Cách tính lương: Hướng dẫn chi tiết cho từng hình thức trả lương
Tiền lương luôn là vấn đề được người lao động quan tâm hàng đầu khi đi làm. Vậy tiền lương trả cho người lao động được tính theo công thức nào? Sau đây mời các bạn tham khảo hướng dẫn chi tiết cho từng hình thức trả lương.
Cách tính lương: Hướng dẫn chi tiết cho từng hình thức trả lương
1. Các hình thức trả lương cho người lao động
Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ:
Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
Như vậy, các bên có thể thỏa thuận một trong 03 hình thức trả lương: theo thời gian, theo sản phẩn hoặc khoán.
Với mỗi hình thức trên, người lao động sẽ được trả lương trong thời gian tương ứng như sau:
- Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần: Được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Người lao động hưởng lương tháng: Được trả lương 01 lần/tháng hoặc nửa tháng một lần.Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc khoán: Được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Căn cứ: Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 .
2. Hướng dẫn cách tính lương theo quy định mới
Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể về cách tính tiền lương trả theo thời gian, theo sản phẩm hoặc trả lương khoán cho người lao động như sau:
* Tiền lương theo thời gian:
- Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc:
Tiền lương trả cho 01 tháng | = | Tiền lương tháng mà các bên đã thỏa thuận tại hợp đồng lao động |
- Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc: Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng:
Tiền lương trả | = | Tiền lương tháng | x | 12 tháng | : | 52 tuần |
- Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc:
+ Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng:
Tiền lương trả | = | Tiền lương tháng | : | Số ngày làm việc bình thường trong tháng |
Trong đó: Số ngày làm việc bình thường trong tháng được thực hiện theo quy định của pháp luật do doanh nghiệp lựa chọn.
Thực tế, tùy vào chế độ nghỉ của doanh nghiệp và thời gian thực tế của tháng làm việc (có tháng là 28, 30 hoặc 31 ngày) mà số ngày làm việc bình thường trong tháng sẽ là khác nhau.
Ví dụ: Tháng 8/2021 có 31 ngày mà doanh nghiệp thực hiện chế độ nghỉ chủ nhật (tháng 8 có 4 ngày chủ nhật) thì số ngày làm việc bình thường của người lao động tại tháng này là 31 - 4 = 27 ngày .
+ Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần:
Tiền lương trả | = | Tiền lương tuần | : | Số ngày làm việc trong tuần |
Trong đó: Số ngày làm việc trong tuần là số ngày làm việc theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2019, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục nên số ngày làm việc bình thường trong tuần tối đa là 06 ngày. Nếu doanh nghiệp thực hiện chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật thì số ngày làm việc bình thường là 05 ngày.
- Tiền lương được trả cho một giờ làm việc: Nếu hợp đồng thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày:
Tiền lương trả | = | Tiền lương ngày | : | 08 giờ |
Trong đó: 08 giờ là số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019.
* Tiền lương trả theo sản phẩm:
Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao:
Tiền lương | = | Số lượng sản phẩm | x | Đơn giá sản phẩm |
* Tiền lương khoán:
Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Tiền lương | = | Mức lương khoán | x | Tỷ lệ % hoàn thành công việc |
3. Tiền lương của người lao động trong một số trường hợp đặc biệt
Thông thường, người lao động phải đi làm mới được trả lương và tiền lương được tính theo công thức trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người lao động nghỉ làm vẫn được hưởng lương hoặc đi làm và được trả lương với mức cao hơn. Cụ thể:
1 - Người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ lễ Tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.
Theo quy định tại Điều 112, Điều 113 và Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động nghỉ lễ, Tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng trong một số trường hợp sẽ được hưởng nguyên lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
2 - Người lao động ngừng việc không do lỗi từ chính người đó.
Theo quy định Điều 99 Bộ luật Lao động, người lao động ngừng việc không do lỗi của mình vẫn được trả lương:
- Do lỗi của người sử dụng lao động: Được trả lương theo hợp đồng lao động.
- Vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế: Tiền lương theo thỏa thuận của các bên nhưng đảm bảo:
- Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: Tiền lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Ngừng việc trên 14 ngày làm việc: Tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
3 - Người lao động làm ban đêm, làm thêm giờ.
Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ sẽ được tính lương cao hơn so với bình thường:
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Xem thêm: Bảng lương theo vị trí việc làm năm 2022 của cán bộ, công chức, viên chức
Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết Cách tính lương: Hướng dẫn chi tiết cho từng hình thức trả lương. Tóm lại sẽ có 03 hình thức trả lương: theo thời gian, theo sản phẩn hoặc khoán. Và lương cơ bản không bao gồm các khoản trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng, phúc lợi và các khoản thu nhập bổ sung khác. Các bạn cũng lưu ý rằng lương cơ bản không phải là lương thực nhận của người lao động.
Dành cho giáo viên
- Sửa đổi chế độ nâng bậc lương thường xuyên, trước thời hạn với cán bộ, công chức, viên chức
- Bảng lương chi tiết công chức hành chính từ ngày 01/8/2021
- Công thức tính lương giáo viên theo quy định mới từ 20/3/2021
- Bảng lương giáo viên các cấp theo hạng chức danh nghề nghiệp mới từ 20/3/2021
- Mức hưởng và cách tính tiền phụ cấp thâm niên giáo viên từ 01/8/2021
- Hai nhóm giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên
- Thời gian tính hưởng và không hưởng phụ cấp thâm niên giáo viên
- Áp dụng quy định mới về phụ cấp thâm niên giáo viên từ 1/8/2021
- Lương giáo viên thay đổi ra sao khi áp dụng quy định mới phụ cấp thâm niên