Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 16: Cố Hương
Ngữ văn lớp 9 bài 16: Cố Hương
Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 16: Cố Hương. Đây là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm nhằm giúp quá trình ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi học kì mới môn Ngữ văn của các bạn học sinh lớp 9 trở nên thuận lợi hơn. Mời các bạn tham khảo
Bài 16: Cố Hương
(Lỗ Tấn)
I. Kiến thức cơ bản
• Về tác giả: Lỗ Tấn (1881 - 1936) là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, quê ở Chiết Giang. Sinh trưởng trong một gia đình quan lại sa sút, mẹ xuất thân nông dân nên từ nhỏ ông đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với đời sống nông thôn. Từ lúc còn trẻ, ông đã từ giã gia đình, quyết tâm đi tìm con đường lập thân mới, khác với những thanh niên cùng quê đương thời.
Thoạt đầu, nghĩ rằng sức mạnh của khoa học, kĩ thuật có thể giúp dược nước, ông lần lượt theo học các ngành hàng hải, địa chất rồi y học. Nhưng rồi ông dần thấy rằng một mình khoa học không thể làm thay đổi dược xã hội một cách triệt để. Ông bỏ nghành y chuyển sang hoạt động văn học vì nghĩ rằng văn học là vũ khí lợi hại để “biến đổi tinh thần” dân chúng đang ở tình trạng “ngu muội” và “hèn nhát”.
• Về tác giả: Công trình nghiên cứu và tác phẩm văn chương của Lỗ Tấn rất đồ sộ và đa dạng, trong đó có 17 tập tạp văn và hai tập truyện ngắn xuất sắc là Gào thét (1923) và Bàng hoàng (1926). Cố hương là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất của tập Gào thét. Năm 1981, toàn thế giới kỉ niệm 100 năm ngày sinh Lỗ Tấn như một danh nhân văn hoá.
• Trong truyện ngắn Cố hương, thông qua việc thuật lại chuyến về quê lần cuối cùng của nhân vật “tôi”, những rung cảm của “tôi” trước sự thay đổi của làng quê, đặc biệt là của Nhuận Thổ, Lỗ Tấn đã phê phán xã hội phong kiến, lễ giáo phong kiến, đặt ra vấn đề con đường đi của nông dân và của toàn xã hội để mọi người suy ngẫm.
II. Hướng dẫn đọc - hiểu văn bản
Câu 1. Tìm bố cục của truyện (Căn cứ vào trình tự thời gian chuyến về thăm quê của nhân vật “tôi”).
Bố cục của câu chuyện gồm có ba phần:
+ Phần một (từ đầu đến làm ăn sinh sống): Hành trình trở về quê hương của nhân vật tôi.
+ Phần hai (tiếp theo cho đến mang đi sạch trơn): Hình ảnh con người và quê hương trong quá khứ và hiện tại.
+ Phần ba (còn lại): Suy nghĩ của nhân vật tôi trên đường ra đi.
Câu 2. Trong truyện, có mấy nhân vật chính? Nhân vật nào là nhân vật trung tâm? Vì sao?
+ Các nhân vật trong chuyện: Người mẹ, nhân vật tôi, cháu Hoàng, Nhuận Thổ, thím Hai Phương, Thuỷ Sinh
+ Nhân vật chính: Tôi và Nhuận Thổ.
+ Nhân vật trung tâm: Nhân vật Nhuận Thổ, bởi vì thông qua nhân vật này nhà văn thể hiện mọi sự thay đổi của làng quê.
Câu 3. Tác giả đã dùng những biện pháp nghệ thuật nào để làm nổi bật sự thay đổi ở nhân vật Nhuận Thổ? Ngoài sự thay đổi của Nhuận Thổ, tác giả còn miêu tả sự thay đổi nào khác của những con người và cảnh vật ở Cố hương? Tác giả đã biểu hiện tình cảm, thái độ như thế nào và đặt ra vấn đề gì qua sự miêu tả đó?
+ Nghệ thuật miêu tả nhân vật Nhuận Thổ: Tác giả đã dùng phương pháp so sánh tương phản giữa quá khứ và hiện tại để làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật Nhuận Thổ. Thủa ấu thơ, hai mươi năm về trước, Nhuận Thổ trong con mắt của nhân vật tôi là một cậu bé nhanh nhẹn, thông minh, thành thạo rất nhiều thứ giống như một tiểu anh hùng. Hai mươi năm sau, Nhuận Thổ là một cố nông già nua, nghèo khó, đông con, rúm ró đến tội nghiệp.
+ Sự thay đổi của con người và cảnh vật ở cố hương:
- Thím. Hai Dương: Đây là nhân vật thứ hai mà tác giả chú ý miêu tả sự thay đổi. Nàng “Tây Thi đậu phụ” đại diện cho nhân vật số đông biểu hiện cho sự sa sút về nhân cách của con người của những kẻ “đến đưa chân để lấy đồ đạc hoặc vừa đưa chân vừa lấy đồ đạc”. Nét nổi bật ở người đàn bà này là dáng điệu “com-pa”, lưỡng quyền cao, môi mỏng đặc biệt là những lời chì chiết đay nghiến khi đến định hôi của một ít đồ đạc nhưng không được và hành động “giật, luôn đôi bít tất tay dấu vào lưng quần rồi cút thẳng”.
- Cảnh vật quê hương: Quê hương hiện ra trước mắt nhân vật tôi không còn đẹp như trong kí ức mà thật “thê lương tàn tạ, giữa quang cảnh của trời đông u ám gió lùa là thôn xóm tiêu điều, hoang vắng nằm im lìm giữa vòm trời màu vàng úa”.
+ Thái độ tình cảm của tác giả:
– Thất vọng, buồn bã trước sự thay đổi của con người và cảnh vật của quê hương. “Đọc Cố hương ta bắt gặp một giai điệu buồn, một nỗi buồn xuyên suốt sâu xa từ hiện thực mang chất trữ tình thảm trầm, thấm thía”.
– Nỗi băn khoăn day dứt và ước mơ về một sự thay đổi, khát khao về một xã hội mới tốt đẹp cho con người.
Câu 4. Đọc kĩ ba đoạn văn sau và trả lời câu hỏi.
a. “Nhưng tiếc thay, đã hết tháng giêng. Nhưng từ đấy chúng tôi không hề gặp mặt nhau nữa”. Đoạn này chủ yếu dùng phương thức tự sự, thông qua đó tác giả thể hiện sự gắn bó giữa nhân vật tôi và Nhuận Thổ thời thơ ấu.
b. “Người đi vào là Nhuận Thổ... vừa thô kệch, vừa nặng nề nứt nẻ như vỏ thông”. Đoạn này chủ yếu dùng phương thức miêu tả, chủ đích của tác giả là làm nổi bật sự thay đổi của Nhuận Thổ hai mươi năm sau.
c. “Tôi nghĩ bụng. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Đoạn này chủ yếu dùng phương thức lập luận, qua đó tác giả thể hiện những suy ngẫm của mình về cuộc sống.
III. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1. Chọn đoạn văn mà em thích nhất trong tác phẩm để học thuộc.
Trong truyện có rất nhiều đoạn văn hay. Nhưng đoạn văn thể hiện tính triết lí và có ý nghĩa sâu sắc em nên chọn để học thuộc là đoạn cuối cùng của tác phẩm: Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư, cũng giống như những con đường trên mặt đất, kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi.
Câu 2. Tìm những từ ngữ thích hợp trong tác phẩm điền theo bảng mẫu dưới đây:
Sự thay đổi ở nhân vật Nhuận Thổ | ||
Nhuận Thổ lúc còn thơ (20 năm trước) | Nhuận Thổ lúc còn đứng tuổi (lúc “tôi” trở về) | |
Hình dáng | Khuôn mặt tròn trĩnh nước da bánh mật, đội mũ lông chiên, cổ đeo vòng bạc sáng loáng, bàn tay hồng hào lanh lẹn, mập mạp | Nước da vàng sạm, những nếp nhăn sâu hoắm, mí mắt viềm đỏ húp mọng lên, cái mũi lông chiên rách tươm mọc một chiếc áo bông mỏng dính, bàn tay vừa nặng nề và nứt nẻ như vỏ thông |
Động tác | Tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm theo một con tra | Người co rúm, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài |
Giọng nói | Dứt khoát rõ ràng | Môi mấp máy nhưng không nói ra tiếng |
Thái độ đối với “tôi” | Yêu mến quyến luyến: Hắn lẩn trong bếp khóc to và không chịu về | Nét mặt vừa hớn hở vừa thê lương, dáng điệu cung kính chào rất rành mạch |
Tính cách | Nhanh nhẹn, tháo vát biết nhiều chuyện lạ lùng: Bãy chim sẻ, đâm tra, bên bờ biển có những vỏ sò đủ màu sắc | Trông anh phảng phất như một pho tượng, có lẽ anh chỉ cảm thấy khổ nhưng không nói ra được hết, ngồi trầm ngâm lặng lẽ hút thuốc |
IV. Tư liệu tham khảo
Đọc Cố hương của Lỗ Tấn, đầu tiên ta bắt gặp nỗi buồn. Buồn vì xa quê và lại sắp từ giã quê hương cũng có, nhưng chủ yếu là buồn vì thôn xóm “hoang vắng”, “tiêu điều”, “nằm im lìm dưới vòm trời màu vàng úa”, đến nỗi nhân vật “tôi” có phần hoài nghi, không nhận ra. Buồn hơn nữa là người bạn Nhuận Thổ mà “tôi” quen từ 20 năm trước, khi hắn mới mười tuổi, một thiếu niên cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba lanh lợi, hiên ngang, biết nhiều, giờ đây đã biến thành một con người khác: Già nua, đần độn. Xưa Nhuận Thổ và Tấn – tên người xưng “tôi” – cùng trang lứa chơi thân với nhau, khi chia tay đều khóc, thế mà bây giờ Nhuận Thổ đã có sáu con, gặp bạn cũ lại chào: “Bẩm ông” làm cho Tấn cảm thấy có một bức tường cao vô hình vây bọc bốn phía, khiến ông trở nên trơ trọi và cảm thấy ngột ngạt. Người với người đã bị phân cách! Tình trạng Nhuận Thổ thật thô, thảm: “Con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thổ hào đầy đọa thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi!”. Có khổ mà không nói ra được hết, anh chỉ trầm ngâm, lặng lẽ hút thuốc. Nhuận Thổ vẫn giữ được bản chất tốt đẹp. Quý bạn, tuy nghèo mà vẫn có quà tặng. Khi được quyền muốn lấy gì thì lấy, Nhuận Thổ chỉ lấy rất ít: Bàn ghế, tro, bộ lư hương, chân nến và một cái cân. Sự lựa chọn này chứng tỏ Nhuận Thổ là người không tham lam, mà lại rất thiết thực: Bàn ghế để ngồi vì nhà đông, cái cân để khi mua bán khỏi bị cân điêu, tro để bón ruộng, còn bộ tam sự để cầu cúng, xin thần linh phù hộ. Điều này cũng đáng buồn, bởi Nhuận Thổ ngoài trông mong vào cầu cúng thần linh chắng biết trong mong vào đâu nữa! Nhân vật thứ hai đáng buồn là chị Hai Dương. Chị ta có một hình dáng xấu xí: Lưỡng quyền cao, môi mỏng, chân gầy nom như cái com - pa, lại đanh đá, ngoa ngoắt, mồm mép luôn áp đặt cho người khác, miệng chưa xin tay đã lấy, lại còn đơm đặt cho Nhuận Thổ để kể công, xưng đã từng bế Tấn lúc còn nhỏ để kiếm cớ mà xin đồ đạc. Thật là một tính cách tàn nhẫn, bạo liệt. Đó là sự sa sút về nhân cách và đạo lí của con người.
Khách khứa cũng đáng buồn: Kẻ đến đưa chân, kẻ đến lấy đồ đạc. Có kẻ vừa đưa chân vừa lấy đồ đạc. Cho đến trước khi đi thì đồ đã bị lấy “sạch như quét”. Quê hương buồn như thế, cho nên khi thuyền đi xa dần “nhưng lòng tôi không chút lưu luyến” (dịch sát thì câu này “nhưng lòng tôi không lấy gì làm lưu luyến). Cả hình ảnh “đứa trẻ oai hùng” năm xưa rõ lắm trong kí ức bây giờ cũng mờ nhạt đi. Một hình ảnh quê hương tốt đẹp trong kí ức bây giờ hầu như hoàn toàn sụp đổ. Nỗi buồn ấy, hình ảnh ấy làm cho truyện ngắn Cố hương ngập tràn một điệu buồn bi kịch. Nhưng truyện Cố hương không chỉ có một điệu buồn. Đọc kĩ truyện, ta thấy Lỗ Tấn dành tình thương yêu, hi vọng cho lớp trẻ. Nhớ đến Nhuận Thổ niên thiếu oai hùng và không ngăn cách. Bây giờ khi ra đi, cháu Hoàng và Thuỷ Sinh vẫn không cảm thấy ngăn cách, Thuỷ Sinh hẹn Hoàng đến chơi, và Hoàng đang hỏi khi nào về. Điều đó đem cho “tôi” niềm hi vọng: “Tôi mong ước chúng nó sẽ không giống chúng tôi, không bao giờ phải cách bức nhau cả. Nhưng tôi cũng không muốn chúng nó vì thân thiết với nhau mà phải vất vả, chạy vạy như tôi, cũng không muốn chúng nó phải khổ mà đần độn như Nhuận Thổ, cũng không muốn chúng nó khốn khổ mà tàn nhẫn như bao nhiêu người khác. Chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa từng được sống”. Truyện Cố hương như ngập chìm trong kí ức và suy ngẫm: Hồi ức về quê hương, về Nhuận Thổ, về ngày giỗ linh đình. Tác giả dành những từ đẹp đẽ để nói về quá khứ: “Cảnh tượng thần tiên, kì dị”. Sự đối chiếu hiện tại và quá khứ là biện pháp nghệ thuật quan trọng nhất: Dòng họ xưa đông đúc mà nay đã chia tan. Ngôi nhà xưa đẹp đẽ mà nay cỏ tranh đã mọc trên mái. Người xưa cho rằng con cái có hiếu là không được bán đi gia sản của cha ông để lại, thế mà nay phải bán nhà. Nhuận Thổ xưa đẹp là thế mà nay đã già lão, đần độn thế này. Sự đối chiếu ấy đã gợi ra bao nhiêu là cảm xúc! Nhà văn còn đối chiếu cả hiện tại và tương lai, thế hệ già và thế hệ trẻ mai sau. Nhà văn cũng đối chiếu Nhuận Thổ và chị Hai Dương, rồi “tôi” và Nhuận Thổ. Nếu nói nghệ thuật truyện ngắn là nghệ thuật sáng tạo ra những tương phản, đối chiếu, thì truyện Cố hương đã có bao nhiêu là tương phản để gợi ra bao nhiêu vấn đề. Gấp truyện lại, ngoài mấy vấn đề gợi ra trên đây, nhà văn còn nói với ta nhiều chuyện nữa, tạo thành cái dư vị còn đọng mãi trong tâm hồn.
Mời các bạn làm bài tiếp theo: Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 16: Những đứa trẻ
Ngoài tài liệu kể trên mời các bạn tham khảo thêm về Ngữ văn lớp 9: Văn mẫu lớp 9: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ của em về vầng trăng trong bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy, Cảm nhận của em về bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten