Bộ đề thi thử tốt nghiệp THPT 2025 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Số 5 (có đáp án)
Bộ đề thi thử bám sát đề minh họa môn Ngữ văn
Bộ đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Số 5 có đáp án được VnDoc.com tổng hợp gồm có 9 mã đề thi. Mỗi đề gồm có 2 phần đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm bài trong thời gian gian 120 phút. Đề có đáp án, ma trận và bản đặc tả kèm theo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm tài liệu ôn thi kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới nhé.
1. Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn - Đề 1
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
[…]Tôi đi như bốc lên trên bụi đường số Một
Qua gạch vụn hai bên, người đang tới dựng nhà,
Nhịp cầu mới vươn tay kéo nhịp cầu đã sập
Cây nham nhở tàn tro vừa kịp nhú nhành hoa...
Tôi gặp khắp nơi những bàn tay vun quén
Tôi thuộc đến như in những vóc dáng cần cù
Đất nước dám hy sinh tất cả dành Kháng chiến
Ngày thắng giặc hôm nay, sẽ đủ sức làm bù.
Mỗi em bé phút này tung tăng vào lớp một
Đều sinh trong thời có triệu tấn bom rơi,
Mỗi cô gái thu này bắt đầu may áo cưới
Đều đã đứng lên từ công sự bom vùi!
Đâu tiếng ru à ơi qua nghìn làng sơ tán?
Đêm thức trắng không đèn, chuyến phà chật mùa mưa?
Kỷ niệm vẫn theo ta, diết da và loé sáng,
Truyền sức sống hôm qua vào sức sống bây giờ!
(Tam Đảo 1973).
(Trích Đất nước, Bằng Việt, Đất sau mưa, NXB tác phẩm mới, 1977, tr.8)
Chú thích:
- Bằng Việt tên thật Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Thơ của Bằng Việt được đánh giá là trẻ trung, hồn nhiên và tài hoa, với cảm xúc tinh tế, giọng điệu tâm tình, trầm lắng, suy tư và giàu triết lí.
- Bài thơ Đất nước được in trong tập Đất sau mưa (1977). Nội dung bài thơ nói riêng và cả tập thơ nói chung tràn đầy cảm hứng về Đất nước và con người trong chiến tranh.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định chủ thể trữ tình trong văn bản.
Câu 2. Theo đoạn trích, hình tượng Đất nước đau thương được khắc họa qua những từ ngữ, hình ảnh nào?
Câu 3. Phân tích tác dụng của phép điệp cấu trúc trong đoạn thơ:
“Mỗi em bé phút này tung tăng vào lớp một
Đều sinh trong thời có triệu tấn bom rơi,
Mỗi cô gái thu này bắt đầu may áo cưới
Đều đã đứng lên từ công sự bom vùi!”
Câu 4. Nêu cảm hứng chủ đạo của đoạn thơ trên.
Câu 5. Từ những cảm nhận của chủ thể trữ tình về hình tượng Đất nước trong đoạn trích trên, anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
II. VIẾT (6 điểm).
Câu 1. (2 điểm)
Anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận về hình tượng Đất nước trong hai khổ thơ đầu của đoạn trích Đất nước, nhà thơ Bằng Việt ở phần đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm)
“Cuộc sống rất cần sự sáng tạo của con người, đặc biệt là những người trẻ tuổi”.
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về sự sáng tạo của tuổi trẻ trong cuộc sống hiện nay.
2. Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn - Đề 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
(Tóm tắt đoạn trước: Thứ là một thanh niên được học hành, có hoài bão, chí hướng. Sau khi lấy được bằng Thành chung, y vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Nhưng sau 3 năm, nghèo khó, bệnh tật, y phải về quê, chịu cảnh thất nghiệp. Đích, anh họ Thứ, chung vốn với Oanh, vợ chưa cưới của Đích, mở một trường tư ở ngoại ô Hà Nội. Do được bổ đi làm ở xa, Đích mượn Thứ đứng chân hiệu trưởng và mời dạy mấy lớp trên. Ban đầu, Thứ rất hào hứng, tận tâm nhưng chỉ ít lâu, anh chán nghề... Bao nhiêu tiền thu được đều vào túi Oanh. Oanh không những bóc lột sức lao động của Thứ và San (một giáo viên của trường, dạy các lớp dưới) mà khi nấu cơm cho họ, Oanh còn bắt họ ăn uống quá kham khổ. Nhiều lần Thứ định nói chuyện dứt khoát với Oanh để giải thoát cho mình và tổ chức lại cái trường cho tử tế. Nhưng bản tính nhút nhát, do dự, sợ va chạm nên Thứ cứ ngần ngại, để tình trạng nặng nề kéo dài. Cuộc sống chung đụng ngày càng không chịu nổi vì thói keo bẩn, thở lợ của Oanh. Thứ bực và buồn lắm vì thấy rằng sống với người nhỏ nhen thì mình cũng thành nhỏ nhen).
Thứ không đáp. Y ngẫm nghĩ. Mặt y hầm hầm và đôi môi y chụm lại. Rồi y hằn học bảo:
- Kiếp chúng mình, tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mỏi mòn tài năng, trí óc, giết chết những mong muốn đẹp, những hi vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói. Lúc nào cũng làm thế nào cho không chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực?
Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ làm thế nào cho mình và vợ con có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào cái dạ dày. Có ai muốn gục mặt xuống làm gì? Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất. Hỡi ôi! Người ta đã phí bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu công lao để giải thoát loài người. Giê-su (Jesus) đã phải đổ máu ra. Thích Ca đã phải từ bỏ tất cả những phú quý vinh hoa của đời mình. Vô ích cả, chừng nào nhân loại chưa thoát khỏi những xiềng xích của cái đói và cái rét. Thứ thường có những lúc sực nhớ đến những cao vọng của mình xưa, ngán ngẩm buồn, tiếc cho mình. Y cứ đinh ninh rằng giá y không bị nghèo thì có lẽ y không đến nỗi đớn hèn thế này đâu. Có lẽ y sẽ làm được một cái gì. Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt!…
(Trích Sống mòn, in trong Tuyển tập Nam Cao, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội, 2005, tr. 259-260)
*Chú thích: Nam Cao (1915-1951) tên Trần Hữu Tri, quê Hà Nam. Ông là nhà văn hiện đại xuất sắc của văn học Việt Nam.Với 15 năm cầm bút, ông có hai tiểu thuyết, 50 truyện ngắn. Nam Cao thành công ở lĩnh vực truyện ngắn: Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa…
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định ngôi kể được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Trong đoạn trích, nhân vật Thứ quan niệm thế nào là “sống”?
Câu 3. Nêu tác dụng của hai câu hỏi tu từ: Như vậy thì sống làm gì cho cực? Có ai muốn gục mặt xuống làm gì?
Câu 4. Nhận xét về phẩm chất của nhân vật Thứ trong đoạn trích.
Câu 5. Anh / Chị có đồng tình với quan điểm “Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt” trong đoạn trích không? Vì sao? (Trình bày trong khoảng 5- 7 dòng.)
II. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (200 chữ) phân tích cách cảm nhận của nhân vật trữ tình/ nhân vật “anh” về tình yêu trong đoạn thơ sau:
… Chỉ một người ở lại với anh thôi
Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi
Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới
Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương
Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn
Anh lạc bước, em đưa anh trở lại
Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi
Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh
Khi những điều giả dối vây quanh
Bàn tay ấy chở che và gìn giữ
Biết ơn em, em từ miền gió cát
Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng
Anh thành người có ích cũng nhờ em
Anh biết sống vững vàng không sợ hãi
…“Anh yêu em và anh tồn tại”.
(Trích Và anh tồn tại, in trong Lưu Quang Vũ – Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013, tr. 199-200).
*Chú thích: Lưu Quang Vũ (1948 – 1988), là nhà soạn kịch, nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Việt Nam. (…) Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Các bài thơ được bạn đọc yêu thích: Và anh tồn tại, Tiếng Việt ...
Câu 2. (4.0 điểm)
Anh / chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về ý kiến: Hạnh phúc của tuổi trẻ đơn giản là được cống hiến.
Mời các bạn cùng tải về bản DOC hoặc PDF để xem đầy đủ nội dung nhé