi và dễ hiểu, đều trở thành một vẻ đẹp chung gắn bó với mỗi chúng tôi. Một dáng người đứng bên đường vẫy tay chào, một khuôn mặt trầm tư lướt qua cửa xe, một nụ cười của ai mà ta gặp ở đâu rồi, một giọng nói nào giống như giọng nói của người quen mà không kịp nhớ và những đôi mắt của lòng tin cậy biết nói cho ta nghe những chuyện đâu dễ hôm nay đã nói hết được thành lời”

(Đỗ Chu – Ráng đỏ (1-1969))

Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.

Câu 2 (0,5đ): Nêu chủ đề của đoạn trích.

Câu 3 (1đ): Hình ảnh cô gái và đồng đội của cô trong đoạn trích trên gợi cho anh/chị nhớ tới tác phẩm văn học nào cũng viết về những cô gái như họ? Điểm chung nổi bật ở họ là gì?

Câu 4 (1đ): Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nghĩ của anh/chị về những người chiến sĩ thời bấy giờ.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: “Cá không rời được nước sông, trái tim không thể không mơ ước”.

Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

Đáp án đề khảo sát số 10: Đáp án đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn (Đề 10)

-----------------------

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Bộ Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 12 môn Văn. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Lý thuyết môn Địa lí lớp 12, Trắc nghiệm Tiếng Anh 12 mới, Chuyên đề Hóa học 12, Giải bài tập Sinh học 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 12

    Xem thêm